Ba nét phục vụ nơi Chúa Giêsu

Người trẻ luôn là những nhân tố đầy nhiệt huyết trong việc phục vụ Hội Thánh Chúa ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Trên hành trình phục vụ, Đức thánh cha Phan-xi-cô mời gọi các bạn trẻ hãy noi gương tuổi trẻ của Chúa Giê-su: “Điều rất quan trọng đối với các con là chiêm ngưỡng Chúa Giêsu trẻ như được trình bày trong các sách Tin Mừng, vì Người thật sự là một người trong các con, và chia sẻ nhiều đặc điểm của những quả tim trẻ của các con” (Christus Vivit, số 31). Để dấn thân phục vụ cách hoàn hảo, những Ki-tô hữu, cách riêng những người trẻ, được mời gọi cùng chiêm ngắm và bước theo ba thái độ phục vụ của Chúa Giê-su.

Trước hết, mọi sự Chúa Giê-su làm đều nhằm vinh danh Thiên Chúa Cha

Thực vậy, Chúa Giê-su đã đến trần gian để thi hành thánh ý Cha, Ngài không đi tìm vinh quang cho chính Ngài, hay cho nhóm người đồng hành cùng với Ngài là các môn đệ. Ngài đến để công bố sự thật về Thiên Chúa Cha, về tình yêu và ơn cứu độ của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Ngài công bố tin mừng, thực hiện phép lạ như là dấu chỉ quyền năng của Thiên Chúa trong chính căn tính của Ngài. Có rất nhiều người dân đã muốn tôn Ngài lên làm vua nhưng ngài đã lánh họ mà đi. Ngài có cơ hội để được trổi trang trước mặt người đời, nhưng Ngài đã không chấp nhận điều đó. Điều Chúa Giê-su muốn thực hiện là thi hành thánh ý Thiên Chúa Cha: “Tôi tự trời mà xuống không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi” (Ga 6,38).

Phần chúng ta, khi phục vụ trong cộng đoàn đức tin, chúng ta phục vụ là để sáng danh Chúa hay để tìm kiếm danh dự, vinh quang cho bản thân, cho hội đoàn, cho nhóm người của mình? Chính mẫu gương của Chúa Giê-su nhắc nhở chúng ta, dù làm bất cứ điều gì phải đặt mục tiêu trước hết và trên hết là làm sáng danh Thiên Chúa. Điều này, giúp chúng ta phục vụ với thái độ khiêm tốn, thái độ biết ơn và phó thác.

Thứ hai, Chúa Giê-su không loại trừ bất cứ ai trong trái tim mục tử của Ngài

Trong hành trình rao giảng tin mừng, Chúa Giê-su đã gặp đủ hạng người. Ngài tiếp cận với những người tàn tật về thể xác: những người câm điếc, đui mù, tàn tật, phong hủi. Vào thời Chúa Giê-su, những người đó còn được xem là những người tội lỗi, họ bị gạt ra bên lề xã hội. Chúa Giê-su cùng đồng bàn với những người liên quan đến chính trị thời bấy giờ, đó là những người thu thuế. Họ bị xem là những người phản quốc khi làm việc cho chính quyền Rô-ma. Chúa Giê-su không ngần ngại tiếp chuyện với viên sĩ quan người ngoại giáo và chữa lành cho người tôi tớ của ông ấy. Chúa còn an ủi và tha tội cho những người tội lỗi, như việc Ngài đã tha tội cho cho người phụ nữ ngoại tình. Có thể nói, trong trái tim mục tử của Chúa Giê-su, Ngài luôn quan tâm đến tất cả mọi hạng người. Ngài không loại trừ bất cứ ai, vì Ngài đầy lòng nhân hậu và tình thương.

Xét tới thái độ phục vụ của chúng ta trong các nhóm trẻ, trong các cộng đoàn đức tin; chúng ta cũng được mời gọi noi gương Chúa Giê-su phục vụ tất cả mọi người, không phân biệt địa vị, khả năng, trình độ, hay tôn giáo. Chúng ta được mời gọi mở rộng con tim để đến với tất cả mọi người như Chúa Giê-su. Và trong mỗi nhóm trẻ, tất cả thành viên nên có cơ hội để đóng góp phần của mình vào các công tác chung, dù đó là đóng góp lớn lao hay rất bé nhỏ. Tất cả đều được mời gọi chung tay để cùng xây dựng cộng đoàn đức tin dựa trên tài năng và khả năng Chúa ban.

Thứ ba, Chúa Giê-su phục vụ quên mình

Chúa Giê-su đã nói: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10, 45).

Chúa Giê-su đã phục vụ con người một cách tuyệt hảo. Ngài không ngại khó, ngại khổ trong hành trình phục vụ của Ngài. Ngài sống lối sống đơn sơ, gần gũi để ai cũng có thể tiếp cận được. Đặc biệt, Ngài gần gũi với những người nghèo khó, người tội lỗi và người bị bỏ rơi hơn cả trong xã hội. Trước cuộc thương khó, Chúa Giê-su đã cúi xuống rửa chân cho các môn đệ như một cử chỉ đầy yêu thương và khiêm hạ dù Ngài là “thầy” và là “Chúa” của họ. Chúa Giê-su đã hạ mình từ địa vị Thiên Chúa cao trọng và vinh quang để mặc lấy thân phận một con người và chấp nhận cả cái chết đau đớn trên thập giá, vì tình yêu cứu độ của Ngài dành cho nhân loại (x. Pl 2, 6-11). Chúa Giê-su đã quên mình phục vụ thánh ý Thiên Chúa Cha. Ngài đã không giữ lại gì cho riêng mình.

Thái độ phục vụ quên mình như Chúa Giê-su là lời mời gọi đầy thử thách dành cho mỗi Ki-tô hữu. Đây là một thách đố lớn lao, đòi hỏi phải cầu xin ơn trợ lực của Chúa Thánh Thần thì chúng ta mới có thể thi hành trọn vẹn.

Kết

Chúng ta là những môn đệ được Chúa Giê-su sai đi để rao giảng tin mừng và phục vụ Nước Chúa. Xin cho mỗi người chúng ta biết bắt chước Chúa Giê-su như hành trình phục vụ của Ngài: biết đặt thánh ý Thiên Chúa trên hết mọi sự, biết đón nhận tất cả mọi người và biết quên mình phục vụ anh chị em. Trên hành trình phục vụ ấy, chúng ta an tâm có sự đồng hành của Mẹ Maria vì “Mẹ là mẫu mực tối cao cho một Hội Thánh trẻ trung đang tìm cách theo Đức Kitô với sự tươi mới và ngoan ngoãn” (Christus Vivit, số 43).

An-tôn Nguyễn Văn Nam, DCCT