Hành trình ba thừa sai DCCT đầu tiên đến Việt Nam 1925

Lịch sử DCCT tại VN khởi sự từ năm 1923, khi Tòa Thánh gửi ĐC HENRI LÉCROART, Dòng Tên, Giám Mục tại Trung Hoa, sang kinh lý đặc biệt tại Đông Dương. Trong bản báo cáo phúc trình bộ Truyền Bá Đức Tin, vị kinh lý đã xét rằng: trước tình trạng của Giáo hội và cách riêng của các tu sĩ và giáo sĩ sốt sắng nhiệt thành, nhưng có nhu cầu tiến triển hơn về đời sống đạo đức và hiểu biết sâu xa hơn, và đề nghị Thánh Bộ hãy gửi đến VN những Dòng tu chuyên về việc giảng các cuộc cấm phòng, tĩnh tâm, Đại phúc. Dòng Chúa Cứu Thế được đề nghị. Vị Tổng trưởng Thánh Bộ Truyền Giáo, Hồng Y GUILLAUME VAN ROSSUM, một tu sĩ DCCT, theo ý kiến của các thành viên đã nghĩ đến Hội Dòng con cái thánh tổ Anphong một vị thừa sai Đại phúc và Cấm phòng nổi danh. Đức Hồng Y đã tiếp xúc với cha Bề trên Cả PATRICK MURRAY, và ngài còn tự tay viết thêm mấy lời đề nghị trao việc truyền giáo VN cho Tỉnh Dòng Thánh Anna ở Beaupré.

Đức Hồng Y Guillaume Van Rossum

Cha Bề trên cả đã tiếp xúc với cha Giám tỉnh Sainte Anne là cha THOMAS PINTAL. Vị bề trên và ban cố vấn chẳng có quan niệm gì rõ rệt về cánh đồng mà Thánh bộ Truyền giáo muốn trao cho Tỉnh Dòng. Những hiểu biết rất mơ hồ về các nước và dân tộc vùng Á châu này có sức quyến dũ, bởi ở đây chưa được truyền giáo sâu rộng. Người ta chỉ biết đến nước TRUNG HOA lớn lao và huyền bí, xa xôi và “ngoại giáo”. Thế mà một luồng gió thừa sai đã ồ ạt thổi vào cả Tỉnh Dòng, từ các bề trên đến đệ tử sinh.

Cha Giám tỉnh Sainte Anne là cha THOMAS PINTAL

Nhận được đề nghị của Tòa Thánh qua trung ương Dòng, cha Thomas Pintal đã cấp tốc bàn bạc và được ban cố vấn đồng tình. Thế rồi, như Abraham thửa xưa, chẳng biết nơi Chúa chỉ định phải đến là làm sao, không chần chừ, ngài gửi điện cho trung ương bản điện tín chỉ với 2 chữ: “CHINE ACCEPTÉE- TRUNG HOA XIN NHẬN.” Ngày lịch sử đó là 19-11-1924.

Cha Pintal kêu mời cả tỉnh Dòng Sainte Anne dâng lễ tạ ơn, tăng cường cầu nguyện, đồng thời kêu gọi những ai muốn hiến mình cho việc truyền giáo tại Á Đông thì hãy đăng đơn tình nguyện lên bề trên. Trong số những bức thư toát lên niềm vui, hân hoan và nhiệt thành đại độ, có cả bức thư của các Đệ Tử sinh tại Sainte Anne gửi đến Đức Hồng Y Van Rossum, và đã được ngài đáp lại với những lời lẽ xúc động và vui mừng trước tinh thần của các thành phần trẻ nhất trong Dòng. Sự việc này hẳn phải bắt nguồn từ vị giám đốc và ban giáo sư, trong đó có cha E. Larouche. Ngài cũng gửi thư tình nguyện làm thừa sai Đông Dương, chỉ hơn một tháng sau khi Tỉnh Sainte Anne nhận sứ mệnh của trung ương.

Chúng ta đọc lại bức thư lịch sử đó, nay được lưu giữ tại hồ sơ Tỉnh Dòng tại Sainte Anne de Beaupré.

Cha Eugène Larouche C.Ss.R

“Trọng kính Cha,

Nối tiếp lời kêu gọi của cha trong thư chung vừa qua, tôi xin viết lại trên giấy những ước vọng tôi đã trình bày với cha trong dịp cha kinh lược, liên hệ đến công cuộc truyền giáo tại Viễn Đông. Từ đó, tôi đã tiếp tục cầu nguyện, suy nghĩ cẩn thận và tìm hiểu về công việc phải làm tại nơi đó cũng như những khó khăn liên hệ. Tôi thấy tôi vẫn hướng về điều này và hôm nay, tôi xin được đặt mình hoàn toàn dưới quyền của cha cho việc truyền giáo tại Đông Dương. Nếu được Cha tuyển chọn, tôi coi như đây là một hồng ân lớn lao nhất trong cuộc đời tôi.

Tôi tin rằng: trong việc này, tôi không chiều theo những lý do phàm trần. Nếu không hiểu sai quá về mình, tôi thấy điều lôi kéo tôi chính là khi nghĩ đến số phận đau khổ của những linh hồn bị bỏ rơi, hơn nữa đó là vì lòng ước muốn được phục vụ Chúa và Hội Dòng một cách toàn vẹn hơn, để chứng tỏ lòng biết ơn đặc biệt đối vối Chúa và Nhà Dòng vì những gì tôi đã được nhận. Điều đó cha đã biết tại sao. Tôi cũng mong rằng một thừa sai thiện tâm sẽ được lãnh nhiều ơn phước trên đất ngoại giáo.

Tôi cũng không quên rằng những điều thiện hảo kể trên chỉ có được khi người thừa sai có những “nguồn thể chất và tinh thần” không hề thiếu được. Về chất, tôi nghĩ mình không có gì để phải e sợ. Sức khỏe của tôi hiện tốt lắm. Có vài sự bất ổn thỉnh thoảng xẩy đến, nhưng đó chỉ là do của ăn tôi được dùng quá giầu dinh dưỡng theo như Bác sĩ cho tôi biết. Điều bất lợi này sẽ không còn nữa khi tôi đến đó. Tôi cũng nghĩ rằng tôi sẽ chịu được những mệt nhọc và thiếu thốn của đời thừa sai.

Về phương diện nội lực tinh thần và thiêng liêng, tôi hoàn toàn tin tưởng ở phán quyết của cha cũng như về mọi sự khác. Tôi rất tiếc vì phải thú nhận với cha rằng: tôi không có tinh thần cầu nguyện và cầm lòng cầm trí. Tôi nghĩ rằng không lúc nào tôi làm hòa với các thói xấu của tôi, và khi được chọn, tôi đặt tất cả niềm tin vào tình thương nhân hậu của Chúa và sự hằng cứu giúp của Đức Trinh Nữ để bù đắp lại những thiếu sót của tôi.

Kính thưa cha Giám Tỉnh, đó là những ước muốn và tâm tình mà tôi nghĩ là phải trình bày lên cha một cách đơn sơ. Tôi hoàn toàn thuận theo quyết định của Cha, bởi vì mặc dầu tôi cảm thấy hướng chiều rất mạnh về việc truyền giáo, tôi chỉ ước mong là chỉ đi đến nơi đó khi Thánh Ý Chúa muốn qua quyết định của bề trên.

Nếu cha nghĩ rằng lời yêu cầu của tôi không thể được đáp ứng thì nhờ ơn Chúa, tôi sẽ đón nhận quyết định của Cha một cách bằng tịnh và khiêm tốn. Nếu cha chọn tôi, tôi xin hứa với cha một cách chân thành rằng dựa vào sự nâng đỡ của Chúa, của Đức Trinh Nữ, của cha thánh Anphong và bà thánh Anna, tôi sẽ làm hết sức mình, nhờ trung tín với Lề Luật, nhờ lòng đạo đức và nhiệt thành, để trong mọi sự, sống xứng danh tu sĩ DCCT chân chính và cứu vớt các linh hồn. Điều đó, tôi hy vọng sẽ làm mãi cho đến cuối cuộc đời.

Kính xin cha đón nhận tâm tình nhiệt thành của tôi trong GMGA.

            EUGÈNE LAROUCHE.”

Ngày 5-8-1925, tên các thừa sai tiên khởi được công bố, trong đó có EUGÈNE LAROUCHE. 5 người được chỉ định: 3 Linh Mục HUBERT COUSINEAU, bề trên, cha EUGÈNE LAROUCHE, cha EDMOND DIONNE và 2 Thầy: BARNABÉ THOMAS SAINT PIERRE và thầy ELOI CLAVEAU. Theo quyết định của Bề trên, nhóm đầu tiên gồm cha Cousineau, Larouche và thầy Barnabé sẽ lên đường ngày 29-10-1925. Nhóm thứ hai sẽ nối bước một năm sau.

Cha Bề trên cả đã chấp nhận chương trình dự định bằng văn thư ngày 31-8-1925.

Toàn tỉnh Dòng Sainte Anne được kêu gọi góp phần vào công cuộc vĩ đại này bằng sự cầu nguyện. Mọi người, cách riêng các thừa sai sắp lên đường tích cực tham gia vào việc chuẩn bị vừa tinh thần và vừa vật chất. Toàn Tỉnh và các ân nhân, thân quyến và giáo dân đã chia sẻ niềm vui hiên ngang cùng những lo âu tự nhiên của những người đã được hồng phúc chọn lựa cho công cuộc truyền giáo tại Viễn Đông.

Một cuộc ra đi đến miền đất xa xôi và lạ lẫm này, cách đây gần một thế kỷ mang tính cách của một cuộc vĩnh biệt không hẹn ngày về. Tin tức về những vị anh hùng đã chết vì đạo tại các nước Á Châu còn rất mới mẻ và những người tín hữu Tây phương vẫn nghĩ rằng đi truyền giáo Viễn đông là chấp nhận mọi gian nan khốn khó, kể cả thí mạng trong những cực hình dã man. Cuộc hành trình thừa sai mang tính chất huyền thoại của cuộc ra đi vĩnh viễn và những ngày chuẩn bị lên đường cũng là những ngày từ biệt rất cảm động đối với mọi người.

“Buổi lễ vĩnh biệt, chính thức được tổ chức tại Vương cung Thánh đường bà thánh Anna tại Beaupré vào 7 giờ tối ngày 15-10-1925. Ngôi thánh đường rộng lớn đã chật ních người: giáo sĩ, các cha các thầy, đệ tử sinh, bà con thân thuộc và giáo dân từ khắp nơi đổ về. Nữ tu nhiều hội Dòng có mặt: Nữ tu Chúa Cứu Thế, Nữ tu Phan Sinh, các Chị Rất Thánh Mân Côi, các Chị Dòng

Chúa Chiên lành tại Orleans, các Mẹ Dòng Hospitalières từ Chicoutimi. Cha E. Larouche đã ghi lại diễn tiến và tâm tình của buổi nghi thức vĩnh biệt đó như sau:

“Buổi nghi lễ khởi đầu với việc lần chuỗi Mân Côi. Sau đó cha Bề trên tỉnh với lời lẽ rất phù hợp với hoàn cảnh đã trình bày về mục đích của việc truyền giáo và về nhiệm vụ khó khăn mà các thừa sai phải thực hiện. Ngài kết thúc bằng lời mời gọi mọi người nghe ngài hãy hợp tác vào công cuộc mới này bằng lời cầu nguyện. Sau đó, ca đoàn Đệ tử viện xướng lên bài ca truyền thống lên đường rất cảm động: “Hãy lên đường, hỡi những người loan báo Tin Mừng”. Cha Gignac- Giám đốc việc Truyền giáo Québéc- chủ sự buổi Chầu Thánh Thể, cùng với hai cha thừa sai”.

“Buổi nghi thức dầu đơn sơ như thế, nhưng không khỏi gây ấn tượng đối với những người tham dự. Nhiều giáo dân đến từ biệt chúng tôi, tràn trụa nước mắt”.

Cha E. Larouche đã cho biết rằng: từ khi có tin DCCT Canada nhận việc truyền giáo tại Viễn đông và nhất là khi biết được danh tánh của những thừa sai được tuyển chọn, giáo dân đã tỏ lòng nhiệt thành và thật tình quí mến đối với việc truyền giáo và cách riêng đối với các thừa sai. Họ đã nói lên tinh thần đức Tin và lòng yêu mến các linh hồn, họ tăng gia cầu nguyện hướng về việc truyền giáo và các thừa sai, họ rộng tay rộng lòng góp công của để giúp đỡ việc truyền giáo vừa nhận.

Đặc biệt, cha nghĩ đến những người thân quyến:

“Nhưng tôi phải vội nói ngay rằng sự quan tâm rõ rệt và kéo theo nhiều hy sinh nhất là ở nơi bà con gia đình của chúng tôi. Họ thật đại độ, không phải với của cải vật chất mà là sự hy sinh. Cuộc ra đi của chúng tôi thật nặng nề đối với những người chúng tôi gắn bó cách riêng, nhưng tinh thần niềm Tin đã đưa họ đến thái độ đón nhận trong vâng phục sự hy sinh và của lễ mà Thiên Chúa và các linh hồn đòi hỏi”.

Những người ra đi chú ý đến anh em trong Dòng, những bề trên, các cha các thầy và các đệ tử sinh. Những buổi văn nghệ mừng, các món quà. Mọi người đều muốn có mặt tại cuộc kính viếng bà Thánh Anna lần chót của chúng tôi, cũng như tại nhà ga. Các thừa sai được yêu cầu ban phép lành cho mọi người có mặt, trước khi xe rời ga bắt đầu cuộc hành trình xuyên Canada, từ Québec đến Vancouver để lên tầu vượt Thái Bình Dương sang Viễn Đông.

Cha Larouche nhớ đến vị Bề trên tỉnh Thomas Pintal, nhớ đến tất cả những gì mà vị Bề trên nhiệt thành và đại độ này đã làm để các thừa sai được mọi sự thuận tiện trong cuộc hành trình dài để đến Huế. Thế nhưng tâm tình của cha E. Larouche đối với cha bề trên Tỉnh được ngài tỏ lộ như sau:

“Nhưng điều mà chúng tôi phải cảm ơn ngài hơn hết tức là ngài đã chọn chúng tôi trong số các anh em của chúng tôi, mặc dầu chúng tôi chẳng xứng đáng, để đem Dòng đến miền xa xôi Á Châu.”

Cuộc hành trình xuyên Canada của các thừa sai có những điểm dừng tại các tu viện của Dòng: Montréal, Ottawa (16-10-1925).

Tại Ottawa, nơi có học viện, các thừa sai được giới trẻ mừng trong 3 ngày. Trong một buổi lễ, các thừa sai đã dâng mình cho Đức Maria và sau đó được nhận phép lành của vị Khâm sứ Tòa Thánh tại Canada.

Xe lửa của công ty Canadian Pacific

Sau đó là 40 giờ trên xe lửa của công ty Canadian Pacific để đi từ Ottawa đến Winnipeg. Thời gian thật dài. Ngoài các việc thông thường của khách đi xe, các ngài quan tâm đến việc cầu nguyện. Lúc này, đúng là nhu cầu:

“Sự cầu nguyện phải chiếm một chỗ quan trọng trong chương trình sống của một tu sĩ DCCT và chiếm nhiều thời giờ trong ngày của chúng tôi. Dĩ nhiên chúng tôi tìm được sự yên tĩnh mong chờ, nhưng cũng đủ để chúng tôi truyện vãn với Thiên Chúa.”

Đến Winnipeg ngày 22-10, các thừa sai tiên khởi được gặp cha Edmond Dionne, người sẽ đi chuyến sau. Ngài có mặt tại nhà ga đón các thừa sai. Ngài đến từ Sainte Anne-des-Chênes. Các thừa sai được anh em trong Dòng đón tiếp, được sự giúp đỡ của các tu sĩ Oblats, các tu sĩ Dòng Trappe ở Saint Boniface, được sự khích lệ và chúc lành của các Giám Mục….

Ngày 25-10, các thừa sai lên xe lửa lần cuối trên đất Canada để làm cuộc hành trình gần 4 ngày để đến VANCOUVER vào ngày 28-10-1925. Các thừa sai dành thì giờ rảnh rỗi để ngắm cảnh của quê hương lần cuối, cách riêng dãy núi Rocheuses phủ tuyết, với nhiệt độ 10 âm.

Cuộc vĩnh biệt cuối cùng diễn ra tại Vancouver.

 “Vĩnh biệt những người đưa chúng tôi, chúng tôi cắt đứt sợi giây cuối cùng gắn bó chúng tôi với đất nước Canada yêu dấu. Thế mà trong tâm hồn của chúng tôi, không hề có tư tưởng tiếc xót gì. Canada là nơi sinh sống của những người thân yêu của chúng tôi, nhưng Đông Dương mới là đất hứa chúng tôi ước mong, nơi mà có hằng vạn, hằng triệu tín hữu và người lương đang chờ đợi chúng tôi”.

Tàu biển Empress of Australia

Cuộc hành trình qua Thái Bình Dương kéo dài cả tháng trời. Con tàu EMPRESS OF AUSTRALIA lướt sóng vững vàng, nhưng cũng có lúc nhảy múa dữ dội đem say sóng cho lữ khách. Các thừa sai dùng thời gian để tiếp xúc với các bạn đồng hành: cha Lafortune Dòng Tên trên đường về trụ sở ở Shanghai. Có 4 mục sư Tin lành, nhiều người Trung hoa trong số hành khách và nhất là trong số nhân viên phục vụ trên tàu.

Ngày 11-11, các thừa sai nhìn thấy những hòn đảo của nước Nhật. Các thừa sai thăm Tokyo, nơi có 2 triệu dân nhưng chỉ có 10.000 tín hữu Công giáo.

Ngày 15-11, tàu rời Nhật bản đi Trung Hoa. Các thừa sai được thăm Shanghai và cơ sở của Dòng Tên tại đây. Đến Hongkong ngày 20-11.

Chiếc tàu “SÔNG BÔ” sẽ đưa các thừa sai từ Hongkong đến Hải Phòng vào sáng thứ 5, 26-11. Cha Gomez, quản lý Dòng Đaminh tại Hải Phòng đã có mặt và giúp đỡ các thừa sai trong mọi sự: thủ tục, nhập cảnh, hàng hóa, vé tàu lên chiếc AZAY-LE-RIDEAU sẽ đưa các thừa sai đến Đànẵng (Tourane).

Khi chuẩn bị vào cảng Hải Phòng, buổi sáng, các thừa sai đã dâng lễ. Niềm vui đến với các ngài khi chỉ vài giờ nữa, bước chân thừa sai sẽ đạp trên mảnh đất Chúa hứa. Cha E. Larouche viết: “Gần hai giờ nữa thì chúng tôi sẽ đạp chân lần đầu tiên trên mảnh đất Đông Dương mà chúng tôi đã từ xa tìm đến”.

Một niềm vui lớn chào đón các thừa sai khi từ Hà Nội, một bức điện tín từ Khâm sứ Tòa Thánh mời các Thừa sai DCCT đến Hà Nội để gặp ngài, trước khi lên tàu về Đà Nẵng. Hôm đó là 27-11-1925, vào buổi trưa. Cấp tốc, các thừa sai lên xe lửa khởi hành lúc 1g40 từ Hải Phòng đi Hà Nội, và lúc 6 giờ chiều thì các ngài được gặp Đức Giám mục CONSTANTINO AIUTI, vị Khâm sứ Tòa Thánh tiên khởi tại Đông Dương. Cha E. Larouche viết:

“Đức Khâm sứ tỏ ra rất dễ thương đối với chúng tôi. Ngài nói với chúng tôi rằng ngài thật hạnh phúc được thấy DCCT đến tại Đông Dương. Ngài ban cho chúng tôi phép lành đặc biệt của Đức Hồng Y Van Rossum. Khỏi cần phải nói, những ưu ái của vị Tổng trưởng Thánh bộ Truyền giáo và người đại diện của ngài đã làm cho chúng tôi vô cùng xúc động và đã là một khích lệ lớn đối với chúng tôi.”

Trong bữa cơm tối, có sự hiện diện của nhiều thừa sai Pháp, các tu sĩ DCCT đã bắt đầu làm quen và tiếp xúc với những vị đã từng lão luyện trong đời thừa sai ở đây và nhận được những lời chúc nguyện thành công trong sứ mệnh….

Các thừa sai trở về Hải Phòng chiều ngày 27 và sáng thứ 7, 28-11 các ngài lên tàu Azay-le-Rideau để đến Đà Nẵng. Ngày hôm sau là Chúa nhật, các thừa sai dâng lễ trên tầu. Tuy giờ lễ đã được thông báo, nhưng chỉ có một người phụ nữ tham dự. Biển động mạnh và cả thầy Barnabé cũng bị say sóng không đến tham dự được.

Tầu cập bến Đà Nẵng, và lúc 2 giờ chiều thì các thừa sai đã yên vị trên chiếc xe lửa, vượt hầm Hải Vân để về Huế. Tại Ga Thừa Lưu, các Thừa sai vừa ngạc nhiên, vừa sung sướng được thấy Đức cha EUGÈNE ALLYS và một số Linh Mục tháp tùng bước vào toa. Đức cha nóng lòng và đã thân hành đi đón các ngài.

Cha Larouche viết:

 “Trên đường chúng tôi được một niềm vui bất ngờ. Chúng tôi được thấy chính đức cha Allys bước vào toa chúng tôi. Cùng đi với ngài là nhiều Linh Mục VN và một cha thừa sai. Thật là một cử chỉ tế nhị làm cho chúng tôi cảm động khi ngài đón chúng tôi. Vừa thấy ngài, chúng tôi quỳ sụp xuống hôn nhẫn ngài và xin ngài ban phép lành cho chúng tôi. Ngài liền đỡ chúng tôi dậy, ôm hôn chúng tôi theo thói quen Pháp, hỏi han chúng tôi về tình trạng sức khỏe, về cuộc hành trình và tỏ ra nghẹn ngào khi muốn nói với chúng tôi về niềm hạnh phúc của ngài thấy chúng tôi đến Địa phận của ngài. Trong cả tiếng đồng hồ, ngài làm cho chúng tôi phải bối rối trước lòng nhân ái của ngài. Câu chuyện của ngài thu hút chúng tôi, chúng tôi cảm phục lòng nhiệt thành tông đồ của ngài. Chúng tôi nhận thấy rằng mặc dầu tuổi cao với 50 năm thừa sai, ngài cũng chẳng mất đi lòng nhiệt thành. Ngài cũng vừa mới lập một Hội Dòng các Thầy VN. Ngài nói với chúng tôi rằng: hạnh phúc của ngài là trước khi chết được thấy DCCT vững mạnh trên Đông Dương với các cơ sở Đệ tử, Tập Viện và Học viện thịnh vượng. Ngài luôn lặp đi nhắc lại: “Các cha đừng sợ gì, ơn gọi sẽ có nhiều và tốt. Các cha hãy vào việc càng sớm càng tốt. Phải làm mau lên.”

Lúc 6 giờ chiều ngày 30-11-1925, các thừa sai DCCT tiên khởi đến Huế. Cha E. Larouche ghi trong ký sự:

“Lúc 6 giờ, chúng tôi xuống ga Huế, lòng ngập niềm vui và lòng biết ơn. Đó là ngày 30-11, đúng 45 ngày từ khi chúng tôi rời Sainte Anne de Beaupré. Ngay khi đến tòa Giám Mục chúng tôi đã vào nhà nguyện để Tạ ơn Chúa đã cho chúng tôi được một cuộc hành trình tốt đẹp và một lần nữa, hiến thân vào cuộc truyền giáo của chúng tôi cho Chúa.”

Suốt cuộc hành trình, cha Eugène Larouche đã ghi lại những tâm tình tạ ơn Thiên Chúa vì ơn gọi thừa sai của mình, tạ ơn vì đã được chứng kiến tận mắt những niềm vui, phấn khởi của nhiều người trước ơn cứu chuộc mở rộng, vì được tiếp xúc với bao tâm hồn đại độ, hy sinh, vì tình thương bao la các thừa sai đã được nhận.

Xin trích lại đây vài tâm tình được ghi lại trong ký sự hành trình:

“Chúng tôi đã được hiểu hơn rằng: chúng tôi không cô đơn nơi đất khách xa xôi này, nhưng tình thương của các anh em trong Dòng hằng theo dõi chúng tôi bằng tình cảm, lời cầu nguyện và những lời cầu chúc tốt đẹp. Công việc của chúng tôi sẽ là công trình của mọi người như bản chất của nó phải như thế.

(Trích sách: CHA EUGÈNE LAROUCHE – DÒNG CHÚA CỨU THẾ- Chương 5,
Tác giả: Lm. 
Rôcô Nguyễn Tự Do, CSsR)