Hai tuần trước, cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã công bố những bức ảnh đầu tiên chụp bằng Kính thiên văn Vũ trụ James Webb, hé lộ những quang cảnh chưa từng thấy từ thuở hồng hoang của vũ trụ.
Các nhà khoa học khám phá ra vô vàn các vật thể khác nhau, bao gồm các thiên hà xa xăm, các đám mây sinh ra hàng triệu ngôi sao cùng một lúc và cả các hành tinh ngoài Hệ mặt trời với khả năng hỗ trợ sự sống.
Những khoảng không trước kia còn là mờ ảo, thì nay trở nên sắc nét. Rồi đây, một chân trời kiến thức mới sẽ mở ra trước mắt nhân loại.
Nhìn vào những bức ảnh, tuy không hiểu lắm về những vì tinh tú hoặc những dải thiên hà, nhưng chúng ta vẫn có thể cảm nhận được sự nhỏ bé của trái đất, của thế giới nơi mà chúng ta đang sống.
Đứng trước sự mênh mông của vũ trụ, con người có hai lựa chọn: Một là phủ nhận hoàn toàn sự hiện hữu của Thiên Chúa, giống như Yuri Gagarin, người đầu tiên bay vào không gian từng được đồn đoán nói rằng: “Tôi không thấy Chúa đâu cả.”
Lựa chọn thứ hai thuộc về những người tin Chúa. Càng chiêm ngắm đất trời, vũ trụ, người ta càng xác tín vào một Thiên Chúa sáng tạo lên vạn vật muôn loài. Có thể lấy các nhà du hành đầu tiên đặt chân lên mặt trăng làm ví dụ tiêu biểu.
Vào ngày 20 tháng 7 năm 1969, nhà du hành Buzz Aldrin đã hạ cánh thành công lên bề mặt mặt trăng và quay trở lại Trái đất vào ngày 24 tháng 7.
Ngay trước khi Buzz Aldrin và cấp trên của mình thực hiện “một bước nhỏ của con người”, Buzz Aldrin -một tín hữu Tin Lành- đánh dấu khoảnh khắc này bằng cách cử hành việc “Rước Lễ” ! Trước khi bước xuống bậc thang lên bề mặt mặt trăng, Aldrin ra hiệu cho mọi người dành một vài phút im lặng để mỗi người lắng nghe và “cảm tạ theo cách riêng của mình.”
Trước khi rước lễ, Aldrin đọc thầm một đoạn trong Kinh thánh mà ông đã viết trên một mảnh giấy — từ Tin mừng Gioan 15: 5: “Ta là cây nho, các ngươi là cành. Ai ở lại trong ta và ta ở trong người ấy, thì sẽ sinh nhiều hoa trái, vì các ngươi chẳng làm được gì nếu không có ta. ”
Vậy đó, càng ngắm nhìn vũ trụ, chúng ta càng nhận thấy công trình sáng tạo của Thiên Chúa kỳ diệu biết bao. Như lời thánh vịnh phải cất lên:
Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo
Muôn trăng sao Chúa đã an bài
Thì con người là chi mà Chúa cần nhớ đến
Phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm?
Trong đức tin, ngoài việc hướng ánh mắt lên trời cao để chiêm ngưỡng công trình của Thiên Chúa, chúng ta còn có nhiều cách khác để nhận biết Thiên Chúa vĩ đại dường bao.
Thay vì dùng những chiếc kính viễn vọng, chúng ta có con mắt đức tin, một loại thấu kính tâm linh, đủ nhạy, đủ gần để nhận biết Chúa hiện diện và hoạt động trong cuộc đời này qua sự thánh thiện của những con người được Thiên Chúa tuyển chọn. Nơi Đức Maria chúng ta dễ dàng nhận ra điều đó.
Bên giáo hội đông phương, có một tước hiệu của Đức Mẹ được rất nhiều người yêu mến là Platytera ton ouranon, dịch sang tiếng Anh là “More spacious than the heaven,” còn tiếng Việt thì tôi tạm dịch là “Rộng lớn hơn cả các tầng trời.”
Chúng ta hãy tạm dừng một chút để xem thử tước hiệu này có hàm ý gì. Rõ ràng, trong vũ trụ vô cùng rộng lớn này, chúng ta chỉ là một hạt bụi vô cùng nhỏ bé. Thiên hà của chúng ta, vốn chỉ là một phần rất nhỏ của vũ trụ, nhưng đủ lớn để ánh sáng phải mất 100.000 năm mới có thể vượt qua được ranh giới. Phần rìa của vũ trụ có thể quan sát được, mà các công cụ thiên văn hiện tại cho phép chỉ là phần nổi của tảng băng trôi của những vùng không gian vô biên chưa được khám phá.
Tuy nhiên, chúng ta nhận ra rằng Đức Chúa Trời vĩ đại hơn thế rất nhiều. Vũ trụ, đối với tất cả sự rộng lớn của nó, vẫn là hữu hạn. Chúa là vô hạn!
Nhưng đây là bí ẩn lớn mà chúng ta ca nhắc đến trong tước hiệu Platytera ton ouranon- Đức Chúa Trời, Đấng không thể được chứa trong vũ trụ được tạo ra của Ngài, đã chọn được cưu mang trong cung lòng nhỏ bé của Đức Maria.
Vì vậy, chúng ta gọi Mẹ Maria là “Rộng rãi hơn cả các tầng trời.” Trong lòng Mẹ cưu mang Đấng nắm giữ toàn thể vũ trụ.
Do đó, bài thánh ca Akhatist của Chính thống giáo Đông phương đã đề cao vị trí của Mẹ: “Hỡi người mẹ thuần khiết nhất, bà đã được tạo ra rộng rãi hơn các tầng trời, vì Đức Chúa Trời không thể được chứa trong toàn thể vũ trụ, nhưng Ngài đã chọn được chứa trong lòng bà vì ơn cứu độ của chúng tôi.”
Tạ ơn Chúa, cám ơn Đức Mẹ vì Chúa đã thương ghé mắt tới nhân loại này. Ngài đến để làm người giữa chúng con, để cùng chung chia phận người đầy khổ đau, nước mắt.
Duc Trung Vu, CSsR