BEIRUT (CNS) – Aleppo, bị bao vây và phá hủy trong cuộc chiến ở Syria, giờ đây đã bình yên, nhưng 11 năm chiến tranh và các biện pháp trừng phạt kinh tế đi kèm đã khiến thành phố trở nên nghèo nàn.
“Chúng tôi không có bất kỳ hình thức bạo lực trực tiếp, các nhóm vũ trang hoặc các cuộc bắn phá nào trên hoặc xung quanh thành phố kể từ cuối năm 2017”, Đức Giám mục Antoine Audo Địa phận Aleppo thuộc Giáo hội Công giáo nghi lễ Chaldean phát biểu với CNS trong chuyến viếng thăm Lebanon. “Hiện tại, vấn đề là sự tấn công của tình trạng đói nghèo”.
“Vì lệnh cấm vận đối với Syria, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Không có việc làm. Chúng tôi không có nhiên liệu”, vị Giám chức nói.
Hiện nay, 80% cư dân của thành phố sống dưới mức nghèo khổ, Đức Giám mục Audo cho biết.
“Người giàu rời bỏ đất nước hoặc trở thành tầng lớp trung lưu, tầng lớp trung lưu trở nên nghèo và người nghèo trở nên túng khổ”, Đức Cha Audo nói. “Đó quả là một tình huống cực kỳ khó khăn”.
Vị Giám chức lưu ý rằng “tất cả” những người giàu có, đặc biệt là các Kitô hữu, những người sở hữu các nhà máy, các ngành nghề và có thế mạnh trong lĩnh vực thương mại – và do đó là những người sử dụng lao động lớn – đã rời khỏi Syria.
Tại Aleppo, mức lương trung bình hàng tháng hiện là 50 đô la một tháng.
“Mỗi ngày tôi đều gặp gỡ những người chia sẻ với tôi những khó khăn của họ: làm thế nào để mua thực phẩm, làm thế nào để chi trả tiền họ phí, làm thế nào để trang trải chi phí chăm sóc y tế”, Đức Giám mục Audo nói.
“Mỗi sáng, tôi đi dạo. Tôi trò chuyện với mọi người. Họ đang ăn bánh mì (pita) mà chẳng có gì cả. Chỉ có bánh mì”, vị Giám chức giải thích.
Một số có thể thêm cà chua băm nhỏ vào bánh mì của họ và một giọt dầu, “nếu họ có dầu”, Đức Giám mục Audo nói. Thịt và pho mát hiện được coi là những thứ xa xỉ, xa tầm với.
“Họ lâm cảnh đói kém”, Đức Giám mục Audo nói. “Người dân đang phải chịu nhiều đau khổ”.
Do tình trạng thiếu nhiên liệu, chính phủ chỉ cung cấp điện sáu giờ mỗi ngày. Những người có đủ khả năng để bổ sung một máy phát điện tư nhân có thể tăng năng lượng điện của họ thêm sáu giờ nữa, “nhưng mọi thứ rất đắt đỏ”, Đức Giám mục Audo nói.
Giữa những đau khổ, sự hiện diện của các Kitô hữu tại Syria tiếp tục giảm dần, do tình trạng di cư. Khi những người trẻ tuổi tốt nghiệp một trường đại học, họ rời Syria vì họ không nhìn thấy tương lai ở đất nước, vị Giám chức nói.
Đức Giám mục Audo, người gốc Aleppo, cho biết rằng, trước chiến tranh, có khoảng 1,5 triệu Kitô hữu tại Syria; giờ đây, vị Giám chức ước tính con số của họ là 500.000 người. “Ở Aleppo, chúng tôi có 150.000 người. Hiện tại, chúng tôi chỉ còn 30.000 người”.
Vị Giám chức thừa nhận rằng Giáo hội không thể bắt mọi người ở lại, nhưng “với tư cách là các Giám mục và Linh mục, chúng tôi làm tất cả những gì có thể để giúp các Kitô hữu ở lại”. Sự trợ giúp đó bao gồm hỗ trợ y tế, giáo dục và những giỏ thức ăn cũng như hỗ trợ những người cao niên.
“Tổ chức Viện trợ các Giáo hội Đau khổ (ACN), Caritas và Dịch vụ Tị nạn Dòng Tên đang nỗ lực rất nhiều”, Đức Giám mục Audo nói. Vị Giám chức đã từng phục vụ với tư cách là Chủ tịch Caritas Syria cho đến năm 2017.
Mùa hè năm nay, nhằm xoa dịu sự đau khổ của các Kitô hữu, các nhà lãnh đạo Giáo hội đã tổ chức các buổi cắm trại kéo dài một tuần dành cho các nhóm thanh thiếu niên trong Giáo xứ và các gia đình ở ngôi làng Btar miền đồi núi. Vào thời điểm các buổi cắm trại kết thúc, 3.000 người sẽ tham dự, với phương tiện đi lại và chỗ ở do Tổ chức Viện trợ các Giáo hội Đau khổ (ACN), một cơ quan thuộc Đức Giáo hoàng cung cấp. Từ Aleppo, mất khoảng 5 tiếng đồng hồ đi xe buýt, và từ các khu vực gần Qamishli ở phía đông bắc, chuyến đi kéo dài nửa ngày.
Các hoạt động như vậy rất quan trọng để thúc đẩy tinh thần của các Kitô hữu và cung cấp sự nuôi dưỡng tinh thần, Đức Giám mục Audo nói.
Đức Giám mục Audo cho biết, sự hiện diện của các Kitô hữu tại Syria và Trung Đông hết sức quan trọng đối với Giáo hội hoàn vũ, đồng thời cũng cho biết thêm rằng mọi người “không khỏi ngạc nhiên khi các Kitô hữu phương Tây không hề lo lắng về vấn đề này”.
“Rất nhiều người Hồi giáo nói với chúng tôi: ‘Đừng rời đi, bởi vì nếu không có sự hiện diện của những người Kitô hữu ở Syria, thì Syria chẳng là gì cả’”, vị Giám chức nói.
“Hy vọng của tôi là thậm chí ngay cả khi chúng ta là một nhóm Kitô hữu thiểu số, chúng ta phải kiên trì, tích cực và cảm nhận về đức tin của chúng ta và làm chứng cho đức tin đó. Chúng ta không phải sợ hãi và chúng ta không phải trốn tránh. Chúng ta phải có một tầm nhìn và một sự xác tín, điều mà chúng ta có được từ đức tin của chúng ta, từ lịch sử của chúng ta”, Đức Giám mục Audo nói.
Minh Tuệ (theo SL Media)