Thái Hà (12.03.2016) – Sau khi đã đi được nửa đường với lời mời gọi “Mừng Vui Lên” của Chúa nhật IV Mùa Chay. Nay bước vào tuần thứ I của giai đoạn II, thời gian mà toàn bộ nhà thờ sẽ chuẩn bị cho việc tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, nên việc cải đổi đời sống, ăn chay, cầu nguyện và tập luyện các nhân đức càng khẩn thiết hơn. Vì Trước cuộc cải tổ phụng vụ của Công đồng Vaticanô II, Chúa nhật V Mùa Chay được gọi là Chúa nhật thứ I mùa Thương khó, kéo dài 2 tuần cho đến lễ Phục sinh. Sau Công đồng Vaticanô II, lịch phụng vụ chỉ còn một tuần Thương khó, trùng với Tuần thánh, và Chúa nhật thứ V Mùa Chay là giai đoạn tiếp tục các đề tài huấn giáo theo chu kỳ. Nếu các Chúa nhật Mùa Chay năm A, B trình bày Chúa Giêsu là Nước Hằng Sống, là Anh Sáng, là Sự Sống dựa theo Tin mừng thánh Gioan. Thì các Chúa nhật Mùa Chay năm C đề cao lòng thương xót của Thiên Chúa và kêu gọi con người đáp trả.
Chúa Giêsu là hiện thân của Lòng Thương Xót. Khi mạc khải cho nhân loại biết Thiên Chúa là Cha, Đấng Giầu Lòng Xót Thương, dẫn chứng của Gioan đầy sức thuyết phục “Con Một, Ðấng ở nơi cung lòng Cha, chính Ngài đã thông tri” (Ga 1,18). Chân lý về Thiên Chúa được cụ thể hóa nơi Chúa Giêsu Kitô “Cha đầy tình thương xót” (2Cr 1,3), Đấng ghét tội và yêu thương kẻ có tội, không dung túng tội lỗi, nhưng khoan nhân với tội nhân, vì Thiên Chúa không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn hối cải và được sống (x. Ez 33,11). Đoạn Tin Mừng (Ga 8,1-11) là bằng chứng hùng hồn về lòng xót thương của Thiên Chúa đối với tội nhân. Thánh Gioan kể lại việc người ta đem đến cho Chúa Giêsu một phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Chúa Giêsu không kết án chị, nhưng cứu chị khỏi bị ném đá. Chúa không nói với người phụ nữ: chị không có tội, nhưng nói : “Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi và từ nay đừng phạm tội nữa” ( Ga 8,11). Thật vậy, chỉ một mình Chúa Giêsu mới có thể cứu rỗi con người, vì chính Người mang lấy tội lỗi thế nhân và cho con người cơ hội để thay đổi đời sống.
Ðoạn Tin Mừng cho thấy, sự tha thứ của Thiên Chúa không đồng nghĩa với sự dung túng thường tình, tha thứ có kèm theo điều kiện. Không có nghĩa là bỏ qua sự dữ, hay tệ hơn nữa là chối bỏ sự dữ. Thiên Chúa không tha thứ sự dữ, nhưng tha thứ cho con người, và dạy người ta biết phân biệt giữa một bên là hành động xấu đáng bị kết án, và bên kia là con người cụ thể phạm lấy lỗi lầm đó, và là người mà Chúa muốn ban cho cơ may để thay đổi đời sống, làm lại cuộc đời. Trong lúc con người có khuynh hướng đồng nhất hóa người phạm tội với tội lỗi, và như thế là đẩy người có tội vào ngõ cụt, không có lối thoát. Lòng Chúa cao cả hơn lòng chúng ta, Thiên Chúa Cha lại hành động cách khác, Ngài đã sai Con Một mình xuống trần gian, để mở ra cho cả và nhân loại con đường cứu thoát. Chúa Giêsu chính là con đường này: khi chết trên thập giá, Người đã cứu chúng ta khỏi tội lỗi. Chúa Giêsu lặp lại với con người ở mọi nơi, mọi thời đại rằng: “Ta cũng thế, Ta không kết tội. Vậy hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”.
Khi nghe những lời trên trong đoạn Tin Mừng hôm nay, làm sao chúng ta không cảm nghiệm được một niềm tín thác trào dâng trong tâm hồn chúng ta? Sao không nhìn thấy nơi đó một “Tin Vui” cho cả và nhân loại ở thời đại chúng ta, những con người đang mong ước khám phá lại ý nghĩa đích thật của lòng nhân từ và sự tha thứ.
Thời đại chúng ta đang cần đến sự tha thứ của Thiên Chúa, một sự tha thứ làm phát sinh niềm hy vọng và phó thác, mà không làm yếu đi cuộc chiến chống lại sự dữ. Cần trao ban và lãnh nhận sự tha thứ. Nhưng chúng ta không trở nên có khả năng tha thứ, nếu trước đó chúng ta không để cho mình được Thiên Chúa thứ tha, vừa nhìn nhận mình là đối tượng của lòng nhân từ của Thiên Chúa. Chúng ta cũng sẽ trở nên kẻ sẵn sàng tha nợ cho người khác, chỉ khi nào chúng ta ý thức về mòn nợ to lớn mà chúng ta đã được tha cho. Chúng ta hãy cố khám phá ra tình thương của Thiên Chúa qua bí tích Hòa Giải, và hãy tỏ ra nghiêm khắc đối với tội lỗi nhưng khoan nhượng đối với con người tội lỗi.
Chúng ta hãy nhìn lên Ðức Trinh Nữ Maria và khẩn cầu Mẹ là Mẹ của Lòng Thương Xót. Nơi Mẹ, tình thương nhân từ của Thiên Chúa được nhập thể, và tâm hồn vô nhiễm của Mẹ là nơi trú ẩn an toàn cho người tội lỗi. Ðược Mẹ dẫn lối chỉ đường, chúng ta hăng hái tiến bước, và nhớ lại lời Chúa Giêsu nói với người phụ nữ ngoại tình, nay Người nói với mỗi người chúng ta rằng: “Hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8,11).
Lạy Mẹ Maria, xin giúp chúng con đón nhận với niềm vui đã được canh tân, tiếp nhận hồng ân cứu rỗi, ngõ hầu chúng con gặp lại được sự tin tưởng và niềm hy vọng để bước đi trên con đường mới. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ. nguồn: tonggiaophanhanoi.org