Chia sẻ về ơn gọi tu trì:
2. Bạn ơi! Lên tàu đi. Mình cùng theo Giêsu nào!
“Nào mời anh em lên tàu lửa chúng mình đi!
Đi, đi khắp nơi mà không thích sao?
Nào mời anh em lên tàu lửa chúng mình đi.
Đi, đi khắp nơi mà không tốn tiền.
Ê nhóc! Lên tàu đi. Đi chơi vui lắm.”
Tiếng gọi của các bạn cùng xóm rủ tôi lên tàu. Chúng tôi chạy quanh, chạy quanh hoài trong trong cái sân nhỏ trước hiên nhà, vừa chạy vừa hát. Thằng cu Tí lớn nhất bọn được đặt làm đầu tàu, và cứ thế nó kéo cả đám vừa chạy theo vừa chạy vừa hát vang cả xóm. Lâu lâu, đoàn tàu dừng lại để mời người này người kia lên tàu.
Kỉ niệm ấy làm tôi liên tưởng đến câu chuyện ơn gọi của tôi. Ơn gọi cũng thế, nó như một cuộc chơi, một đoàn tàu mà cứ người này nối đuôi người kia. Cũng có, người lái tàu, cũng có những lời mời gọi, và khi đã tham gia vào cuộc chơi, thì “đi đi khắp nơi” thật thích, và “cũng không tốn tiền.” Tôi xin chia sẻ một chút về những tiếng gọi lên đường trong cuộc đời tôi.
Từ khi còn nhỏ xíu, tôi thích đi nhà thờ. Thích đến nỗi nếu không được đi mà phải ở nhà là tôi khóc nhè. Có lẽ vì nhà thờ luôn có đông người, và luôn vui. Có tiếng hát ca đoàn, có tiếng kinh nguyện du dương, có mấy chú giúp lễ áo đen áo đỏ đi qua đi lại, có cha xứ với những tấm áo dài trông thật oai vệ. Thấy thế, mỗi lần người lớn hỏi tôi, “con có thích đi tu không?” Lần nào tôi cũng hứng thú đáp lại thật to, “Dạ. Có ạ. Con thích đi tu làm cha để được ở nhà thờ.”
Lớn lên chút xíu, tôi nghe người lớn trong nhà kể về những câu chuyện của các anh hùng tử đạo đã được truyền miệng qua bao thế hệ. Quê nội tôi, làng Trí Bưu, tỉnh Quảng Trị, thì có các Lăng Các Thánh Tử Đạo. Ba tôi vẫn kể, thời Văn Thân bắt đạo, có hơn 300 công giáo trong làng trốn vào nhà thờ. Họ bị quan quân nhốt lại và chất lửa thiêu sống. Còn quê ngoại làng Xuân Hoà, tỉnh Bắc Ninh, thì có mộ các thánh tử đạo. Họ bị chôn sống xuống hố, rồi bị voi dày ngựa xéo. Dù vậy, họ vẫn một lòng trung kiên. Từ ngày ấy, các vị tử đạo luôn là những anh hùng trong lòng tôi. Lớn lên chút nữa, tôi thích đọc sách “Uống Nước Nhớ Nguồn”, chuyện 117 anh hùng tử đạo. Họ mới dũng cảm làm sao. Vì Chúa họ có thể làm tất cả, vượt sông vượt núi, trốn chui chốn nhủi, và cuối cùng cách này cách khác, họ đã hy sinh mạng sống mình vì Chúa.
Tới tuổi dậy thì, trái tim tôi cũng có nhiều lần rung động trước những người con gái. Cũng có những lá thư giấu kín trong ngăn bàn, những lời yêu thương chưa dám nói. Lúng túng, buồn sầu, tôi không biết phải làm sao. Ngày ấy, tôi tự làm một cây thánh giá bằng gỗ và viết lên trên đó, “Giêsu, vua tình yêu, xin dạy con biết yêu như Ngài.” Rồi ôm lấy thánh giá, tôi nhận ra tình yêu ở đời sao chóng qua mau đổi. Tôi quyết định yêu Chúa và lòng tôi tìm được bình yên. Những sóng gió về tình cảm cũng dần trôi qua và tôi thấy tiếng Chúa gọi tôi lớn hơn tất cả.
Ngày tôi tốt nghiệp cấp ba, các cha Dòng Chúa Cứu Thế lần đầu tiên đến giảng tĩnh tâm ở xứ tôi. Họ sống thật giản dị, gần gũi với tất cả mọi người. Hình ảnh thiếu nhi trong giáo xứ vui đùa bên các cha. Những lời giảng dạy đơn sơ mộc mạc kèm theo những câu chuyện thật đời đã đụng chạm đến nhiều người trong đó có tôi. Tôi muốn làm linh mục như các ngài, để sống một đời gần gũi với mọi người, để giảng những bài giảng đơn sơ mọi người có thể hiểu. Thêm vào đó, tôi cũng nghe nói, Dòng Chúa Cứu Thế là một dòng truyền giáo, luôn đi đến những vùng xa xôi hẻo lánh để rao giảng Tin Mừng cho người nghèo, và khi thành lập được giáo xứ, thì sẵn sàng trao lại cho giáo phận để tiếp tục lên đường đi đến những xa hơn. Tôi coi những lời ấy như một lời mời gọi hấp dẫn, và tôi đã xin gia nhập đoàn tàu.
Có một câu chuyện bên lề
Ngày còn nhỏ, khi hỏi tôi muốn đi tu không. Tôi nói tôi muốn đi tu làm linh mục. Có người đã tính: 18 tuổi là nó học xong lớp 12, thêm 7 năm của chương trình đào tạo Linh Mục, có lẽ là 25 tuổi nó sẽ trở thành linh mục. Những tính toán đó có thể đúng với ai đó, nhưng với tôi thì những tính toán đó đã không xảy ra.
Tôi được vào nhà dòng sau một năm tìm hiểu, sau đó 2 năm đệ tử, 3 năm dự tập, 1 năm nhà tập. Suốt những năm này, đoàn tàu vẫn tiếp tục chạy. Tôi thấy, có người lên và cũng có kẻ xuống. Có những cuộc chia tay với các bạn cùng lớp mà tới giờ tôi vẫn tự hỏi, tại sao lại là họ. Họ tốt hơn tôi. Họ giỏi hơn tôi. Họ trưởng thành hơn tôi. Tại sao họ bước xuống khỏi đoàn tàu còn tôi ở lại. Câu hỏi chẳng có câu trả lời cho thoả đáng nhưng làm cho tôi xác tín hơn. Tôi tin rằng tôi đã được mời gọi lên tàu, và ngày ngày tôi vẫn háo hức vừa chạy theo chân người, vừa chạy vừa ca hát thật là vui.
Sau khi khấn dòng và học 2 năm triết học, tôi nhận bài sai đi học ở Mĩ. Đúng là bài sai vì có bao giờ đúng với ý mình đâu. Vì từ những ngày đi tìm hiểu nhà dòng, tôi nghĩ, tôi sẽ lên giúp cho anh chị em nghèo ở các vùng xa xôi hẻo lánh của Việt Nam, có thể là Tây Nguyên, có thể là Tây Bắc. Nhưng tại sao Chúa lại gọi tôi đến phục vụ tại đất Mĩ Châu này, một nơi tiên tiến, một đất nước giàu có với những con người có bằng cấp cao? Sau những ngày trăn trở, cầu nguyện, và vật lộn để chấp nhận lời mời gọi của Chúa. Tôi đã lên đường vì tin Chúa đã gọi tôi. Tôi biết mình đang bắt đầu một cuộc phưu lưu mới.
Tại đất Mĩ, sau khi vất vả học 2 năm ngôn ngữ, tôi bắt đầu chương trình 4 năm thần học. Nhưng vì học 4 năm chưa kĩ, tôi xin kéo dài chương trình học 5 năm. Năm vừa qua, tôi tốt nghiệp, và được chịu chức linh mục ngày 6 tháng 11 năm 2021.
Nhìn lại, tôi thấy người nghèo ở đâu cũng có. Ở đây, có người nghèo về vật chất, có người nghèo về tình liên đới, có người nghèo về tâm linh. Có người nghèo vì chưa được nghe Tin Mừng, Tin Vui, Tin Giải Thoát. Thế giới đau khổ, buồn chán đang đợi lời mời gọi lên tàu. Chuyến tàu mang lại sức sống, niềm vui, bình an, và hạnh phúc đích thực.
Nào mời anh em lên tàu lửa chúng mình đi!
Đi, đi khắp nơi mà không thích sao?
Nào mời anh em lên tàu lửa chúng mình đi.
Đi, đi khắp nơi mà không tốn tiền.
Giờ này, nhìn những bông tuyết rơi ngoài cửa sổ, tôi tự hỏi không biết rồi ngày mai sẽ ra sao. Có tiếng ai đó nói trong tôi nói, “Ai tham gia vào chuyến tàu vô định này, chỉ cần tin vào bác lái tàu, và hăng say nhập cuộc mỗi ngày, ngày mai, chắc chắn tàu sẽ đưa ta đến bến bình an.”
Có lẽ ơn gọi là thế đó các bạn ạ!
Ơn gọi là tin bác lái tàu Giêsu, và chấp nhận chạy theo bước chân Giêsu mỗi ngày.
Không biết chuyến tàu sẽ đưa ta đi đến những nơi đâu, nhưng có một điều ta biết là bến cuối cùng sẽ là bờ bến hạnh phúc muôn đời.
Bạn ơi! Lên tàu đi. Mình cùng theo Giêsu nào.
Bài viết của cha Giuse Lê Thanh Huấn, DCCT trên facebook cá nhân của ngài.
Tựa bài do BBT đặt
Chia sẻ về ơn gọi tu trì: