Từ doanh trại Joué-lès-Tours đến giáo xứ thánh Marcô ở Indre-et-Loire, Pháp, sứ vụ của cha Pierre Fouquier, 30 tuổi là cha xứ và lính cứu hoả tình nguyện trong ba năm qua.
Cha Pierre chia sẻ ơn gọi của cha như sau:
Khi tôi được 10 tuổi, hình ảnh của những người lính cứu hoả đã thu hút tôi. Trong ngôi làng, mỗi khi vào dịp lễ, đội lính cứu hoả diễu hành với ban nhạc, cùng với đoàn xe màu đỏ, đồng phục, tất cả đã làm tôi say mê.
Nhưng cùng thời điểm đó, ơn gọi linh mục cũng đã thu hút tôi. Tôi được lớn lên trong một gia đình Công giáo và được cha mẹ giáo dục và ươm mầm ơn gọi linh mục. Khi lớn lên tôi cũng thoát ra khỏi gia đình như những người bạn cùng tuổi. Trên hành trình mới này, tôi tiếp tục gặp gỡ một số linh mục, với niềm vui dâng hiến và sứ vụ. Điều này giúp tôi quyết định đến chủng viện.
Trong hai năm đầu chủng viện, tôi cố gắng thích nghi với môi trường huấn luyện, nhưng cũng không quên đam mê công việc của lính cứu hoả. Các giám mục và ban huấn luyện đã rất linh động về giờ giấc cho đam mê của tôi. Nhờ đó tôi có thể tham gia làm lính cứu hoả tình nguyện trong gần hai năm tại các ngôi làng ở Lot.
Khi sinh hoạt với những lính cứu hoả khác ở doanh trại, ơn gọi linh mục của tôi là một đề tài thảo luận hấp dẫn cho họ. Những người trẻ đặt ra cho tôi nhiều câu hỏi về điều này, như: về đời sống độc thân, sứ vụ của linh mục, cũng như về Giáo hội địa phương và Giáo hội hoàn vũ. Tôi đã có dịp chia sẻ với những người trẻ này tất cả những gì tôi hiểu và cảm nhận được về ơn gọi của chính tôi và về Giáo hội.
Tôi được truyền chức linh mục vào năm 2018. Nhưng khi khoác lên mình bộ đồng phục, tôi trở thành lính cứu hoả như bao người khác.
Với phương châm của lính cứu hoả “dũng cảm và cống hiến”, tôi cố gắng dấn thân phục vụ trong cả hai lĩnh vực. Tôi không bao giờ đánh mất hồng ân đã lãnh nhận trong khi thi hành sứ vụ. Đối với tôi, quân bình là một nền tảng vững chắc cho cuộc sống. Tôi đặc biệt chú ý đến đời sống huynh đệ trong cả hai môi trường. Tôi tham gia các cuộc gặp gỡ của lính cứu hoả, và tôi luôn giữ liên lạc với các linh mục khác.
Cha Pierre Fouquier cho biết, vào Chúa nhật cha dành hoàn toàn thời gian cho các hoạt động mục vụ của giáo xứ. Cha sắp xếp mọi việc một cách uyển chuyển, từ việc này sang việc khác. Nhưng đôi khi có những chuyện xảy ra bất ngờ cha cần phải hành động không như dự tính, và trong những lần như vậy cộng đoàn giáo xứ luôn tỏ ra thông cảm và khích lệ cha. Cha kể: “Gần đây, tôi đã tham gia một vụ chữa cháy lớn trong khoảng 7 giờ. Khi về tới giáo xứ thì giờ lễ bị muộn, nhưng tất cả mọi người đều chào đón tôi với sự quan tâm và thông cảm”.
Hiện nay, đời sống và con người của cha Fouquier được định hình trong hai ơn gọi. Cha giải thích: “Phần lớn các can thiệp của lính cứu hoả là những can thiệp xã hội. Là người lính cứu hoả cũng là công việc lắng nghe”. Theo những gì đã được học và nghiên cứu sâu rộng ở chủng viện, cùng với công việc đầy nguy hiểm này, cha đã có những trải nghiệm thực tế với những đau khổ của con người. Cha cũng đã có dịp gặp được những người chưa bao giờ đặt chân đến nhà thờ, cho dù được mang danh là Kitô hữu.
Những niềm vui và vất vả của cuộc sống bận rộn hàng ngày, cha dâng tất cả lên Chúa trong kinh nguyện. Cha chia sẻ: “Tôi luôn dâng lên Thiên Chúa thế giới trong các Thánh lễ tôi cử hành. Tôi ý thức rõ những giới hạn của tôi, vì vậy tôi dâng lên Người tất cả những gì mà tôi biết tôi không thể tự mình làm được”.
Cha Fouquier đã được Đức cha giao cho một giáo xứ mới vào đầu năm học mới này. Cha cho biết, với giáo xứ mới cha vẫn tiếp tục vừa dấn thân phục vụ các hoạt động mục vụ của giáo xứ vừa phục vụ tình nguyện trong đội cứu hoả của địa phương. Cha kết luận: “Tinh thần làm việc của lính cứu hoả đã truyền cảm hứng, truyền động lực cho tôi rất nhiều. Thật vậy, trong khi làm việc chúng tôi không tập trung vào những gì chúng tôi không thể làm được một mình, nhưng chúng tôi tập trung vào những gì chúng tôi có thể làm việc cùng nhau”.
Ngọc Yến – Vatican News