Thái Hà (07.06.2016) – #sgb Ngày hôm nay 6/6/2016, mạng xã hội và báo chí trong nước dẫn nguồn tin từ báo chí nước ngoài cho hay Thụy Sĩ – một đất nước thanh bình và giàu có ở Bắc Âu vừa tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý về việc có nên hay không, hàng tháng sẽ phát không cho mỗi công dân trưởng thành, dù có đang đi làm hay không 2.500 francs Thụy Sĩ (khoảng 56 triệu đồng Việt Nam) để tiêu sài!
Trẻ em cũng sẽ được “phát lương” như vậy, nhưng ít hơn (khoảng trên 600 francs).
Mặc dù chưa có kết quả kiểm phiếu, nhưng hầu hết các báo đều nhận định là tuyệt đại đa số người dân Thụy Sỹ sẽ… lắc đầu, nói không với việc được Nhà nước cho tiền như vậy! Khảo sát cho thấy cứ 5 người thì có 4 người không đồng ý!
Vậy ý kiến của hai phe là thế nào?
Những người ủng hộ chính sách này cho rằng trong tương lai con người sẽ sử dụng robot làm việc tại các nhà máy, cửa hàng bán lẻ thay thế cho người lao động. Vì sử dụng robot, con người sẽ cơ bản không có quá nhiều công việc để làm và buộc phải có một nguồn thu nhập nhất định để đảm bảo cuộc sống.
Trong khi đó, những người nói không thì cho rằng chính sách này sẽ có ý nghĩa tiêu cực, khuyến khích “sự thiếu chủ động và trách nhiệm cá nhân” đối với giới trẻ khi họ cảm thấy không có “động lực” làm việc.
Đảng trung hữu của Thụy Sĩ là SVP thì lo rằng chính sách sẽ khiến Thụy Sĩ trở thành mục tiêu thu hút dân của 28 nước thành viên EU di cư đến.
Phát ngôn viên của SVP Luis Stamm nói với BBC: “Về mặt lý thuyết, nếu Thụy Sĩ là một hòn đảo thì có thể thực hiện. Bạn có thể cắt giảm thanh toán cho các dịch vụ xã hội nhờ chỉ phải trả một số tiền nhất định cho mỗi cá nhân. Nhưng với một biên giới mở, thì chính sách này là bất khả thi. Nếu bạn cung cấp lương cho mỗi cá nhân tại Thụy Sĩ sẽ có hàng tỉ người muốn di cư đến Thụy Sĩ”.
Quả là những thông tin thú vị và “lạ lùng” phải không thưa quý vị!
Nhưng tôi không muốn bàn về chuyện người Thụy Sỹ đồng ý hay không đồng ý nhận tiền miễn phí. Đó là quyền của họ, tiền của họ. Họ muốn sử dụng như thế nào, cho ai, hay thậm chí vứt đi… cũng chả ai có quyền ngăn cản họ. Đó là những đặc tính cơ bản của quyền sở hữu đối với tài sản: sử dụng, chiếm hữu và định đoạt.
Điều mà tôi muốn “tám” ở đây, là vấn đề về khoa học kinh tế chính trị, về mô hình phát triển của xã hội loài người.
Ở Việt Nam, chỉ cần học đến lớp 12, hẳn mọi người đều được dạy rằng ông mác và ông ang ghen và ông le nin (toàn là những người bên xứ Tây) đã dày công nghiên cứu và “phát minh” ra chủ nghĩa mác lê. Theo đó, các ông này cho rằng xã hội loài người sau giai đoạn Phong kiến sẽ là giai đoạn Tư bản chủ nghĩa. Rồi tới Xã hội chủ nghĩa và cuối cùng, tới “đỉnh cao” là Chủ nghĩa cộng sản.
Theo quan điểm của chủ nghĩa mác lê, đưa ra cách nay hơn 100 năm, thì chế độ Tư bản chủ nghĩa là một chế độ thối tha, tàn ác, bóc lột sức lao động và đang “giãy chết”, đang tự “đóng đinh vào cỗ quan tài” của chính mình! (Thực tế đã chứng minh chả phải vậy).
Còn chủ nghĩa xã hội thì phát triển thật là ưu việt, có được là do giai cấp công nhân vùng lên cướp chính quyền từ tay bọn tư bản thực dân, và lãnh đạo. Ở chế độ xã hội chủ nghĩa, người dân sẽ rất là sung sướng, hạnh phúc.
Nhưng còn tuyệt vời hơn nữa sẽ là Chủ nghĩa cộng sản. Đó là một xã hội giàu có về vật chất, mà con người sẽ được vô cùng sung sướng, thích thì làm (làm theo năng lực), thích thì ăn (hưởng theo nhu cầu). Phải chăng đây chính là mô hình mà Thụy Sỹ vừa đưa ra trưng cầu dân ý?
Như vậy, phải chăng trên trái đất này đã xuất hiện chế độ chủ nghĩa cộng sản thực sự? Và chế độ này đã đi trực tiếp từ chủ nghĩa tư bản lên? Mà không qua các giai đoạn tư bản “giãy chết”, xã hội chủ nghĩa?
Theo tôi thấy, thì sự giàu có và tuyệt vời của Thụy Sỹ hóa ra lại xuất phát từ thành quả của chủ nghĩa tư bản (thực chất Thụy Sỹ cũng như tuyệt đại các nước khác trên thế giới, là những nước tư bản chủ nghĩa).
Và chính nhờ có chủ nghĩa tư bản, thông qua hoạt động của các doanh nghiệp và người dân, thông qua đóng thuế, đất nước Thụy Sỹ đã xây dựng và tích tụ được một nguồn phúc lợi xã hội đã đến mức tuyệt vời, có khả năng “phát không” cho người dân!
Kiểu như một người đã có 100 tỷ đồng rồi, thì hàng tháng chỉ tiền lãi thôi cũng đủ ung dung sung sướng, chả cần làm nữa! Nhưng ở đây là quy mô và tầm vóc một quốc gia.
Đó chẳng phải là điều quá tuyệt vời và đáng ngưỡng mộ hay sao? (Tất nhiên còn phải phụ thuộc vào rất nhiều khía cạnh khác, từ chính sách pháp luật, ý thức người dân, cho đến mô hình chính trị…vv).
Qua hiện tượng Thụy Sỹ, tôi chợt nhận ra rằng hóa ra để người dân được sung sướng, hạnh phúc – thì không nhất thiết cứ phải đi theo con đường xã hội chủ nghĩa. Mà cứ xây dựng xã hội tư bản chủ nghĩa một cách ưu việt thật sự.
Mà quả thật nhìn ra thế giới, thì thấy hầu hết các nước chọn mô hình “tư bản giãy chết” hóa ra lại giàu có và mức sống người dân rất cao, thuộc top dẫn đầu. Như Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Canada, …
Trong khi đó, các nước chọn mô hình xã hội chủ nghĩa như Trung Quốc, Cu Ba, Triều Tiên xem ra người dân còn vất vả khổ cực quá. Nói khái quát, thì mới chỉ có các quan to mới được sung sướng.
Thôi thì người dân Trung Quốc đành phải có niềm tin chứ biết sao bây chừ?…
Còn Việt Nam…
Trần Hồng Phong. FB: Sài Gòn Báo