Một Đấng Đáng Kính mới của Dòng Chúa Cứu Thế: Cha Joseppe Leone (1829 – 1902)

MỘT ĐẤNG ĐÁNG KÍNH MỚI CỦA DÒNG CHÚA CỨU THẾ – CHA GIUSEPPE MARIA LEONE (1829 – 1902)

Hôm nay, ngày 18 tháng 12, Đức Thánh Cha Phanxicô đã phê chuẩn sắc lệnh về nhân đức anh hùng của Cha Giuseppe Maria Leone, linh mục của Dòng Chúa Cứu Thế.

Theo sắc lệnh này, Cha Giuseppe Maria Leone được tuyên bố là Đấng Đáng Kính.

Giuseppe Maria Leone sinh ngày 23 tháng 5 năm 1829 tại Trinitapolí (tỉnh Barletta), là người con thứ năm trong sáu anh chị em của ông Nicola và bà Rosa De Biase. Năm 1842, ngài gia nhập tiểu chủng viện giáo phận Trani, nơi ngài hoàn thành chương trình học về văn chương và triết học đến năm 1849, đồng thời rèn luyện đời sống thiêng liêng qua việc đọc các tác phẩm của Thánh Alfonso Maria de Liguori. Tháng 10 cùng năm, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của cha mình, ngài gia nhập Dòng Chúa Cứu Thế, bắt đầu năm tập tại Ciorani vào ngày 11 tháng 3 năm 1850 và tuyên khấn vào ngày 29 tháng 3 năm sau. Sau khi hoàn tất chương trình thần học tại Vallo della Lucania, ngài được thụ phong linh mục tại Amalfi vào ngày 31 tháng 12 năm 1854.

Sau khi được bổ nhiệm vào cộng đoàn Vallo della Lucania, ngài đã tận tâm thực hiện sứ vụ giảng thuyết tại các vùng Cilento và Basilicata cho đến năm 1865. Lúc này, do luật lệ đàn áp các dòng tu ở miền Nam nước Ý, ngài cùng các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế tại tỉnh Napoli buộc phải rời khỏi đời sống tu trì và trở về quê hương Trinitapoli.

Tại quê nhà, ngài vừa đảm nhận vai trò linh mục chính xứ nhà thờ Thánh Giuse, vừa làm linh hướng cho hội đồng cùng tên, đồng thời nhiệt thành giảng thuyết tại nhiều thành phố khác ở Apulia. Ngài cũng đảm trách sứ vụ giải tội và hướng dẫn thiêng liêng, luôn duy trì mối liên lạc chặt chẽ với các bề trên và anh em trong Dòng.

Trong trận dịch tả năm 1867 tại Trinitapoli, gây ra cái chết của nhiều người, trong đó có cha và chị gái Concetta của ngài, dù sức khỏe yếu, ngài đã hiến mình với lòng bác ái anh hùng để giúp đỡ đồng bào.

Năm 1880, ngài trở lại Dòng và được bổ nhiệm vào cộng đoàn tại Angri, nơi ngài ở cho đến khi qua đời vào ngày 9 tháng 8 năm 1902.

Dù thường xuyên chịu đựng những bệnh tật nghiêm trọng như ho ra máu và liệt cột sống, ngài đã sử dụng những đặc sủng mà Thiên Chúa ban để phục vụ tha nhân, đặc biệt là các linh mục và tu sĩ. Nhiều người tìm đến ngài để xin lời khuyên, trong đó có các vị sáng lập như Sr. Maria Pia Notari (Dòng Chị Em Tôn Thờ Thánh Thể), Thánh Catarina Volpicelli (Dòng Nữ Tỳ Thánh Tâm), Chân phước Maria Maddalena Starace (Dòng Thương Khó), Chân phước Alfonso Fusco (Dòng Battistine), và Chân phước Bartolo Longo cùng vợ là Marianna Farnarano De Fusco, những người được ngài hướng dẫn trong việc xây dựng đền thánh Pompeii và các công trình xã hội liên quan.

Ngài cũng là người soạn thảo nội quy cho Dòng Con Đức Mẹ Mân Côi và là người cổ vũ việc công bố tín điều Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Ngài đã xuất bản 16 tác phẩm về đời sống thiêng liêng, cùng nhiều lá thư và tài liệu chưa được công bố.

Thi hài của ngài, sau khi được chuyển từ nghĩa trang Angri về nhà thờ đầu tiên của Dòng tại Pagani, sau đó được an táng tại hầm mộ đền thánh Pompeii bên cạnh hài cốt của Bartolo Longo. Ngày 5 tháng 1 năm 1984, thi hài ngài được đưa về an nghỉ tại nhà thờ Thánh Stephano Protomartyr ở Trinitapoli.

Cha Antonio Marrazzo, CSsR