Phá thai là tấn công Thánh Thể & Giáo Hội

Người Mỹ biểu tình tại thành phố Boston, bang Massachusetts hôm 24/6 để phản đối phán quyết của Tòa án Tối cao Mỹ khi Tòa này đưa ra phán quyết có lợi cho việc bảo vệ các thai nhi.

Hơn một tháng qua, chúng ta đã chứng kiến nhiều cuộc tấn công vô nghĩa nhằm vào các trung tâm ủng hộ sự sống, các tổ chức nguồn lực, và có lẽ bi thảm nhất là các nhà thờ Công giáo. Mới đây, nhóm Jane’s Revenge (Mối Thù của Jane) đã thừa nhận tổ chức các cuộc biểu tình bạo động ở hơn 16 thành phố tại Mỹ, nói rằng họ làm việc ở “vô số địa điểm một cách vô hình,” nhận thấy nó “dễ dàng và thú vị để tấn công” vì nó cung cấp nguồn “niềm vui và can đảm” đối với họ.

Một bản đồ được xuất bản gần đây tại Catholic News Agency (Cơ quan Thông tấn Công giáo) đã xác định hơn 10 tiểu bang đã xảy ra các hành vi này. Trang CatholicVote đang theo dõi bạo lực chống lại các Nhà thờ Công giáo – hiện ghi nhận hơn 100 vụ việc.

Tại sao có bạo động? Bởi vì chúng ta phải đối mặt với cuộc đấu tranh tinh thần của đời mình. Điều gì chứng tỏ rằng sự xung đột phá thai chủ yếu là tâm linh? Có lẽ những hậu quả bi thảm của việc phá thai có thể làm sáng tỏ điều này.

Một trong những khách mời gần đây của chúng tôi trên EWTN Pro-Life Weekly đã nói rằng văn hóa phá thai là vấn đề gốc rễ của những bi kịch khác. Anh ấy nói: “Khi bạn có cả một xã hội tự tin vào việc giết hại những đứa trẻ vô tội, làm sao bạn có thể mong đợi mọi người lớn lên thực sự tôn trọng sự sống chứ?”

Thật bi thảm, có sự cô lập giữa mọi người ngày càng tăng, xu hướng quy hướng vào chính mình. Rốt cuộc, việc hợp pháp hóa phá thai được quảng cáo là giải phóng dưới khẩu hiệu ích kỷ: “Cơ thể của tôi, sự lựa chọn của tôi.” Nạn phá thai đã làm chao đảo lương tâm của dân tộc chúng ta, và khơi lên sự căm ghét trong lòng những người bị lừa dối về hệ lụy tàn phá của nó.

Sự căm ghét đó đã thể hiện chính nó, không chỉ trên các bước của Tòa Án Tối Cao, mà còn ở các tiểu bang, như đã nêu trên đây. Những người ủng hộ phá thai quyết tâm tiêu diệt những người đang hành động để chấm dứt phá thai, họ tin rằng “giải phóng” họ khỏi sự ràng buộc với nhu cầu của người khác, chẳng hạn như người bạn đời và con cái của họ. Những người coi việc phá thai như một “quyền” đều công nhận rằng không chỉ các trung tâm thụ thai là mối đe dọa đối với họ, mà còn là giáo lý nền tảng của đức tin Công giáo. Vì vậy, các nhà thờ Công giáo cũng đang bị phá hoại, và trong một số trường hợp, sự thù địch biểu lộ như Thân Thể của Chúa Kitô bị xúc phạm nghiêm trọng, bị ném ra khỏi Nhà Tạm và rải rác trên các sàn nhà nguyện.

Ký giả Matthew McDonald đã viết rằng trong một số trường hợp, chẳng hạn như vụ trộm tại nhà thờ ở Brooklyn mới đây, nhiều người đã hạ thấp tính trang nghiêm của Nhà Tạm bị tấn công và cói đó như một điều tốt, bởi vì họ bác bỏ giáo huấn của Giáo hội Công giáo về việc phá thai. Thực tế tồi tệ là một số người vận động phá thai đang đe dọa phá hủy nguồn gốc và đỉnh cao đức tin của chúng ta.

Rõ ràng chúng ta phải đối mặt với kẻ thù tâm linh sao? Việc ủng hộ phá thai đã khiến một số người tấn công Bí tích Thánh Thể, và cũng gây chia rẽ trong các tín hữu Công giáo. Một bài trên báo Wall Street Journal đã phản chiếu điểm xấu xa về “sự chia rẽ” trong suy nghĩ của những người Công giáo về cách tín hữu nên tiếp cận với việc phá thai. Giáo huấn Công giáo đã làm cho chân lý đơn giản đó rất rõ ràng: Phá thai là một tội ác trổi vượt.

Giáo lý Công giáo cho biết: “Cộng tác vào chính việc phá thai là một lỗi nặng. Theo giáo luật, Hội Thánh ra vạ tuyệt thông cho kẻ phạm tội này. ‘Ai thi hành việc phá thai, và việc phá thai có kết quả, thì mắc vạ tuyệt thông tiền kết,’ (x. CIC, can. 1398) “do chính hành vi phạm tội’ ( x. CIC, can, 1314 ) và theo những điều kiện đã được giáo luật dự liệu. (x. CIC, can. 1323-1324) Như thế Hội Thánh không có ý giới hạn lòng thương xót của Thiên Chúa, nhưng muốn nhấn mạnh tính cách nghiêm trọng của tội ác đã phạm, sự thiệt hại không sửa chữa được đã gây ra cho trẻ vô tội bị giết chết, cho cha mẹ của em và cho toàn xã hội.” (số 2272)

Thánh GH Gioan Phaolô II đã nhắc đến việc Cain giết Abel: “Kinh Thánh tiết lộ sự xuất hiện của cơn giận dữ và lòng đố kỵ trong con người… Anh giết em. Giống như trường hợp huynh đệ tương tàn đầu tiên, mọi vụ giết người đều là vi phạm mối quan hệ họ hàng “thiêng liêng” liên kết loài người… Không phải hiếm khi mối quan hệ họ hàng “ruột thịt” cũng bị vi phạm; ví dụ khi các mối đe dọa đến tính mạng nảy sinh trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, chẳng hạn như việc phá thai…” (Thông điệp Evangelium Vitae – Tin Mừng Sự Sống, 25-03-1995)

Chúng ta cũng phải nhớ câu Kinh Thánh này: “…Con Mãng Xà đứng chực sẵn trước mặt người Phụ Nữ sắp sinh con, để khi bà sinh xong là nó nuốt ngay con bà.” (Kh 12:4) Thánh Gioan Phaolô II nói những lời này sẽ giúp chúng ta nhận ra rằng “cuộc sống luôn là trung tâm của cuộc đấu tranh lớn giữa thiện và ác… và đứa trẻ đó cũng là hình ảnh của mỗi người, mỗi trẻ em, đặc biệt là mỗi em bé bơ vơ bị đe dọa tính mạng…”

Nạn phá thai là một mão gai mới dành cho Chúa của chúng ta, vì những đứa con vô tội của Ngài bị giết một cách vô lý, chúng là chính những người mà Ngài đã đến để cứu. Một linh mục đã nói với tôi rằng khi ngài còn là một tập sinh, ngài đã chứng kiến một thánh lễ tưởng niệm một thai nhi. Ngài nói với tôi rằng thân thể bé nhỏ của em bé đang ở ngay trước Thánh Thể để tôn thờ. Sự kết hợp bi thảm của cái chết và sự sống là những gì linh mục này nghĩ đến mỗi khi nghe chữ “phá thai” cho đến ngày nay… Rõ ràng những gì đã xảy ra với đứa bé đó là kết quả của một tội ác trái ngược với sự sống mới mà Đức Kitô muốn trao ban cho mỗi người chúng ta.

Việc phá thai làm tổn thương chính Chúa Giêsu. Chúng ta phải kiên trì chống lại những kẻ liên tục cố gắng tách chúng ta ra khỏi sự tốt lành của Chúa và sự thật của Ngài. Chúng ta phải cầu nguyện để họ được thoát khỏi những ảnh hưởng xấu xa, và được ơn hoán cải hoàn toàn trong lòng, vì Chúa Giêsu không bao giờ thiếu lòng thương xót, và luôn hy vọng về sự sống đổi mới trong Ngài.

PRUDENCE ROBERTSON

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ)