3 vị Giám mục Công giáo Hoa Kỳ đã cảnh báo về sự phân cực ý thức hệ ngày càng gia tăng trong Giáo hội và sự cần thiết phải đối thoại dân sự giữa những người có những bất đồng trong cuộc thảo luận được phát trực tiếp vào chiều hôm thứ Ba.
“Chính trị gần như là một tôn giáo và đôi khi nó là một môn thể thao, nhưng lẽ ra nó cũng không nên như vậy”, Đức Giám mục Daniel Flores của Giáo phận Brownsville, Texas, cho biết trong cuộc thảo luận.
“Nó được coi là một cuộc trò chuyện dân sự… nhằm tìm kiếm điều thiện hảo và ưu tiên cách thức đạt được điều đó và cách tránh những điều sai trái”, Đức Giám mục Flores nói. “Và tôi thiết nghĩ nếu chúng ta có thể tập trung vào điều đó, chúng ta có thể giảm bớt những bức tranh biếm họa và những lời hoa mỹ vốn nhằm hạ thấp con người”.
Cuộc hội thảo bao gồm Đức Giám mục Daniel Flores của Giáo phận Brownsville, Đức Hồng Y Robert McElroy của Giáo phận San Diego, và Đức Giám mục Robert Barron của Giáo phận Winona-Rochester, Minnesota. Nó được điều phối bởi Gloria Purvis, người dẫn chương trình “The Gloria Purvis Podcast” của Tạp chí America, và được đồng tài trợ bởi Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ (USCCB), Tổ chức từ thiện Công giáo Hoa Kỳ, Hội Truyền Giáo Quốc Nội Glenmary, và Hội nghị Dòng Tên.
Cuộc thảo luận của hội thảo là một phần của sáng kiến “Civilize It: A Better Kind of Politics” (Truyền bá văn minh: Một hình thức chính trị tốt đẹp hơn) của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, nhằm thúc đẩy phép lịch sự lễ độ trong các cuộc tranh luận ý thức hệ quan trọng. Như một phần của sáng kiến này, các Giám mục mời gọi các tín hữu Công giáo ký một cam kết khẳng định phẩm giá của mỗi con người – bao gồm cả những người có niềm tin ý thức hệ khác nhau – và hợp tác với những người khác nhằm theo đuổi công ích.
Theo các tham luận viên, xã hội Hoa Kỳ và Giáo hội ngày càng trở nên phân cực hơn khi đề cập đến những khác biệt về ý thức hệ – và các cuộc tranh luận về những khác biệt đó đã trở nên kém lịch sự hơn.
Đức Giám mục Barron, người sáng lập tổ chức truyền thông Công giáo Word on Fire, cho biết những bất đồng trong Giáo hội không có gì mới, nhưng cách thức mọi người tiếp cận những bất đồng đó đã thay đổi: “Điều bị phá vỡ là lòng yêu mến vốn khiến cho cuộc đối thoại thực sự trở nên khả thi”.
“Đó là một kiểu hành xử theo kiểu bộ lạc đã đánh mất cảm giác yêu thương trong đối thoại”, vị Giám chức nói.
Đức Giám mục Barron cảnh báo rằng mọi người tập trung nhiều hơn vào việc giành chiến thắng trong các cuộc tranh luận và trung thành với một bản sắc ý thức hệ hơn là lòng yêu mến. Ngài cho biết những vấn đề này rất dễ nhận thấy trong các cuộc thảo luận trên mạng và đồng thời khuyến khích mọi người tự vấn rằng “bình luận này có phải là một hành động yêu thương” hay không trước khi nói bất cứ điều gì.
“Nó có phát xuất từ lòng yêu mến?”, Đức Giám mục Barron nói mọi người nên tự hỏi mình. “Nó có nảy sinh từ lòng mong muốn điều tốt cho người khác? Nếu không phải như vậy, có hàng ngàn việc tốt đẹp hơn để làm thay vì gửi đi phát ngôn đó”.
Đức Hồng Y McElroy cho rằng hiện nay đối thoại “mang đậm tính đối đầu” đến mức mọi người “không thể tham gia vào một cuộc đối thoại thực sự”.
“Mọi người đang tiến về phía nhau trong đời sống Giáo hội trước hết nhìn vào nhãn hiệu đó: Bạn là ai? Bạn đứng ở đâu trong nền chính trị văn hóa hiếu chiến của đất nước chúng ta?”, Đức Hồng Y McElroy nói.
Người ta tập trung vào điều này “chứ không phải vào điều hiệp nhất chúng ta: chúng ta đang đứng ở đâu xét về căn tính của chúng ta với tư cách là những người Công giáo và với quan điểm Kitô học”, Đức Hồng Y McElroy cho biết thêm.
Đức Hồng Y McElroy cũng dựa trên những lo ngại mà Đức Giám mục Barron nhấn mạnh về việc đối thoại trên internet.
“Khi bạn đang viết một dòng Tweet, hãy tưởng tượng Chúa Giêsu ở đó với bạn và khi bạn suy nghĩ kỹ câu hỏi đó ‘tôi có nên làm điều này không?’”, Đức Hồng Y McElroy nói.
Tương tự như vậy, Đức Giám mục Flores đã nhấn mạnh sự cần thiết phải ghi nhớ những gì Chúa Giêsu đã làm.
“Ngài đã không độc ác tàn nhẫn, đặc biệt là với người nghèo và đặc biệt là với những người không có địa vị trên thế giới”, Đức Giám mục Flores nói. “Và Ngài cũng sẽ không bao giờ phạm phải sự bất công để rồi phải thúc đẩy công lý”.
Minh Tuệ (theo CNA)