Suýt chút nữa, Thủ Đô Hà Nội đã rơi vào một cuộc Shoah – đại thảm họa. Nhân mạng có thể đã bị xóa sổ một phần, một nửa hoặc toàn bộ mà không cần đến tiếng nổ của một quả bom hạt nhân nào cả. Tôi không thổi phồng nỗi sợ hãi hay đưa thông tin đe dọa mà đang cảnh báo rất thật. Thảm họa sẽ xảy ra tức khắc, nếu số dầu thải đầu nguồn đã phát hiện bị thay thế bằng một loại chất kịch độc không màu, không mùi khác. Cùng với sự quan liêu, tắc trách, vô trách nhiệm như hiện tại, 8,5 triệu dân Hà Nội có thể đều đã thiệt mạng hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sứ khỏe trước khi kịp hiểu chuyện gì đã xảy ra.
Mãi đến sáng 14-10, ông Hoàng Văn Thức, Tổng cục phó Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên Môi trường mới cho biết thông tin về nguyên nhân nguồn nước sinh hoạt cấp cho dân Hà Nội nổi váng, có mùi hôi và màu đen kịt, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ. Trước đó thì không ai hiểu chuyện gì. Ông dẫn báo cáo từ Sở Tài nguyên Môi trường Hòa Bình, thông báo: “Người dân phản ánh phát hiện xe tải 2,5 tấn đổ trộm dầu ra khe núi thuộc xã Phúc Tiến tối 8-10. Sau đó địa bàn có mưa to dẫn đến dầu từ khe núi chảy xuống suối Trâm xã Phú Minh (Kỳ Sơn, Hòa Bình) và lan đến kênh dẫn nước vào nhà máy nước sạch sông Đà” (VNExpress).
Thử hình dung, nếu việc đổ trộm chất thải kia không chỉ đơn thuần là một hành vi vô ý thức, vô đạo đức mà cao hơn, một âm mưu cố ý; nếu chất thải không phải là dầu cặn mà là chất kịch độc được tính toán, lựa chọn trước! Là Cyanure chẳng hạn! Chất độc Cyanure “sẽ ngay lập tức gây tổn thương cho não và tim mạch, nếu tiếp xúc ở liều lượng thấp có thể gây những hậu quả như khó thở, đau tim, nôn mửa, thay đổi máu, đau đầu, làm rộng tuyến giáp. Chỉ cần 50mg – 200mg Cyanure hoặc hít phải 0,2% khí Cyanure, có thể giết chết ngay lập tức một người trưởng thành” (Wikipedia).
Nên nhớ, dầu cặn hôi thối, có màu đen kịt, nổi váng khi hòa nước, dễ nhận biết. Cyanure thì không màu, không mùi, tự phân hủy và biến mất sau 24h. Khi đã nhiễm vào cơ thể ở bất kỳ đường nào (tiêu hóa, hô hấp, máu), “sát thủ” này cũng không để lại dấu vết, không thể tìm thấy khi khám nghiệm tử thi. Đại thảm họa Formosa năm 2016, nguyên nhân chính là do Cyanure dùng trong việc súc rửa đường ống cống của nhà máy xả thẳng ra biển. Khi mổ cá chết để khám nghiệm, phân tích, dấu vết của nó đã không còn tồn tại. “Phù thủy” Lê Thanh Vân, tội phạm tàn ác nhất trong lịch sử tư pháp Việt Nam trước khi đền tội đã liên tục đoạt mạng 13 người trong 3 năm (1998 -2001) mà không hề bị phát hiện, thậm chí bắt rồi cũng phải thả vì không có bằng chứng. Mụ phù thủy này đã sử dụng Cyanure để hạ độc các nạn nhân, không để lại dấu vết. Hydro Cyanure chính là loại khí được được Đức quốc xã bơm vào phòng hơi ngạt trong các trại tập trung, giết chết 6 triệu người Do Thái và hơn 5 triệu thường dân không phải Do Thái trong 4 năm 1941 -1945, tạo ra một kỷ Holocaust (kỷ tận thiêu) hay còn gọi là thời đại Shoah (đại thảm họa) trong lịch sử.
Nói tóm lại, tai họa luôn chực chờ và có thể xảy ra trong chớp mắt. Nó càng dễ bất thình lình xảy đến hơn, khi Việt Nam vẫn cứ là xứ sở của “con voi chui lọt lỗ kim” trong trách nhiệm. Từ ngày 9-10, nhà máy đã phát hiện ra vụ đổ dầu cặn, ngày 10-10 đã huy động, thuê người vớt dầu. Thế nhưng, nguồn nước ô nhiễm nghiêm trọng ấy vẫn được cung cấp về cho dân Thủ Đô sử dụng, không đi kèm cảnh báo nào cả. Nếu nói không đưa ra cảnh báo là vì không biết, vậy hóa ra nước “sạch” cung cấp cho Thủ Đô là nước sông bơm thẳng, không cần và không qua kiểm định chất lượng hay sao? Ngày 14, ông Tổng cục phó Hoàng Văn Thức đã khẳng định “Doanh nghiệp biết nguồn nước ô nhiễm mà vẫn cấp cho người dân thì phải chịu trách nhiệm”. Tuy nhiên, nếu là Cyanure, xem như khẳng định đanh thép đưa ra sau 5 ngày này sẽ là hoàn toàn vô nghĩa, vô tác dụng vì không cứu được ai cả. Thậm chí bản thân ông cũng không có cơ hội còn tồn tại để đưa ra phát ngôn!
Không chỉ Hà Nội, không chỉ là trong nguồn nước sinh hoạt. Cyanure đang được sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp. Quá trình khai thác mỏ, công nghiệp hoá chất hữu cơ, công nghiệp sản xuất thuốc trừ sâu, đặc biệt là công nghiệp luyện cán thép…đều xả ra Cyanure. Việc súc rửa đường ống xả thải của các khu công nghiệp, nhà máy cũng không thể thiếu Cyanure (để hòa tan và loại trừ kim loại nặng tồn dư). Trong khi đó, việc kiểm soát xử lý nguồn xả thải lại hết sức lỏng lẻo. Trong nhiều trường hợp (nếu không nói là phần khá lớn), nước thải công nghiệp chưa qua xử lý đã bị xả thẳng ra môi trường, mang theo đại họa có thể xảy đến bất kỳ lúc nào. Đại thảm họa Formosa 2016 không phải là trường hợp duy nhất, và e cũng không phải trường hợp sau cùng.
Từ khoảng 30 năm nay, Cyanure cũng là thành phần không thể thiếu để phục vụ việc “đánh hóa” quặng, xái vàng ở các khu vực bãi vàng Phước Sơn, mỏ vàng Bông Miêu (Quảng Nam) và bất kỳ bãi vàng tự phát nào khác trên toàn quốc. Tất nhiên, nước thải sau khâu “đánh hóa” cứ vô tư tuôn xuống khe suối và đổ xuống các dòng sông, mang theo sát thủ không hình hài. Có cầu ắt có cung, Cyanure buôn lậu vẫn được tuồn hàng tấn cho dân đào vàng. Tháng 3-2002, Công an Quảng Nam đã khám phá một vụ động trời: 500 kg Cyanure buôn lậu bị lộ đã bị bọn tội phạm vứt xuống sông Trường Giang, khu vực thôn Tiên Xuân, xã Tam Anh, huyện Núi Thành. Còn may, Cyanure được đóng trong bao nylon, lồng trong bao xác rắn nên khi được phát hiện, thu hồi, chúng chỉ mới bị tan một phần. Dù vậy, dòng sông cũng bị nhiễm độc nặng nề. Nhiều tháng sau, dân địa phương ven sông vẫn không dám tiếp xúc với nước sông. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, khi đó đang là Phó Chủ Tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã phải ra quyết định cứu trợ khẩn cấp cho 370 hộ dân thôn Tiên Xuân, nơi dòng sông nhiễm độc nặng nề nhất.
Ông Hoàng Văn Thức đã giận dữ gọi hành vi đổ trộm dầu thải ở Hòa Bình là “vô trách nhiệm” và đề nghị truy tìm thủ phạm, xử lý nặng. Sẽ nghiêm trọng hơn nhiều, nói không ngoa, đó là tội ác, nếu hành vi vô ý thức bị thay bằng một âm mưu, thay dầu cặn bằng một loại hóa chất cực độc.
Đã là âm mưu thì điều gì chẳng có thể xảy ra. Và Cyanure cũng không phải là loại chất cực độc duy nhất. Khi đó, vô trách nhiệm cũng chính là tội ác diệt chủng!
Dân Thủ Đô nên cúng tạ ơn đi mới phải!
15-10-2019
NGUYỄN HỒNG LAM