Trong số các địa điểm bị đe dọa ở thủ đô Ukraine có các đền thờ Chính thống giáo linh thiêng nhất của quốc gia, có niên đại gần 1,000 năm, tức là thời kỳ bình minh của Kitô giáo trong khu vực.
Các địa điểm này, cùng với các đền thờ nổi tiếng khác ở Kiev, có ý nghĩa về mặt tôn giáo đối với cả Chính thống giáo Ukraine và Chính thống giáo Nga. Họ cũng trở thành biểu tượng mạnh mẽ trong cuộc tranh cãi về việc liệu hai sắc dân này có phải là các bộ phận của một dân tộc – như Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố – hay là các quốc gia Slavic khác biệt nhưng có liên quan với nhau.
Các địa danh bao gồm Nhà thờ Thánh Sophia có mái vòm bằng vàng và Kiev-Pechersk Lavra, một khu phức hợp rộng lớn dưới lòng đất và trên mặt đất còn được gọi là Tu viện của các Hang động. Những nơi khác bao gồm Tu viện Tổng Lãnh Thiên Thần Micae nhiều tầng với mái vòm vàng và Nhà thờ Thánh Anrê Tông đồ
Hôm thứ Ba, các quan chức Ukraine cho biết các lực lượng Nga đã làm hư hại một tượng đài khác – đài tưởng niệm Holocaust chính của Ukraine, Babi Yar – khiến quốc tế lên án.
“Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo nếu ngay cả Babi Yar cũng bị trúng đạn”, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã hỏi hôm thứ Tư. “Đó là những đối tượng ‘quân sự’, hay ‘các căn cứ của NATO’ đang đe dọa Nga? Hay chỉ là các ngôi thánh đường Thánh Sophia, Lavra, và Anrê?”
Không có dấu hiệu cho thấy người Nga cố tình nhắm vào Babi Yar. Cũng không có bất kỳ xác nhận nào rằng người Nga có kế hoạch nhắm vào bất kỳ địa điểm linh thiêng nào ở Kiev. Nhưng các tòa nhà dân sự đã bị tấn công ở các thành phố khác, và các đền thờ lớn của Kiev nằm ở những vị trí cao có thể khiến chúng đặc biệt dễ bị tổn thương.
Trường hợp điển hình: nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời ở Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraine, đã bị hư hại trong các vụ tấn công gần đây, được báo cáo là có các cửa sổ kính màu bị vỡ và các đồ trang trí khác bị hư hỏng. Nhà thờ này thuộc Chính thống giáo trực thuộc Mạc Tư Khoa, là tòa nhà cao nhất của Kharkiv cho đến một thời điểm nào đó trong thế kỷ 21.
Rủi ro còn lớn hơn ở Kiev.
“Chúng ta đang nói về một thành phố rất cổ,” Jacob Lassin, một học giả nghiên cứu sau tiến sĩ tại Trung tâm Melikian của Đại học bang Arizona về Nghiên cứu Nga, Á-Âu và Đông Âu, cho biết. “Phần trung tâm đông đúc. Ngay cả khi bạn đang cố gắng đánh một thứ, bạn có thể dễ dàng đánh trúng thứ khác”.
Giá trị biểu tượng của các đền thờ rất mạnh mẽ ngay cả đối với những người không cùng đức tin tôn giáo.
“Ý tưởng rằng biểu tượng chính đã tồn tại trong thành phố của bạn trong 1,000 năm có thể gặp rủi ro hoặc có thể bị phá hủy là rất đáng sợ,” Lassin nói.
Các biểu tượng không chỉ quan trọng đối với người dân Ukraine mà đối với cả Putin. Ông ta biện minh cho cuộc xâm lược bằng những tuyên bố vô căn cứ rằng ông ta đang chống lại “chủ nghĩa phát xít mới” ở Ukraine – nhưng đây là đất nước có tổng thống là người Do Thái.
Babi Yar, một khe núi ở Kiev, là nơi hơn 33,000 người Do Thái bị giết trong vòng 48 giờ vào năm 1941 khi thành phố bị Đức Quốc xã chiếm đóng. Việc giết chóc được thực hiện bởi quân SS cùng với các cộng tác viên địa phương. Đây là một trong những vụ giết người hàng loạt lớn nhất tại một địa điểm duy nhất trong Thế chiến thứ hai, theo Bảo tàng Tưởng niệm Holocaust của Hoa Kỳ.
Giám đốc điều hành Ủy ban Người Do Thái Hoa Kỳ, David Harris, nói. Mới năm ngoái, tổng thống Zelenskyy đã tham gia lễ khánh thành một đài tưởng niệm ở đó.
Cho dù các đền thờ Chính thống giáo của Kiev có bị tấn công trực tiếp hay bị thiệt hại không cố ý, thì một hành động như vậy sẽ là sự “bác bỏ hoàn toàn những tuyên bố khác của Putin – là nhằm bảo vệ những tín hữu Ukraine trung thành với Thượng Phụ Kirill,” Lassin nói.
“Theo đúng nghĩa đen, nó sẽ phá hủy trụ sở chính của Chính thống giáo Nga đối nghịch với luận điệu của chính ông ấy”.
Những phần lâu đời nhất của ngôi đền có từ thời trung cổ của vương quốc Kievan Rus, ngay sau khi nó được rửa tội theo Kitô Giáo dưới thời Hoàng tử Vladimir vào thế kỷ thứ 10. Putin đã tuyên bố vương quốc này là tổ tiên chung của Nga và Ukraine ngày nay. Người Ukraine phản đối rằng họ là một quốc gia khác biệt hiện đang chịu cuộc tấn công tương tàn từ nước láng giềng Slav.
Nhà thờ và quần thể tu viện gần đó đại diện cho “một kiệt tác của thiên tài sáng tạo của con người trong cả quan niệm kiến trúc và trang trí đáng chú ý của nó,” bản tóm tắt của UNESCO, đã liệt kê chúng là Di sản Thế giới.
Hôm thứ Năm, UNESCO đã kêu gọi “bảo vệ di sản văn hóa Ukraine” khỏi các cuộc tấn công, bao gồm các đền thờ tôn giáo và đài tưởng niệm Holocaust.
Nhà thờ Thánh Sophia, được xây dựng dưới thời Hoàng tử Yaroslav Khôn Ngoan vào thế kỷ 11, được mô phỏng theo Nhà thờ Hagia Sophia ở Constantinople, trung tâm kiến trúc và tinh thần của Chính thống giáo thời Trung cổ. Theo UNESCO, nhà thờ Kiev bao gồm các bức tranh khảm và bích họa có tuổi đời hơn 1,000 năm, và nó là hình mẫu cho các nhà thờ sau này trong khu vực,
UNESCO cho biết: “Đền thờ khổng lồ của các vị thánh Kitô Giáo được miêu tả trong nhà thờ có sự đa dạng vô song trong số các di tích Byzantine thời đó”.
Tu viện các hang động, bao gồm các phòng dưới lòng đất, là lăng mộ của các vị thánh và nhà thờ trên mặt đất được xây dựng trong gần chín thế kỷ, có ảnh hưởng to lớn trong việc truyền bá Chính Thống Giáo.
Cả hai khu phức hợp đều có nguy cơ biến mất và đôi khi bị hư hại do chiến tranh hàng thế kỷ.
Thánh Sophia, linh thiêng đối với hai nhà thờ Chính thống giáo đối thủ của Ukraine và người Công Giáo, hiện là một bảo tàng và thường không được sử dụng cho các cử hành tôn giáo.
Hai trong số các địa danh này gắn liền với các phe đối lập trong cuộc ly giáo trong Chính thống giáo Ukraine.
Khu phức hợp tu viện được giám sát bởi Nhà thờ Chính thống Ukraine, giáo hội được liên kết với Thượng Phụ Kirill của Mạc Tư Khoa, mặc dù nó có quyền tự trị rộng rãi. Nhà thờ Tổng Lãnh Thiên Thần Micae là trụ sở cho Giáo Hội Chính thống Ukraine theo chủ nghĩa dân tộc hơn. Các nhà lãnh đạo Ukraine của cả hai nhóm Chính thống giáo đã chỉ trích gay gắt cuộc xâm lược của Nga.
Nếu đền đài của Kiev bị hư hại hoặc phá hủy, “nó có thể gây tổn hại đến tinh thần không? Có,” Lassin nói. “Nó có thể kích thích mọi người đoàn kết hơn không? Chắc chắn rồi…. Những gì tôi có thể nói là người dân Ukraine cực kỳ kiên cường và đang chiến đấu chống lại tất cả những điều này”.