Người Do Thái không thể hiểu lời dạy của Chúa Giêsu về Bí tích Thánh Thể, rằng Ngài là “bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian.” (Ga 6:33) Và Ngài xác định: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!” (Ga 6:35)
Họ sửng sốt và tranh cãi với nhau: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?” (Ga 6:52) Câu hỏi và thái độ của họ cho chúng ta thấy bốn điều ngăn cản chúng ta tin chân thật và sống động vào sự hiện diện Thánh Thể của Chúa Kitô.
1/ Họ không nhận ra thiên tính của Chúa Giêsu Kitô. Họ chỉ thấy Ngài là “người này” chứ không phải là Thiên-Chúa-Con-Người, là Chân lý Nhập thể, là Đấng không thể lừa dối hay bị lừa dối. Khi thấy Chúa Giêsu chỉ là một con người, họ nghĩ rằng chỉ cần tranh luận là có thể hiểu được lời Ngài. Họ nghĩ rằng chỉ có trí óc nhỏ bé của họ mới có thể bao bọc cả món quà của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể.
Chúng ta phải cẩn thận để không mắc phải sai lầm tương tự khi chúng ta xem xét Bí tích Thánh Thể. Nếu chúng ta thực sự chấp nhận thiên tính của Chúa Kitô, chúng ta sẽ biết rằng tin vào Thánh Thể chỉ có thể đến với chúng ta như một món quà từ chính Thiên Chúa. Chỉ có chính Thiên Chúa mới có thể mặc khải cho chúng ta sự thật về Thánh Thể và cũng có thể thúc đẩy tâm trí chúng ta chấp nhận sự thật này. Thay vì tranh cãi và tranh luận, chúng ta phải cầu xin Thiên Chúa ban cho món quà là tin vào Thánh Thể. Chúng ta có thể đối mặt với mầu nhiệm Thánh Thể bằng lời tuyên xưng đức tin và lời cầu xin đức tin: “Lạy Chúa, con tin, xin giúp lòng tin yếu kém của con.” (Mc 9:24)
2/ Người Do Thái làm ngơ sự khiêm nhường lớn lao của Chúa Giêsu khi ban chính mình Ngài cho chúng ta trong Bí tích Thánh Thể. Trong sự khiêm nhường, Ngài “xuống từ trời” để trở nên giống chúng ta, để sống, chịu đau khổ và chết trên thập giá. Ngài đưa sự khiêm nhường đó đến mức sâu sắc nhất bằng cách ở lại với chúng ta trong bí tích để chúng ta có thể có sự hiện diện của Ngài trong Thánh Thể. Bị che mắt bởi lòng kiêu hãnh, họ cố gắng giải mã và hiểu lời Ngài chỉ bằng lý trí của riêng họ.
Chúng ta học hỏi từ sai lầm của họ và tiếp cận mầu nhiệm Thánh Thể với lòng khiêm nhường sâu sắc. Chúng ta khiêm nhường đón nhận những lời này với lòng khiêm nhường sâu sắc và lòng biết ơn rằng Chúa Giêsu đã mặc khải một mầu nhiệm như vậy cho chúng ta.
Thật diễm phúc cho chúng ta khi tin rằng Chúa của mọi thụ tạo sẽ hiện diện với chúng ta dưới hình bánh và rượu. Chúa Cha chỉ cho phép chúng ta bước vào mầu nhiệm này khi chúng ta thực hành sự khiêm nhường như trẻ thơ: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn.” (Mt 11:25) Chúng ta cũng sẽ bị lòng kiêu ngạo làm cho mù quáng nếu chúng ta không tiếp cận mầu nhiệm này với lòng khiêm nhường sâu sắc.
3/ Người Do Thái không nhận ra tình yêu sâu sắc mà Chúa Giêsu dành cho chúng ta khi hiến mình trong Bí tích Thánh Thể. Thánh Ignatius Loyola nói rằng tình yêu đích thực làm mọi thứ để chia sẻ những gì của riêng mình với người được yêu. Tình yêu thiêng liêng đã đổi mới trong Bí tích Thánh Thể một cách không thể hiểu thấu để truyền đạt sự sống thiêng liêng của Ngài cho các linh hồn.
Chúng ta không thể hiểu được mầu nhiệm Thánh Thể nếu chúng ta không sẵn sàng chia sẻ tất cả những gì Chúa Giêsu ban cho chúng ta trong bí tích này. Chúng ta phải sẵn sàng chia sẻ cách yêu thương và phục vụ người khác như Ngài. Chúng ta muốn chia sẻ tình yêu lớn lao mà Ngài dành cho Đức Trinh Nữ Maria khi chọn bà làm Mẹ vô nhiễm của Ngài. Chúng ta cũng tự do chia sẻ sứ mệnh cứu độ của Ngài cho toàn thế giới bằng cách làm cho Ngài được mọi người nhận biết và yêu mến. Chúng ta sẵn sàng chia sẻ nỗi đau khổ và sự thương khó của Ngài để chia sẻ vinh quang của Ngài.
4/ Người Do Thái tiếp cận giáo lý này về Bí tích Thánh Thể với thái độ tự tập trung. Họ chỉ tập trung vào giáo lý đầy thách thức và đòi hỏi chứ không tập trung vào vinh quang của Đấng đã nói với họ. Họ muốn một điều gì đó không làm căng thẳng đức tin của họ, một điều gì đó hợp với sở thích và thị hiếu của họ, và một điều gì đó không đòi hỏi đức tin cấp tiến từ họ.
Chúng ta phải học từ sai lầm của họ và tiếp cận Thánh Thể với sự tập trung vào Chúa Giêsu và vinh quang lớn hơn của Ngài. Chúa Giêsu Thánh Thể ở cùng chúng ta để kéo chúng ta ra khỏi chính chúng ta và hướng đến sự hiệp thông sâu sắc hơn với Thiên Chúa Ba Ngôi. Vì vậy, chúng ta phải tiếp cận Thánh Thể để làm đẹp lòng Chúa và tôn vinh Ngài bằng cuộc sống của chúng ta, và không nhất thiết phải đạt được điều gì đó dễ chịu cho chính mình. Như Chúa Giêsu bảo đảm với chúng ta, Ngài sẽ ban cho chúng ta mọi thứ khác, gồm cả đức tin Thánh Thể, khi chúng ta “trước hết tìm kiếm vương quốc của Ngài và sự công chính của Ngài.” (Mt 6:33)
Lời của Thánh Phaolô gửi tín hữu Êphêsô rất ấn tượng: “Anh em hãy cẩn thận xem xét cách ăn nết ở của mình, đừng sống như kẻ khờ dại, nhưng hãy sống như người khôn ngoan, biết tận dụng thời buổi hiện tại, vì chúng ta đang sống những ngày đen tối.” (Ep 5:15-16) Ngài đang mời gọi họ sống tốt trong thời buổi xấu xa của họ và không để mình bị khuất phục bởi những điều xấu xa của cuộc sống hoặc nhiều ví dụ về sự dại dột từ những người đương thời của họ.
Chúng ta cũng đang sống trong thời đại thực sự ngu ngốc và độc ác. Chúng ta có sự ngu ngốc là cố gắng thay đổi giới tính của con người. Chúng ta thấy sự ngu ngốc là làm ngơ những khác biệt cơ bản và không thể thay đổi giữa nam và nữ. Chúng ta thấy sự chế giễu tất cả những gì thiêng liêng, đặc biệt là tình dục con người, giáo lý truyền thống của Giáo hội và các bí tích của Giáo hội.
Thánh Thể vẫn là phương thuốc của Thiên Chúa cho tất cả những điều xấu xa và sự ngu xuẩn. Đây là nơi chúng ta gặp gỡ chính Đức Khôn Ngoan Nhập Thể, Đấng mời gọi chúng ta đến với Ngài: “Hỡi người ngây thơ, hãy lại đây!” Với người ngu si, Đức Khôn Ngoan bảo: ‘Hãy đến mà ăn bánh của ta và uống rượu do ta pha chế! Đừng ngây thơ khờ dại nữa, và các con sẽ được sống; hãy bước đi trên con đường hiểu biết’.” (Cn 9:4-6) Chúng ta được chính Chúa Kitô soi sáng để từ bỏ sự ngu xuẩn và chống lại những điều xấu xa trong và qua Thánh Thể.
Chỉ trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta mới được đặc ân bước vào hy tế của Chúa Kitô và chia sẻ sự hy sinh trọn vẹn của Ngài cho Chúa Cha trong tình yêu. Thánh Thể giúp chúng ta có thể hiến dâng chính mình như “của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa, đó là cách thức xứng hợp để thờ phượng Ngài.” (Rm 12:1) Những cuộc sống Thánh Thể như vậy ngăn cản chúng ta bị đồng hình đồng dạng với thời đại này, nhưng được cải biến bằng cách “đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo.” (Rm 12:2)
Đó là lý do tại sao chúng ta không bao giờ được phép đánh mất niềm tin vào Bí tích Thánh Thể trong thế giới tội lỗi và điên rồ ngày nay. Chúng ta chỉ có thể giữ vững đức tin này nếu chúng ta tin vào thiên tính của Chúa Giêsu, đến gần Ngài với tình yêu khiêm nhường và tìm cách tôn vinh Ngài trên hết mọi sự.
NNAMDI MONEME, OMV
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)