Theo tin Zenit, cuối Thánh Lễ Bế Mạc Cuộc Gặp Gỡ Thế Giới các Gia Đình tại Dublin, Ái Nhĩ Lan, Chúa Nhật 26 tháng Tám, Đức Hồng Y Kevin Farrell đã công bố Rôma được chọn là nơi tổ chức Cuộc Gỡ năm 2021 của các gia đình thế giới, nhân kỷ niệm 5 năm ngày ban hành Tông Huấn Amoris Laetitia về gia đình.
Chiều chúa nhật 26-8-2018, ĐTC Phanxicô đã cử hành thánh lễ duy nhất trong cuộc viếng thăm 36 tiếng đồng hồ tại Dublin, kết thúc cuộc gặp gỡ các gia đình Công Giáo thế giới kỳ 9.
Sau đây là nguyên văn bài giảng soạn sẵn của ngài, theo bản tiếng Anh của Tòa Thánh
“Thầy có lời hằng sống” (Ga 6:68)
Vào cuối cuộc Gặp gỡ các Gia đình Thế giới này, chúng ta tập hợp nhau như một gia đình quanh bàn ăn của Chúa. Chúng ta cảm ơn Chúa vì nhiều phước lành chúng ta đã nhận được trong các gia đình của chúng ta. Và chúng ta muốn cam kết sống trọn vẹn ơn gọi của mình để trở thành, như lời cảm động của Thánh Têrêsa, “tình yêu trong trái tim Giáo Hội.”
Trong thời điểm hiệp thông quý báu này với nhau và với Chúa, chúng ta nên tạm dừng lại và xem xét nguồn gốc của tất cả những điều tốt đẹp mà chúng ta đã nhận được. Chúa Giêsu mạc khải nguồn gốc của những phước lành này trong Tin Mừng hôm nay, khi Người nói với các môn đệ của Người. Nhiều người trong số họ buồn rầu, bối rối hoặc thậm chí tức giận, hết sức cố gắng để chấp nhận “những lời khó nghe” của Người, quá trái ngược với sự khôn ngoan của thế giới này. Đáp lại, Chúa nói với họ cách trực tiếp: “Những lời Thầy nói với anh em đều là thần khí và sự sống” (Ga 6:63).
Những lời lẽ này, với lời hứa ban hồng ơn Chúa Thánh Thần, đầy ắp sự sống đối với chúng ta, những người chấp nhận chúng bằng đức tin. Chúng hướng dẫn ta tới nguồn gốc tối hậu của mọi điều thiện hảo mà chúng ta từng trải nghiệm và cử hành ở đây trong mấy ngày qua: Thần Khí của Thiên Chúa, Đấng liên tục thở sự sống mới vào thế giới, vào trái tim, vào gia đình, vào mái ấm và vào giáo xứ của chúng ta . Mỗi ngày mới trong cuộc sống của các gia đình chúng ta, và mỗi thế hệ mới đều mang theo lời hứa về một Lễ Hiện Xuống mới, một Lễ Hiện Xuống Gia Đình, một tuôn đổ tràn trề tươi mát Chúa Thánh Thần, Đấng An Ủi, mà Chúa Giêsu phái đến làm Đấng Bào Chữa của chúng ta, Đấng An Ủi của chúng ta và quả là Đấng Khích Lệ của chúng ta.
Thế giới chúng ta cần xiết bao sự khích lệ vốn là hồng ân và lời hứa hẹn của Thiên Chúa này! Như một trong các hoa trái của cuộc cử hành đời sống gia đình này, ước mong anh chị em trở về gia đình mình và trở thành nguồn khích lệ cho người khác, chia sẻ với họ “lời hằng sống” của Chúa Giêsu. Vì gia đình của anh chị em vừa là một nơi ưu tuyển vừa là một phương thế quan trọng để loan truyền các lời lẽ này như ‘Các Tin Mừng’ cho mọi người, nhất là những ai mong mỏi bỏ hoang địa và ‘nhà nô lệ’ (xem Gs 24:17) lại phía sau để hướng tới đất hứa đầy hy vọng và tự do.
Trong bài đọc thứ hai hôm nay, Thánh Phaolô nói với chúng ta rằng hôn nhân là tham dự vào mầu nhiệm trung thành bất diệt của Chúa Kitô với nàng dâu của Người, là Giáo Hội (xem Ep 5:32). Tuy nhiên, giáo huấn này, dù vốn tuyệt vời, nhưng với một số người dường như chỉ là “câu nói khó nghe”. Vì sống trong tình yêu, thậm chí như Chúa Kitô yêu chúng ta (xem Ep 5: 2), đòi phải bắt chước sự tự hy sinh của chính Người, chết đi với chính chúng ta để được tái sinh vào một tình yêu lớn lao hơn và bền bỉ hơn. Thứ tình yêu mà chỉ một mình nó mới có thể cứu thế giới chúng ta khỏi nô lệ tội lỗi, ích kỉ, tham lam và thờ ơ đối với nhu cầu của những người kém may mắn hơn. Đó là thứ tình yêu mà chúng ta đã biết được nơi Chúa Giêsu Kitô. Tình yêu này nhập thể vào thế giới của chúng ta qua một gia đình, và qua nhân chứng của các gia đình Kitô giáo thuộc mọi thời đại, tình yêu này có sức mạnh phá vỡ mọi rào cản để hòa giải thế giới với Thiên Chúa và biến chúng ta thành điều chúng ta vốn được định để trở thành: một gia đình nhân bản đơn nhất cùng ngụ chung với nhau trong công lý, thánh thiện và hòa bình.
Nhiệm vụ làm chứng cho Tin Mừng này là điều không dễ dàng. Tuy nhiên, những thách thức mà các Kitô hữu phải đối diện ngày nay, theo cách riêng của họ, không kém khó khăn so với những khó khăn mà những nhà truyền giáo Ái Nhĩ Lan tiên khởi phải đối diện. Tôi nghĩ tới Thánh Columbanus, người với một số ít đồng bạn, đã mang ánh sáng Tin Mừng đến các vùng đất của châu Âu trong thời đại tối tăm và giải thể văn hóa. Thành công truyền giáo phi thường của họ không dựa trên các phương pháp chiến thuật hay các kế hoạch chiến lược, nhưng trên sự vâng phục đầy khiêm nhường và giải phóng đối với các thúc đẩy của Chúa Thánh Thần. Chính việc làm chứng hàng ngày của họ về lòng trung thành với Chúa Kitô và với nhau đã giành được trái tim vốn khao khát được nghe lời ân sủng và giúp hạ sinh nền văn hóa của châu Âu. Việc làm chứng đó vẫn là một nguồn muôn đời canh tân linh đạo và truyền giáo đối với dân thánh thiện và trung thành của Thiên Chúa.
Dĩ nhiên, sẽ luôn có những người chống lại Tin Mừng, những người “lẩm bẩm” khi nghe “những lời khó nghe” của nó. Tuy nhiên, như Thánh Columbanus và các bạn đồng hành của ngài, những người phải đối đầu với những vùng biển băng giá và bão tố để theo Chúa Giêsu, ước chi chúng ta đừng bao giờ bị lung lay hay nản chí bởi ánh mắt thờ ơ lạnh lùng hoặc gió bão thù địch.
Nhưng chúng ta cũng nên khiêm tốn thừa nhận rằng, nếu chúng ta trung thực với chính mình, chúng ta cũng có thể thấy các lời dạy của Chúa Giêsu là khó nghe. Thật khó xiết bao khi phải luôn tha thứ cho những người làm tổn thương chúng ta; thật thách thức xiết bao khi luôn phải chào đón di dân và người lạ; thật đau đớn xiết bao khi phải vui vẻ chịu thất vọng, bác bỏ hay phản bội; thật bất tiện xiết bao cứ phải bảo vệ quyền lợi của những người dễ bị tổn thương nhất, tức trẻ chưa sinh hoặc người cao tuổi, những người dường như xâm phạm đến cảm thức tự do của chúng ta.
Tuy nhiên, chính trong các thời điểm trên, Chúa hỏi chúng ta: “Thế còn anh em, anh em có muốn bỏ đi không?” Với sức mạnh của Chúa Thánh Thần “khuyến khích” chúng ta và với Chúa luôn ở bên cạnh chúng ta, chúng ta có thể thưa lại : “Chúng con tin tưởng; chúng con biết Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa”(Ga 6:69). Cùng với dân Israel, chúng ta có thể lặp lại: “Chúng tôi cũng sẽ phục vụ Chúa, vì Người là Thiên Chúa của chúng tôi” (Gs 24:18).
Qua các bí tích của Phép Rửa và Thêm Sức, mỗi Kitô hữu được sai đi để trở thành nhà truyền giáo, “một môn đệ truyền giáo” (xem Evangelii Gaudium, 120). Giáo Hội như một toàn thể được gọi “ra đi” để mang những lời hằng sống đến tất cả các vùng ngoại vi của thế giới chúng ta. Ước chi cuộc cử hành của chúng ta hôm nay thêm sức cho mỗi người trong anh chị em, các cha mẹ và ông bà, trẻ em và thanh thiếu niên, đàn ông và đàn bà, tu sĩ nam nữ, chiêm niệm và truyền giáo, phó tế và linh mục, để mọi người được dự phần vào niềm vui Tin Mừng! Anh chị em hãy chia sẻ Tin Mừng gia đình như một niềm vui cho thế giới!
Khi chúng ta sắp sửa chia tay nhau, chúng ta hãy đổi mới lòng trung thành của chúng ta với Chúa và với ơn gọi Người đã ban cho mỗi người chúng ta. Tiếp nối lời cầu nguyện của Thánh Patrick, mỗi người chúng ta hãy lặp lại cách hân hoan: “Chúa Kitô bên trong tôi, Chúa Kitô phía sau tôi, Chúa Kitô đàng trước tôi, Chúa Kitô bên cạnh tôi, Chúa Kitô dưới chân tôi, Chúa Kitô bên trên tôi”. Với niềm vui và sức mạnh Chúa Thánh Thần ban cho, chúng ta hãy nói với Người một cách tin tưởng rằng: “Lạy Chúa, chúng con biết đi với ai? Chúa có lời hằng sống”(Ga 6:68).