Thái Hà (23.09.2015) GNsP– Sau đây là bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Đền Thánh Đức Mẹ Bác Ái El Cobre ở Santiago de Cuba.
Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe kể về một việc mà Thiên Chúa luôn thực hiện mỗi khi Người đến thăm chúng ta đó là: Người mời gọi chúng ta ra khỏi căn nhà của mình. Đây là hình ảnh mà chúng ta đã được mời gọi chiêm ngắm nhiều lần. Sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời chúng ta không để cho chúng ta yên thân, nhưng luôn luôn khuấy động cuộc sống của chúng ta. Khi Thiên Chúa đến với chúng ta, Ngài luôn kéo chúng ta ra khỏi nhà. Chúng ta được viếng thăm thì cũng phải đi thăm viếng, được gặp gỡ thì chúng ta cũng đến gặp gỡ người khác, được yêu thương để chúng ta cũng phải biết thương yêu.
Trong Tin Mừng chúng ta thấy Đức Maria là người môn đệ đầu tiên. Một thiếu nữ độ chừng 15 đến 17 tuổi đã được Chúa viếng thăm trong một làng quê vùng đất Palestine, và báo cho biết rằng sẽ trở thành mẹ của Đấng Cứu Thế. Thay vì nghĩ rằng mình là nhân vật quan trọng, và tất cả mọi người sẽ đến để trợ giúp và hầu hạ mình, thì mẹ ra khỏi nhà để đi phục vụ. Trước hết, Mẹ đi giúp đỡ bà chị họ Elidabét. Niềm vui nảy sinh khi biết rằng Thiên Chúa ở với chúng ta, với người dân của chúng ta, thức tỉnh con tim, và khiến cho đôi chân chúng ta chuyển động, “kéo chúng ta đi ra”. Niềm vui này đưa chúng ta tới chỗ chia sẻ niềm vui đã nhận lãnh như một việc phục vụ, nơi những ai tưởng chừng ở trong tình “cau có”, là những người láng giềng hay bà con mà chúng ta đang sống. Tin Mừng nói với chúng ta rằng Đức Maria vội vã ra đi, với bước đi chậm nhưng liên tục, với bước chân thong thả, không phải chạy để đến một cách quá nhanh, hay đi một cách qúa chậm chạp như không bao giờ tới nơi. Không náo động cũng không thiếp ngủ, Đức Maria vội vã ra đi để trợ giúp bà chị họ cao niên mang thai. Đức Maria môn đệ đầu tiên luôn ra đi theo cách thức như thế. Mẹ là người phụ nữ đã viếng thăm biết bao nhiêu người nam nữ, các trẻ em, và người già, người trẻ. Mẹ đã thăm viếng và đồng hành trong các thảm kịch nơi nhân loại chúng ta. Mẹ là lính canh của cuộc chiến đấu nơi tất cả những người đau khổ để bảo vệ các quyền lợi cho con cái họ. Và giờ đây Mẹ không ngừng đem đến cho chúng ta Lời Sự Sống, là Con của Mẹ, Chúa chúng ta.
Cả vùng đất này đã được Mẹ viếng thăm với lòng từ mẫu. Quê hương Cuba đã chào đời và lớn lên trong hơi ấm của lòng sùng kính Đức Trinh Nữ Bác Ái. Các Giám Mục của vùng đất này đã viết: “Mẹ đã trao ban cho linh hồn Cuba một hình thái riêng và đặc biệt bằng việc khơi lên trong con tim của người dân Cuba các lý tưởng tốt đẹp nhất của tình yêu đối với Thiên Chúa, gia đình và quê hương.”
Đó là những gì mà các người đồng hương của anh chị em cũng đã khẳng định điều này cách đây 100 năm khi họ thỉnh cầu ĐGH Benedicto XV tuyên bố Đức Trinh Nữ Bác Áí là Bổn Mạng Cuba. Họ đã viết như sau: “Không có các tai ương nào, hay đói nghèo nào đã dập tắt đuợc đức tin và tình yêu mà tín hữu Công giáo của chúng con tuyên xưng nơi Đức Trinh Nữ Bác Ái, cho dầu trong các thử thách lớn lao nhất của cuộc sống, khi cái chết hay nỗi tuyệt vọng gần kề, đã luôn khơi lên ánh sáng đẩy lui đêm tối hiểm nguy… Nhìn về Đức Trinh Nữ Maria, người dân Cuba yêu kính như mẹ mình, người mẹ không thể quên được của chúng con.”
Trong Đền thánh này, người dân Cuaba lưu giữ ký ức sống động thánh thiêng và lòng trung thành của Thiên Chúa, Đức Maria được tôn kính như Mẹ Bác Ái. Từ đây Mẹ bảo vệ cội rễ của chúng ta, căn tính của chúng ta, để chúng ta đừng đánh mất trên các nẻo đường tuyệt vọng. Linh hồn của nhân dân Cuba, như chúng ta vừa mới nghe, đã được rèn luyện giữa các khổ đau, thiếu thốn, nhưng không bao giờ dập tắt được đức tin; đức tin ấy đã đuợc tôi luyện sống động nhờ biết bao nhiêu người bà nội ngoại đã gìn giữ đức tin của đời sống gia đình, sống động về sự hiện diện của Thiên Chúa, Đấng giải thoát, củng cố, chữa lành, trao ban lòng can đảm, là nơi nương náu chắc chắn và là dấu chỉ của sự hồi sinh. Các bà nội ngoại, các bà mẹ và biết bao nhiêu người khác, với sự hiền dịu và tình yêu đã là các dấu chỉ của việc thăm viếng, của lòng can đảm, của đức tin đối với con cháu, trong gia đình họ. Họ đã mở một không gian dù bé nhỏ như một hạt cải, nhưng qua đó Chúa Thánh Thần đã tiếp tục đồng hành với từng nhịp đập của dân tộc này.
“Mỗi lần chúng ta nhìn lên Mẹ Maria, chúng ta lại tin tưởng thêm một lần nữa sức mạnh cách mạng của sự dịu hiền và của tình thương mến” (Evangelii Gaudium, 288).
Hết thế hệ này sang thế hệ khác, hết ngày này sang ngày khác, chúng ta đuợc mời gọi canh tân đức tin của chúng ta. Chúng ta được mời gọi “đi ra khỏi nhà”, mở đôi mắt và con tim cho tha nhân. Cuộc cách mạng của chúng ta đi qua sự dịu hiền, đi qua niềm vui lớn trở thành sự gần gữi, luôn trở thành niềm cảm thương và đem chúng ta tới chỗ bị lôi cuốn liên lụy với cuộc sống của người khác, để phục vụ họ. Đức tin của chúng ta làm cho chúng ta ra khỏi nhà và đi gặp người khác để chia sẻ các niềm vui nỗi buồn, các hy vọng và bị tước đoạt. Đức tin của chúng ta đưa chúng ta ra khỏi nhà để đi thăm viếng người đau yếu, kẻ tù tội, người khóc lóc, và cũng biết cười với người cười, vui với các niềm vui của người bên cạnh. Như Mẹ Maria chúng ta muốn là một Giáo Hội phục vụ, ra khỏi nhà, ra khỏi các xóm giáo của mình, ra khỏi nơi thánh của mình, để đồng hành với cuộc sống, để nâng đỡ các niềm hy vọng, nên dấu chỉ của sự hiệp nhất. Như Mẹ Maria, Mẹ Bác Ái, chúng ta muốn là một Giáo Hội đi ra để xây các nhịp cầu nối, phá vỡ các tường ngăn, để gieo vãi hoà giải. Như Mẹ Maria chúng ta muốn là một Giáo Hội biết đồng hành với tất cả mọi người trong tình trạng “cau có”, dấn thân trong cuộc sống, trong văn hóa, trong xã hội, không trốn tránh nhưng bước đi với các anh chị em mình. Cùng với tất cả mọi người hợp nhất. Mọi con cái của Thiên Chúa, con cái của Đức Maria, con cái của vùng đất Cuba này.
Đó là tài sản quý báu nhất của chúng ta, đó là kho tàng lớn nhất của chúng ta và là gia tài tốt nhất mà chúng ta có thể để lại: như Mẹ Maria học đi ra khỏi nhà trên các nẻo đường của việc thăm viếng. Và học cầu nguyện với Mẹ, để lời cầu của chúng ta tràn đầy ký ức và lời cám tạ. Đó là bài thánh thi của Dân Thiên Chúa bước đi trong lịch sử. Đó là lời nhắc nhớ sống động mà Thiên Chúa ở giữa chúng ta. Đó là ký ức vĩnh cửu mà Thiên Chúa đã đoái nhìn xuống sự khiêm hạ của dân Ngài, đã cứu giúp tôi tớ của Ngài như đã hứa với cha ông chúng ta và con cháu họ đến muôn đời.”
Từ GNsP (theo zenit)