Hãy lấy cảm hứng từ Đức Trinh Nữ Maria, người đã chịu đựng những nỗi buồn khôn lường với ân sủng. Đặc biệt là cầu xin Đức Mẹ giúp sức để chúng ta nâng đỡ nhau vượt qua đại dịch cúm Tàu.
Tháng 9 là tháng biệt kính Đức Mẹ Sầu Bi, đặc biệt là ngày 15 tháng 9. Đây là thời điểm đặc biệt thích hợp để chúng ta tìm thấy sức mạnh qua lòng sùng kính này, khi chúng ta thích nghi với những thách thức với công việc và học hành, biến động xã hội và chu kỳ thời tiết bất thường. Thế giới đeo khẩu trang của chúng ta có thể cảm thấy siêu thực, khi chúng ta phải giãn cách với hàng xóm ít nhất 2m. Đức Mẹ ban sự an ủi tốt nhất cho chúng ta.
Ngay sau sự sùng kính của tháng Tám đối với Mẫu Tâm Vô Nhiễm Nguyên Tội và trước sự sùng kính của tháng Mười đối với Đức Mẹ Mân Côi, tháng Chín là thời điểm lý tưởng để củng cố mối liên hệ của chúng ta với Đức Maria. Vậy còn khoảnh khắc nào tuyệt hơn khi đắm mình trong những nỗi buồn của Đức Mẹ? Tình yêu và lòng trắc ẩn mà chúng ta cảm nhận được khi suy ngẫm về nỗi buồn của Đức Mẹ cho phép chúng ta quên đi hoặc vượt qua chính mình trong một thời gian. Hơn nữa, chúng ta được nhắc nhở rằng Đức Mẹ thực sự hiểu con cái – là chúng ta.
Thánh Gioan Phaolô II khuyên: “Hãy hướng mắt về Đức Trinh Nữ Maria không ngừng. Đức Mẹ là Mẹ của nỗi đau buồn và cũng là Mẹ của niềm an ủi, có thể hoàn toàn hiểu và giúp đỡ chúng ta. Hãy nhìn lên Đức Mẹ, cầu nguyện với Đức Mẹ, bạn sẽ biết rằng sự tẻ nhạt của bạn sẽ trở nên sự thanh thản, nỗi sầu não của bạn chuyển thành hy vọng và nỗi đau của bạn thành tình yêu.” Tháng 9 này, hãy kết hợp nỗi buồn của chúng ta với nỗi sầu của Đức Mẹ. Trước khi biết điều đó, chúng ta sẽ thực sự vui hơn!
Đây là 10 cách thực hiện điều đó:
1. BIẾN ĐAU KHỔ THÀNH MỤC ĐÍCH
Hãy nhận lấy những đau khổ mà bạn phải chịu đựng và dâng lên để đền tạ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria. Việc chú ý vào nỗi buồn riêng mình sẽ ngăn cản con tim lãnh đạm. Thay vào đó, hãy để cõi lòng bùng cháy với lòng sùng kính và tình yêu khi suy ngẫm về những nỗi buồn của Đức Mẹ, hãy dâng những hy sinh và việc đền tạ – chẳng hạn như sự sùng kính Thứ Bảy Đầu Tháng. Hãy nhận lấy nỗi đau và biến nó thành mục đích thông qua các hành động, đó là cách chữa lành cho tâm trí và tâm hồn.
2. NUÔI DƯỠNG NIỀM VUI
Trong tháng Đức Mẹ Sầu Bi này, hãy bớt chú ý vào nỗi buồn của mình và vun đắp niềm vui bằng cách nghĩ đến Đức Mẹ tuyệt vời. Cảm thấy buồn ư? Hãy đọc một Kinh Kính Mừng ngay. Một cách khác là ghi lại nỗi buồn của bạn và sau đó viết một lời cầu xin Đức Mẹ giúp chữa lành chứng buồn đó.
3. AN ỦI NGƯỜI KHÁC
Đề nghị vác thập giá của ai đó một chút, như ông Simôn người Xyrênê vác thập giá giúp Chúa vậy. Bạn có thể làm điều này bằng cách gửi một tấm thiệp, lắng nghe khi ai đó muốn nói về nỗi lo lắng, sự đau buồn, hoặc nỗi cô đơn, hãy đồng cảm với họ. Bạn cũng có thể gửi một bó hoa cho người đang gặp khó khăn – có thể là hoa hồng hoặc hoa huệ có ý tôn vinh Đức Mẹ. Hãy chia sẻ bữa ăn ngon để họ quên đi muộn phiền.
4. SÙNG KÍNH ĐỨC MẸ BẢY SỰ
Sự sùng kính Bảy Sự bao gồm việc đọc bảy kinh Kính Mừng mỗi ngày, đọc mỗi kinh thì suy niệm về một trong bảy nỗi buồn của Đức Mẹ. Bảy nỗi buồn của Đức Mẹ là:
✽ Lời tiên tri của ông Simêon.
✽ Chuyến đi Ai Cập.
✽ Lạc mất Con Trẻ Giêsu tại Đền Thờ.
✽ Đức Mẹ gặp Chúa Giêsu trên đường thập giá.
✽ Sự đóng đinh và cái chết của Chúa Giêsu.
✽ Việc đưa xác Chúa Giêsu xuống khỏi thập giá.
✽ Mai táng Chúa Giêsu.
Chuỗi Bảy Sự liên quan việc chú ý vào từng nỗi buồn trong bảy nỗi buồn giống như khi đọc Kinh Mân Côi, nhưng đọc 7 Kinh Kính Mừng thay vì 10 kinh, bắt đầu mỗi nỗi buồn bằng một Kinh Lạy Cha.
5. LẦN HẠT MÂN CÔI – ĐẶC BIỆT LÀ MÙA THƯƠNG
Hãy nghĩ tới Vườn Dầu, việc lùng bắt, sự đánh đòn bằng roi gai, việc vác thập giá và sự đóng đinh, tưởng tượng đồng hành với Đức Mẹ và dành cho Đức Mẹ sự an ủi đầy yêu thương, sẵn sàng ở bên Đức Mẹ khi Đức Mẹ chứng kiến nỗi đau khổ của Con Trai Giêsu yêu dấu.
6. TRAO TẶNG CÁI GÌ ĐÓ NHƯ THỂ LÀ ĐỒNG XU CỦA BÀ GÓA
Hãy cho người khác một số tiền mà bạn có thể, hoặc trao cho một tổ chức từ thiện để giúp những người đau khổ. Hiệp hội Phúc Lợi Công Giáo Cận Đông (The Catholic Near East Welfare Association) là tổ chức hỗ trợ những người gặp khó khăn ở những vùng đất gắn liền với Kinh Thánh, được chỉ định là một trong các tổ chức từ thiện đặc biệt của ĐGH Phanxicô trong thời gian xảy ra đại dịch coronavirus.
7. CẦU NGUYỆN CHO NGƯỜI KHÁC
Hằng ngày, hãy cầu nguyện cho những người đang đau khổ, đặc biệt những người đau khổ vì đại dịch, xin cho họ đủ can đảm và cô đơn. Tháng 9 là dịp tốt để dâng lời cầu này lên Đức Mẹ Sầu Bi: “Lạy Thiên Chúa, trong Nỗi Sầu Khổ của Đức Mẹ, Đấng mà lưỡi gươm đau buồn đã đâm vào lòng như đã được ông Simêon tiên báo, xin thương ban cho chúng con, những người kính nhớ những nỗi buồn của Đức Mẹ, được nhận ơn lành từ Cuộc Khổ Nạn của Ngài. Ngài là Đấng hằng sống và hiển trị cùng với Chúa Cha, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần, đến muôn đời. Amen.”
8. LÀM BÀN THỜ KÍNH ĐỨC MẸ SẦU BI
Hãy chọn một bức tượng hoặc bức hình Đức Mẹ và cắm hoa tươi và nến (có thể dùng nến điện) thắp sáng trong khi cầu nguyện suốt tháng 9 này. Hãy đặt một chiếc hộp nhỏ gần Đức Mẹ và yêu cầu mỗi thành viên trong gia đình viết một hành động yêu thương, hoặc một ý cầu nguyện, và hứa sẽ làm để an ủi Đức Mẹ Sầu Bi trong tháng này. Đó là món quà yêu thương. Hãy cầu xin Đức Mẹ ban ơn cho bạn bằng đức tin và lòng can đảm của mình. Chiếc hộp cầu nguyện này là kế hoạch tuyệt vời cho trẻ em, giúp tạo thói quen tốt để chúng sống ngay từ nhỏ.
9. CHIÊM NGƯỠNG
Hãy chiêm ngưỡng vẻ đẹp sầu héo khi nó truyền cảm hứng cho bạn khi cầu nguyện. Đặc biệt chú ý đến những giọt nước mắt mà bạn có thể thấy trên gò má Đức Mẹ. Chúng giống như những viên ngọc trai và nhắc nhở chúng ta rằng, giống như những con hàu biến hạt sạn thành ngọc trai, nỗi buồn của chúng ta có thể được chuyển hóa qua Chúa Giêsu và Mẹ Maria trở thành mục đích lớn hơn.
10. NGHE THÁNH CA ĐỨC MẸ
Hãy thử bài thánh ca truyền thống Stabat Mater của Giáo Hội [https://www.youtube.com/watch?v=Sbej1UO2mf8] hoặc bài Ave Maria. Vẻ đẹp không thể so sánh của âm nhạc là vẻ đẹp hoàn hảo để đi kèm hoặc truyền cảm hứng cho việc cầu nguyện với Đức Mẹ.
ANNABELLE MOSELEY
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ Aleteia.org)
Chiều 02-09-2021