Chúa Nhật 24/9/2023, cử hành Thánh lễ tại Vương cung thánh đường Đức Bà de la Garde ở Marseille nhân Ngày Thế giới Người Di dân và Tị nạn, Đức Hồng y Michael Czerny, Tổng trưởng Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện, kêu gọi vượt qua định kiến và sợ hãi, giúp người di dân trở thành những công dân đầy đủ.
Kết hợp “công lý với tình liên đới”
Trong bài giảng, từ lời Đức Thánh Cha mời gọi “lắng nghe câu chuyện cuộc đời” của những người chạy trốn, Đức Hồng y phân tích thực tế “đáng lo ngại” của hiện tượng di cư ở mọi khía cạnh của nó. Theo ngài, hiện tượng này được các nước giải quyết một cách đúng đắn từ góc độ chính trị, nhưng nên được giải quyết theo luận lý kết hợp “công lý với tình liên đới” và “đảo ngược thứ tự ưu tiên được công nhận ở cấp độ xã hội”.
Được thúc đẩy bởi hy vọng
Đức Hồng y Czerny đã liệt kê tất cả “những khó khăn đủ loại” mà những người buộc di cư phải chịu trong quá trình vượt biên của họ. “Thậm chí có những người mất mạng, nhưng ngay cả ở giữa sa mạc hay giữa những con sóng đe dọa, tầm quan trọng của đích đến mang lại sức mạnh cho họ để tiếp tục bước đi vì mọi người đều đoàn kết bởi cùng một hy vọng: có thể bảo đảm một cuộc sống xứng đáng cho bản thân và gia đình họ”.
Công dân hoàn toàn
Tổng trưởng Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện nói tiếp rằng trong bối cảnh di cư hiện nay, đặt những người cuối cùng lên hàng đầu có nghĩa là thực hiện một số dấn thân cá nhân và tập thể rất cấp bách, và ngài lặp lại lời mời gọi đảm bảo “tôn trọng nhân quyền và phẩm giá” cho tất cả mọi người. Ngài nói: “Vì lý do này, phải có những cánh cửa để gõ, mở rộng các kênh di cư thường xuyên và cho phép một người trở thành ‘công dân đầy đủ’”. Điều này sẽ thay thế “những tuyến đường đắt giá và nguy hiểm mà ngày nay dường như là khả năng duy nhất”; hơn nữa, “sự tuần hoàn lớn hơn của các dòng di cư sẽ được thúc đẩy vì lợi ích của tất cả mọi người”.
Không phải là “một tình trạng khẩn cấp tạm thời”
Đức Hồng y lặp lại lời Đức Thánh Cha đã nói ở Marseille, hiện tượng di cư không phải là “một tình trạng khẩn cấp tạm thời” bị tuyên truyền gây hoang mang, nhưng là “một thực tế của thời đại chúng ta” cần được quản lý với tầm nhìn xa, cần được quản lý bằng cách hài hòa “công lý với tình liên đới” và “trở lại với tinh thần chia sẻ huynh đệ vượt qua mọi biên giới”.
Giúp xã hội thêm phong phú
Tất nhiên, Đức Hồng y thừa nhận, “sự chia sẻ này đòi hỏi sự hy sinh, bởi vì chúng ta phải chịu bớt đi thứ gì đó của mình để mọi người đều có thứ họ cần”, nhưng mọi Kitô hữu đều có sự chắc chắn rằng “Chúa sẽ không bao giờ làm cho chúng ta thiếu những gì chúng ta thực sự cần”. Đồng thời, di cư là một món quà và đang góp phần xây dựng “các xã hội đa văn hóa, nơi sự đa dạng trở thành cơ hội làm giàu cho tất cả mọi người”. Đức Hồng y than phiền: “Thật không may, những thành kiến và nỗi sợ hãi không cho phép chúng ta nắm bắt cơ hội này và tạo ra sự gạt ra ngoài lề và bị loại trừ”.
Văn hóa gặp gỡ
Do đó, ngài mời gọi mọi người: “Chúng ta phải đáp lại nền văn hóa vứt bỏ bằng nền văn hóa gặp gỡ, một nguồn vui”. Và các cộng đoàn Kitô giáo hãy làm gương tốt bằng lối sống Tin Mừng trước những thách thức này.
Vatican News