“Tôi sẵn sàng làm tất cả những gì có thể, và Tòa Thánh, đặc biệt ngành ngoại giao, ĐHY Parolin, Đức TGM ngoại trưởng Gallagher đang làm mọi sự… Một cuộc viếng thăm Ucraina là một trong những khả thể…”, Đức Thánh Cha đã trả lời như trên cho giới báo chí trong cuộc họp báo trên chuyến bay từ Malta về Roma chiều tối Chúa Nhật 3/4/2022. Dự án này như thế nào?
Trong cuộc phỏng vấn, ĐTC nói rằng: “Cuộc viếng thăm mà nhiều người hỏi tôi, đó là: tôi có đến thăm Kiev, thủ đô Ucraina hay không. Tôi thành thực nói, nếu có thể tôi sẵn sàng. Vấn đề đang được cứu xét nhưng tôi không biết có thể thực hiện được không.”
Bối cảnh dự án viếng thăm Ucraina
Chúa nhật 10/4 này, chiến tranh tại Ucraina bước sang ngày thứ 46, nhưng chưa có dấu hiệu gì báo trước sẽ chấm dứt. Nhân dân và đất nước Ucraina tiếp tục chịu đau khổ và tàn phá. Tính đến thứ Tư 6/4 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã lên tiếng 21 lần lên án chiến tranh tại Ucraina và đặc biệt ngài hôn lá cờ Ucraina ngài nhận được từ thị trấn Bucha gần thủ đô Kiev, sau khi quân Nga rút khỏi, người ta khám phá thấy hơn 300 thường dân bị thảm sát tại đây.
Từ những ngày trước đó, nhiều nhân vật đạo đời từ Ucraina đã thỉnh cầu Đức Thánh Cha đến viếng thăm nước này càng sớm càng tốt và chính ngài đã hơn một lần bày tỏ sự sẵn sàng. Nhưng dự án này có thể tiến hành không trong hoàn cảnh hiện nay?
Lời mời từ phía Ucraina
Thực vậy, từ lâu tổng thống Zelensky của Ucraina cũng như thị trưởng thành Kiev đã mời Đức Thánh Cha đến viếng thăm nước này. Và tân đại sứ Ucraina cạnh Tòa Thánh, sau buổi tiếp kiến của Đức Thánh Cha và cuộc gặp gỡ các vị lãnh đạo tại Tòa Thánh dành cho ông sáng ngày 7/4 vừa qua, khi ông đến trình thư ủy nhiệm, ông cho biết: “Chúng tôi đã thảo luận về nhiều vấn đề thời sự, đặc biệt là việc Đức Thánh Cha có thể viếng thăm Ucraina. Tôi đã trình bày những lý lẽ bổ túc, giải thích tại sau một cuộc viếng thăm của Đức Giáo Hoàng cần phải được thực hiện sớm bao nhiêu có thể và trong hoàn cảnh hiện nay”.
Về phần Đức TGM trưởng Sviatoslav Shevchuk, Thủ lãnh của Giáo Hội Công Giáo Ucraina nghi lễ đông phương, ngài nhiều lần bày tỏ xác tín rằng cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô trong chiến tranh hiện nay có thể là một dấu chỉ hòa bình mạnh mẽ. Đức TGM cho biết: “Chúng tôi, chính quyền và giáo quyền, đang làm việc để cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha có thể diễn ra… Chúng tôi muốn rằng ngài đến Ucraina sớm bao nhiêu có thể… Hoàn cảnh chiến tranh hiện nay không phải là chướng ngại chính cản trở cuộc viếng thăm này… Tôi đã nói chuyện gần đây với Đức Thánh Cha và ngài xác quyết với tôi rằng ngài sẽ làm tất cả những gì có thể để chấm dứt chiến tranh tại Ucraina. Chúng tôi chân thành chờ đợi ngài ở Ucraina”.
ĐHY Parolin
Về phần Đức Thánh Cha Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, trong cuộc phỏng vấn dành cho đài Vatican hôm 7/4 vừa qua, đã trả lời câu hỏi về việc Đức Thánh Cha đến thăm thủ đô Kiev, và nói: “Cần phải có các điều kiện. Và dường như có, vì từ phía Ucraina chính quyền luôn xác quyết và bảo đảm sẽ không có nguy hiểm. Họ trưng dẫn các cuộc viếng thăm mà các vị lãnh đạo khác đã và còn sẽ thực hiện tại Ucraina. Dường như bà Chủ tịch nghị viện Âu Châu đã đến đó và bà Chủ tịch Ủy ban hành pháp Âu Châu cũng sẽ đi. Tôi nghĩ sau cùng cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Kiev là điều không bị cấm đoán, và có thể thực hiện được. Nhưng hiện nay đang có sự thẩm định các hậu quả của cuộc viếng thăm, trong số này có tương quan với Giáo Hội Chính Thống Nga, một tình trạng tế nhị. Điều chắc chắn là Đức Thánh Cha không đi để đưa ra một lập trường bênh vực bên nay hay bên kia, như ngài vẫn luôn làm trong tình trạng hiện nay. Nhưng cũng cần để ý đến khía cạnh này trong sự cứu xét chung có thể hay không có thể thực hiện cuộc viếng thăm tại Ucraina”.
Đức Sứ thần Tòa Thánh tại Ucraina
Trước đó trong cuộc phỏng vấn dành cho nhật báo “Il Messaggero” (Người sứ giả) ở Roma, Đức TGM Visvaldas Kulbodas, người Lituania, Sứ thần Tòa Thánh tại thủ đô Kiev, cho biết một số điều thực tế:
“Một chuyến đi của Đức Thánh Cha đến Ucraina qua ngả Ba Lan là điều có thể, nhưng đi đường bộ như thế chắc chắn là mệt. Khi đến từ Roma, bạn cần nửa ngày để đi tới Ba Lan, và từ đó đi tới thành Lvov. Nếu đến thủ đô Kiev chắc chắn là mất cả ngày để nghỉ ngơi. Vì thế hành trình mất một ngày đi và một ngày về!”.
“Tại Kiev, mọi sự đều tùy thuộc tình trạng quân sự hôm đó. Ví dụ thứ Bảy là một ngày tương đối yên hàn, người ta không nghe thấy đạn rocket hay máy bay oanh tạc. Chúng tôi không phải xuống hầm trú ẩn.
“Về việc Đức Thánh Cha muốn đến Kiev, có vấn đề chính cần được giải quyết. Chắn chắn sự hiện diện của ngài tại đây là một biểu tượng rất quan trọng, nhưng cũng có khía cạnh an ninh: tôi muốn nói đến an ninh cho những người thường đến gặp Đức Thánh Cha. Vì thế không thể tránh né các câu hỏi ai có thể gặp Đức Thánh Cha và ngài có thể làm gì? Có những điều kiện tối thiểu để di chuyển hay không? Dĩ nhiên có thể nghĩ tới một cuộc di chuyển rất ngắn, không có sự tháp tùng của nhiều người và không có những cuộc gặp gỡ đông người. Tuy nhiên trong lúc này vẫn còn là điều không thực tế và rất rủi ro khi tổ chức một cuộc viếng thăm với rất ít những biến cố công cộng hoặc thực hiện chuyến đi bình thường với các ký giả đi kèm.”
Quan hệ với Nga
Ngoài vấn đề hậu cần và an ninh trên đây, Đức Sứ Thần Tòa Thánh cho biết cũng có những vấn đề khác cần cứu xét trong quan hệ với Nga: “tôi nghĩ là Nga không ủng hộ dự án viếng thăm của Đức Thánh Cha, nhưng tôi không có thẩm quyền và nó tùy thuộc các vị tại Tòa Thánh thẩm định chung. Tôi chỉ có một số hình ảnh lẻ tẻ trước mắt tôi. Chắc chắn là với những hoàn cảnh như vậy, một cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha là điều ngoại thường, và đó không phải là một cuộc tông du thực sự với các cuộc gặp gỡ dân chúng. Dầu vậy tôi có thể tưởng tượng có những lúc đặc biệt với một dân tộc đang chịu đau khổ, như thánh lễ tại nhà thờ chính tòa, và có thể một cuộc gặp gỡ với Hội đồng các Giáo Hội Kitô, một tổ chức rất đoàn kết trong lúc này. Nhưng đây chỉ là những phân tích mà thôi”.
Tân Đại sứ Ucraina cạnh Tòa Thánh
Về phần đại sứ Ucraina cạnh Tòa Thánh, Ông Andrij Jurash cho biết thêm rằng Nga đang tìm mọi cách để cản trở, chính thức hoặc không chính thức, dự án của Đức Thánh Cha Phanxicô viếng thăm Ucraina vì đây là dấu chỉ rõ ràng ngài ủng hộ Ucraina.
Tuyên bố hôm 5/4 vừa qua với trang mạng “Crux” ở Mỹ, Đại sứ Ucraina tin chắc rằng mọi nước khác đều ủng hộ ý tưởng của Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm Kiev.
Trả lời câu hỏi về vấn đề an ninh trong cuộc thăm viếng của Đức Thánh Cha, Đại sứ Jurash nói rằng Ucraina sẽ làm tất cả những gì trong khả năng của mình để bảo vệ an ninh cho Đức Thánh Cha và ông cũng tin rằng Nga cũng làm như vậy, vì chắc chắn Nga không muốn để cho Đức Thánh Cha bị giết trong cuộc viếng thăm như vậy: “Tôi nghĩ Nga hiểu rằng nếu làm như vậy thì có nghĩa là Nga sẽ chấm dứt sự hiện hữu của mình trong thế giới văn minh. Cả khi Nga muốn cản trở cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Ucraina, thì chính người Nga vẫn phải quan tâm đến diễn tiến an toàn của cuộc viếng thăm như vậy.”
Đại sứ Jurash cho biết dự án viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Ucraina đã được cứu xét từ nhiều ngày. Theo ông, cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha, một trong những vị lãnh đạo tôn giáo ảnh hưởng nhất trên thế giới, đến Ucraina tại Nhà thờ Chính tòa thánh Sophia ở thủ đô Kiev hơn 1 ngàn năm này, không những đó là một kinh nguyện cho hòa bình, nhưng còn là một lời kêu gọi mọi nước trên thế giới, giúp đỡ Ucraina trong việc tái thiết đất nước” (Crux 5-4-2022)
G. Trần Đức Anh O.P