Bạn có thấy kinh mân côi nhàm chán, tẻ nhạt?
Nếu câu trả lời của bạn là có, xin mời bạn đọc tiếp.
Thực tế, có cả ngàn lí do người ta có thể trưng dẫn để thuyết phục bạn đọc kinh mân côi! Từ những lời hứa sẽ được lợi ích phần hồn phần xác nơi các thị kiến của các Thánh, hoặc những giáo huấn của các Đức giáo hoàng, cho đến lệnh truyền của Đức Mẹ trong các cuộc hiện ra.
Tôi đọc và thấy rất nhiều hạnh các thánh sùng kính yêu mến lần chuỗi mỗi ngày. Thánh Anphongsô một ngày lần ít nhất là 8 chuỗi. Trong Dòng, tôi cũng gặp không ít anh em yêu mến lần chuỗi mọi lúc mọi nơi khi họ có thể.
Dù vậy, không biết sao nữa, kinh Mân côi không đủ sức hấp dẫn tôi như những hình thức cầu nguyện khác.
Với tôi, những lí do ấy tuy rất thuyết phục nhưng cũng chẳng tài nào giúp tôi có động lực để mà kiên nhẫn ngồi một chỗ lần chuỗi. Tôi cũng đã từng rất nhiều lần tập tành tập thói quen lần chuỗi mỗi ngày bởi biết đi tu là phải vậy. Anh em đọc kinh lần chuỗi mà mình không đọc thì kì quá, không được! Nhưng sự bền đỗ ấy của tôi cũng chẳng được kéo dài bao lâu. Rồi tôi lại bê trễ việc lần chuỗi cho đến khi thấy mình “tội lỗi quá, đi tu mà không lần chuỗi,” rồi lại tiếp tục ép mình lần chuỗi cho bằng bạn bằng bè. Tôi thấy mệt mỏi kinh Mân côi quá.
Gia đình tôi không có truyền thống đọc kinh mân côi như những anh em khác. Bản thân tôi trước kia cũng chẳng biết kinh mân côi là gì mãi cho đến khi đi tu. Từ nhỏ tới lớn tôi có biết kinh Mân Côi là cái gì đâu.
Tuy không thích kinh Mân côi nhưng không phải vì vậy mà tôi không yêu mến Đức Mẹ.
Không biết có ai giống tôi không?
Mọi chuyện đã chẳng có gì đáng nói, cho đến khi tôi khám phá ra một điều đúng với bản thân mình: Chừng nào kinh Mân côi chưa gắn bó, chưa đụng chạm đến đời sống của chính tôi, chừng đó việc lần chuỗi với tôi vẫn chỉ là một việc đạo đức dành cho những người ngoan đạo.
Tôi xin giải thích kỹ hơn để bạn hiểu ý tôi: Lần chuỗi hay bất kỳ “phương pháp” cầu nguyện nào khác đều tốt nếu nó đưa mình đến gần Thiên Chúa, nhóm lên ngọn lửa yêu mến trong lòng. Trong khi tôi lần chuỗi, tôi vẫn coi đó là bổn phận “nặng nề” mà mình phải gánh, làm một cách miễn cưỡng, thì làm sao mà có thể yêu mến được?
Vậy là tôi thử liên kết cuộc đời mình với các mầu nhiệm kinh mân côi. Thay vì đọc một lần 5 chục kinh, tôi có thể chia nhỏ ra để đọc trong ngày. Thay vì đọc theo cấu trúc truyền thống, tôi có thể dừng lại ở một mầu nhiệm nào đó của kinh Mân côi, và suy nghĩ thử mầu nhiệm đó diễn ra thế nào trong chính cuộc đời của chính tôi.
Ví dụ, về mầu nhiệm “Thiên Thần truyền tin cho Đức Bà chịu thai,” tôi nhớ lại những biến cố “truyền tin” trong cuộc đời mình. Tôi nhớ những ngày đầu nghe thấy trong lòng mình tiếng Chúa mời gọi đi tu, nhưng mà tôi đã băn khoăn, ưu tư, phân định, lựa chọn cả một thời gian dài trước khi nói lên tiếng “xin vâng” để bước vào Dòng.
Hay như mầu nhiệm “Đức Chúa Giêsu lo buồn đổ mồ hôi máu,” tôi sẽ nghĩ về những khoảnh khắc gian nan âu lo của cuộc đời mình. Năm cuối đại học, tôi làm nghiên cứu để viết khóa luận. Tuy đổ nhiều thời gian, công sức nhưng kết quả thu hoạch không tốt để viết khóa luận. Tôi lo lắng mất ăn mất ngủ cả mấy tháng trời. Tôi sợ mình sẽ bị đánh trượt, sẽ bị lưu ban. Vậy đó, tôi cũng có những kinh nghiệm “lo buồn đổ mồ hôi máu” như Chúa vậy.
Nói đến đây, tôi phân vân không biết bạn hiểu hai chữ mầu nhiệm như thế nào? Nhiều khi mình đi đạo lâu quá, nghe riết những từ ngữ nhà đạo mà quên đi ý nghĩa nguyên thủy của nó. Tôi xin gợi ra đây ba ý nghĩa của từ mầu nhiệm để chúng ta cùng suy ngẫm.
Một là, theo nghĩa chiết tự Hán Việt, “Mầu” tức là cao siêu và “Nhiệm” nghĩa là kín đáo. Do đó, mầu nhiệm được hiểu là những sự thật mà Thiên Chúa, vì lòng yêu thương, đã cho chúng ta biết dù trí khôn chưa thể hiểu được. Nói một cách nôm na, mầu nhiệm là những điều khó hiểu, bí ẩn.
Nhưng đây là trong bối cảnh nhà đạo, ngoài đời mấy ai dùng chữ “mầu nhiệm” trong cuộc sống hằng ngày đâu. Thay vào người ta sử dụng những từ có ý nghĩa tương tự như: phép mầu, huyền bí, huyền nhiệm, bí nhiệm, vv. Tất cả những từ đó đều có liên hệ với nhau.
Nghĩa thứ ba liên quan tới cách hiểu của thánh Phao-lô. Nếu đọc Kinh Thánh Tân ước, chúng ta sẽ thấy từ mầu nhiệm mang một ý nghĩa khác hoàn toàn. Trong thư của thánh Phaolô gửi tín hữu Êphêsô chương 3, mầu nhiệm không ám chỉ một chân lý vượt quá tầm hiểu biết của chúng ta, cho bằng ám chỉ kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa. Kế hoạch này được gọi là mầu nhiệm bởi vì trước đây giấu kín không ai biết đến, và bây giờ thì mới tỏ lộ nhờ đức Kitô mặc khải.
Tổng hợp 3 ý nghĩa trên, khi suy nghĩ về các mầu nhiệm mân côi, tôi có thể nghĩ về các mầu nhiệm tương tự trong chính cuộc đời của chính tôi để thấy được: Có những điều, những sự việc, những con người đến trong cuộc đời tôi mà tôi không hiểu, cắt nghĩa và giải thích được. Tất cả là những huyền nhiệm, chỉ được sáng tỏ khi tôi đặt chúng dưới ánh sáng Lời Chúa. Mọi việc xảy ra đều có một ý nghĩa nhất định trong ý định của Chúa đối với chính cuộc đời của tôi.
Và đọc kinh, suy niệm các mầu nhiệm dựa trên chính cuộc đời mình sẽ có thể giúp tôi và bạn kín múc được nguồn sức mạnh, nhựa sống từ việc lần chuỗi tưởng chừng như tẻ nhạt kia. Những mầu nhiệm được nhắc tới trong kinh Mân côi không phải là những biến cố xa xưa trong những câu chuyện cổ tích đẹp đẽ, nhưng là những mầu nhiệm, những huyền nhiệm đang xảy ra với tôi với bạn ngay trong ngày hôm nay.
Vậy thì khi bất kì điều gì xảy ra với mình, dù tốt dù xấu, hãy thử nhớ đến Chúa và Đức Mẹ. Những kinh nghiệm cuộc đời của các ngài không xa lạ gì với chúng ta, phải không?
Cuối cùng, nếu bạn thuộc típ người như tôi: Biết Kinh mân côi là tốt, là cần nhưng vẫn lười lần chuỗi, bạn hãy thử cách mà tôi gợi ý xem thế nào. Hi vọng, việc lần chuỗi Mân côi bằng việc suy ngẫm về cuộc đời của mình sẽ tăng thêm lửa mến yêu Chúa và Đức Mẹ nơi bạn và tôi hơn. Amen