Thái Hà (21.09.2016)- Giáo phận Vinh đã tổ chức ngày cầu nguyện cho hòa bình thế giới theo lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô.
Hàng chục ngàn người, từ khắp các giáo xứ trong Giáo phận Vinh đã về Đền Thánh Antôn Trại Gáo (Nghi Phương, Nghi Lộc, Nghệ An) để tham dự thánh lễ.
Đức cha Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Viên, Giám mục Phụ tá giáo phận Vinh chủ sự thánh lễ và cha Phêrô Nguyễn Văn Vinh chia sẻ Lời Chúa.
Gửi đến quý vị bài giảng của cha Phêrô Vinh trong thánh lễ này:
……………………………..
Kính thưa anh chị em,
Chính ngày hôm nay, tại Assisi bên nước Ý, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chủ sự buổi đối thoại liên tôn và cầu nguyện cho hòa bình thế giới với chủ đề : “Khát vọng hòa bình: Đối thoại giữa các Tôn giáo và các nền Văn hóa”. Ngày các Tôn giáo cầu nguyện cho hoà bình tại Assisi do thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II tổ chức lần đầu tiên ngày 27 tháng 10 năm 1986. Hồi đó, đại hội quy tụ 50 đại diện các Giáo Hội Kitô và 60 đại diện các tôn giáo lớn toàn thế giới. Trong diễn văn kết thúc Ngày cầu nguyện, Đức thánh GH Gioan Phaolô II đưa ra lời khích lệ: “Hãy tiếp tục sống sứ điệp hoà bình, hãy tiếp tục sống tinh thần của Assisi”.
25 năm sau, vị kế nhiệm của ngài, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã chủ trì Ngày thế giới cầu nguyện cho Hòa bình cùng với các lãnh đạo tôn giáo khác cũng tại quê hương của Thánh Phanxicô nhằm lặp lại cam kết chung về hòa bình và phi bạo lực.
Tiếp nối truyền thống cao đẹp này, ĐTC Phanxicô sẽ chủ sự buổi cầu nguyện liên tôn hôm nay. Nhân dịp quan trọng này, Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, yêu cầu mỗi giáo phận, vào chính ngày này, cử hành Ngày cầu nguyện cho Hòa bình. Đó là lý do và động lực khiến chúng ta hiện diện và cầu nguyện chung với nhau hôm nay tại linh địa này.
Việc chọn linh địa Trại Gáo để tổ chức Thánh Lễ này được gợi hứng bởi lời tuyên bố cúa Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II : “Tôi đã chọn thành phố Assisi này làm nơi diễn ra Ngày cầu nguyện cho Hòa bình của chúng ta, vì ý nghĩa đặc biệt của vị thánh được tôn kính nơi đây – thánh Phanxicô – nhân vật được rất nhiều người biết đến và tôn kính trên toàn thế giới như một biểu tượng của hòa giải, hòa bình và tình huynh đệ. Được cảm hứng từ tấm gương sống của ngài, từ sự hiền lành và khiêm nhường của ngài, chúng ta hãy chuẩn bị tâm hồn mình sẵn sàng để cầu nguyện trong thinh lặng nội tâm thực sự”.
Thật vậy, “tình huynh đệ của thánh Phanxicô không dừng lại nơi loài người, nhưng còn nới rộng ra tới mọi tạo vật, sống động cũng như vô tri vô giác trong vũ trụ. Ngài không coi tạo vật là xấu xa, nguy hiểm phải đề phòng. Ngài cũng không có thái độ chủ nhân ông, nhìn tạo vật chỉ là đối tượng cho mình khai thác tùy thích. Nhưng ngài thiết lập một mối quan hệ thân ái, hài hòa với mọi vật”(Lm. Giuse Nguyễn Hữu An).
Thánh Antôn mà chúng ta hằng ngày tôn kính nơi linh địa này, vị thánh thuộc dòng Phanxicô, người sống triệt để tinh thần nghèo khó, bác ái, vị tha của thánh Phanxicô, khiến linh địa của ngài được chọn làm nơi tổ chức sự kiện đặc biệt này. Đây cũng là ý nghĩa của buổi cầu nguyện như lời Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, trong Diễn văn Khai mạc Đối thoại liên tôn và Cầu nguyện cho Hòa bình lần thứ nhất năm 1986 đã nói: “Tôi thấy cuộc gặp gỡ hôm nay là một dấu hiệu rất quan trọng về sự cam kết của tất cả các bạn cho hòa bình. Chính cam kết này đã đưa chúng ta đến Assisi. Việc chúng ta tuyên xưng những niềm tin khác nhau không làm giảm thiểu ý nghĩa của Ngày gặp gỡ này. Ngược lại, các Giáo Hội, các cộng đồng Giáo Hội và các Tôn giáo trên thế giới lại chứng tỏ rằng họ thiết tha với thiện ích của nhân loại”. Trong tinh thần đó, hôm nay giáo phận Vinh cũng mời Đại diện các Tôn giáo bạn đến cùng cầu nguyện, và chắc chắn, có nhiều anh chị em không tôn giáo cũng hiện diện cầu nguyện với chúng ta. Điều này cho phép chúng ta tin tưởng rằng, nhờ lời bầu cử của thánh Antôn, Thiên Chúa, Trời, Phật sẽ phù hộ độ trì chúng ta.
Hòa bình là khát vọng cháy bỏng của con người mọi nơi mọi thời, bởi có hòa bình mới có yên vui hạnh phúc. Chiến tranh luôn là điều dữ. Bởi lẽ không có thương vong nào nhiều như chiến tranh; không có chia ly nào nghiệt ngã như chiến tranh; không có thù hận nào dai dẳng như chiến tranh; không có cuộc sống nào bị xáo trộn và bấp bênh như trong thời chiến; bởi lẽ không gì phá hoại nhiều như chiến tranh; chiến tranh cướp đi cả mạng sống của trẻ thơ lẫn giấc ngủ của tuổi già; chiến tranh làm cho người ta quen với bạo lực và giải quyết vấn đề bằng bạo lực; chiến tranh làm cho bàn tay người ta buộc lòng phải vấy máu, buộc người ta phải trang bị cho mình thú tính hơn là nhân tính. Người ta thề quyết “xả thịt, lột da, nuốt gan, uống máu quân thù”. Chiến tranh luôn là tai họa nên tránh thì hòa bình luôn là khát vọng của mọi người!
Mặc dầu con người luôn khát vọng hòa bình, mặc cho thế giới đã có nhiều tiến bộ và có những nỗ lực lớn lao vãn hồi trật tự, thăng tiến hòa bình, nhưng thực tế cuộc đời lại khác. Thiên hạ đã bao phen mừng hụt. Vào những năm cuối của thiên niên kỷ thứ hai, khi bức tường Berlin sụp đổ, người ta những tưởng thiên hạ sẽ bước vào thiên niên kỷ thứ ba một cách an bình hạnh phúc. Nào ngờ hết chiến tranh lạnh lại tới hòa bình nóng. Những kho vũ khí hạt nhận khổng lồ được cam kết giảm thiểu thì lại có những mưu mô chạy đua vũ trang kiểu mới. Hết đối đầu hai khối Đông-Tây thì đến xung đột khu vực. Hết những điểm nóng khu vực lại đến nội chiến kéo dài. Thế giới bước vào thiên niên kỷ thứ III đang phải đối đầu với hàng loạt cuộc chiến phi nhân, bẩn thỉu và khó lường nhất, nguy hiểm nhất, đó là chiến tranh khủng bố. Bọn khủng bố điên cuồng tấn công cả vào các nhà thờ, bệnh viện, trường học, vào các nơi vui chơi giải trí vào chợ búa hòng giết càng nhiều người càng tốt. Sự man rợ dường như ngày càng vượt trội. Đó là chưa kể nạn thủ tiêu chính trị, thanh lọc nội bộ.
Vấn đề thời sự nóng bỏng nhất trên thế giới hiện nay là Nhà nước Hồi giáo IS tự phong, với việc giành quyền kiểm soát nhiều khu vực rộng lớn ở Syria và Iraq, lực lượng khủng bố này đang đe dọa hòa bình ở Trung Đông và trên thế giới.
Biển Đông ngày càng nóng lên do tham vọng bá quyền thái quá của Trung Quốc: từ việc vẽ đường lưỡi bò xác định chủ quyền cách trơ tráo đến việc xây các bãi đá nhân tạo chiếm biển; từ việc cho tàu quân sự đâm chìm tàu cá và tàu tuần tra của Việt Nam ngay trên vùng biển Việt đến việc cướp sóng đài tiếng Việt để phát tiếng Tàu v.v., đang làm cho người ta nhớ lại những vụ xâm lấn ồ ạt và nạn đô hộ triền miên của người anh em khổng lồ quý hóa ở phương Bắc. Điều này làm lộ rõ bản chất xâm lăng của Trung Quốc khiến những mỹ từ mang nặng tính ngoại giao “bốn tốt” và “mười sáu chữ vàng” thực chất đang hàm chứa những nội dung ngược lại!
Nguyên nhân của chiến tranh và bất ổn trên thế giới thì có nhiều, nhưng chung quy lại là do thiếu công bình, thiếu bác ái và do lòng tham. Bao cuộc chiến tranh tương tàn, bao nhiêu vụ khủng bố đẫm máu đều phát xuất do công lý không được coi trọng; lòng tham và sự hận thù xem ra lấn lướt công lý. Kẻ mạnh áp đặt luật chơi cách bất công và phi lý, coi thường quyền lợi chính đáng của những quốc gia nhược tiểu và chà đạp nhân quyền. Thiếu công bình và bác ái đâm ra chèn ép nhau, thiếu công bình và bác ái dẫn tới bất công và bóc lột. Cơ chế mua tận gốc bán tận ngọn cách lạnh lùng hà khắc đã làm điêu đứng các quốc gia kém phát triển. Nạn thao túng, lũng đoạn thị trường, cơ chế bao thầu trái phép, những ê kíp ép giá, những khâu trung gian cò mồi ma quái đang làm khánh tận bao người.
Trong Thông điệp Laudato Si, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Sự bất bình đẳng không chỉ ảnh hưởng đến từng cá nhân, nhưng trọn cả đất nước, buộc phải suy nghĩ đến đạo đức trong liên hệ quốc tế… Món nợ bên ngoài của các nước nghèo trở thành một công cụ quản lý,… Đất đai của người nghèo ở miền nam thật phì nhiêu … nhưng để chiếm hữu những tài sản và tài nguyên này phục vụ cho cuộc sống, họ bị một hệ thống thương mãi và sở hữu quái ác ngăn cấm”.
Cơ chế đã bất công lại bị khoét sâu thêm hố ngăn cách kinh khủng giàu nghèo bởi nạn tham nhũng. Trong Tông Huấn Dung Mạo Lòng Thương Xót, Đức Thánh Cha Phanxicô chỉ rõ: “Tôi cũng hướng lời mời gọi đó tới những người là thủ phạm hoặc đồng lõa trong nạn tham nhũng. Vết thương mưng mủ này là một trọng tội đang kêu thấu tới trời, vì đang hủy hoại nền tảng của cuộc sống cá nhân và xã hội. Nạn tham nhũng không cho chúng ta tin tưởng nhìn về tương lai, vì sự tàn nhẫn và tham lam sẽ làm tiêu tan dự định của những người yếu kém, và giẫm nát những người nghèo khổ nhất…Đây là việc làm của bóng tối, được hỗ trợ bởi lòng nghi kỵ và mưu mô xảo trá” (số 19).
Nhà cầm quyền Trung Quốc mấy năm gần đây đã gióng lên tiếng chuông báo động rằng: nạn tham nhũng đang làm mất ổn định xã hội, điều này ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ. Ở Việt Nam chúng ta, người ta cũng cho rằng tham những đang là quốc nạn. Mong sao các nhà lãnh đạo có được những việc làm cụ thể, phù hợp với nhận thức đúng đắn này!
Điều đáng buồn nhất là những áp bức bất công và tệ bất bình đẳng không chỉ xảy ra trên bình diện quốc tế, giữa các quốc gia, các dân tộc với nhau mà ngay trong một quốc gia cũng vậy. Nạn nhân chính của những cơ chế bất công là những người dân thấp cổ bé miệng. Những điều tồi tệ này đang gây nên một tình trạng ấm ức, bằng mặt nhưng không bằng lòng, mà nếu không khắc phục được, để cho đến lúc “giọt nước làm tràn ly” thì khó có thể nói gì với sự hòa bình ổn định. Tướng Đờ Gôntừng nhận đinh rằng: “Nền hòa bình vẫn rất mong manh bao lâu hơn hai tỷ người trên hành tinh này đang phải sống trong cảnh nghèo khổ bên cạnh những người anh em giàu có của họ!” Và dù người ta có dùng mọi biện pháp, kể cả dùng bạo lực để áp đặt cái gọi là ổn định, thì đó cũng chỉ là một tình trạng an ninh giả tạo, một thứ hòa bình theo kiểu “bánh vẽ” mà thôi.
Với vài nét sơ lược tình hình như vừa kể, những người thành tâm thiện chí không khỏi lo lắng cho tương lai của thế giới và quê hương đất nước chúng ta. Lo lắng là đúng, nhưng nếu mọi giải pháp của con người đều cạn kiệt thì còn có giải pháp của Thiên Chúa. Tiếng nói cuối cùng thuộc về Thiên Chúa. “Ðối với loài người thì điều đó không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa, thì mọi sự đều có thể được” (Mt 19,26). Theo lời kêu gọi của Tòa Thánh, hôm nay chúng ta quy tụ về đây cùng với các tôn giáo bạn để cầu nguyện. Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã khẳng định:“Ngày cầu nguyện này tự nó là một lời mời gọi thế giới ý thức rằng có một chiều kích khác của hoà bình, và một cách thức khác thăng tiến hoà bình. Nó không phải chỉ là kết qủa của các cuộc thương thuyết hay các giàn xếp chính trị, kinh tế. Lời cầu nguyện và chứng tá của các tín hữu thuộc bất cứ truyền thống tôn giáo nào cũng có thể góp phần rất nhiều cho nền hoà bình trên thế giới”. Như thế, vị thánh Giáo hoàng quả quyết, ngoài các phương tiện thế tục con người xưa nay vẫn dùng để thăng tiến hòa bình mà nhiều lúc xem ra bế tắc, chúng ta có phương thế thiêng liêng, đó là cầu nguyện.
Quả vậy, trong Kinh Hòa Bình chúng ta đọc : Hòa bình trong tâm hồn, hòa bình trong gia đình, hòa bình trong tổ quốc, hòa bình giữa các dân tộc. Có hòa bình trong tâm hồn mới có hòa bình trong gia đình, có hòa bình trong gia đình mới có hòa bình trong tổ quốc, có hòa bình trrong tổ quốc mới có hòa bình giữa các dân tộc. Thuật lãnh đạo của phương Đông cũng dạy: tu thân – tề gia – trị quốc – bình thiên hạ. Như vậy, hòa bình trong tâm hồn là mấu chốt của mọi cấp độ hòa bình khác. Mà tâm hồn của con người có thể được Chúa biến đổi nhờ lời cầu nguyện của các tôn giáo chúng ta. Chúng ta cầu nguyện để mọi người biết sám hối; có được sự sám hối là có nhận thức đúng; có nhận thức đúng cùng với sự thành tâm thiện chí dẫn tới hành động đúng.
Chúng ta cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo thế giới biết tôn trọng công lý để xây dựng hòa bình, biết dẹp qua mọi bất đồng để xây dựng tình thương, một tình thương dẫn tới sự hăng say bảo vệ và thăng tiến hòa bình thế giới.
Chúng ta cầu nguyện cho mọi con dân đất Việt được hưởng độc lập, tự do, hạnh phúc đích thực. Cầu cho các vị lãnh đạo đất nước được ơn Chúa soi sáng để đổi mới tư duy và dẫn tới hành động đúng đắn bảo vệ hòa bình cho tổ quốc và hạnh phúc cho nhân dân. Về việc cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo, thánh Phaolô dạy: “Trước tiên, cha khuyên hãy cầu xin, khẩn nguyện, kêu van và tạ ơn cho mọi người: cho vua chúa, và tất cả những bậc vị vọng, để chúng ta được sống bằng yên vô sự, trong tinh thần đạo đức và thanh sạch. Ðó là điều tốt lành và đẹp lòng Ðấng Cứu Ðộ chúng ta là Thiên Chúa. Người muốn cho mọi người được cứu rỗi và nhận biết chân lý (1Tm 2,1-4).
Chúng ta cầu nguyện và mong cho các nhà lãnh đạo đất nước, theo như ý kiến của ông Trương Trọng Nghĩa, Đại biểu Quốc hội của Sài Gòn cho rằng, muốn chiến thắng thù trong giặc ngoài thì phải phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, muốn đoàn kết toàn dân thì phải phân biệt rõ Ta – Bạn – Thù. Đừng vội xếp vào hàng thù địch những người không cùng quan điểm, không cùng phương pháp và nhận thức mặc dầu họ thành tâm xây dựng đất nước. Hãy thêm bạn bớt thù, đừng thêm thù bớt bạn. Đừng coi thù là bạn, coi bạn là thù. Đừng lẫn lộn thay vì đánh thù thì lại đánh vào ta. Trước sự ngang nhiên thôn tính biển đảo của giặc Tàu và những âm mưu thôn tính những điểm huyết mạch trên đất liền dưới các chiêu bài dự án đầu tư lớn nhỏ, hãy cảnh giác: “Nỏ thần đừng để sa tay giặc, mất cả đất liền cả biền sâu”.
Cũng theo ý kiến của vị đại biểu này (Trương Trọng Nghĩa), những thế lực cản trở sự phát triển, cản trở công cuộc đổi mới cũng là thù. Theo tôi nghĩ, một loại thù đang cản trở sự phát triển và đổi mới của đất nước, đó là nạn tham nhũng. Đại nạn này đánh mất niềm tin vào chế độ cách nghiêm trọng, gây nên tình cảm bất mãn, công phẫn khắp nơi và đe dọa nghiêm trọng sự ổn định xã hội. Mong sao các vị lãnh đạo đất nước không coi nhẹ vấn đề này và thẳng tay bài trừ tham nhũng. Đó là một cách lấy lại niềm tin và sự ổn định. Nếu “đập chuột” mà sợ “vỡ bình” thì phải phân biệt rõ ràng đâu là “bình” đâu là “chuột”.
Cầu nguyện cho thế giới và đất nước được hòa bình và mọi con dân đất Việt được tự do hạnh phúc, chúng ta đặt hết niềm tin tưởng vào Chúa Kitô vua vũ trụ, “Người đã gánh nhận vương quyền trên vai, và thiên hạ sẽ gọi tên người là ‘Cố Vấn kỳ diệu, Thiên Chúa huy hoàng, người cha muôn thuở, ông vua thái bình’. Người sẽ mở rộng vương quyền và cảnh thái bình sẽ vô tận” (Is 9,3-6a). Triều đại mà: “Muông sói sẽ sống an lành với chiên con, hùm beo sẽ nằm nghỉ chung với dê. Bò con, sư tử, và bò đực tơ sẽ ăn chung nhau, rồi một đứa trẻ thơ sẽ dắt chúng nó” (Is 1,6). Đành rằng, cảnh thái bình thịnh trị nói trên của triều đại Thiên Chúa chỉ hoàn thành trong ngày thế mạt. Tuy nhiên, lòng thương xót Chúa trải qua từ đời nọ đến đời kia, chúng ta có quyền hy vọng và tín thác vào Người. Để nhờ ơn thánh Chúa, mọi người mọi nơi thành tâm sám hối và chung tay góp sức xây dựng thế giới và đất nước được hòa bình, mọi người dân được hưởng tự do, hạnh phúc thật sự.
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Vinh
Nguồn: giaophanvinh.net