Các Giám Mục Hoa Kỳ khen chê Tổng thống Trump ngang ngửa như nhau

Trên trang mạng của Religion News Service, và được tạp chí The America đăng lại (xem tại https://www.americamagazine.org/politics-society/2020/08/04/catholic-bishops-trump-criticism-praise-usccb), Linh mục Thomas Reese, cựu chủ bút Tạp chí The America, cho rằng nhiều người Mỹ vẫn nghĩ rằng các Giám Mục Mỹ là những người hết mình ủng hộ Tổng thống Donald Trump.

Nhưng Cha Reese cho hay: Điều này chỉ đúng khi đụng tới các vấn đề phò sinh và tự do tôn giáo; còn trong một số vấn đề khác, các ngài mạnh mẽ phê phán chính phủ Trump. Lập trường này khiến các ngài khác với các nhà lãnh đạo các Giáo Hội tin lành da trắng là những vị có khuynh hướng ủng hộ Tổng thống Trump hầu như trong mọi vấn đề.

Nói cho cùng và nói chung, các Giám Mục Hoa Kỳ không ủng hộ bất cứ ứng cử viên nào. Giống như mọi công dân, các Giám Mục, trong tư cách cá nhân, có quyền ủng hộ miễn là không dùng tiền của Giáo Hội để làm thế. Vì các Giám Mục không ủng hộ các ứng cử viên, nên mỗi đảng đều nhấn mạnh những điểm được các ngài nhất trí với họ, nhất là vào dịp bầu cử tổng thống.

Để khảo sát xem các giám mục đã phản ứng với Trump như thế nào, Cha Reese đã xem xét hơn 160 thông cáo báo chí liên quan đến các vấn đề chính sách công từ tháng 1 năm 2019 đến tháng 7 năm 2020, được công bố trên trang mạng của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, tiếng nói có thẩm quyền của các giám mục Hoa Kỳ về chính sách công cộng.

Điều hoàn toàn chắc chắn là các giám mục coi như ưu tiên các vấn đề phá thai và các vấn đề phò sinh khác: Hơn 30 thông cáo báo chí đề cập đến các chủ đề sự sống trong 19 tháng qua. Một thông cáo báo chí viết “Chúng tôi rất biết ơn về sự cam kết ủng hộ sự sống của Tổng thống, và về mọi hành động mà chính phủ này đã thực hiện để bảo vệ trẻ em chưa sinh và mẹ của chúng khỏi bạo lực phá thai”.

Các giám mục đã nói rõ sự phản đối của họ đối với việc nghiên cứu dùng tế bào phôi thai, hỗ trợ tự tử, tài trợ phá thai của chính phủ, cũng như sự ủng hộ của các ngài đối với các hạn chế của tiểu bang và liên bang về phá thai. Các ngài hoan nghênh việc tái lập Chính sách Mexico City, “để bảo đảm rằng tiền thuế của người dân Hoa Kỳ không được sử dụng để thực hiện hoặc cổ vũ phá thai trên phạm vi quốc tế”.

Các giám mục luôn đứng về phía chính phủ trong các vấn đề tự do tôn giáo trong nước và quốc tế.

Bảy thông cáo bào chí đề cập tới việc bảo vệ tự do lương tâm. Các ngài ca ngợi các biện pháp cho phép nhân viên y tế từ chối thực hiện hoặc hỗ trợ phá thai hoặc các thủ tục khác mà họ coi là vô luân. Các ngài cũng rất vui mừng đối với phán quyết của Tòa án Tối cao ủng hộ các Tiểu Muội Người Nghèo, một dòng nữ từng phản đối mệnh lệnh tránh thai của Đạo luật Chăm sóc Giá cả phải chăng (Affordable Care Act).

Hàng chục thông cáo báo chí khác ủng hộ lập trường của chính phủ về các vấn đề ảnh hưởng đến những người thuộc nhóm L.G.B.T.Q. (đồng tính và chuyển giới). Các giám mục lên tiếng phản đối Đạo luật Bình đẳng (Equality Act), là đạo luật mở rộng các biện pháp bảo vệ chống kỳ thị của Đạo luật Dân quyền năm 1964 đối với người đồng tính và chuyển giới, và đã được Hạ viện thông qua hồi tháng Năm. Các ngài thất vọng khi Tòa án Tối cao, hồi tháng 6 trong vụ Bostock chống Hạt Clay, Georgia, phán quyết rằng các cá nhân L.G.B.T.Q. được đạo luật này bảo vệ.

Các giám mục cũng khen ngợi một sự thay đổi quy tắc được đề nghị cho phép các cơ quan nhận con nuôi dựa trên đức tin được từ chối các dịch vụ cho các cặp đồng tính mà không vì thế bị loại khỏi tài trợ của liên bang.

Trong một chục thông cáo báo chí khác, các giám mục ủng hộ việc mở rộng hỗ trợ của chính phủ cho các cơ quan dựa trên đức tin, bao gồm cả giáo dục, một vấn đề khác mà các giám mục và chính quyền đã nhất trí với nhau.

Phê phán

Không điểm nào trong số các điểm nhất trí trên đối với chính sách của chính phủ Trump làm ta ngạc nhiên, nhưng chúng chỉ là một nửa của câu chuyện. Các giám mục và Trump thường xung đột về việc nhập cư, chính sách ngoại giao, án tử hình và môi trường, và một số vấn đề khác.

Trong 22 thông cáo báo chí về người nhập cư và 13 thông cáo khác về người tị nạn, các giám mục đã tấn công các chính sách của chính phủ cho là “bị hướng dẫn sai lầm và không thể chủ trương được”, “không thể chấp nhận được”, “làm kinh hoảng”, “tàn phá”, “rất đáng lo ngại”, “làm đau lòng”, “bất hợp pháp và bất nhân”, “kinh khủng”, “nhẫn tâm”, “gây xáo trộn” và “trái ngược với các giá trị của Mỹ và Kitô giáo”.

Đây không phải là những từ ngữ được sử dụng bởi những người ủng hộ mơ mộng hão huyền.

Các giám mục đã lên tiếng mạnh mẽ và thường xuyên ủng hộ chương trình DACA (=Deferred Action for Childhood Arrivals, Trì hoãn Hành động đối với các vụ Trẻ em Tới đây) nhằm bảo vệ khỏi trục xuất những người được đưa đến Hoa Kỳ bất hợp pháp khi còn nhỏ. Các ngài phát biểu “Chúng tôi rất thất vọng vì chính phủ tiếp tục đẩy mạnh để kết thúc DACA”.

Các ngài luôn lập luận rằng di dân và người tị nạn nên được chào đón và đối xử một cách cảm thương, cho rằng thay vào đó, hành động của chính phủ đã “tạo ra một bầu không khí sợ hãi trong các giáo xứ và cộng đồng của chúng ta trên khắp đất nước”.

Tóm lại, các giám mục đã đưa ra hơn 40 tuyên bố bảo vệ người nhập cư và người tị nạn và chống lại lệnh cấm du lịch và chia ly gia đình.

Ví dụ, các giám mục “rất lo ngại” về tác dụng của các thay đổi của chính phủ trong quy định về “gánh vác chi phí công cộng” (public charge), làm cho việc trục xuất những người nhập cư cố gắng lãnh nhận các dịch vụ của chính phủ thành dễ dàng hơn.

Các ngài tường trình rằng “Theo kinh nghiệm phục vụ người nghèo và dễ bị tổn thương của chúng tôi, chúng tôi biết rằng nhiều gia đình nhập cư tiếp cận một cách hợp pháp các dịch vụ y tế và xã hội quan trọng vốn có tính cốt yếu đối với sức khỏe và phúc lợi công cộng”.

Các giám mục cũng bắt lỗi một quy định mới của Bộ Gia cư và Phát triển Đô thị nhằm tước bỏ quyền lợi nhà ở của bất cứ hộ gia đình nào có thành viên không có giấy tờ.

Các giám mục đã phàn nàn rằng “Quy tắc được đề nghị này sẽ có nhiều hậu quả khủng khiếp đối với hàng ngàn gia đình có tình trạng hỗn hợp. Nó sẽ buộc các gia đình này phải lựa chọn một cách đau lòng – chịu đựng sự chia ly gia đình để các thành viên đủ điều kiện có thể tiếp tục nhận được sự hỗ trợ quan trọng về nhà ở hoặc ở lại với nhau và từ bỏ mọi hỗ trợ như vậy. Sự lựa chọn giữa sự hợp nhất và ổn định này là một lựa chọn không một gia đình nào nên thực hiện”.

Các ngài đã phê phán nặng lời chống lại việc dùng các cơ sở để giam giữ người nhập cư. Các ngài nói rằng “Các báo cáo về tình trạng quá đông đúc và mất vệ sinh đang gây kinh hoàng và không thể chấp nhận được đối với bất cứ người nào đang bị giam giữ tại Hoa Kỳ, nhưng đặc biệt đối với trẻ em, những người dễ bị tổn thương cách đặc biệt. Các điều kiện như vậy không thể được sử dụng như công cụ răn đe. Chúng ta có thể và phải mãi là một quốc gia cung cấp nơi ẩn náu cho trẻ em và các gia đình chạy trốn bạo lực, bách hại và nghèo đói nặng nề”.

Các giám mục, cùng với các đối tác Mexico của các ngài, cũng phản đối bức tường của Trump, nói rằng “đầu tiên và trước hết, nó là biểu tượng của sự chia rẽ và thù địch giữa hai quốc gia thân thiện”. Các ngài cũng “rất lo ngại” đới với việc tổng thống dùng mưu kế qua mặt “ý định rõ ràng của Quốc hội muốn hạn chế tài trợ cho bức tường”. Các giám mục nói rằng các ngài “vẫn kiên định và kiên quyết trong viễn kiến mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói rõ: tại thời điểm này chúng ta cần xây dựng các cây cầu chứ không phải các bức tường”.

Việc đối xử với những người xin tầm trú ở biên giới cũng là một mối quan tâm lớn của các giám mục trong việc phản đối các quy tắc và quy định mới nhằm “moi mất những phần tốt nhất của hệ thống tị nạn hiện thời của chúng ta”.

Các ngài cũng nhận định rằng, “Giáo Hội Công Giáo dạy chúng ta xem xét nguyên nhân gốc rễ của di dân, nghèo đói, bạo lực và thối nát”.

Các giám mục thường không đồng ý với chính phủ về chính sách đối ngoại. Các ngài phản đối việc rút khỏi Hiệp ước INF (Quĩ Tiền Tệ Quốc Tế) và để cho Hiệp ước START (=Strategic Arms Reduction Treaty, Giảm các Vũ Khí Chiến Lược) hết hạn và thúc giục cho có nhiều cố gắng hơn đối với việc giải trừ hạch nhân. Các ngài kêu gọi “các nhà lãnh đạo quốc gia và thế giới của chúng ta phải kiên trì trong nỗ lực xóa bỏ các vũ khí hủy diệt hàng loạt này, vì chúng đe dọa sự hiện hữu của loài người và hành tinh của chúng ta”.

Các ngài cũng tiếp tục khuyến khích trao đổi thương mại, du lịch và văn hóa với Cuba, gọi lệnh cấm vận là “không hiệu quả”.

Và trong khi tổng thống đang leo thang lời lẽ chống lại Iran, các ngài đã kêu gọi “ngoại giao cần thiết, đối thoại dũng cảm và các nỗ lực không mệt mỏi hướng tới hòa bình để giải quyết các cuộc xung đột hoàn cầu như vậy”. Các ngài cũng tuyên bố rằng việc rút đơn phương khỏi thỏa thuận hạch nhân Iran và việc áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế bổ sung đã “làm gia trọng các căng thẳng với các đồng minh thân cận và các cường quốc thế giới khác”.

Mặc dù không triệt để, nhưng ngôn ngữ của các giám mục về các cuộc biểu tình “Black Lives Matter” (Matng sống Da Đen quan trọng) có nhiều thiện cảm hơn so với ngôn ngữ của tổng thống.

Chủ tịch hội đồng giám mục, José Horacio Gómez, tổng giám mục của Los Angeles, nói rằng “việc giết George Floyd là vô nghĩa và tàn bạo, một tội lỗi kêu thấu tới trời. Tất cả chúng ta nên hiểu rằng các cuộc biểu tình mà chúng ta đang thấy trong các thành phố của chúng ta phản ảnh sự thất vọng và tức giận chính đáng của hàng triệu anh chị em của chúng ta, những người ngay hôm nay đây đang trải nghiệm sự hạ nhục, xỉ nhục và cơ hội không bình đẳng chỉ vì chủng tộc hoặc màu da của họ”.

Trong một thông cáo báo chí khác, bảy vị chủ tọa Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã viết, “Chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc không phải là việc của quá khứ hay chỉ là một vấn đề chính trị vứt bỏ để bàn bạc khi thuận tiện. Nó là một mối nguy hiểm thực sự và hiện tại phải được đối phó thẳng thừng”.

Cuối cùng, khi nói đến cuộc khủng hoảng COVID-19, các giám mục quan tâm nhất đến việc chăm sóc sức khỏe và giúp đỡ kinh tế “cho những người dễ bị tổn thương nhất: người nghèo, người già, người vô gia cư, những người trong tù hoặc trại giam, người nhập cư và người tị nạn, và những người có tình trạng sức khỏe tiềm ẩn nghiêm trọng”.

Chủ tịch Ủy ban Công lý Quốc nội và Phát triển Con người của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ cho biết ngài “đã gửi năm lá thư để phát biểu nguyên tắc căn bản này tới Quốc hội và các ủy ban khác nhau của nó”.

Các giám mục lưu ý việc cần có “thiết bị bảo vệ đầy đủ cho tất cả các công nhân thiết yếu, bảo vệ phúc lợi và sự toàn vẹn của gia đình, nghiên cứu thêm về mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí và hậu quả về sức khỏe của coronavirus, và sự cần thiết phải giải quyết sự gián đoạn của chuỗi cung ứng thực phẩm và tác động của nó đối với nông dân và công nhân nông trại, vứt bỏ thực phẩm và sức khỏe công cộng”.

Các ngài ủng hộ các khoản gia tăng trong tiền nghỉ bệnh và các chương trình an ninh lương thực, bao gồm Các Chương trình Cần Được Cấp Nhà ở Đặc biệt (SNAP) và Chương trình Nơi trú ẩn và Thực phẩm Khẩn cấp.

Mặc dù các ngài ca ngợi Đạo luật CARES (tức đạo luật kích thích kinh tế $2.2 nghìn tỷ), nhưng các ngài thấy “thất vọng khi một số viện trợ và cứu trợ không được mở rộng cho những người không có giấy tờ, và cực kỳ quan ngại khi việc thử nghiệm và tiếp cận bảo hiểm chăm sóc y tế bị từ khước đối với một số người nhập cư”.

Khi nói đến phá thai và tự do tôn giáo, các giám mục là đồng minh của đảng Cộng hòa và Tổng thống Trump, nhưng về nhiều vấn đề khác, các giám mục là những đối thủ mạnh mẽ và lớn tiếng của ông. Những người Dân chủ Công Giáo, như Joe Biden, được hoan nghinh bởi các lập trường của các giám mục về công bằng xã hội, nhưng các đảng viên Cộng hòa tốt hơn nhiều trong việc mô tả các giám mục đứng về phía họ.

Cha Reese kết luận rằng “Rõ ràng các giám mục coi vấn đề công bằng xã hội một cách nghiêm túc hơn nhiều so với tổng thống, nhưng điều này có thể bị lu mờ trên các phương tiện truyền thông khi các giám mục tấn công Ông Biden Công Giáo về lập trường phá thai của ông ta. Các phương tiện truyền thông có xu hướng chú ý nhiều đến các bất đồng của các giám mục với Biden hơn là sự khác biệt của các ngài với Trump”.

Vũ Văn An
http://www.vietcatholic.net/News/Html/257776.htm