Con số khác nhau đôi khi được coi là mục tiêu tranh cãi giữa người Công giáo và Tin lành, tuy vậy, con số không phải là điểm quan trọng.
Trong thư gửi tín hữu Galata thánh Phaolô đã liệt kê cụ thể các “hoa trái” của Chúa Thánh Thần : “Còn hoa trái của Thần Khí là tình yêu, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân từ, lương thiện, trung tín, hiền hoà, tự chủ. Không có luật nào chống lại những điều như thế” (Gal 5, 22-23).
Sách Giáo Lý Giáo hội Công giáo định nghĩa hoa trái của Chúa Thánh Thần là “những điều thiện hảo mà Chúa Thánh Thần hình thành trong chúng ta như hoa quả đầu mùa của vinh quang vĩnh cửu” (GLCG 1832). Về cơ bản, nếu chúng ta sống “cuộc sống của Thánh Thần”, chúng ta sẽ thấy được những hoa trái này trong cuộc sống của mình.
Hầu hết các bản dịch đoạn trích dẫn trên chỉ liệt kê 9 loại hoa trái, trong khi bản Vulgata tiếng Latinh đưa ra một danh sách gồm 12 loại, thêm vào đó là khiêm nhu, quảng đại và thanh khiết.
“Hoa trái của Thần Khí là bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nại, nhân từ, lương thiện, hiền hòa, khoan dung, trung tín, khiêm nhu, tiết độ và thanh khiết. Không có luật nào chống lại những điều như thế” (Gal 5, 22-23 Douay-Rheims).
Theo từ điển bách khoa Công giáo, “không còn nghi ngờ về việc danh sách 12 này – ba trong số này bị bỏ sót trong một số bản văn tiếng Hylạp và Latinh khác nhau – không được hiểu cách hạn chế theo mặt chữ, nhưng theo nguyên tắc căn bản của ngôn ngữ kinh thánh, nó có thể mở rộng hơn bao gồm tất cả những hành vi tương tự”.
Với suy nghĩ trên, Giáo hội Công giáo đã chấp nhận những hoa trái “phụ thêm” này và đưa chúng vào trong Giáo lý: “Hoa trái của Thần khí là những điều thiện hảo mà Chúa Thánh Thần hình thành trong chúng ta như hoa quả đầu mùa của vinh quang vĩnh cửu. Truyền thống của Giáo hội kể ra 12 hoa trái của Thánh Thần: “Bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nại, nhân từ, lương thiện, hiền hòa, khoan dung, trung tín, khiêm nhu, tiết độ và thanh khiết” (Gal 5,22-23).
Thánh Tôma Aquinô bảo vệ danh sách mở rộng này trong Tổng luận Thần học của mình :
“Con số 12 hoa quả được liệt kê bởi thánh Tông đồ là phù hợp : và chúng ta có thể thấy hình ảnh đó trong số 12 hoa trái mà sách Khải huyền đã nói (22,2) : “giữa hai nhánh sông, có cây Sự Sống sinh mười hai trái”. Thánh Augustinô nói về đoạn Galata 5,22-23 rằng : “Vị tông đồ không có ý dạy chúng ta biết có bao nhiêu hoa trái [công việc của xác thịt hay hoa trái của Thần khí], nhưng chỉ cho chúng ta thấy rằng những điều trước cần phải tránh và những điều sau cần được tìm kiếm.
Trong một đoạn khác, sách Giáo lý cũng đề cập đến 9 hoa quả của Thánh Thần : “nhờ quyền năng của Thánh Thần, con cái Thiên Chúa có thể làm được những việc tốt lành. Đấng đã tháp nhập chúng ta vào Cây Nho thật, sẽ giúp chúng ta trổ sinh “hoa quả của Thánh Thần là bác ái, hoan lạc, bình an, quảng đại, nhân từ, lương thiện, trung tín, hiền hòa, tiết độ (Gal 5,22-23). “Thánh Thần là sự sống của chúng ta”; chúng ta càng từ bỏ ý riêng, “Thánh Thần càng hướng dẫn đời ta” (GLCG 736).
Thực tế, con số chính xác các hoa trái không phải là điều để chúng ta tập trung vào. Người Kitô hữu được mời gọi đến cuộc sống của Thánh Thần nhằm sản sinh nhiều hoa trái được thể hiện qua những suy nghĩ, lời nói và hành động của chúng ta. Đó là ý nghĩa mà thánh Phaolô nói đến khi đưa ra 9 đặc điểm được xem như hoa trái của Thánh Thần.
Mặc dù có sự khác biệt về con số và danh sách có thể khiến việc ghi nhớ trở nên khó khăn, nhưng đó cũng là một sự nhắc nhớ về thông điệp thật sự mà Thiên Chúa dành cho chúng ta.
Như Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ của mình: “Cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai” (Mt 7, 16).
G. Võ Tá Hoàng từ Gp. Quy Nhơn