Cha Stanggassinger viết: “Các thánh có trực giác đặc biệt. Còn kẻ không phải là đấng thánh như tôi thì có những chân lý giản đơn bất diệt: Nhập Thể, Cứu Độ và Thánh Thể”.
Cha Kaspar Stanggassinger sinh năm 1871 ở Berchtesgaden, miền nam nước Đức, là con thứ hai trong một gia đình 16 anh chị em. Cha ngài là một nông dân được mọi người kính trọng. Ông là chủ một mỏ đá.
Từ thuở thiếu niên, ngài đã có ước mơ làm linh mục, đóng trò “giảng” những bài giảng ngắn cho anh chị em trong nhà và thường dẫn đầu cuộc “diễu hành” đến nhà thờ nằm giữa vùng núi non gần nhà.
Từ năm 10 tuổi ngài đến học ở Freising. Việc học hành đối với ngài khó khăn hơn. Cha ngài bảo rằng ngài sẽ phải từ giã trường lớp nếu không qua được các kỳ thi. Với ý chí sắt đá, sự tận tụy phi thường và trung thành cầu nguyện, Kaspar tiến tới đều đặn. Những năm sau đó, vào mùa hè, ngài thường tập họp trẻ con, khuyến khích chúng sống đạo, tổ chức thành nhóm và sinh hoạt vào những giờ rãnh rỗi. Mỗi ngày bọn trẻ họp nhau đi lễ, đi chơi hay hành hương. Sự ân cần lo lắng của Kaspar đối với chúng thật đáng khâm phục và vượt xa đến độ ngài đã liều mạng cứu một cậu bé gặp hiểm nguy khi leo núi.
Năm 1890, ngài vào chủng viện giáo phận Munich và Freising học thần học. Để thấy rõ hơn thánh ý Thiên Chúa, ngài tự nguyện theo một thời biểu kinh nguyện khắt khe. Ngay sau đó, ngài thấy rõ rằng Thiên Chúa muốn ngài trở thành một tu sĩ. Thực vậy, sau một chuyến viếng thăm các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế, ngài cảm thấy bị thúc giục bước theo ơn gọi thừa sai của họ. Dù bị cha ngài phản đối, ngài vẫn vào nhà tập tại Gars năm 1892 và chịu chức linh mục tại Regensburg năm 1895.
Kaspar Stanggassinger vào Dòng Chúa Cứu Thế với ý muốn trở thành một nhà truyền giáo, vậy mà ngài lại được bề trên chỉ định làm phó giám đốc đệ tử viện Durrnberg gần Hallein để đào tạo những nhà truyền giáo tương lai. Ngài dấn thân tận tụy hoàn thành trách nhiệm này. Là một tu sĩ, ngài thi hành lời khấn vâng phục, và sống lời khấn này một cách kiên trì và trong sáng.
Mỗi tuần ngài lên lớp 28 giờ nhưng các chú đệ tử lúc nào cũng có thể gặp ngài. Vào ngày Chúa nhật, ngài không bao giờ quên đến giúp các nhà thờ, nhất là giúp công việc giáo huấn trong các làng lân cận. Dù có một thời khóa biểu công việc như thế, ngài vẫn luôn kiên nhẫn tìm cách thấu hiểu nhu cầu của người khác, nhất là sinh viên. Nơi ngài, họ gặp một người bạn hơn là một bề trên. Mặc dù luật lệ thời ấy rất khắt khe nhưng Kaspar không bao giờ cư xử khắc nghiệt. Bất cứ khi nào ngài cảm thấy sai trái với ai đó, ngài lập tức hạ mình xin lỗi.
Nhiệt thành với Chúa Giê-su Thánh Thể, ngài mời gọi các chú đệ tử và các tín hữu mà ngài dạy dỗ hãy trông cậy vào Bí tích Thánh Thể trong mọi lúc thiếu thốn và lo âu. Ngài khuyến khích họ đến với Đức Ki-tô như đến với một người bạn, dù là đến để thờ phượng hay để chuyện trò. Giáo huấn của ngài luôn là lời nhắc nhở những người tin hãy sống tốt đời sống Ki-tô hữu, lớn lên trong lòng tin nhờ kinh nguyện và luôn trò chuyện với Chúa. Cách thức của ngài là tiếp cận và lôi kéo, không hăm dọa trừng phạt, khác với cách giáo huấn thông thường thời ấy.
Năm 1899, Dòng Chúa Cứu Thế mở học viện mới ở Gars. Cha Stanggasinger được bổ nhiệm làm giám đốc, ngài mới 28 tuổi. Ngài chỉ có thì giờ hướng dẫn một cuộc tĩnh tâm cho sinh viên và dự lễ khai giảng năm học.
Ngày 26 tháng 9, do viêm màng bụng, cuộc hành trình trần gian của ngài chấm dứt.
Việc vận động phong Chân Phúc cho ngài bắt đầu năm 1935, vào dịp di chuyển thi hài ngài vào nhà nguyện cạnh nhà thờ Gars.Ngày 24 tháng 4 năm 1988, ngài được Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II phong Chân Phước.