Thái Hà (05.03.2016) – Trong đời một Kitô Hữu, như bao người khác tôi đã nghe vô vàn vô số các Đạo Mục ( Linh Mục ) thuyết giảng trong Thánh Lễ. Đa số là nghe vào tai này rồi ra tai kia, quên hết trơn, không còn nhớ được gì nữa. Có lẽ không thể nhớ nhiều cũng là một điều hay vì đầu óc ai cũng có ngần có hạn, mà còn phải bận tâm lo toan bao nhiêu sự đời nữa, cái gì cũng nhớ cả thì dám hóa điên mất. Nhưng có một bài giảng, sau 35 năm tôi vẫn nhớ rõ. Nhớ ở đây là về ý chính thôi, chứ từng câu từng lời tôi không thể nhớ đúng được.
Đó là vào khoảng năm 1980. Chiến tranh biên giới với Trung Quốc vừa chấm dứt, nhưng Việt Nam vẫn lâm vào cuộc chiến dai dẳng hao người tốn của tại Kampuchia. Đảng CS vẫn ngạo mạn mình là đỉnh cao trí tuệ loài người, cán bộ không cần đào tạo chuyên môn mà vẫn lãnh đạo tất cả sinh hoạt của đất nước, bầy ra các chính sách kinh tế “lớn” để đưa đất nước “tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc lên CNXH” ( bà con đọc là… Cả Ngày Xếp Hàng ). Dân chúng đổ xô đi vượt biên. Miền Tây có lụt lớn, sản xuất ngưng trệ, đói kém triền miên.
Đó là phần chung của cả nước, còn phần riêng của cá nhân tôi thì cũng giống như nhiều người khác: không công ăn việc làm, thường xuyên đói bụng, không biết tương lai mình sẽ đi về đâu. Khi đó tôi chỉ mong vào mỗi chiều thứ bảy được đạp xe đến Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Kỳ Đồng tham dự các buổi hành hương kính Đức Mẹ.
Vào một dịp hành hương, tôi được nghe cha Mátthêu Vũ Khởi Phụng đọc và diễn giảng Chương 17 Tin Mừng theo Gioan: “…Con cầu nguyện cho họ. Con không cầu nguyện cho thế gian, nhưng cho những kẻ Cha đã ban cho con, bởi vì họ thuộc về Cha. Tất cả những gì của con đều là của Cha, tất cả những gì của Cha đều là của con; và con được tôn vinh nơi họ. Con không còn ở trong thế gian nữa, nhưng họ, họ ở trong thế gian; phần con, con đến cùng Cha…”
Tôi nhớ đại ý cha Phụng đã giảng là: Ta thường cầu nguyện cho người khác và cũng thường xin người khác cầu nguyện cho mình. Rồi cảm thấy chưa yên tâm, ta bỏ tiền ra xin các Linh Mục dâng lễ cầu theo ý của ta, xin các Tu Sĩ khấn cho ta, để chắc ăn là sẽ được Chúa nhận lời. Nhưng có một điều quan trọng nhất mà ta ít ngờ được là chính Chúa Giêsu cũng cầu nguyện cho ta…”
Lúc đó tôi cảm thấy như bị một luồng điện mạnh chạy qua tim. Tôi không còn nghe một Linh Mục nói trên tòa giảng về một ý tưởng nữa, mà hình như đang nghe thấy chính lời cầu nguyện của Chúa Giêsu dành cho bản thân tôi. Tôi tin là trước hết Cha Phụng cũng đã phải nghe tiếng Chúa Giêsu cầu nguyện cho chính mình nên mới có thể truyền sang người nghe trải nghiệm trên cả tuyệt vời này.
Cha Phụng, từ sau 1975 cho tới khi được Chúa gọi về, có rất nhiều trọng trách phải đứng mũi chịu sào, phải lèo lái con thuyền Nhà Dòng trước một chính quyền thường lấy cứu cánh biện minh cho phương tiện. Chắc hẳn là bên cạnh những lời cầu nguyện của cha dành cho bản thân, của các Tu Sĩ trong Dòng, các Tín Hữu yêu mến cha dành cho cha, cha hằng luôn nghe được lời cầu nguyện của Chúa Giêsu dành cho cha và cho những người Chúa đã trao phó cho cha chăm sóc ( trong đó cũng có tôi ).
Nay Cha đã về cùng Chúa, đã nhận được điều tối thượng trong lời cầu nguyện của Chúa Giêsu dành cho Cha: “Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành.”
Xin cám ơn Cha Matthêu Vũ Khởi Phụng vì nhờ Cha, tôi đã học biết yêu mến Thánh Mátthêu và biết được ý nghĩa của tên gọi Mátthêu trong tiếng Do Thái có nghĩa là “Thiên Ân”, là “Ơn Trời”. Tôi còn học biết được tầm quan trọng của ngôn từ và nghệ thuật truyền giảng trong Loan Báo Tin Mừng cho người Việt Nam ( Cha là người đã chọn ra các từ có khả năng truyền tải được nội dung của Tin Mừng như “Bảo Vệ Sự Sống” và “Người Xa Quê” ), quan trọng nhất, tôi được an tâm rằng: Chúa vẫn luôn cầu nguyện cho tôi.
Giờ đây, có lẽ không có gì khiến cha hăng say hơn, là cùng với Chúa Giêsu và hòa nhập vào lời cầu nguyện của Chúa Giêsu, cha và Chúa Giêsu đang cầu nguyện cho Nhà DCCT, vì khi còn sống cha đã tâm sự là cha “lo ngại không biết Dòng có đủ sự năng động và linh động cần thiết để đảm đương sứ vụ không.”
NGUYỄN TRUNG, Sàigòn 5.3.2016