Đức cha Paolo Martinelli, Đại diện Tông tòa Nam Ả Rập đã gửi thư mục vụ đầu tiên đến các tín hữu, trong đó ngài mời gọi mọi người quan tâm đến hoạt động đào tạo Kitô giáo trong bối cảnh sự chung sống đa văn hoá, đa tôn giáo.
Với tiêu đề “Không phải là nô lệ, nhưng là những người con: Đào tạo Kitô giáo cho thiên niên kỷ thứ ba, trong bối cảnh của một Giáo hội di cư đa văn hoá, đa ngôn ngữ và đa nghi lễ ở Vịnh Ả Rập”, thư mục vụ đề cập đến một chủ đề rất quan trọng đối với sự phát triển của cộng đoàn Kitô giáo Ả Rập.
Đức cha nhận định, những thách đố mà Giáo hội đang phải đối diện trên thế giới, thì ở vùng Vịnh vấn đề càng gia tăng. Tại đây, xã hội bị phân chia, vợ chồng hoặc gia đình không thường xuyên sống chung với nhau, mọi người bị cô lập ngay cả trong những nơi thờ phượng. Giới trẻ bị tiền bạc và tinh thần thế tục điều khiển trong những chọn lựa, trong đó có cả sự phân định ơn gọi.
Theo vị Đại diện Tông toà, trước thực trạng này, cần phải suy nghĩ lại về hình thức, nội dung và phương tiện. Hiện Giáo hội đang phải đối diện với những thay đổi mang tính thời đại, vì thế phải xác định những đặc điểm và thách đố để cung cấp một nền đào tạo đầy đủ, với các phương tiện và nội dung đáp ứng nhu cầu của các tín hữu, đặc biệt là giới trẻ và của Giáo hội ở vùng vịnh. Đây là lý do tại sao đức tin phải được loan truyền bằng niềm xác tín, và việc đào tạo Kitô giáo phải tập trung vào chứng tá sống động nhằm giải thích mối liên hệ giữa đức tin và cuộc sống.
Ngoài ra, cần chú ý đến tiến trình “liên văn hoá” cho phép các thực tại Giáo hội gặp nhau, tìm hiểu và đào tạo trong sự cộng tác. Về điều này, Đức cha hy vọng sự tham gia của tất cả mọi thành phần trong Giáo hội.
Đức cha nhấn mạnh, giáo dục Kitô giáo không dừng lại ở việc truyền tải nội dung đức tin, nhưng phải tạo ra một tâm thức mới, một cách đọc mới về lịch sử và xã hội trong mọi khía cạnh của nó. Đào tạo này phải đảm nhận trọn vẹn chiều kích văn hoá của đức tin, khuyến khích tìm kiếm Thiên Chúa.
Ở điểm này, các trường Công giáo đóng một vai trò quan trọng. Vì chính nhờ khả năng đối thoại mà các trung tâm giáo dục Công giáo có thể đóng góp rất nhiều không chỉ trong việc truyền tải đức tin, nhưng còn cho lợi ích xã hội và sự chung sống giữa những người có niềm tin khác nhau, thúc đẩy đối thoại liên tôn và ý thức về tình huynh đệ phổ quát.
Vatican News