Phát biểu trước các thẩm phán nhân dịp khai mạc Năm Tư pháp lần thứ 94 của Tòa án Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại rằng mọi cam kết vì hòa bình đều đòi buộc sự cam kết dấn thân dành cho công lý, và rằng công lý và lòng thương xót luôn song hành với nhau.
“Hòa bình không có công lý không phải là hòa bình thực sự, nó không có nền tảng vững chắc và cũng không mang lại một tương lai tốt đẹp.” Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh điểm này khi ngài phát biểu vào ngày thứ Bảy trước các thẩm phán nhân dịp khai mạc Năm Tư pháp lần thứ 94 của Tòa án của Vatican.
Tham dự lễ khai mạc còn có Bộ trưởng Tư pháp Ý, ngài Carlo Nordio, Thứ trưởng Bộ nội vụ Italia, ông Alfredo Mantovano, cùng một số đại diện của các cơ quan tư pháp cao nhất của nhà nước Ý.
Trong phần đầu của bài phát biểu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã suy tư về mối liên hệ chặt chẽ giữa công lý và hòa bình.
Ngài đặc biệt đề cập đến “sự tiến triển bi thảm” của cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine sau đại dịch, đã “đẩy cả thế giới trở lại cuộc khủng hoảng sâu sắc, trầm trọng hơn bởi nhiều cuộc chiến bùng nổ tiếp tục bùng phát ở các quốc gia khác”, đặt nhân loại trước nguy cơ tự diệt vong.
Mọi cam kết cho hòa bình đòi hỏi một cam kết cho công lý
Trước viễn cảnh kịch tính này và “trong một thế giới đang thất vọng vì bạo lực và chiến tranh”, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại rằng các Kitô hữu được kêu gọi chú ý đến lời loan báo Tin Mừng mang tính ngôn sứ của Chúa Giêsu bằng cách làm chứng tá Tin Mừng để giúp xây dựng hòa bình và công lý.
Thật vậy, “mọi cam kết vì hòa bình đều bao hàm và đòi hỏi một cam kết đối với công lý”, Đức Thánh cha nói, “không phải là một điều trừu tượng hay không tưởng” và “không chỉ là kết quả của một bộ quy tắc được áp dụng đơn thuần”. Đúng hơn, đó là “đức tính mà nhờ đó, chúng ta mang lại cho con người những gì họ có quyền được hưởng”, là điều “không thể thiếu để mọi lĩnh vực của cuộc sống và để mọi người có một cuộc sống bình yên”
“Công lý là một đức tính được trau dồi thông qua cam kết hoán cải cá nhân, và được thực hành cùng với các đức tính cơ bản khác như thận trọng, dũng cảm và tiết độ.”
Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục nhấn mạnh rằng các Tòa án của Vatican hoạt động theo quan điểm này, “đóng một vai trò quý giá vì lợi ích của Tòa thánh” trong việc giải quyết các vụ án dân sự và hình sự.
Ngài đặc biệt đề cập đến các phiên tòa xét xử tội phạm tài chính được tiến hành trong những năm gần đây chống lại các quan chức Vatican. Về vấn đề này, Đức Thánh Cha nhận xét rằng điều đáng quan tâm không phải là bản thân các vụ xét xử, mà là các sự kiện được điều tra và hành vi sai trái tội phạm của các thành viên Giáo hội, mà theo ngài, “đã làm tổn hại nghiêm trọng đến hiệu quả của Giáo hội trong việc lan tỏa ánh sáng của Thiên Chúa.”
Kết thúc bài phát biểu của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh tầm quan trọng của nền Tư pháp của Vatican cần “tìm sự cân bằng giữa công lý và lòng thương xót” khi xác định các trường hợp hành vi sai trái “làm lu mờ bộ mặt của Giáo hội” và gây ra tai tiếng .
Đức Thánh Cha gợi ý rằng “việc thực thi sự phân định nghiêm ngặt”, cũng như “việc sử dụng thận trọng quy tắc công bằng”, có thể giúp đạt được sự cân bằng này.
Thật vậy, ngài nói, “Lòng thương xót và công lý không thay thế cho nhau, nhưng cùng nhau hướng tới cùng một mục tiêu, bởi vì lòng thương xót không phải là đình chỉ công lý, mà là thực hiện nó”.
“Giáo hội chu toàn nhiệm vụ của mình trước hết khi làm chứng, bằng lời nói và việc làm, cho lòng thương xót mà chính mình đã lãnh nhận cách nhưng không.”
Do đó, Đức Thánh Cha Phanxicô mời các thẩm phán Vatican ghi nhớ điều này trong công việc tìm kiếm sự thật vàS
Theo Vatican News phiên bản tiếng Anh,
Duc Trung Vu, CSsR