Một vụ nổ lớn gần trung tâm Beirut đã giết chết ít nhất 10 người, làm bị thương hàng trăm người khác và gây ra các chấn động xung kích khắp thủ đô Li Băng vào hôm thứ Ba 4 tháng 8, phá vỡ các cửa sổ và khiến ban công nhiều căn nhà biến mất hay sụp đổ. Vụ nổ mạnh nhất tại Beirut trong nhiều năm qua này làm rung chuyển mặt đất, khiến một số cư dân nghĩ rằng một trận động đất đã xảy ra.
Choáng váng và khóc lóc, một số người trong số họ bị thương, mọi người nhốn nháo chạy để thoát thân và tìm kiếm xem người thân có bị thương không. Vụ nổ được tuờng thuật là xảy ra ở khu vực cảng của thành phố.
Bộ trưởng Nội vụ Li Băng cho biết theo thông tin ban đầu có thể là các loại bom mìn có sức công phá lớn, bị tịch thu nhiều năm trước, được cất giữ ở đó đã bị nổ tung.
Phát thanh viên Mayadeen có trụ sở tại Li Băng trích dẫn giám đốc hải quan của Li Băng nói rằng hàng tấn nitrat đã phát nổ. Cảnh quay các vụ nổ được người dân địa phương tung lên các phương tiện truyền thông xã hội cho thấy một cột khói bốc lên từ khu vực cảng sau đó là một vụ nổ khổng lồ tạo nên một quả bóng khói trắng và quả cầu lửa trên bầu trời giống như trong vụ nổ bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki.
Những người quay lại vụ việc từ các tòa nhà cao tầng ở các khu vực khác của thành phố cảm thấy choáng váng khi thấy nhiều xe hơi bị văng lên không trung trước khi đập mạnh xuống đất chổng ngược bốn bánh xe lên trời.
Một nguồn tin từ các giới chức an ninh và y tế nói với thông tấn xã Reuters là ít nhất 10 thi thể đã được đưa đến bệnh viện. Hội Hồng Thập Tự Li Băng cho biết hàng trăm người đã được đưa đến bệnh viện để điều trị.
Trên tài khoản Twitter của mình, Tổng thống Li Băng Michel Aoun kêu gọi một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Quốc phòng Tối cao của đất nước. Trong khi đó, Thủ tướng Hassan Diab kêu gọi một ngày để tang vào hôm thứ Tư 5 tháng 8.
Vụ nổ xảy ra chỉ ba ngày trước khi tòa án do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn đưa ra phán quyết trong phiên tòa xét xử bốn nghi phạm của nhóm Shi’ite Hezbollah về vụ đánh bom năm 2005 đã giết chết cựu thủ tướng Rafik al-Hariri và 21 người khác.
Giám đốc an ninh nội bộ Abbas Ibrahim, đã đến thị sát khu vực cảng. Một quan chức Israel cho biết người Do Thái không liên quan gì đến vụ nổ, mặc dù trong thời gian qua Do Thái có các cuộc chạm súng vì phát hiện hoạt động của các thành phần khủng bố Hồi Giáo.
Giám đốc cảng Beirut nói với Sky News rằng một đội lính cứu hỏa tại hiện trường đã “biến mất” sau vụ nổ. “Tôi thấy một quả cầu lửa và khói cuồn cuộn trên bầu trời Beirut. Mọi người la hét và chạy hoảng loạn, máu me đầy mặt. Ban công bị thổi bay khỏi các tòa nhà. Kính trong các tòa nhà cao tầng vỡ tan và rơi xuống đường”.
Cư dân cho biết cách tâm chấn của vụ nổ đến 10 km về phía đông, các cửa kính bị vỡ tan tại các gia cư ở Raouche, nằm ở cực phía tây của thành phố Địa Trung Hải này. Trong một thời gian dài sau vụ nổ, tiếng còi xe cứu thương vang lên khắp thành phố và máy bay trực thăng quần thảo trên bầu trời trong cố gắng xác định các địa điểm đang bốc cháy trong thành phố và điều phối các nỗ lực cứu hỏa và cứu thương.
Bộ trưởng Y tế nói với Reuters rằng có “rất nhiều người” bị thương. Al Mayadeen TV cho biết hàng trăm người bị thương. Một nhân chứng khác nói với Reuters rằng cô nhìn thấy khói xám bao phủ khu vực cảng, và sau đó nghe thấy tiếng nổ và thấy lửa và khói đen: “Tất cả các cửa sổ khu vực trung tâm thành phố đều bị đập vỡ và có những người bị thương đi lại xung quanh. Đó là sự hỗn loạn hoàn toàn.”
Phát ngôn viên của Liên Hợp Quốc Farhan Haq nói với các phóng viên Reuters rằng họ không rõ nguyên nhân là gì nhưng không có bất kỳ thương tích nào đối với các nhân viên của Liên Hợp Quốc. “Chúng tôi không có thông tin về những gì đã xảy ra chính xác, những gì đã gây ra điều này, cho dù đó là hành động vô tình hay nhân tạo”, ông nói.
Tại Síp, một hòn đảo Địa Trung Hải nằm cách Beirut 180 km về phía tây bắc, người dân báo cáo nghe hai tiếng nổ lớn liên tiếp và nhanh chóng. Một người dân ở thủ đô Nicosia cho biết ngôi nhà của ông rung chuyển như trong một trận động đất.
Các quan sát viên tin rằng đại dịch coronavirus kinh hoàng vẫn còn đang tiếp diễn đã cho phép bọn khủng bố Hồi Giáo IS có điều kiện tái tổ chức. Vụ tấn công cướp ngục tại Afghanistan, hay còn gọi là A Phú Hãn, là một ví dụ.
Ít nhất 24 người đã thiệt mạng sau khi bọn khủng bố Hồi Giáo IS mở một cuộc tấn công thứ hai vào các lực lượng an ninh của Afghanistan vào ngày thứ Hai 3 tháng 8.
Vụ tấn công thứ nhất bắt đầu vào tối Chúa Nhật 2 tháng 8 khi một quả bom trên xe hơi phát nổ ở lối vào một nhà tù ở thành phố phía đông Jalalabad, nơi giam giữ khoảng 2, 000 tù binh IS.
Nhiều vụ nổ khác đã được nghe thấy khi khoảng 30 tay súng IS nổ súng vào các nhân viên bảo vệ.
Ba chiến binh đã bị thiệt mạng trong cuộc tấn công đầu tiên và cuộc đấu súng kéo dài suốt đêm.
Ít nhất 21 thường dân và thành viên của các lực lượng an ninh cũng thiệt mạng trong cuộc chiến, và hàng chục người khác bị thương.
Nhà tù chứa khoảng 2, 000 tù nhân. Các quan chức cho biết tính đến trưa ngày thứ Hai, ít nhất 1, 000 tên đã bị bắt trở lại. Hàng trăm tên vẫn còn đang tại đào.
Toàn bộ thành phố Jalalabad hiện đang bị giới nghiêm. Các cửa hàng đóng cửa và đường phố vắng vẻ.
Quân khủng bố Hồi Giáo IS đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công, diễn ra một ngày sau khi cơ quan tình báo Afghanistan cho biết các lực lượng đặc biệt đã giết chết một chỉ huy cấp cao của nhóm này đang hoạt động trong khu vực.
Đặng Tự Do
http://www.vietcatholic.net/News/Html/257755.htm