Bất ngờ chưa!?

Bức hoạ diễn tả năm cô khôn ngoan, 5 cô khờ dại trong Tin Mừng thánh Mattheu, chương 25

 

Tháng Mười một, tháng kính nhớ và cầu nguyện cho tổ tiên đã qua đời, cũng là tháng cuối của năm phụng vụ, người tín hữu vừa được Hội thánh mời gọi nhìn vào đoạn cuối của cuộc đời, để chuẩn bị cho mình cách sống “được Chúa thương”, vừa cầu xin Chúa thương đến các đẳng trong mầu nhiệm các thánh thông công.

Dù khác nhau về hai tình trạng, lữ hành và thanh luyện, nhưng người tín hữu cùng với các đẳng, biết mình đang sống trong giai đoạn chờ đón Chúa quang lâm đến với mình và đến với cả thế giới này, trong niềm hy vọng được tham dự Tiệc Vui muôn đời trong Nước Trời.

Dụ ngôn mười cô trinh nữ (Mt 25,1-13) là một ví dụ nói về thái độ sống đúng đắn và cần thiết để tỉnh thức chờ đón Chúa đến. Mọi tín hữu đều biết cuộc đời và thế giới này rồi sẽ chấm dứt, và đều biết sẽ có một lúc Chúa đến bất ngờ trong biến cố chung cuộc của đời mình. Mọi người đều có cùng khởi điểm và thực tại giống nhau, là được mời gọi đi đón Chàng Rể, nhưng vẫn có thể có những kết cuộc hoàn toàn khác nhau, tùy theo cách sống như một sự chuẩn bị trong cuộc sống hiện tại, cho giây phút được ra chào đón Chúa đến, là đích điểm của cuộc đời.

Khi Chúa đến với người ta trong giờ phút cuối của cuộc đời hoặc trong giây phút cuối của lịch sử này, số phận của mỗi người sẽ giống như số phận của các cô trinh nữ. Sẽ có những người luôn tỉnh thức sẵn sàng, biết tiên liệu, chuẩn bị kỹ càng dầu đèn cho giây phút gặp gỡ Chàng Rể đến, nhưng cũng có những người không hề sẵn sàng cho một cuộc xuất hiện đột ngột của Chúa.

Tỉnh thức và sẵn sàng ở đây là một thái độ tâm linh, tinh thần và luân lý phù hợp để có thể chào đón Chàng Rể đi vào tiệc cưới cánh chung. Hình ảnh các cô khôn ám chỉ những người biết sống lời của Chúa, những người đứng ở góc độ Chúa đến, để lên kế hoạch cho sự gặp gỡ này. Đó là thái độ tỉnh thức và khôn ngoan, ngược với thái độ chủ quan, chểnh mảng của các cô khờ dại.

Sự thiếp ngủ của các cô trinh nữ và thời gian chàng rể đến lúc nửa đêm là tình trạng thực tế, dài nhưng không phải là mãi mãi, để thử thách sự kiên tâm chờ đợi và làm lộ ra sự khôn ngoan hay dại khờ của mọi người. Vì khi có tiếng hô thông báo chàng rể đến, lúc này, sự khác biệt nhỏ trở thành một chuyện hệ trọng, việc có chuẩn bị dầu hay không trở thành chuyện quyết định cho cả cuộc đời mình.

Dụ ngôn này muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mỗi người phải chịu trách nhiệm về số phận đời đời của mình. Không ai có thể sống thay, làm thay cho người khác được. Vì vậy, phải luôn sẵn sàng trong tình trạng có chuẩn bị cho đèn cháy sáng, để đón Chàng Rể, trong khoảnh khắc bất ngờ. Khi Chàng Rể đến, điểm cuối của sự chờ đợi có chuẩn bị trong một thời gian dài, người ta không còn có một sự chọn lựa, hoặc có thêm một cơ hội nào nữa. Sự từ chối của các cô khôn ngoan trước lời cầu xin của các cô khờ dại cho thấy hậu quả bi thảm của một sự chủ quan, thiếu chuẩn bị dẫn đến tình cảnh bế tắc của họ, chứ không nhấn ở góc độ luân lý ở chỗ có ích kỷ, có chia sẻ dầu hay không.

Chuyện khôn chuyện dại ở đời luôn là câu chuyện thời sự, diễn ra đối với mỗi người. Nhưng thế nào là dại, thế nào lại là khôn, không phải là dễ nhận ra và cũng không phải là chuyện dễ áp dụng. Mọi người đều được mời gọi, nhưng chỉ có một số đáp ứng.

Năm cô khôn ngoan và năm cô khờ dại không có ý nói tỷ lệ ngang nhau, mà nhấn đến một thực tại, chưa biết ai dại, ai khôn và cũng chưa chắc ai khôn hơn ai! “Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào”

Lm. Giuse Ngô Văn Kha, DCCT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.