Thái Hà (30/5/2017) – Bài giảng của Cha Bề trên Cộng đồng Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội Giuse Trịnh Ngọc Hiên trong Thánh Lễ cầu nguyện cho Công lý và Hòa bình lúc 20 giờ 00 phút Chúa nhật ngày 28/5/2017 tại nhà thờ Thái Hà.
……………………..
TRUYỀN THÔNG VÀ LÒNG THƯƠNG XÓT
Hôm nay, chúng ta cùng hiện diện nơi đây để cầu nguyện cho công lý và hòa bình.
Có một sự trùng hợp đầy ý nghĩa, khi – ngày giáo xứ chúng ta cầu nguyện cho công lý và hòa bình, đặc biệt cầu nguyện cho Giáo phận Vinh trước cơn sóng dữ của một thứ “truyền thông đầy ác ý”, thì cũng là ngày “quốc tế về truyền thông”. Như anh chị em biết, Ngày quốc tế Truyền thông do Công đồng Vatican 2 thiết lập ngày 4/3/1963 và ấn định tổ chức trên phạm vi toàn thế giới vào ngày Chúa nhật trước Lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống – tức là ngày Chúa nhật hôm nay.
Thời gian qua, chắc hẳn nhiều người trong chúng ta thường được nghe nói tới cụm từ “truyền thông bẩn”.
Thế nào là “truyền thông bẩn?”
Đức Chân phước Giáo hoàng Phaolô 6, trong Sứ điệp Ngày Truyền thông Thế giới lần đầu tiên, ngày 7/5/1967, cho thấy có một thứ truyền thông nguy hại, đó là thứ truyền thông bị điều kiện hóa bởi “ý thức hệ, chính trị và kinh tế”. Thứ truyền thông này, nguy hại bởi nó không có tính độc lập như phải có của một cơ quan truyền thông. Nó là công cụ của một thể chế chính trị hay của các nhóm lợi ích kinh tế. Những cơ quan truyền thông này thường đi xa con đường truyền thông sự thật và hậu quả là nó dẫn người ta đi vào những mê lầm tội lỗi; đôi khi, nó tước đoạt cả mạng sống của con người.
Về thứ “truyền thông bẩn” này, chúng ta không lạ gì, và hậu quả của nó thật khôn lường. Năm 2008, khi truyền thông cắt xén lời của Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt nhằm phục vụ cho các ý đồ chính trị, thì cả xã hội bị dẫn dắt vào một cuộc đấu tố người vô tội một cách hết sức dã man. Người ta bao vây Tòa Giám mục, bao vây Nhà dòng, hò hét đòi giết cha Mát-thêu Vũ Khởi Phụng và Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt. Gần đây nhất là trường hợp của hai cha Antôn Đặng Hữu Nam và Gioan B. Nguyễn Đình Thục, thuộc giáo phận Vinh.
Trước tình trạng truyền thông bẩn lan tràn như hiện nay, đặc biệt là những hậu quả khủng khiếp của nó gây ra cho xã hội; trong một thời đại mà “tin tốt sẽ không bán được, còn tin xấu, tin về những bi kịch, về đau khổ của con người và những bí ẩn của cái ác lại dễ chuyển thành đề tài giải trí” (Sứ điệp ngày Quốc tế Truyền thông 2017), chúng ta – là những người Công giáo, chúng ta phải làm gì?
Chúng ta biết rằng, nhiệm vụ của truyền thông – như Đức Giáo hoàng Phanxicô đã viết trong Sứ điệp Ngày Quốc tế Truyền thông năm 2016, là: “bắc những nhịp cầu, thúc đẩy gặp gỡ và hoà nhập, làm cho xã hội được phong phú.”
Do đó, lời nói hay hành động của người làm truyền thông “phải làm cho tình hiệp thông được lớn lên. Và, ngay cả khi phải mạnh mẽ lên án điều ác, lời ấy cũng không hề tìm cách phá vỡ các mối tương quan trong xã hội.” (Ibid. 2016)
Theo Đức Thánh cha, muốn làm được điều này – tức là để truyền thông “bắc những nhịp cầu, thúc đẩy gặp gỡ và hoà nhập, làm cho xã hội được phong phú”, thì cần phải gắn kết “truyền thông với lòng thương xót”, phải tránh xa thứ truyền thông tạo nên sự “hồ nghi, sợ hãi và hận thù”. Trái lại, cần phải “can đảm hướng mọi người vào tiến trình hòa giải, hòa hợp”, giúp giải quyết các xung đột, nhất là giúp mọi người tìm về “chân thiện mỹ”, tìm về với “sự thật, sự thiện và sự tự do”.
Ngài viết: “Bổn phận của chúng ta là bảo ban những ai lầm lạc, tố cáo tội ác và những bất công của một số lối ứng xử, để giải thoát các nạn nhân và nâng dậy những ai té ngã. Tin mừng Gioan nói với chúng ta rằng “sự thật sẽ giải thoát anh em” (Ga 8,32). Sự thật tối thượng là Chúa Kitô. Lòng thương xót dịu dàng của Người là thước đo cách thức chúng ta loan báo sự thật và lên án bất công. Nghĩa vụ chính của chúng ta là bảo vệ sự thật với lòng bác ái (x. Ep 4,5). Chỉ những lời nói ra bằng tình yêu, cùng với sự hiền lành và lòng thương xót, mới có thể chạm vào trái tim tội lỗi của chúng ta. Những lời nói và cử chỉ khắc nghiệt hay răn dạy đạo đức, có nguy cơ đẩy ra xa hơn những người mà chúng ta muốn dẫn đưa họ đến chỗ hoán cải và tự do, làm tăng thêm ý muốn từ khước và phòng vệ của họ.” (Ibid)
Theo Đức Thánh cha, mạng xã hội làm cho thế giới trở thành “ngôi nhà toàn cầu”. Vì thế, ngày nay, người Kitô hữu cần ý thức coi mạng truyền thông như mảnh đất để “loan báo Tin mừng”. Họ phải sử dụng các tính năng truyền thông – như Email, tin nhắn, mạng xã hội và trò chuyện… một cách nhân văn. Họ phải dùng quả tim và tình yêu thương tha nhân khi xử dụng các phương tiện truyền thông sẵn có. Cũng theo Đức Thánh cha: “Các mạng xã hội có thể giúp cho những mối tương quan được dễ dàng và thúc đẩy thiện ích của xã hội, nhưng chúng cũng có thể làm gia tăng sự phân cực và chia rẽ giữa các cá nhân và các nhóm. Thế giới kỹ thuật số là một quảng trường, là nơi gặp gỡ mà ở đó người ta có thể yêu thương hay gây đau thương, tham gia một cuộc thảo luận bổ ích hay ném đá nhau tàn nhẫn.” (Ibid)
Do đó, ngài kết luận: “Truyền thông, dù ở đâu và bằng cách nào, cũng mở ra những chân trời rộng lớn hơn cho nhiều người. Đây là quà tặng của Thiên Chúa kèm theo một trách nhiệm lớn lao.” Vì thế, hơn bao giờ hết, người làm truyền thông phải ý thức trách nhiệm thiêng liêng của mình, luôn “truyền thông bằng lòng thương xót” ngõ hầu làm cho thế giới đang bị phân cực ngày nay, ngày càng xích lại gần nhau trong một đại gia đình nhân loại duy nhất.
Những lời dạy trên đây của Đức thánh cha thật thiết thực, rất cần cho chúng ta trong hoàn cảnh hiện nay, khi tất cả chúng ta đang là nạn nhân của những thứ “truyền thông bẩn”, thứ truyền thông không phò sự thật và sự sống, nhưng gieo giắc cái chết cho mọi người, biến mọi người thành những thứ phương tiện phục vụ cho những mục tiêu chính trị và kinh tế mà quên đi phẩm giá con người; thứ truyền thông đang làm băng hoại, đầu độc biết bao thế hệ người trẻ làm cho họ trở thành những người vô cảm với gia đình và giống nòi.
Chúng ta – những nhà truyền thông Công giáo, như Chúa đã truyền dạy các môn đệ trước khi về trời: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15), chúng ta tất cả đều được kêu gọi trở nên những nhà truyền thông sự thật và sự sống, để loan báo “tin vui, tin tốt lành” (Sứ điệp 2017). Đó là sứ mạng gắn liền với đức tin của chúng ta. Vì thế, dù ở bất cứ nơi đâu, dù làm việc gì, trên mạng xã hội hay ngoài đời thường, bằng lời nói hay bằng những hành vi, chúng ta đều được mời gọi truyền thông sự thật, sự sống, đem lại phước lành chứ không phải sự trừng phạt; gieo niềm vui chứ không gieo tai họa hay hận thù, truyền tin vui, tin mừng chứ không phải tin xấu, tin độc.
Nói cách khác, “điều chúng ta nói và cách chúng ta nói, từng lời nói và cử chỉ của chúng ta, phải diễn tả lòng thương xót, nhân từ và tha thứ của Thiên Chúa đối với mọi người. Tự bản chất, tình yêu là truyền thông; tình yêu dẫn đến việc cởi mở và chia sẻ. Nếu con tim và hành động của chúng ta được lòng bác ái và tình yêu Thiên Chúa thúc đẩy, thì việc truyền thông của chúng ta sẽ có được sức mạnh của Thiên Chúa.” (Sứ điệp 2016).
.
Hôm nay, ngày chúng ta cầu nguyện cho công lý và hòa bình, cũng là ngày quốc tế truyền thông. Như anh chị em biết, khi thiết lập ngày quốc tế truyền thông, Giáo hội muốn nhắc nhở con cái mình về bổn phận truyền thông sự thật, cũng là sứ mạng loan báo tin mừng mà chúng ta được kêu gọi thực thi trong cuộc sống hằng ngày; đồng thời, Giáo hội cũng kêu mời mỗi công dân, cách riêng các nhà truyền thông chuyên nghiệp, cùng hợp tác Hội thánh để làm cho truyền thông ngày càng phục vụ cho sự thật và sự sống, hầu đem lại sự thịnh vượng và hạnh phúc ấm no cho mọi người.
Vì thế, thưa anh chị em, trước tình cảnh, “truyền thông bẩn” lan tràn như hiện nay, chúng ta cùng cầu nguyện cho những người đang làm truyền thông chuyên nghiệp tại Việt Nam, để họ đừng “bẻ cong ngòi bút”, can đảm từ bỏ “thân phận bồi bút”, để quay về với nhân dân, với chính nghĩa. Xin cho họ, bằng chính lương tâm ngay thẳng của mình dám vạch trần những cái sai, cái xấu, cái ác đang làm băng hoại xã hội, nhất là dám dùng ngòi bút của mình để phục vụ cho lợi ích của nhân dân.
Cách đặc biệt, ngày hôm nay, chúng ta cầu nguyện cho Giáo hội, cho toàn thể anh chị em giáo phận Vinh, trước những tấn công có chủ đích, đầy ác ý của cả hệ thống truyền thông những ngày gần đây, xin cho Giáo hội được luôn can đảm, và bình an trong sự thật. Xin cho mọi con cái Chúa trên đất nước này, cùng nhau làm chứng và loan báo tin mừng sự sống; cùng nhau cam kết sử dụng truyền thông cách nhân văn, đó là truyền thông lòng thương xót như Chúa truyền dạy. Xin cho mỗi chúng ta thấm nhuần lời cầu xin mà thánh Phanxicô đã khẩn cầu Chúa trong Kinh Hòa Bình, để dù ở đâu và trong bất kỳ hoàn cảnh nào, chúng ta cũng “biết đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm.”
Và, thưa anh chị em, để kết thúc bài chia sẻ hôm nay, xin mượn lại đây lời của Thánh Phêrô mà chúng ta vừa được nghe Hội thánh công bố trong bài đọc thứ 2 hôm nay. Đây thực sự là những lời an ủi và là lời khích lệ tất cả chúng ta – những nhà truyền thông, biết đón nhận những khó khăn đau khổ để loan báo và làm chúng cho sự thật, cho tin mừng:
“Anh em thân mến, được chia sẻ những đau khổ của Đức Ki-tô bao nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy nhiêu, để khi vinh quang Người tỏ hiện, anh em cũng được vui mừng hoan hỷ. Nếu bị xỉ nhục vì danh Đức Giê-su Ki-tô, anh em thật có phúc, bởi lẽ Thần Khí vinh hiển và uy quyền, là Thần khí của Thiên Chúa, ngự trên anh em. Đừng có ai trong anh em phải chịu đau khổ vì tội giết người, trộm cắp, làm điều gian ác hoặc giây mình vào việc người khác; mà nếu có ai phải chịu đau khổ vì danh hiệu Ki-tô hữu, thì đừng xấu hổ, nhưng hãy tôn vinh Thiên Chúa vì được mang danh đó”. Amen.
Hà Nội, ngày 28 tháng 5 năm 2017
Lm. Giuse Trịnh Ngọc Hiên, C.Ss.R.