Chiều thứ Sáu, 02/02/2024, lễ Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu trong đền thánh, cũng là Ngày Đời sống Thánh hiến, Đức Thánh Cha chủ sự Thánh lễ tại Đền thờ Thánh Phêrô. Trong bài giảng, ngài mời gọi các tu sĩ noi gương cụ già Simêon và bà Anna kiên nhẫn chờ đợi Chúa trong cầu nguyện.
Cử hành Thánh lễ có Đức Hồng Y Tổng trưởng Bộ các dòng tu João Braz de Aviz, các Hồng y, Giám mục và linh mục, cùng với sự hiện diện của nhiều tu sĩ nam nữ và giáo dân.
Thánh lễ được bắt đầu với nghi thức làm phép nến. Sau đó đoàn đồng tế và một số bề trên nam nữ, đại diện cho các hình thức đời sống Thánh hiến khác nhau, tiến đến Bàn thờ chính.
Trong bài giảng, trích bài đọc thứ nhất “Chúa Thượng mà các ngươi tìm kiếm, đi vào Thánh Điện của Người. Kìa, vị sứ giả của giao ước mà các ngươi đợi trông đang đến” (Ml 3,1), Đức Thánh Cha nói ông Simêôn và bà Anna là hình ảnh của sự đợi trông này, chờ đợi Người suốt cuộc đời, điều này được thấy rõ trong Tin Mừng Thánh Luca: ông Simêôn “người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ítraen” (Lc 2, 25); bà Anna “không rời bỏ Đền Thờ” (Lc 2, 37).
Đức Thánh Cha nói: “Đối với hành trình đức tin của chúng ta việc chờ đợi rất quan trọng. Mỗi ngày Chúa viếng thăm chúng ta, nói với chúng ta, tỏ mình cách bất ngờ, và vào cuối cuộc đời và cuối thời gian Người sẽ đến. Đó là lý do Người khích lệ chúng ta tỉnh thức, kiên trì chờ đợi. Điều tồi tệ có thể xảy đến với chúng ta là ở trong giấc ngủ tinh thần”.
Đức Thánh Cha đặt câu hỏi: “Chúng ta còn có khả năng chờ đợi không?”. Và ngài đưa ra một số lý do làm cho các tu sĩ nói riêng và tín hữu nói chung không còn khả năng chờ đợi Chúa đến: bị cuốn hút vào các hoạt động gấp rút hàng ngày, quá say mê các việc tốt lành có nguy cơ biến đời sống tu trì và Kitô giáo thành “nhiều việc phải làm”, lên kế hoạch cho đời sống cá nhân và cộng đoàn dựa trên thành công chứ không đặt trên niềm vui và sự khiêm nhường đối với hạt giống bé nhỏ được uỷ thác.
Theo Đức Thánh Cha những trở ngại làm cho chúng ta mất khả năng chờ đợi, trước hết là sao lãng đời sống nội tâm. Điều này xảy ra khi mệt mỏi chiếm ưu thế hơn sự ngạc nhiên, khi thói quen thay thế lòng nhiệt thành, khi chúng ta mất kiên nhẫn trên con đường thiêng liêng, khi những trải nghiệm tiêu cực, xung đột, khi kết quả dường như đến chậm biến chúng ta những người buồn bã, cay đắng với “khuôn mặt u tối”. Trước những điều này cần phải phục hồi ân sủng đã mất. Trở về với đời sống nội tâm bằng tinh thần khiêm nhường, vui tươi và lòng biết ơn. Điều này được nuôi dưỡng bằng việc thờ lạy, cầu nguyện có khả năng đánh thức niềm khao khát Thiên Chúa.
Về trở ngại thứ hai theo lối sống thế gian, Đức Thánh Cha nhận xét thế giới ngày nay thường chạy đua với tốc độ đề cao “mọi thứ và ngay bây giờ”, tìm cách xua đuổi những lo sợ. Trong bối cảnh này sự thinh lặng bị xua đuổi như vậy thì việc chờ đợi không dễ dàng. Ngài nói: “Chúng ta hãy cẩn thận để tinh thần thế gian không đi vào các cộng đoàn tu sĩ, đời sống Giáo hội và vào hành trình của mỗi người, nếu không chúng ta sẽ không sinh hoa trái. Đời sống Kitô hữu và sứ vụ tông đồ cần phải chờ đợi, trưởng thành trong cầu nguyện và trung thành hàng ngày”.
Đức Thánh Cha kết thúc bài giảng mời gọi mọi người đặc biệt các tu sĩ noi gương cụ già Simêon ẵm lấy Hài Nhi trên tay, Chúa của sự mới mẻ và ngạc nhiên. Bằng cách chào đón Chúa, quá khứ sẽ mở ra cho tương lai, điều cũ trong chúng ta mở ra cho điều mới. Như cụ già Simêon và bà Anna chúng ta hãy để cho Thánh Thần thúc đẩy, sống sự mong chờ trong sự gìn giữ đời sống nội tâm và phù hợp với Tin Mừng, đón Chúa là ánh sáng và hy vọng cuộc sống.
Vatican News