Theo Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ (ACN), do xung đột gia tăng, các Kitô hữu sinh sống ở Bờ Tây và Giêrusalem ngày càng bị phân biệt đối xử về tôn giáo và các nơi làm việc.
Tổ chức của Giáo hội Công giáo cho biết, hiện ở đây tỷ lệ thất nghiệp lên tới 72% – một kỷ lục chưa từng có trong lịch sử Thánh Địa – khu vực này đang trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế lan rộng, khiến nhiều gia đình phải cố gắng để sống còn. Thực tế, do việc đi lại bị hạn chế và ngành du lịch bị tê liệt, nhiều công nhân và nhân viên bị sa thải hàng loạt.
Mặt khác, quyết định của chính quyền Israel thay thế người Palestine trên thị trường lao động đã tạo ra vấn đề thất nghiệp lâu dài. Dự kiến, hơn 80.000 công nhân Ấn Độ sẽ đến nước này để làm công việc mà trước đây do người Palestine thực hiện.
Tin này đã được phổ biến trên các phương tiện truyền thông Israel, và qua các nguồn tin địa phương, và được Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ xác nhận. Quyết định này có liên quan đến một sự trả thù cho các cuộc tấn công vào tháng Mười năm ngoái, nhằm cô lập và gạt ra ngoài lề người Palestine, Kitô hữu và người Hồi giáo. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cộng đoàn Kitô hữu ở Thánh Địa.
Nhưng tình hình kinh tế không phải là thách đố duy nhất trong đời sống hàng ngày của các Kitô hữu. Theo nguồn tin trên, đeo Thánh Giá có thể khiến một Kitô hữu gặp rắc rối. Đôi khi mọi người phải che giấu danh tính tại chính quê hương để tránh gặp rắc rối. Sự hiện diện trong khu vực của các nhóm có các phần tử ngày càng cực đoan khiến tình hình càng thêm khó khăn. Các Kitô hữu bị kẹt giữa hai bên, một vị trí đặc biệt dễ bị tổn thương.
Cộng tác với Toà Thượng Phụ Latinh của Giêrusalem, Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ đã thực hiện các chương trình tái đào tạo nghề để giúp những người thất nghiệp, chủ yếu là thanh niên và người lao động từ các gia đình dễ bị tổn thương. Tổng cộng có 62 người đã được giúp đỡ từ giai đoạn đầu của chương trình này, mặc dù 700 người vẫn thất nghiệp và nhiều người vẫn đang chờ tham gia các chương trình tương tự.
Tổ chức cũng đang cung cấp viện trợ y tế và nhân đạo khẩn cấp cho các gia đình bị ảnh hưởng trực tiếp bởi cuộc khủng hoảng kinh tế ở Bờ Tây và Giêrusalem. Cho đến nay, 862 gia đình đã được hưởng lợi từ sự hỗ trợ của quỹ, với tổng số 3.448 người ở cả Bờ Tây và Giêrusalem. Trong số này, 602 người đã nhận được trợ cấp lương thực và 122 người nhận được hỗ trợ y tế. Trong 128 trường hợp khác, các gia đình Kitô giáo đã nhận được hỗ trợ tài chính để thanh toán các hóa đơn điện nước quá hạn, nhằm tránh bị cắt các dịch vụ thiết yếu. Dự án cũng đã mang lại lợi ích cho gia đình những người lao động nhập cư có hoàn cảnh rất dễ bị tổn thương.
Vatican News