“Nền kinh tế không có nạn buôn người” là tên của cuộc thi marathon cầu nguyện trực tuyến, diễn ra vào thứ Hai 08/02. Mạng lưới Talitha Kum tổ chức sự kiện này nhân Ngày Thế giới cầu nguyện chống nạn buôn người.
Mạng lưới Talitha Kum, mạng lưới của đời sống thánh hiến chống nạn buôn người của Liên hiệp Quốc tế các Bề trên Tổng quyền dòng nữ (UISG), sẽ đứng ra tổ chức buổi cầu nguyện, cùng với sự hợp tác của Phân bộ Di dân và Tị nạn của Bộ Phục vụ và Phát triển Con người Toàn diện, Caritas Quốc tế, Liên hiệp các Tổ chức Phụ nữ Công giáo Thế giới, Phong trào Focolare và nhiều tổ chức khác có liên quan ở cấp địa phương.
Từ châu Đại Dương đến châu Mỹ, đánh dấu các múi giờ khác nhau, cuộc thi marathon cầu nguyện sẽ được phát trực tiếp trên kênh YouTube (www.youtube.com/c/preghieracontrotratta) của Ngày Thế giới từ 10 giờ đến 17 giờ Roma với năm ngôn ngữ. Qua các khu vực của hành tinh, sự kiện muốn gây sự chú ý và nâng cao nhận thức của xã hội về một trong những nguyên nhân chính của nạn buôn người, mô hình kinh tế thống trị, có những giới hạn và những mâu thuẫn ngày càng trầm trọng hơn bởi đại dịch Covid-19.
Đức Thánh Cha sẽ gửi sứ điệp đến buổi truyền hình trực tiếp này. Năm 2015, Đức Thánh Cha đã thiết lập Ngày Thế giới cầu nguyện chống nạn buôn người, với việc tưởng nhớ Thánh Bakhita, nữ tu người Sudan bị bán làm nô lệ vào lúc 9 tuổi và sau đó được trả tự do. Từ đó, Đức Thánh Cha liên tục tố cáo các hình thức buôn người, coi nạn buôn người là một vết thương “trong cơ thể của nhân loại hiện nay”.
Sơ Gabriella Bottani, điều phối viên của Talitha Kum khẳng định: “Với nền Kinh tế Phanxicô, Đức Thánh Cha đã yêu cầu Giáo hội dừng lại, suy tư về mô hình kinh tế thống trị và tìm ra những con đường thay thế. Nạn buôn người luôn có trong nền kinh tế loại trừ, nơi mà các quy tắc của thị trường phá hủy các giá trị cơ bản của sự chung sống. Mô hình kinh tế thống trị là một trong những nguyên nhân cơ cấu chính của nạn buôn người trong thế giới toàn cầu hóa của chúng ta. Qua Ngày cầu nguyện này, chúng ta sẽ cùng nhau vạch ra con đường suy tư cho một nền kinh tế thúc đẩy sự sống và công việc xứng nhân phẩm cho tất cả mọi người”.
Ngọc Yến – Vatican News