Chúa Nhật XXIII Thường Niên: Mở ra để hiệp thông

Thái Hà (08.09.2024) – Đức Giê-su lại bỏ vùng Tia, đi qua ngả Xi-đôn, đến biển hồ Ga-li-lê vào miền Thập Tỉnh. Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Đức Giê-su, và xin Người đặt tay trên anh. Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh. Rồi Người ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: “Ép-pha-tha”, nghĩa là: hãy mở ra! Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng. Đức Giê-su truyền bảo họ không được kể chuyện đó với ai cả. Nhưng Người càng truyền bảo họ, họ lại càng đồn ra. Họ hết sức kinh ngạc, và nói: “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được.” (Mc 7,31-37)

Vào năm 2019, tại điện Panthéon, nước Pháp, diễn ra cuộc triển lãm: “Câu chuyện thầm lặng của những người câm điếc: Từ bị hắt hủi cho đến được nhìn nhận”. Triển lãm đặc biệt tôn vinh Charles Michel de I’Epée, cha đẻ cửa ngôn ngữ ký hiệu cho người câm điếc. Trong lịch sử, những người câm điếc thường bị gạt ra ngoài lề xã hội, bằng không thì cũng rất khó để hòa nhập. Ngôn ngữ ký hiệu như một phương tiện giúp người câm điếc được hòa nhập với cộng đồng.

Vừa điếc vừa ngọng chính là biểu tượng của tình trạng không có thông tin, không có hiệp thông. Không thể đón nhận hay thốt ra lời nói, anh ta hoang toàn tách biệt, tựa hồ đã chết. Và giờ đây anh ta gặp Đức Giêsu, Đấng là Lời và là Sự Sống.

Đối với người bệnh, phép lạ này là một cuộc sinh ra mới, là một cuộc phục sinh để mở ra với sự sống, với thế giới bên ngoài, với những con người đang sống bên cạnh. Sự tái sinh này xảy ra do cuộc tiếp xúc với con người như Đức Giêsu. Điều này nhấn mạnh đến một kinh nghiệm thiêng liêng. Đó là nhờ sự đụng chạm của Đức Giêsu vào mình, ta sẽ được tái sinh và mở ra sự hiệp thông với Thiên Chúa, với tha nhân, với thế giới.

Vì vậy, hãy mở ra để lắng nghe và đón nhận những giáo huấn Tin Mừng! Hãy mở ra để nói lên lòng tin cùng với tất cả cuộc sống! Hãy mở ra để môi miệng thốt lên lời kinh “Lạy Cha chúng con”. Được như thế, đời sống của chúng ta sẽ trở nên một lời nói sống động, và sẽ hoàn toàn quy hướng về Đức Giêsu Kitô. Và khi ấy, người khác cũng kinh ngạc mà thốt lên: “Ông ấy làm gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được và kẻ câm nói được”.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin chạm vào lưỡi con, để con cất lời ca tụng tình thương Chúa, và rao truyền tình thương ấy cho mọi người; xin chạm vào tai con, để con biết lắng nghe lời Chúa, để nghe rõ tiếng tha nhân đang khổ đau than thở; xin mở tim con để con yêu mến Chúa, để con không giả điếc làm nhơ trước nhân thế khổ đau đang khấn xin lượng hải hà. Amen.

Suy niệm Tin Mừng hằng ngày,
Chấm nối chấm…