Chủ đề: “HÃY TỈNH THỨC VÀ CẦU NGUYỆN”
Giới trẻ các con thân mến!
Cha thấy các con đông quá, cho nên cha cũng hơi run và cha rất xúc động. Xin chúng con hỗ trợ cho cha một tràng pháo tay.
(cộng đoàn cười và vỗ tay).
…
Không phải một mình cha thích đại hội giới trẻ miền Bắc đâu, hồi cha đang còn ở Thanh Hóa, thỉnh thoảng các Đức cha trong giáo tỉnh bàn về đại hội giới trẻ, ai cũng thấy đây là một việc rất là kích cỡ, tốn hàng tỉ tiền, không gian thì phải tìm được chỗ nào đủ lớn cho hàng vạn người.
An ninh, nước uống, ăn nghỉ, vệ sinh, … không đơn giản tý nào, và có những ý kiến cho rằng nên tổ chức 2 năm 1 lần cho đỡ vất vả, nhưng rút cuộc, lần họp nào các Đức cha đều quyết định tổ chức đại hội giới trẻ hàng năm.
Tốn kém khó khăn vẫn không nề, vì sao?
Đơn giản vì các Đấng muốn đồng hành với giới trẻ tương lai của Giáo hội và xã hội, và vì các Đấng thấy giới trẻ miền Bắc dễ thương, dễ thương vô cùng.
Cha muốn hỏi các con, trong kỳ đại hội này, ai vất vả nhất?
Đức Cha Thiên, tất nhiên rồi, đại hội nào mà chẳng vất vả, nhưng ở đây vất vả hơn là vì hiện đại hơn, màn hình rõ đến độ thấy cả răng của MC, không có lễ tân nào mà hùng hậu như ở Hải Phòng, mỗi Đức cha một chiếc xe đen bóng loáng, rồi lại có một người đi kèm theo.
Có cái này cha nói nhỏ, xin truyền thông đừng ghi âm, là đi vệ sinh xong có người đứng chờ bắt tay. Trên thế giới chưa có, hoan hô Hải Phòng và Đức Cha Thiên.
Cha hỏi thêm câu nữa, chúng con biết ai vui nhất không?
Còn ai nữa, Đức cha Thiên, tên Ngài là Thiên, nên khi Ngài vui mặt Ngài rực rỡ như mặt trời, và hôm nay Ngài hài lòng, cha thấy Ngài cười suốt từ đầu đến giờ, Ngài hài lòng nên Ngài mặt Ngài đỏ hơn hoa phượng Hải Phòng.
Vì thấy chúng con mệt và dễ buồn ngủ nên đại hội đã biết trước và đặt chủ đề là “hãy tỉnh thức và cầu nguyện”.
Câu chủ đề này là lời của Chúa Giêsu được Thánh Luca thuật lại trong đoạn Tin Mừng mà chúng con vừa nghe.
Dựa vào dụ ngôn cây vả đâm chồi khi mùa hè trở lại, các Kitô hữu đầu tiên tin rằng, chẳng bao lâu nữa, sau khi Chúa Giêsu hoàn tất cuộc đời trần thế của Ngài, Ngài sẽ trở lại thăm viếng họ ngay trong thời của họ. Nên họ cho rằng, cần phải gấp rút chuẩn bị đón tiếp Đức Giêsu sắp xuất hiện.
Nhưng thực ra Chúa Giêsu không có ý ám chỉ sự trở lại tức khắc của Ngài, Ngài muốn nói đến ngày Ngài trở lại trong vinh quang, khi hoàn tất chương trình cứu độ đối với nhân loại và đối với thế giới. Ngài kêu gọi mọi người hãy tỉnh thức chờ đợi ngày đó.
Trong thông điệp chuẩn bị cho ngày đại hội hôm nay, Đức cha Giuse chủ nhà đã khẳng định rằng: “Lời mời gọi của Chúa Giêsu luôn mang tính thời sự đối với chúng ta hôm nay”. Ý Ngài muốn nói, tỉnh thức không phải là chuyện riêng của thời Giáo hội sơ khai, mà là chuyện của chúng ta ngay trong thời đại này.
Ngài còn viết rằng: “Do đam mê và chạy theo các giá trị trần thế, nhiều bạn trẻ lãng quên Thiên Chúa, sống như vô thần, say sưa theo đuổi danh vọng, tiền bạc, lạc thú, cho đến độ tâm hồn không còn chỗ đứng nào cho Chúa, không còn chỗ đứng nào cho người nghèo, đó là lối sống vô thần”.
Các con đã nghe câu chuyện ông Trần Đại Quang, nguyên thủ quốc gia vừa đường đột ra đi như thế nào. Quyền lực là thế, giàu sang là thế, nhưng giờ này than ôi còn lại gì cho ông, ngoài nấm mồ của ông tại quê hương Ninh Bình.
Cha không có ý nói chuyện chính trị, cha muốn nói với các con rằng, không chỉ ông Trần Đại Quang đâu, mà tất cả chúng ta rồi có lúc phải bỏ mọi sự mà ra đi.
Người chết không bao giờ đem theo được tiền bạc, sự nghiệp, bằng cấp, bạn bè. Thần chết không bao giờ cho hẹn trước.
Trong dụ ngôn người giàu có xây kho lẫm để ăn chơi hưởng thụ, Đức Giêsu phát biểu một câu nói thật đáng sợ: “Hỡi kẻ dại dột, đêm nay ta đòi linh hồn ngươi” (Lc 12, 20).
Theo thống kê của ngành công an, thì trong 9 tháng đầu năm 2018, tại Việt Nam đã có trên 6.000 người chết vì tai nạn giao thông, nhiều hơn con số thương vong trong 1 năm thời chiến tranh Việt – Mỹ.
Từng ngày, từng giờ, hàng hàng lớp lớp bệnh nhân nằm chờ chết trong các bệnh viện vì bác sỹ bảo rằng vô phương cứu chữa.
Từng phút, từng giây, hàng ngàn người biến mất khỏi thế giới này vì đủ thứ lý do: Bão lụt, thiên tai, chiến tranh, bệnh tật, hận thù, …
Khi nào đến phiên con, khi nào đến phiên cha, ai đi trước, ai đi sau, cả cha lẫn con đều không biết?
Đời người mong manh như thế, nên 1 Linh mục đã nói: “Bạn hãy sống như bạn sẽ chết vào tối hôm nay”.
Đời người thì vắn vỏi và sự chết luôn luôn rình rập như kẻ trộm, kết liễu đời ta bất cứ lúc nào, nên thời giờ Chúa ban là vô cùng quý giá, mỗi giây phút qua đi, sẽ không bao giờ trở lại.
Nghiêm trọng hơn nữa, sống sao chết vậy, chính cuộc sống hiện tại quyết định số phận đời đời của ta, cho nên cảnh giác và tỉnh thức là thái độ hợp lý nhất và khôn ngoan nhất.
Hãy tỉnh thức, hãy tự hỏi cái gì sắp giết chết linh hồn con, là ích kỷ, là liều lĩnh, là ươn hèn, là nghiện ngập, là yêu đương buông thả, hay ăn chơi hoang đàng.
Hỡi người ngủ mê hãy thức dậy đi trước khi quá muộn!
Trong cuốn phim Titanic, Titanic được xem là chiếc du thuyền lớn nhất thế giới vào thế ký 20, than ôi, chiếc thuyền vừa mới hạ thủy, đi chưa được bao xa đã đâm vào một tảng băng, và chiếc thuyền đã vỡ làm đôi, 1.500 người đã chết trong chuyến đi đó. Có một bà hành khách giàu có đang vui chơi trên boong tàu, khi con tàu lâm nạn và gãy đôi thì bà chợt nhớ đến vàng bạc, kim cương bà đang để trong phòng của bà, theo phản ứng tự nhiên, bà vội chạy về phòng, bà tự nhủ trong những giây phút định mệnh cuối cùng này, bằng mọi giá phải giữ cho bằng được những món đồ quý giá đó.
Nhưng khi đến nơi, bà do dự một tí, rất đáng ngạc nhiên, bà không lấy kim cương hay vàng bạc mà chỉ lấy mấy quả cam thôi, rồi vội vã chạy lên boong tàu, và nhờ thế, bà kịp chạy đến điểm cứu hộ và đã thoát chết.
Bà đã quyết định rất đúng. Điều cần nhất trong tình huống này là nước, nước trong trái cam. Nếu chạy không kịp mà lênh đênh giữa dòng biển thì vàng bạc chắc chắn sẽ làm bà chìm rất nhanh và làm cho bà chết giữa lòng biển, còn nếu chờ tàu cứu hộ thì bà có cam, may ra cho đến khi được giải thoát.
Chúng con thân mến, cảnh giác để chọn cho đúng cái hay, cái dở, cái lợi, cái hại, đó là tỉnh thức.
Đó cũng chính là đề tài mà thượng hội đồng giám mục vừa rồi, đề tài là phải phân biện ơn gọi cho giới trẻ, phân biện là gì? Đơn giản là chúng con phán đoán để chọn đúng đường hướng cuộc đời của chúng con.
Chắc chúng con còn nhớ dụ ngôn nén bạc trong Tin Mừng Mattheu, một ông chủ sắp đi xa trao cho 3 đầy tớ số vốn khác nhau, 5 nén, 2 nén và 1 nén. Hai người trước đã sinh lợi gấp bội, nên khi trở về, ông chủ đã thưởng công cho họ. Còn người thứ ba bị ám ảnh bởi nỗi sợ, ông chủ này chơi không được, hay hơn cả là mình chả làm sứt mẻ gì, anh ta đào lỗ chôn nén bạc, đời chẳng thêm gì, chỉ để lại cho anh sự biếng nhác và thiếu tự tin.
Cũng thế, chúng con thân mến! Nếu chúng con không biết tận dụng tài năng, thời gian Chúa ban, chúng con sẽ bị thui chột, vốn liếng Chúa ban không sinh ơn ích gì và chắc chắn rằng, con sẽ trở thành lãng phí cuộc đời hay phí đời.
Con cần phải thức dậy để đến với Chúa, và xin Ngài tái tạo mọi sự cho con, chính vì thế mà câu chủ đề có vế thứ 2: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện”.
Tỉnh thức có nghĩa là chờ, chờ trời sáng, hay là như 5 cô khôn ngoan và 5 cô khờ dại chờ chàng rể đến. Có ai đó nói rằng, hãy nói cho tôi biết, bạn đang chờ gì, Tôi sẽ nói cho bạn biết, bạn đang đi về đâu. Có bao giờ con nghĩ con đang chờ Chúa không?
Hàng đêm khi chúng ta ngủ, có muôn nghìn tu sĩ canh thức để luân phiên cầu nguyện cho chúng ta. Có nơi chầu Mình Thánh Chúa 24/24 để đền tội cho cả họ, cho thế giới và đền tội cho chúng ta, lúc nào trên hành tinh chúng ta cũng có những người đang tỉnh thức và cầu nguyện.
Mỗi một giờ đồng hồ, ít nhất có 2 ngàn linh mục dâng lễ chỗ nọ chỗ kia trên trái đất này, cho nên hiểu theo nghĩa đó, hành tinh của chúng ta là một bàn thờ luôn luôn có thánh lễ, luôn luôn có người đang tiếp xúc thân mật với Chúa.
Con hãy tự hỏi, có bao giờ con tham gia lực lượng cầu nguyện đó chưa?
Hôm nay con hãy xin Chúa cho con xác tín rằng, đời người sẽ vô nghĩa nếu không có Chúa, nhưng diễm phúc cho con, con chưa chờ Ngài nhưng Ngài đã chờ con từ lâu.
Tất cả những gì đang diễn ra trong cuộc đời con, đều hàm ẩn một thông điệp của Ngài. Trong tích tắc, chúng con có thể nói chuyện với người thân ở nước ngoài, có thể thấy mặt người thân, thậm chí thấy cả nốt ruồi của người yêu nữa, nhờ đâu, nhờ cái máy bên kia nó phát sóng và cái máy bên này nó nhận sóng. Sóng thì lúc nào cũng dày đặc, nhưng nếu không có thiết bị tiếp sóng thì sóng cũng vô ích.
Cũng vậy, Chúa lúc nào cũng hiện diện khắp nơi, nhưng vấn đề là con có tỉnh thức để nhận ra Ngài không? Con có nhận ra Ngài nơi người bạn đã sa cơ lỡ bước không? Con có nhận ra Ngài qua những người đói rách, đói khát, đau yếu, lỡ đường, thậm chí qua một phạm nhân nhà tù không? Hãy tỉnh thức kẻo khi Ngài đi qua, con không nhận ra Ngài.
Cha cầu chúc các con trong lần đại hội này, con thực sự nối kết được với chúa.
Để kết thúc, cha kể cho chúng con câu chuyện mà cha rất thích.
Có một du khách ở Thụy Sỹ bỗng tìm ra được một lâu đài tráng lệ, xung quanh có vườn hoa cực kỳ đẹp, ông ta lân la đến nhà và hỏi cụ già bảo vệ:
– Này cụ ơi, cụ ở đây bao lâu rồi?
– Thưa 24 năm rồi.
– Có lẽ chủ của cụ ít khi tới đây lắm phải không, bởi vì tôi thấy cửa luôn luôn đóng?
– Vâng, suốt 24 năm tôi chỉ gặp ông chủ có 4 lần thôi, lần cuối cách đây đã 12 năm rồi.
– Thế thì ai là người thưởng thức cảnh đẹp mà cụ tốn công chăm sóc kỹ lưỡng đến như thế?
– Thưa ông, tôi làm như thế vì tôi luôn tâm niệm rằng: Chủ tôi sẽ đến hôm nay, ngay bây giờ. Ngoài ra khi chăm sóc thửa vườn, thì chính vợ chồng tôi được thưởng thức chính vẻ đẹp của muôn hoa.
Bí quyết hạnh phúc của ông cụ là chờ ông chủ dù không biết ông chủ có đến không?
Còn con, chắc chắn Chúa sẽ đến với con ngay trong Thánh lễ này.
Hạnh phúc của con ở trong tầm tay của con. Amen
+TGM GIUSE NGUYỄN CHÍ LINH