Một tổ chức độc lập được đồng sáng lập bởi cha Marcelinus Agot, một linh mục ở tỉnh Đông Nusa Tenggara, Indonesia, nơi dân số phần lớn là Công giáo đã nhận được giải thưởng từ viện văn hóa Hồi giáo vì hoạt động dấn thân giảm tỷ lệ tử vong các bà mẹ và trẻ sơ sinh.
Ngày 17/12/2022, Trung tâm Tư vấn Sức khoẻ Khu vực ở tỉnh Đông Nusa Tenggara, Indonesia đã được trao Giải thưởng Maarif. Giải thưởng được đặt theo tên của ông Ahmad Syafi’i Maarif, từng là một nhà tri thức, một học giả, người đứng đầu Muhammadiyah, tổ chức Hồi giáo lớn thứ hai ở Indonesia, và là người sáng lập Viện Văn hóa và Nhân văn Maarif. Ông Maarif được biết đến với cách giải thích ôn hoà và tiến bộ về Hồi giáo cũng như phản đối ảnh hưởng trực tiếp của Hồi giáo trong chính trị.
Giải thưởng Maarif ghi nhận hoạt động xã hội của Trung tâm trong việc giúp giảm tỷ lệ tử vong của các bà mẹ, qua các nhà chăm sóc được xây dựng trong khu phức hợp của các trung tâm y tế cộng đồng, được gọi là Puskesmas.
Trung tâm Tư vấn Sức khoẻ Khu vực ở tỉnh Đông Nusa Tenggara được khởi xướng vào năm 2008 bởi cha Marcelinus Agot và một số nhân vật của công chúng, và chính thức thành lập vào năm 2013.
Ngoài Trung tâm Tư vấn Sức khoẻ do cha Marcelinus Agot thiết lập, hai tổ chức và một cá nhân khác cũng nhận được giải thưởng này. Từ năm 2007, Viện Văn hóa và Nhân văn Maarif đã trao giải thưởng cho cá nhân và nhóm hoạt động đấu tranh cho người dân trong các cộng đồng.
Cha Agot cũng là chủ tịch của Trung tâm Tư vấn Sức khoẻ Khu vực nói về giải thưởng: “Đây là một bất ngờ, bởi vì chúng tôi luôn làm việc cho mọi người trong âm thầm. Giải thưởng là một thách đố đối với chúng tôi. Chúng tôi phải cố gắng hơn nữa trong sự tôn trọng người khác và trợ giúp mọi người không phân biệt và kỳ thị tôn giáo. Chúng ta phải tránh điều này. Cứu người bất kể họ thuộc tôn giáo nào là điều quan trọng đối với chúng tôi. Ahmad Syafi’i Maarif là một nhân vật đặc biệt của công chúng. Ông rất khoan dung và tôn trọng sâu sắc sự đa dạng. Vì vậy, giải thưởng khuyến khích chúng tôi tiếp tục làm sinh động tinh thần đấu tranh vì nhân loại.”
Theo vị linh mục 71 tuổi, hoạt động xã hội dành cho các bà mẹ và trẻ sơ sinh bắt đầu từ 14 năm trước khi cha nhận thấy ở tỉnh này tỷ lệ tử vong của các bà mẹ cao, khoảng 20 ca trong một năm. Nguyên nhân do nhiều phụ nữ thay vì đến các bệnh viện hoặc các trung tâm dành cho họ, họ lại chọn sinh con với sự giúp đỡ của những người không có chuyên môn ở trong làng. Cha nói: “Mọi người đều có quyền sống. Đó là lý do tại sao chúng tôi bắt đầu cuộc chiến giành sự sống của các bà mẹ và trẻ sơ sinh.”
Phối hợp với dịch vụ y tế của chính quyền địa phương, nhóm của cha đã đi từ Puskesmas này sang Puskesmas khác trong quận để giúp cải thiện các nơi hỗ trợ các bà mẹ sinh con và cung cấp thuốc.
Ngoài ra, cha cho biết một phim về sinh con an toàn trong các trung tâm y tế cộng đồng đã được sản xuất với sự hợp tác của một cơ quan Úc và được chiếu tại các ngôi làng và trung tâm.
Cha nhận xét: “Kết quả tương đối tốt. Chưa đến 20 bà mẹ và trẻ sơ sinh tử vong trong vòng một năm. Tuy nhiên, chúng tôi không dừng lại. Chúng tôi đã phát động một phong trào, trong đó mỗi tháng các gia đình hỗ trợ tiền để giúp đỡ các bà mẹ nghèo đang mang thai sinh con ở Puskesmas.”
Cha Agot cho biết, việc làm tiếp theo là xây dựng một nhà chăm sóc các bà mẹ trong khu phức hợp Puskesmas. Đây là ngôi nhà được chuẩn bị cho các bà mẹ mang thai, đặc biệt là những người ở trong các ngôi làng xa xôi. Họ có thể ở miễn phí trong trung tâm vài ngày trước khi sinh, với sự phục vụ dành cho họ là phòng ngủ, phòng khách, nhà bếp và phòng tắm. Do đó, họ có thể sinh con trong một Puskesmas với sự giúp đỡ từ một nữ hộ sinh.
17 trong số 22 khu phức hợp Puskesmas trong huyện đã có một ngôi nhà như vậy. Cha hy vọng có thể xây dựng thêm ba cơ sở nữa vào năm tới.
Valentinus Hibur, người đứng đầu Puskesmas Benteng ở tiểu khu Komodo cho biết, vào năm 2018, Trung tâm Tư vấn đã xây dựng một ngôi nhà chăm sóc các bà mẹ trong khu phức hợp Puskesmas tại khu vực sinh sống của ông. Từ đó đã có ít nhất 89 phụ nữ mang thai được trợ giúp. Trong mỗi ngôi nhà có hai nữ hộ sinh làm việc theo hai ca. Ngôi nhà là nơi thực sự cần thiết cho các bà mẹ đến từ những ngôi làng xa xôi. Ông rất biết ơn Trung tâm vì hoạt động xã hội mang lại cho người dân và hy vọng Trung tâm sẽ tiếp tục giúp chính quyền địa phương trong việc giảm tỷ lệ tử vong các bà mẹ.
Adrianus Ojo, thư ký văn phòng dịch vụ y tế của quận đã gọi cha Agot và các cộng tác viên, những người khởi xướng Trung tâm Tư vấn là “mẫu gương thực sự”. Adrianus Ojo nói: “Họ có hành động cụ thể. Họ khuyến khích chúng tôi, những công chức, cũng tham gia vào một cuộc chiến tương tự. Chúng ta được kêu gọi để phục vụ dân chúng. Chúng tôi cảm thấy được thôi thúc để phục vụ và không chỉ nghĩ về tiền bạc”.
Ngọc Yến – Vatican News