Một người bạn của tôi vừa trở về từ Indonesia và kể rằng chủng viện lớn nhất thế giới nằm ở quốc gia này. Tôi thật khó tin điều đó. Liệu điều đó có đúng không?
Đúng là như vậy. Cũng như bạn, ban đầu tôi thấy khó tin. Nếu ai đó hỏi tôi chủng viện lớn nhất thế giới nằm ở quốc gia nào, tôi sẽ đoán là ở những nước như Nigeria, Philippines, hoặc Ba Lan, chứ không phải ở một quốc gia Hồi giáo chiếm đa số như Indonesia, nơi người Công giáo chỉ chiếm 3% dân số.
Chủng viện đó là Đại Chủng viện Thánh Phaolô, nằm trên một ngọn đồi giữa rừng già trên đảo Flores, tại một địa điểm gọi là Ledalero, cách thị trấn Maumere khoảng 9 km. Chủng viện có hơn 1.000 sinh viên, trong đó hơn 600 thầy đang chuẩn bị trở thành linh mục. Ngoài các chủng sinh thuộc giáo phận, còn có nhiều tu sĩ thuộc các dòng tu. Flores là một trong những hòn đảo cực đông của quần đảo kéo dài từ đảo Java của Indonesia đến Đông Timor. Người Công giáo ở Flores chiếm khoảng 84% trong tổng số dân 2 triệu người. Trên đảo có hơn 2.700 nhà thờ Công giáo.
Đức tin Công giáo lần đầu tiên đến với Flores vào thế kỷ XVI, được mang đến bởi các thương nhân và nhà truyền giáo Bồ Đào Nha. Các linh mục Dòng Đa Minh đã đóng vai trò quan trọng trong công cuộc truyền giáo ban đầu, không chỉ tại Flores mà còn trên các đảo lân cận như Timor và Solor. Chủng viện Thánh Phaolô được thành lập bởi các tu sĩ Dòng Ngôi Lời, những người đã hoạt động tại Flores từ năm 1912. Đáp lại lời kêu gọi của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XV (1914–1922) về việc đào tạo giáo sĩ địa phương tại các vùng truyền giáo, qua Tông thư Maximum Illud (30/11/1919), Dòng Ngôi Lời đã thành lập tiểu chủng viện để đào tạo học sinh trung học vào năm 1926. Điều này dẫn đến việc thành lập Đại Chủng viện Thánh Phaolô vào năm 1937. Ban đầu, các chủng sinh là tập sinh của Dòng Ngôi Lời, nhưng sau đó có thêm các thanh niên địa phương trở thành linh mục giáo phận, và cả các học viên từ những dòng tu khác.
Trước khi chủng viện được xây dựng, khu vực Ledalero hầu như hoang vắng. Người bản địa tránh xa vì tin rằng nơi này có ma quỷ trú ngụ. Tuy nhiên, từ khi chủng viện được thành lập, nơi đây đã được biến đổi, trở thành trung tâm đời sống Công giáo. Thật thú vị, trong ngôn ngữ địa phương, “Ledalero” có nghĩa là “nơi mặt trời nghiêng bóng”. Chủng viện thực sự đã trở thành ngọn hải đăng soi sáng, không chỉ cho khu vực mà còn cho toàn thế giới.
Tính đến vài năm trước, đã có hơn 5.800 sinh viên tốt nghiệp từ đây, bao gồm 19 giám mục, 1.822 linh mục và 3.978 giáo dân nam nữ. Một trong những học viên đầu tiên tốt nghiệp là Đức Giám mục Gabriel Manek, SVD, người Indonesia thứ hai được phong giám mục.
Dù Flores từng là vùng truyền giáo khi các tu sĩ Dòng Ngôi Lời đến, nhưng qua nhiều năm, chủng viện đã gửi các nhà truyền giáo đi khắp thế giới. Từ đầu những năm 1980, riêng Dòng Ngôi Lời đã gửi hơn 500 nhà truyền giáo từ Ledalero đến châu Âu, Bắc, Trung và Nam Mỹ, châu Phi, và nhiều quốc gia thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ngoài ra, các dòng tu khác có học viên tại đây cũng đã gửi đi rất nhiều nhà truyền giáo.
Năm 1969, chủng viện được nâng cấp thành Trường Cao đẳng Triết học và Thần học Công giáo Ledalero, nhằm cấp bằng được chính phủ công nhận. Chính phủ Indonesia đã phê duyệt trường vào cùng năm đó. Năm 1971, bằng cử nhân được công nhận và đến năm 2004, bằng Thạc sĩ Thần học cũng được công nhận. Ngoài các chủng sinh, rất nhiều giáo dân cũng theo học các chương trình này.
Hiện nay, số lượng sinh viên trong tất cả các chương trình tại đây đã tăng lên hơn 1.500, bao gồm cả các chủng sinh. Đại Chủng viện Thánh Phaolô thực sự là một thành tựu đáng kinh ngạc.
Duc Trung Vu, dịch từ: https://catholicweekly.com.au/fr-flader-the-worlds…/Ảnh: Một lớp chủng sinh của Dòng Ngôi Lời.