Thái Hà (10.10.2015) – Khao khát được sống hạnh phúc và sống đời đời là một khát vọng khôn nguôi của con người qua mọi thời đại. Người thanh niên giàu có trong Tin mừng hôm nay đến hỏi Đức Giêsu“Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp”(Mc 10:17)? Câu hỏi này đang trực tiếp tố cáo lương tâm của anh. Anh có của và có đủ mọi thứ nhưng của cải vật chất ấy không cho anh có được tâm hồn hạnh phúc và bình an, không bảo đảm cho anh sự sống đời đời.
Thực tế, để trở nên giàu có, người giàu cũng phải trả một giá rất đắt. Họ phải trả giá bằng chính lương tâm của mình: sự gian dối và hối lộ. Người giàu phải đánh đổi rất nhiều, có khi phải hy sinh những giá trị thiêng liêng sâu xa nhất là chính gia đình của mình. Trên thương trường, họ phải giao du ‘ăn nhậu’ với đối tác, thậm chí phải “đánh đổi bản thân” để ký những hợp đồng béo bở. Họ phải trả giá đắt lắm mới có được một gia tài to lớn, nên cũng rất khó để có thể buông ra, có thể cho đi trước đòi hỏi của Tin mừng. Mặc dù anh thanh niền giàu có đã tuân giữ các điều răn từ thủa nhỏ “Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ kính cha mẹ”(Mc 10:21). Chúa Giêsu đưa mắt nhìn anh với lòng chạnh thương và nói “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi”. Anh ta sa sầm nét mặt vì lời đó, và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải (Mc 10:21-22).
Thực ra, anh thanh niên giàu có này sống Đạo rất tích cực về mặt nhân bản trong lãnh vực công bằng xã hội, như anh đã thưa với Thầy Giêsu “Từ nhỏ đến lớn tôi không giết người; tôi không ngoại tình; tôi không trộm cắp; tôi không làm chứng gian; tôi hằng thảo kính cha mẹ và yêu đồng loại như chính mình” (Mc 10:21-22). Tuy nhiên, sống công bằng về xã hội chưa đủ để cứu anh, anh phải đi hai bước nữa là chia sẻ cho người nghèo và theo Chúa Giêsu.[1] Trước sự đòi hỏi quyết liệt của Chúa Giêsu rằng anh hãy bán tất cả, anh sẽ có một kho tàng trên trời và đến theo tôi. Anh đã không đáp ứng được. Anh đã chọn của cải hơn chọn Giêsu. Chúa Giêsu phải thốt lên “Các con ơi, vào được Nước Thiên Chúa thật khó biết bao! Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa” (Mc 10:24-25). Các Tông Đồ hỏi “Thế thì ai có thể được cứu?” Ðức Giêsu nhìn thẳng vào các ông và nói “Ðối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được” (Mc 10:26-27).
Giàu có không phải là xấu. Mọi người chúng ta được mời gọi làm việc, tham gia vào sự phát triển gia đình và xã hội. Nhưng chúng ta không chỉ dừng lại nơi của cải và bám vào nó như thần hộ mệnh. Chúng ta được mời gọi đi xa hơn, trở nên giàu có như Chúa Giêsu “Anh em hãy trở nên giàu có như Đức Kito mà vì chúng ta, Ngài đã trở nên nghèo khó để cho chúng ta trở nên giàu có nhờ sự nghèo khó của Ngài” (2 Cr 8:9). Chúa Giêsu là Đấng Hằng Có, nhưng Ngài đã cho đi tất cả “Con cáo có hang, chim trời có tổ nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Mt 8:20). Lúc Chúa Giêsu chết gục đầu trên thập giá là lúc Ngài không có chỗ tựa đầu. Chúng ta cũng được mời gọi cho đi như Chúa Giêsu và xin theo Ngài. Chúng ta sẽ có một kho tàng trên trời. Kho tàng ấy chính là Giêsu – nguồn hạnh phúc và sự sống đời đời cho chúng ta. Amen!
Lm. Augustine Lê Phi, CSsR.