“Yêu nhau mấy núi cũng trèo,
mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua.”
“Yêu nhau mọi sự chẳng nề,
Một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng.”
Anh chị em thân mến, tôi xin mượn hai câu cao dao về chủ đề tình yêu trên, để ngỏ lời với anh chị em, cách riêng với những anh chị em ít đến nhà thờ, những anh chị em không cùng tôn giáo với chúng tôi nhưng cũng đang hiện diện nơi ngôi nhà thờ trong đêm hôm nay.
Đêm nay ánh sáng chan hòa, đèn điện lung linh, những ngôi sao lấp lánh xen lẫn trong những dây kim tuyến, những cành thông bên cạnh những hang đá Giáng sinh được tạo hình khéo léo làm nên không gian vui tươi hơn, ấm áp hơn.
Chúng ta vừa trải qua chương trình Hoan ca được tập dượt, dàn dựng công phu do các cá nhân, hội đoàn, ca đoàn…trình diễn. Thân xác, tâm hồn mỗi chúng ta như dừng lại, quên đi những gì là ưu tư lo lắng buồn phiền, sự tất bật, vất vả vì công ăn việc làm qua một ngày sống.
Anh chị em thân mến, đêm nay không chỉ là những gì ở bề ngoài, những điều làm cho tâm hồn chúng ta cảm thấy vui tươi, ấm áp. Nhưng còn mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng và mở lòng ra đón nhận một tình yêu vĩ đại lớn lao, mà Thiên Chúa đã và vẫn đang tặng ban cho nhân loại, cho mỗi người chúng ta.
“Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng sẽ là niềm vui cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành Vua Đavít, Người là Đấng Kitô, là Đức Chúa. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ”(Lc2,11).
Nhìn vào Hang Đá Giáng Sinh đêm nay, chúng ta chiêm ngắm một hài nhi được đặt nằm trong máng cỏ. Nếu như bỏ đi những dây kim tuyến lấp lánh, tắt bỏ bớt ánh sáng đèn điện, thì đó là hình ảnh một hài nhi, một trẻ thơ sinh ra trong cảnh rất nghèo nàn, thiếu thốn. Đó là trẻ thơ Giêsu. Và sự thật là trẻ thơ Giêsu sinh ra trong hoàn cảnh nghèo nàn, thiếu thốn như vậy: Đức Maria và Thánh Giuse đã lấy tã bọc con rồi đặt nằm trong máng cỏ. Kinh Thánh nói rõ: “vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ” (Lc2,7).
Thiên Chúa, Đấng vô song tuyệt mỹ, cách nhân loại hữu hạn này bao nhiêu núi? Bao nhiêu sông? Mấy đèo? Nhân loại chúng ta, mỗi người, anh chị em và tôi đây có tương xứng với một vị Thiên Chúa, Người là Đấng Thánh, Thánh, chí Thánh? Ấy vậy mà, Ngài đã trèo, Ngài đã lội, Ngài đã qua và Ngài đã kê cho bằng, Ngài đã bỏ trời cao để trở nên giống chúng ta mọi đàng ngoại trừ tội lỗi.
Trẻ thơ Giêsu, Người là Đấng Kitô, là Đức Chúa! Ai có thể nghĩ, trí óc nào có thể tượng tượng nổi một vì “Thiên Chúa không thể diễn tả qua triết học, bỗng dưng trở thành diễn tả được. Thiên Chúa, Đấng vô hình đã chọn cho mình một thể thức hữu hình. Thiên Chúa Đấng cứu độ đã mặc khải qua các ngôn sứ giờ đây ngỏ lời trực tiếp với con người qua Hài Nhi bé nhỏ nằm trong máng cỏ”. (ĐTC Phanxicô – TT Dấu Chỉ Tuyệt Vời)
Thiên Chúa sinh ra làm người để cứu độ chúng ta. Kinh Thánh Cựu Ước nói cho chúng ta về một tình trạng đổ vỡ giữa con người với Thiên Chúa, giữa con người với nhau và giữa con người với thụ tạo. Con người đã phạm tội và hậu quả của tội là sự chết. Thiên Chúa không bỏ rơi, nhưng Ngài thương xót và yêu thương con người. Một chương trình, một kế hoạch đã được định sẵn để cứu con người.
Khi suy niệm về màu nhiệm Thiên Chúa Giáng Sinh, Thánh Irénée nói: “Người đã trở nên giống chúng ta, để chúng ta trở thành như Người”. Sau này, Thánh Clément (Alexandrie) và Grégoire (Naziance) còn đi xa hơn khi quả quyết: “Thiên Chúa đã làm người để con người làm Chúa”. Vâng, cách nói có vẻ nghịch nhĩ, phạm thượng; nhưng đó là cách diễn tả đúng bản chất về cuộc giáng sinh làm người nơi trẻ thơ Giêsu mà chúng ta mừng kính hôm nay.
Có ai không kinh nghiệm lúc mệt mỏi rã rời là thế nào, ốm đau bệnh tật ra sao? Ai trong chúng ta không có kinh nghiệm bị đau, thất bại, và bị bỏ rơi? Kinh nghiệm về sự mỏng giòn, yếu đuối, bị cám dỗ và tội lỗi vây bủa! Ai chưa một lần trải qua mất mát vì người thân qua đời, hay chứng kiến nỗi đau tột cùng của anh chị em đồng loại vì một mất mát to lớn nào đó?
Thiên Chúa làm người, để Ngài mang lấy tất cả nỗi yếu hèn trong thân phận của con người nơi chính bản thân Ngài. Thân xác của con người trong nhân loại giờ đây là thân xác của chính Ngài. Thân xác của con người, từng người chúng ta giờ đây được tháp nhập vào trong bản tính thần linh của một vị Thiên Chúa. Để Chúa ở trong ta và ta ở trong Chúa. Ngài vô tội, nhưng đã trở nên hiện thân của tội vì chúng ta và để cứu chúng ta. Cuộc nhập thể làm người của Thiên Chúa mà chúng ta mừng kính hôm nay, là khởi đầu của một tình yêu vĩ đại của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu. Ngài sẽ còn đi đến tận cùng của tình yêu: Ngài chết vì yêu và sống lại trong vinh quang để cứu độ chúng ta, cho ta sự sống vĩnh cửu.
Anh chị em thân mến, khi mừng lễ Chúa Giáng Sinh trong đêm nay, không phải chúng ta chỉ mừng một biến cố đã xảy ra cách đây hơn hai ngàn năm lịch sử. Đó không chỉ là câu chuyện đẹp, thơ mộng của quá khứ. Không!
Thiên Chúa, con Thiên Chúa làm người. Màu nhiệm Giáng Sinh đã xảy ra cách đây hơn hai ngàn năm trước, vẫn đang xảy ra mỗi ngày sống cho chúng ta và cho toàn thể nhân loại này.
“Vinh danh Thiên Chúa Trên Trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc2,14). Đó là lời của đạo binh thiên quốc đông đảo cùng với sứ thần đã cất tiếng ca tụng Thiên Chúa trong đêm Hài Nhi Giêsu sinh ra. Đó cũng là lời loan báo cho nhân loại, cho mỗi chúng ta.
Chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh của trẻ thơ Giêsu nơi mỗi gia đình; nơi những trẻ em chăm ngoan, thiếu thảo. Nhưng chúng ta cũng dễ dàng nhận ra khuôn mặt của trẻ thơ Giêsu nơi những em bé cần sự chăm sóc, bảo vệ, che chở của chúng ta. Những trẻ em không được đến trường, những trẻ em bị bóc lột sức lao động.
Hài Nhi Giêsu vẫn đang sinh ra nơi những thanh niên thiếu nữ đầy nhiệt huyết, với lý tưởng sống cao đẹp; nhưng Ngài cũng đang kêu cứu nơi những người trẻ rơi vào các tệ nạn xã hội, sống buông thả.
Cách âm thầm, sức mạnh và tình yêu của Hài Nhi Giêsu vẫn đang diễn tả nơi những người vợ, người chồng vất vả thức khuya dạy sớm, hy sinh, tần tảo vì công ăn việc làm lo cho gia đình; nhưng vẫn một lòng chung thủy với nhau; cùng nhau sống đức tin và giáo dục con cái.
Một vị Thiên Chúa làm người, nơi những cụ ông, cụ bà tuổi cao sức yếu, sống gương mẫu trong đời sống đức tin; Nhưng ngài cũng đang bị quên lãng nơi những cụ ông cụ bà đang phải sống trong buồn tủi vì bị con cháu bỏ rơi, không được chăm sóc.
“Anh em đừng sợ! Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng sẽ là niềm vui cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra” (Lc2,10). Lời trấn an của sứ thần gửi đến tất cả những ai đang khao khát một lý tưởng sống; Những ai đang phải chiến đấu với tội lỗi, yếu đuối; Những ai đang vất vả mang những gánh nặng nề. Đừng quên Hài Nhi Giêsu đã được sinh ra. Ngài là Đấng Cứu Độ chúng ta! Hãy đón nhận Ngài vào trong lòng, để hôm nay Ngài được sinh ra trong mỗi ngày sống qua những cử chỉ, lời nói, hành động yêu thương, chân thành, bác ái, vị tha mà chúng ta dành cho nhau. Đừng quên, Ngài luôn yêu và hằng xót thương ta. Ngài sẽ cứu độ và giải thoát ta!
Xin được kết thúc bằng những lời trong Bài đọc Kinh Sách Hôm nay, trích từ một bài giảng của Thánh Augustinô:
“Hỡi con người, thức dậy đi : vì bạn, Thiên Chúa đã làm người. Tỉnh giấc đi, hỡi người còn đang ngủ ! Từ chốn tử vong, trỗi dậy đi nào! Đức Ki-tô sẽ chiếu sáng bạn. Tôi xin lặp lại : vì bạn, Thiên Chúa đã làm người.
Bạn sẽ phải chết muôn đời, nếu Người đã không sinh ra trong thời gian. Bạn sẽ chẳng bao giờ được giải thoát khỏi xác thịt tội lỗi, nếu Người đã không chấp nhận mang xác thịt tội lỗi giống như bạn. Bạn sẽ phải khốn nạn mãi mãi nếu Người không tỏ lòng thương xót bạn. Bạn sẽ chẳng tìm lại được sự sống, nếu Người đã chẳng chết như bạn. Bạn sẽ ngã quỵ, nếu Người chẳng đỡ nâng. Bạn đã phải tiêu vong, nếu như Người không đến.”
Mừng lễ Chúa Giáng Sinh tất cả anh chị em. Emmanuel – Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Amen!
Lm. Giuse Nguyễn Văn Toản, C.Ss.R