Thuật ghép chữ trong tiếng Việt thật là tuyệt vời, để có được một ý nghĩa đầy đủ và cụ thể. Chẳng hạn:
– Chữ học thường đi đôi với chữ hành. Đã học thì phải làm. Học mà không làm thì chẳng ích lợi gì.
– Chữ nhường thường đi đôi với chữ nhịn. Đã nhường thì phải nhịn. Nếu không nhịn thì đâu còn là nhường nữa.
– Chữ nhịn thường đi đôi với chữ nhục. Đã nhịn thì nhiều lúc cũng phải cắn răng chịu nhục.
Có khi chỉ cần đổi qua đổi lại là ý nghĩa đã khác hẳn nhau. Chẳng hạn:
– Chay lòng là sống tinh thần chay tịnh, hay giữ lòng mình cho trong sạch. Còn lòng chay là một phần lục phủ ngũ tạng, được chứa trong bụng và trong ngực các loài động vật. Bộ lòng chay thường gồm có tim và gan.
Chính trong chiều hướng đó, gã xin bàn tới hai chữ bớt ăn và ăn bớt.
Theo nghĩa đen thì ăn là một hành động nhằm nuôi sống thân mình hay thoả mãn cơn đói bằng cách đưa lương thực vào miệng, rồi nhai và nuốt. Theo nghĩa bóng thì ăn là tìm hưởng lợi lộc, tiền bạc môt cách chính đáng hay không chính đáng.
Bớt theo nghĩa đen là làm giảm đi, hay lấy ra một ít. Chẳng hạn bớt lời là nói ít lại, hay nói nhẹ hơn. Bớt lửa là giảm lửa đi, chỉ để lại một ít than hồng.
– Chồng giận thì vợ bớt lời,
Cơm sôi nhỏ lửa chẳng đời nào khê.
– Chồng giận thì vợ làm lành,
Cơm sôi bớt lửa, rằng anh giận gì?
Còn theo nghĩa bóng thì bớt là bòn rút của người khác về cho mình mỗi ngày một ít.
Trong khi bớt ăn là một hành động tự nguyện với chính mình, thì ăn bớt lại là một hành động lừa dối người khác để trục lợi.
Trước hết gã xin bàn đến hai chữ bớt ăn.
Hiện nay người ta đang hô hào…bớt ăn, nghĩa là ăn ít đi, giảm bớt khẩu phần của mỗi người. Có nhiều lý do giải thích cho hiện tượng này.
Thứ nhất, bớt ăn vì lý do kinh tế.
Ai trong chúng ta cũng đều biết nền kinh tế thế giới và Việt Nam nói chung, cũng như nền kinh tế của mỗi gia đình nói riêng, đang lâm vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng. Giá cả tăng lên vùn vụt, trong khi đó lương công nhân vẫn cứ ba cọc ba đồng, thành thử phải thắt lưng buộc bụng mới mong sống sót sau cơn bão giá.
Và để thực thi “chính sách” thắt lưng buộc bụng, nhiều gia đình đã phải giảm bớt chi tiêu. Cụ thể hơn cả là cắt giảm chế độ ăn uống. Ăn cho no chứ không cần ăn cho ngon. Vì thế, bữa nào cũng như bữa nấy, thành phần chủ yếu là cơm với rau. Thịt thà cá mú bỗng trở thành một thứ xa xỉ, ngoài vùng phủ sóng của những gia đình đang gặp phải khó khăn. Các bà nội trợ thường lên thực đơn cho gia đình mình như sau:
– Nếu nhiều tiền, thì tăng thịt giảm rau, còn nếu ít tiền, thì cứ việc tăng rau giảm thịt.
Hay như một nhà thơ nào đó cũng đã viết:
– Ngày ba bữa vỗ bụng rau bình bịch.
Thứ hai, bớt ăn vì lý do thẩm mỹ.
Trái ngược với tình trạng trên, một số gia đình dư giả, có thể vì trúng mánh “áp phe”, có thể vì công việc làm ăn đang phất lên như diều gặp gió, người ta đã tiến đến chỗ ăn ngon. Cùng với việc ăn ngon, thân thể người ta cũng liên tục phát triển, tăng cân vù vù. Và tình trạng béo phì đã trở nên một cơn ác mộng, bởi vì không ai muốn mình sẽ là “một vòng tròn biết đi, một thùng phi di động”.
Chính vì thế, tại các thành phố, những trung tâm chữa béo, trừ phì mọc lên như nấm, rồi lại còn những câu lạc bộ thể dục, thể hình được quảng cáo rầm rộ, những thẩm mỹ viện với chức năng hút mỡ, căng da làm ăn phát đạt. Nơi nào cũng có những phương pháp riêng, những độc chiêu giúp nhẹ ký, giảm cân trong một thời gian thật ngắn.
Tuy nhiên phương pháp hữu hiệu nhất và ít tốn kém nhất, vẫn chính là bớt ăn. Người ta ăn ít đã đành mà còn quan tâm đến thực đơn hằng ngày: người thì bài trừ thịt và những sản phẩm làm ra từ thịt, người thì kiêng những thực phẩm liên quan đến mỡ động vật và những thứ có nhiều đường. Món ăn chính là rau, đậu, trái cây tươi, hạt khô và dầu thực vật.
Bớt ăn kiểu này không phải chỉ đem lại một thân hình “mi nhon”, mà còn tránh được những căn bệnh thời đại, như cholesterol, tiểu đường cùng với những hệ luỵ về tim mạch và huyết áp. Hay như một câu danh ngôn đã nói:
– Vòng hai mà tăng, thì vòng đời sẽ giảm. Trái lại, vòng hai mà giảm, thì vòng đời sẽ tăng.
Và như vậy, bớt ăn sẽ trở nên một phương pháp giúp người ta sống đẹp và sống khoẻ.
Sau cùng thứ ba, bớt ăn vì lý do tôn giáo.
Hầu như tôn giáo nào cũng coi việc chay tịnh là một phương thế giúp hy sinh hãm mình. Và trong việc chay tịnh thì bớt ăn là một thành phần chính yếu. Thế nhưng, bớt bao nhiêu và được ăn những gì, hay nói cách khác, nội dung của chay tịnh ra sao, thì mỗi tôn giáo lại có một chủ trương khác biệt, không giống nhau.
Thông thường khi nói đến ăn chay là người ta nghĩ ngay đến việc ăn lạt, dùng tương chao, rau đậu và không dùng cá thịt. Theo “Từ Điển Bách Khoa Việt Nam”, thì ăn chay là ăn các thức ăn không thuộc nguồn động vật, như thịt, cá…Nội dung và phương thức ăn chay thay đổi tuỳ theo tục lệ, tôn giáo, hay chế độ chữa bệnh. Có hai cách ăn chay. Một là ăn chay tuyệt đối, nghĩa là không ăn mọi thức ăn từ nguồn động vật, kể cả trứng, sữa, mật ong và các chế phẩm. Hai là ăn chay tương đối, nghĩa là chấp nhận các thức ăn từ nguồn động vật, như trứng, sữa, mật ong và những chế phẩm. Có người ăn chay suốt đời, gọi là ăn chay trường. Có người chỉ ăn chay trong một số ngày nhất định nào đó mà thôi.
Đối với người Công giáo, một năm chỉ buộc ăn chay có hai ngày, đó là thứ tư lễ tro và thứ sáu tuần thánh. Trong ngày ăn chay, người ta phải giảm bớt khẩu phần, chỉ được ăn một bữa no, còn hai bữa khác chỉ được ăn chút ít mà thôi. Ăn chay thường đi đôi với kiêng thịt, tức là kiêng không ăn thịt các loài động vật, nhưng được ăn cá và các chế phẩm từ động vật như bơ sữa…Như vậy việc ăn chay nơi người Công giáo xem ra có vẻ nhẹ nhàng. Vì thế, các đấng bề trên thường khuyên nhủ chúng ta dùng số tiền do việc giảm bớt phần ăn của mình, để giúp đỡ những người nghèo túng. Đồng thời còn khuyên nhủ chúng ta sống tinh thần chay tịnh bằng cách hạn chế những tiện nghi và làm chủ lấy miệng lưỡi và những giác quan của mình, không để chúng đi hoang; ngoài ra còn phải chấp nhận những hy sinh gian khổ, vì đó là cây thập giá đời thường Chúa muốn chúng ta vác lấy để bước theo Ngài.
Tiếp đến, gã xin bàn tới hai chữ ăn bớt.
Đây là một hiện tượng khá phổ biến trong xã hội hiện nay. Hầu như người người đều ăn bớt, từ những bậc làm cha làm mẹ đến những người bán hàng ngoài chợ. Hiện tượng này còn lan tràn tới mọi lãnh vực, và thậm chí ngay cả những thứ không ăn được, người ta cũng sẵn sàng bớt luôn, để bòn rút và đem lại lợi nhuận hay vui thú cho mình. Và ăn bớt cũng không khác với ăn cắp là mấy.
Trước hết là ăn bớt tiền bạc.
Đây là cái dễ ăn bớt nhất. Chẳng hạn trong gia đình, người chồng cắt xén tiền lương, ăn bớt tiền thưởng để làm quĩ đen, hầu có thể rủng rỉnh tiêu xài mỗi khi có nhu cầu cần đến. Người giúp việc ăn bớt tiền bà chủ đưa mỗi khi đi chợ!
Tại cơ quan, người ta ăn bớt tiền của nhà nước để làm giàu cho mình, theo đúng tiêu chuẩn: “Của chung ai khéo vẫy vùng thành riêng”. Thậm chí có những viên chức còn xơi luôn cả tiền cứu trợ đồng bào gặp phải thiên tai bão lụt. Những đồng tiền cứu trợ ấy thay vì giúp đỡ những con người bất hạnh, thì lại chạy thẳng vào túi của những viên chức có lòng tham không đáy.
Tiếp đến, là ăn bớt vật tư.
Xách giỏ ra chợ mua hàng, không ít lần chúng ta gặp phải những chiếc cân non, hay những cây thước thiếu. Mua một ký thịt, về nhà cân lại chỉ còn 800 hay 900 “gờ ram” mà thôi.
Đặc biệt là trong lãnh vực xây dựng. Nhà vừa mới xây xong đã đổ chổng vó. Đường vừa mới khánh thành đã lỗ chỗ những ổ gà, ổ vịt, ổ voi. Cầu mới thông xe đã sụp lún trầm trọng. Sở dĩ như vậy là vì khi thi công, người ta đã rút ruột công trình, ăn bớt vật tư, thậm chí có cả những cây cột bằng “xi-măng cốt tre”, thì làm sao đứng vững được với thời gian.
Gã xin ghi lại nơi đây một mẩu chuyện nho nhỏ mang tựa đề “Cứ tưởng là thiếu niên cao thủ” của tác giả Đồ Bì, đăng trên Tuổi trẻ cười, như một minh chứng cho sự kiện trên:
Một em trai 11 tuổi người dân tộc Mơ Nông ở một xã thuộc huyện miền núi Phước Sơn (Quảng Nam) cao hứng đá vào vách nhà của mình một cước. Nó làm vỡ ra một cái lỗ thủng to khoảng 2 mét vuông, gạch và hồ rơi xuống ào ào. Đã vậy, nơi em đứng lấy thế đá, nền nhà sụp xuống in 2 dấu chân nho nhỏ.
Tôi là ông già khoái nói chuyện kiếm hiệp. Nghe được thông tin trên, tôi bèn mua vé bay ngay về Quảng Nam, rồi đón xe lên Phước Sơn. Bụng tôi chắc mẫm phen này sẽ tìm ra được một cao thủ thiếu niên có đường cước pháp lăng lệ.
Thế nhưng than ôi, khi tới Phước Sơn, tôi thật sự vỡ mộng. Đúng là có một em bé trai đá sập vách nhà thật, nhưng không phải do em có sức mạnh bẩm sinh, mà là do người ta xây nhà cho cha mẹ em quá dỏm! Em bé chỉ cần đùa nghịch trong nhà, tiện chân đá một cái mới biết mình đang ở nhà…siêu dỏm.
Huyện Phước Sơn giao cho các nhà thầu xây dựng 462 căn nhà cho các hộ nghèo theo Quyết định 167 của Chính phủ. Chức năng giám sát xây dựng không biết tiến hành tới đâu, để bây chừ lòi ra nhà siêu dỏm. Ông phó ban chỉ đạo chương trình 167 huyện Phước Sơn nói một cách…trơn lu: “Không thể giám sát thường xuyên việc xây nhà cho dân, nên để xảy ra tình trạng nhiều nhà kém chất lượng”.
Hai chữ “nhiều nhà” nghe ra quá đỗi nhẹ nhàng. Trên thực tế, tất cả các căn nhà xây hỗ trợ cho dân đều kém chất lượng do các chủ thầy ăn quá nhiều vào số tiền Chính phủ lo cho dân. “Nhà” cái gì mà vừa xây xong đã lún nền, nứt vách, bong tróc hồ tô. “Đòn tay” cái gì mà toàn là gỗ non, gỗ tạp, đóng cây đinh vào đã muốn gãy. “Cửa” cái gì mà toàn là ván bìa chắp vá lại, mới lắp vào thì phía trên đã vênh qua hướng Tây, phía dưới ưỡn ngược về phía Đông.
Đất Phước Sơn gồm toàn rừng, đồi, núi. Gỗ ở Phước Sơn không thiếu. Quyết định 167 đã nói rõ “Gỗ khai thác từ rừng chỉ được sử dụng có mục đích làm nhà ở cho các hộ nghèo”. Các nhà thầu đã ăn xi-măng lẫn gỗ. Nói nào ngay, xi-măng cứng mà họ còn ăn được huống chi là gỗ mềm. Tiêu chuẩn của mỗi nhà là từ 0,8 đến 1 mét khối gỗ. Nhưng tình hình họ ăn gỗ ghê gớm đến nỗi mỗi nhà chỉ còn được 0,2 mét khối. Họ ăn ngon miệng đến nỗi ông giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam đã phải nói: “Gỗ tốt, doanh nghiệp đem đóng nhà biệt thự đâu đâu, còn gỗ bìa phế phẩm thì làm nhà cho dân. Tôi đã làm báo cáo gửi lãnh đạo tỉnh để làm rõ vụ việc”.
Sau cùng là ăn bớt thời giờ.
Trong gia đình, người ta ăn bớt thời giờ: Cha mẹ ăn bớt thời giờ dành cho con cái. Vợ chồng ăn bớt thời giờ dành cho nhau.
Có một cậu bé đã hỏi ông bố:
– Ba à, mỗi giờ ba kiếm được bao nhiêu tiền.
Ông bố trả lời:
– Mỗi giờ bố kiếm được 5 chục ngàn đồng.
Cậu bé không nói một tiếng, đập bể con heo đất, đếm hết số tiền tiết kiệm, rồi đưa cho ông bố và năn nỉ:
– Con gửi bố 350 chục ngàn đồng, để bố dành cho con mỗi ngày một tiếng đồng hồ.
Ông bố giật mình, thì ra bấy lâu nay ông đã ăn bớt thời giờ dành cho con cái.
Cũng vậy, nhiều bà vợ mong mỏi những ngày cuối tuần để gia đình được đoàn tụ và sống cho nhau. Họ cần đến một bờ vai để nương tựa. Họ cần đến những lời an ủi sau những vất vả mệt mỏi. Thế nhưng, nhiều ông chồng lại ăn bớt thời gian dành cho vợ con và những người thân yêu bằng cách rủ rê bè bạn đi đánh bạc hay đi ăn nhậu, làm cho bầu khí gia đình trở nên tẻ nhạt và vắng lặng.
Nơi công sở, người ta ăn bớt thời gian làm việc. Thay vì làm việc một cách nghiêm chỉnh, thì lại tụm năm tụm ba, tán hết mọi chuyện, từ chuyện trong nhà đến chuyện ngoài ngõ, từ chuyện trên trời đến chuyện dưới đất, từ chuyện biểu tình và đánh nhau ở Trung Đông đến chuyện vật giá leo thang, từ chuyện ông nọ đèo bòng bồ nhí đến chuyện cô kia sắm được chiếc váy mới. Thôi thì hầm bà lằng đủ mọi thứ chuyện.
Ngoài ra, họ còn tìm mọi mánh khoé, mọi kẽ hở để khai gian, báo cáo láo hầu biến phần nào của chung thành của riêng. Họ giống như con mọt ăn bên trong khúc gỗ, làm cho khúc gỗ chỉ còn cái dáng vẻ bên ngoài, nhưng bên trong thì đã mục, đã rỗng.
Ngay cả trong lãnh vực tôn giáo, người ta cũng vô tư ăn bớt thời gian cầu nguyện, thời gian dành cho Thiên Chúa. Chẳng hạn đi tham dự thánh lễ Chúa nhật. Họ ngồi tán hươu tán vượn với nhau nơi quán cà phê cho đến khi thánh lễ bắt đầu, thì mới ló mặt vào nhà thờ. Và khi thánh lễ chưa kết thúc, họ đã vội vã ra khỏi nhà thờ. Có thể nói được rằng họ là những chuyên viên “đi muộn về sớm”. Họ quên mất lời cảnh cáo của Chúa: Ngươi đong bằng đấu nào, thì sẽ được đong trả lại bằng đấy ấy.
Lâu rồi gã có đọc được một câu chuyện về bác thợ mộc. Bác đã già nên xin chủ cho được nghỉ hưu. Ông chủ năn nỉ bác làm cho một căn nhà cuối cùng trước khi giải nghệ. Bác đành phải chấp thuận.
Thay vì đem tất cả nhiệt tâm để làm căn nhà cuối cùng này, thì bác lại làm một cách bôi bác. Bác ăn bớt tiền của chủ bằng cách dùng toàn gỗ xấu, nhưng phủ lên trên một lớp sơn bóng loáng.
Ngày hoàn tất, ông chủ đến xem và không ngớt lời ca tụng bác. Cuối cùng ông chủ nói:
– Suốt một đời bác đã phục vụ ta, vì thế ta tặng lại cho bác ngôi nhà này như một món quà là, kỷ niệm.
Bác thợ mộc thực sự ân hận, nếu như bác đã dùng những vật liệu tốt thì bây giờ đỡ khổ biết bao.
Chuyện phiếm của Gã Siêu