Bài giảng thánh lễ cầu nguyện cho công lý và hòa bình: Tự do tôn giáo tại Việt Nam
BÀI GIẢNG THÁNH LỄ CẦU NGUYỆN CHO CÔNG LÝ VÀ HÒA BÌNH
Thánh Lễ 20 giờ, Chúa Nhật 25.10.2015, tại Thái Hà
Kính thưa ông bà và anh chị em, cách riêng ông bà và anh chị em không cùng tôn giáo với chúng tôi đang hiện diện nơi đây để hiệp thông với chúng tôi cầu nguyện cho công lý và hòa bình trên quê hương Việt Nam chúng ta.
Kính thưa ông bà và anh chị em,
Đoạn Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe trong thánh lễ hôm nay có một chi tiết có thể gợi ý cho chúng ta suy niệm và cầu nguyện theo ý mà ban tổ chức đã đưa ra, đó là cầu nguyện cho “quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam được nhà cầm quyền thực sự tôn trọng”
Chi tiết đó, được thánh Macô, tác giả sách Tin Mừng trình bày như thế này: anh mù Batimê, người ăn xin ở thành Giêrikhô nghe biết Đức Giêsu người Nadarét đi ngang qua, anh liền kêu lớn tiếng: “Lạy ông Giêsu, Con Vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!”. Nhiều người quát nạt bảo anh ta im đi, nhưng anh ta càng kêu lớn tiếng: “Lạy ông Giêsu, Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!” Đức Giêsu đứng lại và nói: “Gọi anh ta lại đây”.
Kính thưa ông bà và anh chị em: nhiều người quát nạt anh mù Batimê, ngăn cản anh ta đến với Chúa Giêsu. Nhóm người này tự cho mình cái quyền, cho hoặc không cho anh mù Batimê đến với Đấng mà anh muốn kêu cầu, Đấng có thể giải thoát cho anh khỏi tình trạng mù lòa anh đang phải chịu. Và trong suốt dòng lịch sử nhân loại đã có nhiều chính quyền, nhiều tổ chức, đảng phái qua các cách thức khác nhau, cũng tự cho mình cái quyền, cho hay không cho người khác bày tỏ khát vọng, niềm tin của mình vào Thiên Chúa, vào một tôn giáo, như đám đông đã ngăn cản anh mù Batimê mà bài Tin Mừng hôm nay trình bày.
Kính thưa ông bà và anh chị em,
Đức tin Kitô giáo khẳng định rằng, con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Con người được Thiên Chúa dựng nên với tất cả phẩm giá, sự tự do và con người hằng khát khao hướng về Ngài. Nói cách khác, nhân phẩm và các quyền cơ bản của con người, trong đó có quyền tự do tôn giáo đến từ Thiên Chúa, Đấng là chủ vạn vật, lịch sử chứ không do một cá nhân hay một thể chế chính trị, một đảng phái cầm quyền nào ban tặng cho con người. Do đó, tự do tôn giáo là “quyền, chứ không phải ân huệ xin cho” như lời Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt đã khẳng khái nói với các quan chức Hà Nội vào ngày 20.9.2008 tại Ủy Ban Nhân Dân Thánh Phố Hà Nội. Hay như Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh, Giám mục Giáo phận Kontum đã khẳng định trong lá thư gửi tới ông Trương Tấn Sang, Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Tấn Dũng – những vị lãnh đạo cao cấp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vào ngày 04.4.2012, trong đó Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh khẳng định: “Tự do tôn giáo không phải là một ân ban, mà là một quyền căn bản thánh thiêng!”
Kính thưa ông bà và anh chị em, những lời khẳng định của Đức nguyên Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt hay Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh, đó chính là những khẳng định từ Giáo lý Công giáo, từ Giáo huấn xã hội của Giáo hội Công giáo khi nói về phẩm giá con người mà cụ thể ở đây là quyền tự do tôn giáo.
Giáo huấn xã hội của Giáo hội số 421 lấy lại nội dung trong Tuyên Ngôn về Phẩm Giá Con Người của Công Đồng Vatican II viết rằng: “cá nhân và các cộng đồng có quyền được tự do về mặt dân sự lẫn xã hội trong các vấn đề tôn giáo. Điều này có mục đích để sự tự do, mà Chúa muốn và được khắc khi trong bản tính con người, có thể được thực hiện, không gặp phải một trở ngại nào, vì sự thật tự nó có sức mạnh ép buộc chứ không dựa trên một uy quyền nào khác…Xã hội và nhà nước không được cưỡng bách con người hành động ngược với lương tâm của mình hay không được ngăn cản con người hành động hợp với lương tâm mình.”
Khi cầu nguyện cho “quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam được nhà cầm quyền thực sự tôn trọng”, có thể ai đó nói rằng: Mình vẫn được tự do đó thôi, đi lễ, đọc kinh, rước xách, có ai ngăn cản nữa đâu. Có mất tự do đâu mà phải cầu nguyện?
Không, thưa ông bà và anh chị em, với chủ nghĩa cộng sản được đặt trên nền tảng Marx ở bất cứ đâu đều nhất quán về vấn đề tôn giáo, có thể thay đổi cách thức nhưng luôn luôn là nhất quán. Điều nhất quán ở đây là coi tôn giáo chỉ là sản phẩm của con người. Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân, như Karl Marx nói. Coi tôn giáo thù nghịch với sự tiến bộ của nhân loại. Và do đó, cách điều hành xã hội, cách hành xử của nhà cầm quyền luôn thù nghịch với các tôn giáo thể hiện qua các chính sách của mình.
Có một thời mà nhà cầm quyền muốn xóa bỏ tôn giáo. Thời kỳ mà bao linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân phải vào tù, chết rũ tù. Các cơ sở tôn giáo bị ép phải “cho mượn”, “trao quyền sử dụng”. Mà thưa ông bà và anh chị em, Thái Hà – nơi chúng ta đang hiện diện đây là bằng chứng tố cáo thời kỳ đó: Thầy Marcel Nguyễn Tân Văn, thầy Clément Phạm Văn Đạt trong tu viện này đã chết rũ tù. Nhà cầm quyền dùng quyền lực để cưỡng đoạt lấy đất đai, Tu viện.
Thưa ông bà và anh chị em, không nói đến thời kỳ đau buồn đó, hôm nay chúng ta cầu nguyện cho “quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam được nhà cầm quyền thực sự tôn trọng” ngay trong giai đoạn hiện tại này. Hiện nay, tự do tôn giáo ở Việt Nam ra sao?
Tại Điều 24, Chương II của Hiến Pháp nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam quy định:
1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.
2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Hiến Pháp quy định chẳng có điều gì để bàn, để phàn nàn, để nói là không có tự do; nhưng thưa ông bà và anh chị em: Những quy định trong Hiến Pháp chỉ để chưng ra cho đẹp. Nhà cầm quyền hành xử theo các văn bản dưới luật mà rất nhiều văn bản dưới luật đi ngược lại với chính Hiến Pháp mà nhà cầm quyền đưa ra. Nào là: Pháp lệnh, nghị quyết, quyết định, chỉ thị, thông tư….Với bao quy định rườm rà để hạn chết quyền tự do tôn giáo và chỉ muốn “nắm” tôn giáo, điều khiển tôn giáo phục vụ cho thể chế chính trị.
Cách đây chưa đến 10 ngày, sở Nội Vụ Tỉnh Kon Tum không đồng ý cho cha Phaolô Lưu Quang Bảo Vinh, Dòng Chúa Cứu Thế giảng tĩnh tâm cho linh mục đoàn Giáo Phận Kon Tum. Ba ngày sau, một văn bản khác thay thế nói rằng, đồng ý cho cha Phaolô Lưu Quang Bảo Vinh có mặt trong kỳ tĩnh tâm này.
Không cho, rồi lại cho. Không hiểu nhà cầm quyền dựa vào đâu để đưa ra những quyết định như thế. Vụ việc điển hình này cho thấy: chết độ này vẫn là chế độ : xin – cho, nhất là trong vấn đề tôn giáo. Chính Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh viết trong quyết định hủy bỏ cuộc tĩnh tâm: “chúng tôi quyết định hỷ bỏ cuộc tĩnh tâm năm 2015 như một minh chứng Ban tôn giáo tỉnh Kon Tum đã can thiệp quá sâu vào nội bộ của Giáo hội, làm cho thiên hạ thêm xác tín tại Giáo phận Kon Tum ‘không có tự do tôn giáo’. Phải chăng đây là kết quả của chính sách lỗi thời ‘xin – cho’”. Những điều này được Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh viết cách đây có sáu ngày, ngày 19.10.2015.
Vấn đề đất đai của các Dì dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm mà hôm nay chúng ta cầu nguyện cho các Dì cũng vậy: Tại Miền Nam, sau năm 1975, các trường Công giáo trong thế bị ép buộc phải “trao quyền sử dụng” cho nhà nước và các Dì Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm đã phải để cho nhà nước dùng trường học của mình vào việc giáo dục. Nay nhà nước không còn làm trường nữa, muốn chuyển đổi mục đích sử dụng, lẽ ra phải trả lại cho các Dì. Vì quyền sở hữu vẫn thuộc quyền của các Dì dòng Mến Thánh Giá, cũng như các ngôi trường trước đây của Giáo hội Công giáo nay vẫn thuộc về Giáo hội Công giáo, như những gì đã được ghi trong Thông Cáo Chung giữa Tòa Tổng Giám Mục Sài Gòn với nhà cầm quyền vào năm 1975.
Thưa ông bà và anh chị em, như tôi đã nói, chủ nghĩa cộng sản được đặt trên nền tảng Mácxít là thù nghịch với tôn giáo, nên có thể hiểu được những gì đang xảy ra. Việc nhà cầm quyền muốn đập bỏ ngôi trường của các Dì dòng Mến Thánh Giá cũng nằm trong chính sách nhất quán này: Bán đảo Thủ Thiêm, ở Quận 2 sẽ thành khu đô thị mới và sẽ có cả triệu người sống, làm việc nơi đây, nhưng nhà cầm quyền đã không dành ra một chút không gian tôn giáo để phục vụ nhu cầm tâm linh của người dân. Không chỉ ngôi trường, tu viện dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm đã hiện diện trên 170 năm hay giáo xứ Thủ Thiêm, chùa Liên Trì, nhà cầm quyền cũng muốn bứng khỏi khu đất này.
Tu viện, Giáo xứ Thái Hà này, mỗi tuần có hàng chục ngàn lượt người tới đây cầu nguyện, tham dự các thánh lễ. Nơi đây đã trở nên quá tải, quá chật chội; không thể có không gian tốt để phục vụ cho ông bà và anh chị em tới đây, trong khi đó Tu viện và đất đai của Nhà Dòng và Giáo xứ bị cưỡng chiếm.
Hiến Pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam quy định quyền tự do tôn giáo của người dân. Tôn giáo được nhà nước tôn trọng và bảo hộ, được bình đẳng, nhưng nhà nước lại luôn xen vào nội bộ các tôn giáo và luôn là bất bình đẳng. Vài điều có thể liệt kê ra đây:
Việc phong Giám mục, ngoài việc tuyển chọn trong nội bộ Giáo Hội thì phải qua nhà cầm quyền, phải có sự đồng ý của nhà cầm quyền. Việc đào tạo linh mục, việc làm mục vụ luôn luôn là xin, còn cho hay không cho thì tùy hứng, tùy mức độ thân thiện, cảm tình.
Lý lịch của người dân mang hai từ: Công Giáo vẫn đang bị đối xử bất bình đẳng trong các cơ quan nhà nước. Ông bà và anh chị em, là những người có kinh nghiệm hơn ai hết về thực trạng người Công giáo từ mấy chục năm qua và hiện nay cũng vậy, bị đối xử bất bình đẳng.
Nhà cầm quyền không công nhận tôn giáo có tư cách pháp nhân, nên các tổ chức tôn giáo cũng không có quyền: mua hoặc bán hay chuyển nhượng đất đai. Tôn giáo không được tham gia vào giáo dục (có chăng là được mở trường mần mon) hay y tế…trong khi là một công dân bình thường có thể làm.
Nguy hại hơn, nhà cầm quyền luôn có cái nhìn không thiện cảm về tôn giáo, về người có Đạo. Coi người Công giáo, người có Đạo là nguy hiểm, phải canh chừng, nên có loại công an tôn giáo…
Nhà cầm quyền luôn yêu cầu Giáo hội Công giáo phải thỏa hiệp: Có thể cứ rước xách, cứ tổ chức đại lễ, cứ xây nhà thờ to, nhưng đừng nói đến các vấn đề xã hội, đừng động đến thể chế, đừng nói đến dân chủ, nhân quyền, phẩm giá con người, đừng quan tâm đến dân oan, án oan, đừng quan tâm đến nỗi đau của những người chết oan ức, mờ ám trong đồn công an…Giáo hội đặt vào tình trạng có nguy cơ đánh mất tiếng nói ngôn sứ mà Thiên Chúa đòi buộc nơi những ai đi theo Ngài. Giáo hội có nguy cơ phải thỏa hiệp, phải trả giá bằng chính căn tính của mình.
Kính thưa ông bà và anh chị em, cầu nguyện cho sự tư do tôn giáo, trong một xã hội đặt trên nền tảng phủ nhận vai trò, sự thánh thiêng của tôn giáo là chủ thuyết Marx thì thật khó khăn. Tuy nhiên, trong đức tin, chúng ta tin vào sự hướng dẫn của lương tâm con người – nơi mà Thiên Chúa đã khắc ghi luật của Ngài. Chúng ta tin vào quyền năng của Thiên Chúa có thể biến đổi lịch sử và đánh động lương tri con người, để chúng ta kiên trì dâng lên Ngài những lời cầu xin tha thiết, để chúng ta thắp lên những ngọn nến của niềm tin, niềm hy vọng.
Hãy cầu nguyện và hành động để cho sự tự do tôn giáo được tôn trọng, để mỗi người chúng ta, gia đình, Giáo hội và xã hội chúng ta được sống đúng với phẩm giá mà Thiên Chúa – Đấng Tạo Hóa đã ban cho con người. Nói như Đức Hồng Y Mamberti, nguyên Thư ký Phủ Quốc vụ khanh đặc trách quan hệ với các quốc gia: “tự do tôn giáo là bài trắc nghiệm quyết định cho tất cả các quyền khác của con người, vì ở đâu tự do tôn giáo được tôn trọng, thì ở đó tất cả các quyền khác có thể được phát triển. Sự tự do tôn giáo cách toàn diện sẽ tạo điều kiện cho một ý thức mạnh mẽ về đạo đức nơi các công dân, đang khi sự vắng mặt của sự tự do tôn giáo là tiền đề cho một sự suy yếu của nền dân chủ”.
Hãy cầu nguyện và hành động để sự tự do tôn giáo được nhà cầm quyền tôn trọng, nhờ đó mà các giá trị tâm linh, văn hóa khỏi bị phá sản, đạo đức được giữ gìn và phẩm giá, quyền con người được tôn trọng. Trong hoàn cảnh nhất định, phải nói như thánh Phêrô và các Tông Đồ khi trả lời những người cấm cản việc loan báo Tin Mừng: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm” (Cv 5, 29). Không thể để đám đông, đảng phải, thể chế chính trị bóp nghẹt lời kêu cầu của anh mù Batime lên Thiên Chúa. Vất lại chút lợi lộc, sự đảm bảo giả tạo là cái áo choàng như anh mù Batime trong bài Tin Mừng hôm nay mà đứng phắt dậy; bởi chỉ khi có sự tự do tôn giáo thực sự, mỗi người chúng ta mới có thể tôn thờ Thiên Chúa trong chân lý và trong sự thật (x. Ga 4, 23-24).
Để kết thúc bài chia sẻ trong thánh lễ hôm nay, xin gửi tới ông bà và anh chị em lời mời gọi của Đức nguyên Giáo Hoàng Bênêđictô XVI trong Sứ điệp Ngày Hoà Bình Thế Giới năm 2011. Đức Bênêđictô XVI viết:
“Chính trong tự do tôn giáo có biểu lộ đặc tính của con người, nhờ tự do ấy con người có thể xếp đặt đời sống bản thân và xã hội của mình theo Thiên Chúa: dưới ánh sáng của Chúa, con người hiểu được trọn vẹn căn tính, ý nghĩa và cùng đích của mình. Phủ nhận hoặc giới hạn tự do tôn giáo một cách độc đoán có nghĩa là nuôi dưỡng một quan niệm hẹp hòi về con người, làm lu mờ vai trò công cộng của tôn giáo có nghĩa là tạo nên một xã hội bất công, vì không hợp với bản chất đích thực của con người; điều này có nghĩa là làm cho sự khẳng định một nền hòa bình chân chính và lâu bền của toàn thể nhân loại trở thành điều không thể thực hiện được.
Vì vậy, tôi nhắn nhủ những người nam nữ thiện chí hãy canh tân quyết tâm xây dựng một thế giới trong đó tất cả mọi người đều được tự do tuyên xưng tôn giáo hoặc tín ngưỡng của mình và sống tình yêu của mình đối với Thiên Chúa một cách hết lòng, hết linh hồn và tâm trí (xc. Mt 22,37)”. Amen!
Lm. Giuse Nguyễn Văn Toản, DCCT