Một số người phê bình Đức Thánh Cha “vì đã ký hiệp định với Nhà Nước Trung Quốc về bổ nhiệm các giám mục”, ngài khẳng định: “Đối thoại là con đường ngoại giao tốt nhất. Với Trung Quốc, tôi đã chọn con đường đối thoại. Con đường này chậm, có những thất bại, và có cả những thành công. Nhưng tôi thấy không có con đường nào khác”.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho tạp chí America của dòng Tên tại Mỹ, phổ biến ngày 28/11 vừa qua, ký giả đã hỏi Đức Thánh Cha về việc ngài bị một số người phê bình “vì đã ký hiệp định với Nhà Nước Trung Quốc về việc bổ nhiệm các giám mục. Một số người trong Giáo Hội và trong chính tri nói rằng ngài đang trả một giá đắt đỏ vì đã im lặng về vấn đề nhân quyền tại Trung Quốc.”, Đức Thánh Cha đáp:
“Không phải là một vấn đề nói hay im lặng. Thực tế không phải như vậy. Thực tế là đối thoại hay không đối thoại. Và đối thoại được thực hiện đến mức độ có thể thực hiện được… Đối thoại là con đường ngoại giao tốt nhất. Với Trung Quốc, tôi đã chọn con đường đối thoại. Con đường này chậm, có những thất bại, và có cả những thành công. Nhưng tôi thấy không có con đường nào khác”.
Thất bại mới nhất
Trong số những thất bại mới nhất từ sau khi hiệp định tạm thời được ký kết giữa Tòa Thánh và Trung Quốc hồi tháng 9 năm 2018, có lẽ là vụ xảy ra ngày 24/11 vừa qua khiến Tòa Thánh phải mạnh mẽ phản đối Trung Quốc không tôn trọng hiệp định đã ký kết.
Thông cáo công bố hôm 26/11 của Tòa Thánh khẳng định rằng “Tòa Thánh ngạc nhiên và lấy làm tiếc khi hay tin về lễ nhậm chức hôm 24/11 mới đây của Đức Cha Gioan Bành Vệ Chiếu (Peng WeiZhao) tại thành phố Nam Xương (Nanchang), Giám Mục giáo phận Du Giang (Yjiang), tỉnh Giang Tây (Jiangxi), làm “Giám Mục phụ tá Giang Tây”, một Giáo phận không được Tòa Thánh nhìn nhận.
“Thực vậy, biến cố này không diễn ra phù hợp với hiệp định tạm thời về việc bổ nhiệm Giám Mục ký ngày 22/9 năm 2018. Hơn nữa, theo các tin nhận được, sự nhìn nhận Đức Cha Bành do chính quyền dân sự, diễn ra sau những sức ép lâu dài và nặng nề của Chính quyền địa phương.”
“Tòa Thánh mong sẽ không tái diễn những vụ tương tự, và đang chờ đợi những thông tin thích hợp về vấn đề này từ phía chính quyền, đồng thời tái khẳng định sự hoàn toàn sẵn sàng đối thoại trong sự tôn trọng về tất cả những vấn đề có liên hệ tới hai bên.”
Trước đó, ngày 24/11 vừa qua, hãng tin Asia News cho biết Đức Cha Bành Vệ Chiếu năm nay 56 tuổi, và tại Du Giang, toàn thể hàng giáo sĩ bị sức ép mạnh mẽ. Khi nhậm chức với sự chấp thuận của Nhà Nước, Đức Cha Bành đã phải đọc bản tuyên hứa tuân hành nguyên tắc Giáo Hội tự trị và tự quản, “hướng dẫn Công Giáo tuân theo xã hội chủ nghĩa.”
Hiện diện tại buổi lễ có khoảng 200 người do Giám Mục Gioan Baotixita Lý Tô Quang (Li Suguang), 58 tuổi, chủ sự. Vị này cũng là Phó Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Trung Quốc và không được Tòa Thánh công nhận.
Đức Cha Bành Vệ Chiếu đã thụ phong Giám Mục bí mật ngày 10/4/2014 với phép của Tòa Thánh như người kế nhiệm Đức Cha Tôma Tăng Kính Mục (Zeng Jingmu), Giám Mục hầm trú của Giáo hội hầm trú ở địa phương, đã từng bị 23 năm tù và qua đời năm 2016 lúc 96 tuổi. Vài tuần sau khi thụ phong Giám Mục bí mật, Đức Cha Bành Vệ Chiếu bị công an bắt, và được trả tự do vào tháng 11/2014 nhưng luôn bị nhà nước giới hạn mạnh mẽ trong việc thi hành sứ vụ.
Hãng Asia News cũng nói rằng sự việc nhà nước Trung Quốc tổ chức lễ nhậm chức của Đức Cha Bành Vệ Chiếu như Giám Mục Phụ tá giáo phận Giang Tây, là giáo phận do nhà nước Trung Quốc tự ý xác định và không được Tòa Thánh công nhận ranh giới, là điều trái hiệp định. Trong khi giáo phận Dư Giang có từ năm 1885, nơi mà trước khi nhà nước cộng sản lên nắm quyền năm 1949, các thừa sai dòng thánh Vinh Sơn Phaolô thi hành sứ vụ. Vì thế, Tòa Thánh phản đối Nhà Nước Trung Quốc đã không hề thỏa thuận với Tòa Thánh, tự ý gộp 5 giáo phận trong tỉnh Giang Tây thành một giáo phận duy nhất.
Phản ứng từ Bắc Kinh
Sau phản ứng mạnh mẽ trên đây của Tòa Thánh, hôm 28/11, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc, ông Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) cho biết ông không biết về tình trạng đặc biệt liên quan đến Giám Mục Bành, nhưng ông nói rằng “quan hệ giữa Trung Quốc và Vatican đã được cải tiến trong những năm gần đây, mang lại lợi ích và ‘sự phát triển hòa hợp’ cho Công Giáo Trung Quốc. Trung Quốc muốn tiếp tục mở rộng sự đồng thuận thân hữu với Vatican và cùng nhau duy trì tinh thần hiệp định tạm thời giữa hai bên” (Reuters 28-11-2022)
Phản ứng trên đây của phía nhà nước Bắc Kinh có thể có ý nghĩa và cũng có thể chẳng có ý nghĩa gì, dầu sao nó cũng phản ánh một sự “xấu hổ” từ phía chính quyền Bắc Kinh khi Vatican quyết định phản đối mạnh, thay vì chỉ theo đuổi một cuộc đối thoại với những điều kiện do phía Trung Quốc ấn định (National Catholic Register 1-12-2022).
Im lặng là vàng?
Một điều mà nhiều người trong dư luận quốc tế mong muốn là Tòa Thánh lên tiếng về những bất công như những vụ vi phạm nhân quyền tại Trung Quốc, đặc biệt những vụ bách hại và xách nhiễu các Kitô hữu tại nước này, hoặc vụ vừa qua Đức Hồng Y Trần Nhật Quân, nguyên Giám Mục Hong Kong bị bắt, bị phạt tiền (khoảng 500 Mỹ kim) trong vụ kiện vì không đăng ký Quỹ Nhân đạo 612 ở Hong Kong, và có thể sẽ bị xét xử theo luật an ninh như ông Jimmy Lai, Lê Trí Anh, một đại doanh nhân Công Giáo ở Hong Kong, chuyên bênh vực dân chủ và nhân quyền, đang bị nhà cầm quyền Hong Kong xét xử theo luật bảo vệ an ninh quốc gia và có nguy cơ bị kết án tù chung thân.
Có những thái độ từ phía Tòa Thánh cũng gây thắc mắc cho nhiều người.
Ví dụ trang mạng “Tân địa bàn thường nhật” (Nuova Bussola Quotidiana) truyền đi ngày 24/11 vừa qua ở Ý kể rằng ngày 5/10 năm nay, Đại sứ quan Đài loan cạnh Tòa Thánh đã tổ chức tiếp tân mừng kỷ niệm 80 năm thiết lập quan hệ giữa Tòa Thánh và Đài Loan. Có một số chức sắc Tòa Thánh hiện diện trong dịp này, đặc biệt là Đức Tổng Giám Mục Paul Gallagher, Ngoại trưởng Tòa Thánh. Trong diễn văn, Đức Tổng Giám Mục đã khẳng định quan hệ thân hữu giữa Tòa Thánh và Trung Hoa dân chủ và nói: “Tôi cám ơn Đài Loan và đại sứ quán tại đây về những hoạt động liên đới gần đây, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch… và về những nâng đỡ các linh mục và tu sĩ Đài Loan trên thế giới.”
Ký giả trang mạng này nhận xét rằng sự việc Đức Tổng Giám Mục không cho phép các ký giả hiện diện được thu bài phát biểu của ngài, một điều không hề xảy ra trong các sinh hoạt với các nước khác, có lẽ vì không muốn làm cho chính quyền Trung Quốc phẫn nộ trong lúc sắp sửa gia hạn hiệp định với Tòa Thánh. Nhưng đây không phải là lần đầu tiên xảy ra những tình trạng đặc biệt như vậy với Đài Loan dưới triều đại Đức Thánh Cha Phanxicô: hồi năm 2018, tất cả các cơ quan truyền thông của Vatican đều loại bỏ hình chụp lúc Đức Thánh Cha đang chào thăm Phó tổng thống Đài Loan, Ông Trần Kiến Nhân (Chen Chien-jen), một tín hữu Công Giáo, đến Roma để dự lễ phong thánh cho Đức Phaolô 6 và sáu vị chân phước khác. Ngoài ra, năm 2020 Tòa Thánh đã không hỗ trợ lời kêu gọi cho Đài Loan được tham dự Đại hội của tổ chức Sức khỏe thế giới về coronavirus chỉ vì sự chống đối của Trung Quốc.
Lý do của Tòa Thánh
Có lần Đức Tổng Giám Mục ngoại trưởng Paul Gallagher trả lời cho các ký giả về thắc mắc tại sao Tòa Thánh không công khai phản đối Trung Quốc vì những vụ vi phạm nhân quyền và tự do tôn giáo. Đức Tổng Giám Mục cho biết vì Tòa Thánh thấy rằng những lời phản đối ấy, trong một số trường hợp, không mang lại hiệu quả nào nhưng chỉ làm cho tình thế trầm trọng và tệ hại hơn.
Đó cũng là thái độ của Đức Thánh Cha Phanxicô. Cho đến nay ngài không nêu đích danh Tổng thống Vladimir Putin của Nga như người chủ chốt trong cuộc chiến tranh chống Ucraina.
Ngoài ra, sự kiện trong cuộc phỏng vấn dành cho báo America nói trên, Đức Thánh Cha “lỡ lời” phê bình sự tàn ác của các binh sĩ người Ceceni và Buriati trong quân đội Nga tại Ucraina, đã tạo nên phản ứng mạnh mẽ từ phía Nga, và đe dọa làm tiêu tán những cố gắng từ 9 tháng nay của Tòa Thánh làm trung gian hòa đàm giữa Nga và Ucraina. Tuy các chức sắc ngoại giao của Tòa Thánh đã “thanh minh” với phía Nga rằng Đức Thánh Cha không có ý như vậy, nhưng ngoại trưởng Lavrov của Nga trong cuộc họp báo hôm 1/12 (2022) đã nói rằng những lời của Đức Giáo Hoàng “không hợp tinh thần Kitô” và ông cho rằng “phía Vatican không đáng tin cậy”!
Những phản ứng đó cho thấy Tòa Thánh đã có ý khi im lặng không lên tiếng, để những cánh cửa đối thoại khỏi bị khép lại và để tình hình khỏi trở nên tai hại hơn.