Thứ Hai 17/01, người Mỹ tổ chức lễ tưởng nhớ vinh danh nhà lãnh đạo dân quyền Martin Luther King. Các Giám mục Hoa Kỳ kêu gọi mọi người thiện chí tiếp tục theo gương chứng tá ngôn sứ của nhà lãnh đạo này, dấn thân cho bình đẳng và công bằng xã hội.
Martin Luther King bị ám sát vào ngày 04/4/1968 vì những hoạt động cho quyền con người. Từ năm 1983, mỗi năm vào thứ Hai của tuần thứ ba tháng 01, Hoa Kỳ tổ chức lễ tưởng nhớ vinh danh ông.
Năm nay, nhân dịp này, trong một tuyên bố, Đức Tổng Giám mục José Gomez của Tổng Giáo phận Los Angeles, Chủ tịch Hội đồng Giám mục kêu gọi mọi người thiện chí tiếp tục theo chứng tá ngôn sứ của nhà hoạt động dân quyền về bất bạo động và tình huynh đệ. Ngài nói rằng nhà hoạt động xuất chúng cần được nhớ đến không chỉ vì ông đã theo đuổi công lý, nhưng vì “cách ông theo đuổi”.
Thực tế, Martin Luther King đã được thúc đẩy bởi cái nhìn Kinh Thánh về lẽ phải và sự thật, một cái nhìn mà ông hiểu rằng phải được suy tư trong các tài liệu thành lập quốc gia. Martin Luther King tin vào điều mà ông gọi là “tín ngưỡng Mỹ”, niềm tin được những người sáng lập quốc gia thể hiện: “Mọi người đều được tạo dựng bình đẳng và được Thiên Chúa ban một phẩm giá thánh thiêng và các quyền không thể phủ nhận được đối với cuộc sống, tự do và bình đẳng”.
Đức Tổng Giám mục Gomez lưu ý rằng hơn 54 năm sau khi Martin Luther King qua đời, “nước Mỹ phải đối diện với nhiều thách đố”, gồm đại dịch đang diễn ra, các vấn đề bất bình đẳng kinh tế và phân biệt chủng tộc, bạo lực trong cộng đồng, và cuộc đấu tranh chào đón người nhập cư và tị nạn. Ngài cũng nhận xét thêm rằng trong những năm gần đây, quốc gia “cũng trở nên phân cực và chia rẽ hơn”. Vì thế, hướng đến tương lai, Chủ tịch Hội đồng Giám mục kêu gọi người Mỹ “tiếp tục học hỏi sự khôn ngoan của Martin Luther King, đặc biệt là sự dấn thân của ông đối với các mối phúc của Chúa Giêsu, cũng như các nguyên tắc bất bạo động và tình thương đối với kẻ thù”.
Nhắc đến “Lá thư từ Nhà tù Birmingham” của nhà hoạt động dân quyền viết trong năm 1963, Đức Tổng Giám mục nói: “Martin Luther King nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta là anh chị em, là một phần của một mạng lưới tốt đẹp của các tương quan chăm sóc lẫn nhau, mỗi người chúng ta phụ thuộc vào người khác cũng như những người khác phụ thuộc vào chúng ta. Chúng ta hãy cùng tiến bước trong tinh thần huynh đệ và liên đới, tiếp tục công việc của Martin Luther King cho bình đẳng và công lý”.
Ngọc Yến – Vatican News