Phong trào Laudato si’, cùng với Công giáo Tiến hành Ý và các thực thể Công giáo quốc gia khác, đưa ra lời kêu gọi “một nền kinh tế hòa bình”, thoái vốn khỏi nhiên liệu hoá thạch, như một dấu hiệu gần gũi với người dân Ucraina.
“Đứng dậy mau đi!” (Cv 12, 7). Lấy cảm hứng từ lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô tại lễ kính hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô vừa qua, một số hiệp hội Công giáo, bao gồm phong trào Laudato si’ và Công giáo Tiến hành Ý, đã kêu gọi các thực thể Công giáo quốc gia hoạt động hướng tới bền vững và một tương lai “xanh hơn”.
Trong một thông cáo báo chí, các hiệp hội viết: “Năm nay, hãy thực hiện cam kết thoái vốn của quý vị khỏi nhiên liệu hoá thạch như một dấu hiệu cho thấy quý vị đã ‘thoái vốn’ khỏi các khoản đầu tư vào một nền kinh tế khai thác và cướp bóc, với lợi ích địa chính trị đang gây xung đột trên khắp thế giới, đặc biệt ở Ucraina”.
Lời kêu gọi chỉ ra quá trình “hoán cải sinh thái” mà Giáo hội Ý đang thực hiện, giúp thay đổi hướng tới một nền kinh tế hòa bình. Điều này có thể thực hiện được bằng cách khuyến khích các cộng đoàn cầu nguyện và chiêm ngưỡng món quà của công trình sáng tạo, cá nhân và cộng đoàn đón nhận một lối sống chừng mực.
Thông cáo đề cập đến những lời của Đức Thánh Cha liên quan đến chủ đề chuyển đổi năng lượng: “Thời gian không còn nhiều! Các cuộc thảo luận phải vượt ra ngoài khám phá đơn thuần về những gì có thể được thực hiện và tập trung vào những gì cần phải được thực hiện, bắt đầu từ hôm nay. Chúng ta không có sự xa xỉ trong việc chờ đợi người khác bước tới hoặc ưu tiên các lợi ích kinh tế ngắn hạn”.
Các hiệp hội Công giáo nhấn mạnh thảm kịch chiến tranh. Một cuộc xung đột liên quan đến mọi người như nhắc lại những lời của Đức Thánh Cha cho Ngày Thế giới Cầu nguyện cho việc Chăm sóc Thụ tạo năm nay: “Lắng nghe những tiếng kêu đau khổ này, chúng ta phải sám hối và thay đổi lối sống cũng như các hệ thống phá hoại của chúng ta”.
Thông cáo báo chí kết luận: “Đây là thời điểm thuận tiện để đưa ra chứng tá hiệp hành rằng chúng ta muốn thay đổi hướng đi. Trong giai đoạn mới của tiến trình hiệp hành này, chúng ta cấp thiết cần một Giáo hội làm chứng bằng việc làm rằng Giáo hội biết cách thực hiện vai trò của mình trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi sinh thái ngay bây giờ. Một Giáo hội như Đức Thánh Cha đã yêu cầu các tín hữu Roma, một bí tích chăm sóc, với sứ vụ trao ban chính mình và yêu thương như Chúa đã yêu thương chúng ta”.
Ngọc Yến – Vatican News