Ngày mai, 24.11.2021, lúc 10 giờ 00, tại Nhà thờ Chính tòa Tổng Giáo phận Hà Nội, Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên sẽ chủ sự thánh lễ khai mạc “Công nghị Tổng Giáo phận” nhân kỷ niệm 110 năm công đồng Kẻ Sở (1912-2021). Chúng tôi gửi tới quý vị và các bạn bài viết của cha Phanxicô X. Đào Trung Hiệu, OP về Công Đồng Kẻ Sở diễn ra cách đây 110 năm. Bài viết nhằm dịp kỉ niệm 100 năm Công Đồng Kẻ Sở (1912-2012). Vào dịp này, một thánh lễ tạ ơn long trọng đã diễn ra vào ngày 10.11.2012 tại nhà thờ Sở Kiện (trước đây là Nhà Thờ Chính Tòa Kẻ Sở), Tổng GIáo phận Hà Nội.
VÀI NÉT VỀ CÔNG ĐỒNG KẺ SỞ
I. Diễn biến Công đồng Kẻ Sở
Năm 1912, “Công đồng miền Bắc Kì lần thứ hai” được diễn ra tại khu vực nhà thờ chính tòa Kẻ Sở, từ ngày 10 đến 24 tháng 11, dưới quyền triệu tập và chủ tọa của giám mục niên trưởng Phêrô Gendreau Đông, đại diện Tông tòa giáo phận Tây Đàng Ngoài (Hà Nội) [1].
Cũng nên biết, công đồng miền Bắc Kỳ lần thứ nhất đã diễn ra tại Kẻ Sặt từ ngày 11.02 đến ngày 06.03 năm 1900. Khi đó niên trưởng là đức cha Colomer Lễ, OP giáo phận Bắc (Bắc Ninh). Nhưng vì tuổi già sức yếu, ngài xin tòa thánh ủy việc triệu tập và chủ tọa cho đức cha Terres Hiến, OP giáo phận Đông (Hải Phòng).
“Công đồng miền Bắc Kì” quy tụ các Giám mục đang phụ trách các giáo phận khu vực Đàng Ngoài, từ Sông Gianh trở ra, hiện nay là giáo tỉnh Hà Nội, khi đó thuộc Hội Thừa Sai Paris và Dòng Đa Minh. Mục đích để thống nhất hoạt động mục vụ các giáo phận trong cùng một khu vực, theo hướng dẫn của thánh bộ Truyền giáo ngày 23.06.1879 [2].
Sau công đồng Kẻ Sặt năm 1900, Hội thánh tại miền Bắc có thêm một giáo phận mới, là giáo phận Phát Diệm (Thanh), được thành lập năm 1902. Nên công đồng Kẻ Sở có bảy nghị phụ chính thức, đại diện cho bảy giáo phận.
Giáo phận Tây (Hà Nội), đức cha Gendreau Đông, MEP. Giáo phận Đoài (Hưng Hóa), đức cha Ramond Lộc, MEP. Giáo phận Đông (Hải Phòng), đức cha Arellano Huy, OP, Giáo phận Bắc (Bắc Ninh), đức cha Velasco Khâm, OP. Giáo phận Trung (Bùi Chu), đức cha Muñagorri Trung, OP. Giáo phận Nam (Vinh), thừa sai Agrall Đoài, MEP, Giáo phận Thanh (Phát Diệm), thừa sai Bareille Sơn, MEP, đại diện đức cha Marcou Thành, MEP [3].
Như vậy cùng với 5 vị giám mục, thành phần chính thức của công đồng có hai cha tổng đại diện hai giáo phận Vinh và Phát Diệm. Đức cha Belleville Thọ giáo phận Vinh, được tấn phong giám mục năm 1911, nhưng từ trần ngày 7-7-1912. Đức cha Marcou Thành vắng mặt vì lý do sức khỏe. Không kể đức cha Marcou Thành, ba giám mục Gendreau Đông, Ramond Lộc và Velasco Khâm từng tham dự công đồng Kẻ Sặt.
Thành phần được mời bàn thảo nhưng không tham gia biểu quyết, gồm : đức cha Bigolet Kính, MEP (phó Hà Nội), năm cha chính Gispert An, OP (Bùi Chu), Giraldos Thịnh, OP (Bắc Ninh), Ramos Thông, OP (Hải Phòng), Schlicklin Linh, MEP, (Hà Nội), Gustave Hue Hương, MEP (Hưng Hóa), và năm thừa sai Chevènement Nghi, MEP (Phát Diệm); Dalaine Tân, MEP (Vinh), Serra Thiều, OP (Bùi Chu), Diez Hạnh, OP (Hải Phòng), và Gordaliza Phúc, OP (Bắc Ninh).
Công đồng đã tiến hành ba phiên hội chung. Mỗi phiên trong nhiều ngày, mỗi ngày hội hai lần, sáng từ 8 giờ 30 và chiều 15 giờ. Trong ngày kết thúc phiên hội trước các nghị phụ quyết định ngày khởi sự phiên hội sau.
Phiên hội đầu khai mạc ngày Chúa nhật 10.11, với thánh lễ cầu xin Chúa Thánh Thần do đức cha Gendreau Đông chủ sự và kết thúc ngày 14.11 với thánh lễ cầu xin Chúa Thánh Thần do đức cha Ramond Lộc chủ sự.
Phiên hội thứ hai, từ chúa nhật 17.11 với thánh lễ cầu xin Chúa Thánh Thần do đức cha Velasco Khâm chủ sự. Thứ năm 21.11 có thánh lễ do đức cha Muñagorri Trung chủ sự dâng kính Đức Mẹ. Phiên hội kết vào ngày thứ bảy 23.11, với thánh lễ cầu cho các đấng bậc trong hội thánh và các ân nhân, do đức cha Bigolet Kính chủ sự.
Phiên hội cuối vào ngày 24.11, cũng là ngày bế mạc công đồng, với thánh lễ kính các chân phước Tử đạo do đức cha Arellano Huy chủ sự [4]. Vào thời điểm này đã có 92 chân phước tử đạo tại Việt Nam được giáo hội suy tôn. Đức Lêo XIII suy tôn 64 vị năm 1900. Đức Pio X suy tôn 8 vị năm 1906 và 20 vị năm 1909 [5].
Sau khi các nghị phụ tiến lên trước bàn thờ ký nhận các văn bản của hội nghị, đức cha Gendreau Đông với tư cách chủ tọa, tuyên đọc bản “rao chỉ công đồng đã hoàn thành”. Mọi người hân hoan sốt sáng xướng những lời reo mừng và hát kinh Te Deum, các nghị phụ “ôm lấy nhau trong tay Chúa cùng vui mừng trở (lở) về bằng yên”.
Văn bản công đồng Kẻ Sở được gửi về thánh bộ truyền giáo. Một ủy ban do hồng y Sebastiano Martinelli đứng đầu nghiên cứu và trình đức Pio X phê duyệt. Ngày 19.05.1914, hồng y Gooti, bộ trưởng bộ truyền giáo ký sắc lệnh châu phê công đồng, với lời nhận định :
“Sau nữa cũng nức lòng gửi lời mừng và khen Đức Thày cùng các đấng Giám mục khác miền Bắc Kì hết sức, vì đã lo lắng ân cần lập ra lề luật và mẫu mực xứng hợp cho đạo thánh Đức Chúa Lời được mở mang nẩy nở, và được vững bền một ngày một hơn”.
II. Nội dung công đồng Kẻ Sở
Năm 1915, Công vụ công đồng Kẻ Sở được phổ biến, cùng với các tài liệu liên quan như thư triệu tập, diễn tiến hội nghị, các phát biểu quan trọng … Kèm với bốn phụ lục gồm : a/. Lời Đức Piô X khuyên các linh mục toàn cầu năm 1908, nhân dịp ngài mừng kim khánh linh mục. b/. Sắc Tòa thánh năm 1913 về việc giải tội cho nữ tu. c/. Những bản mẫu điều tra về hôn phối. d/. Những tập tục dị đoan phải xa tránh như : bói toán, cúng bái và thói kiêng kỵ dân gian …
Trong lời tựa, công vụ trích thư triệu tập của đức cha Gendreau Đông ngày 16.07.1911, tán dương những thành quả của công đồng Kẻ Sặt, và khẳng định ý muốn tiếp nối công đồng này :
“Vậy các điều nghị định trong công đồng về miền Bắc Kì hội lần thứ nhất tại làng Kẻ Sặt năm 1900 đã sinh được nhiều ích lợi thiêng liêng rất bội hậu cho cả miền ta này là thể nào, ai nấy đã thử biết được cùng lấy làm vui mừng … Cho nên ta xét rằng công đồng Miền thứ hai này cốt là phải noi theo công đồng thứ nhất, để công đồng thứ hai chẳng còn ra như công đồng mới, một làm lọn việc công đồng thứ nhất mà thôi; nghĩa là trong công đồng này sẽ luận thêm các điều công đồng trước chưa luận; và các điều hoặc chưa rõ đủ, thì sẽ cắt nghĩa minh bạch, tùy như ta lấy làm phải, làm tốt hơn trước mặt Đức Chúa Lời”.
Tương tự công đồng Kẻ Sặt, nội dung chính của công đồng Kẻ Sở có bốn phần :
Phần I. Gồm 5 đoạn. Quy định trách nhiệm và nghĩa vụ của “các đấng bậc”: từ giám mục, thừa sai, linh mục bản quốc, thầy giảng đến tổ chức nhà Đức Chúa Trời, nhà tràng (Chủng viện), và các dòng nam nữ.
Phần II. Với 17 số. Quy định về tài sản Hội thánh, việc quản trị, tiêu dùng và sổ sách.
Phần III. Gồm 7 đoạn, Quy định về việc cử hành và lãnh nhận các bí tích Rửa tội, Thêm Sức, Thánh Thể, Giải Tội, Xức dầu, Truyền chức và Hôn Phối.
Phần IV. Gồm 6 đoạn. Nhắc nhở các linh mục bổn phận phải chăm lo cho các tín hữu sống đạo: siêng năng dự lễ, kiêng việc xác, ăn chay kiêng thịt, chăm sóc anh chị em tân tòng và nhắc nhở tín hữu xa tránh những điều mê tín dị đoan. Khuyến khích các linh mục mở trường học, nhà tiểu nhi và nhà thương.
III. Một vài cảm nghĩ về công đồng Kẻ Sở
Chắc chắn mỗi người, khi có cơ hội đọc lại công vụ Công đồng Kẻ Sở, sẽ có những cảm nhận riêng. Xin được chia sẻ một vài suy nghĩ cá nhân, dựa trên ba nội dung sau:
1. Mẫu gương nhiệt thành mục tử
Các vị Đại diện tông tòa đã để lại mẫu gương sáng ngời về tinh thần đoàn kết, hiệp nhất và liên đới trách nhiệm. Tiếp nối truyền thống của công đồng Kẻ Sặt, công đồng Kẻ Sở được chuẩn bị trong một thời gian dài. Qua văn thư triệu tập ngày 16.7.2011, ta thấy công đồng được dự kiến từ năm 1906 [6] nhưng được triển hạn để việc chuẩn bị được kỹ lưỡng hơn, với chương trình nghị sự được thánh bộ truyền giáo thông qua, và gửi thư phúc đáp ngày 5.12.1911.
“Vả lại Tòa này đã rõ các đấng Vítvồ [7] miền Bắc Kì có lòng sốt sắng cứu lấy các linh hồn và có đức khôn ngoan là thể nào, cho nên cũng tin chắc rằng công đồng toan hội sẽ sinh nhiều ơn ích về đàng coi sóc bổn đạo gìn giữ khuôn phép cho vững bền và mở đạo cho rộng”.
Ý thức tầm quan trọng của công đồng, các nghị đã phụ tề tựu về Kẻ Sở trước hai ngày, từ mùng 8.11, để bàn thảo về tiến trình nghị sự. Các vị đã thống nhất tiến hành liên tục ba phiên hội kéo dài đến hai tuần, và khá lý thú, khi đưa ra những hướng dẫn và chỉ thị đầu tiên của công đồng cho các đấng bậc : “Về các điều đấng Vicariô Apostolicô phải giữ”.
Qua công đồng, chúng ta thấy các giám mục luôn gắn bó với Hội thánh toàn cầu, quyết tâm “xem đi xem lại” lề luật và hướng dẫn của Hội thánh. Giữa các giáo phận, các vị hướng đến sự thống nhất trong những quy định về mục vụ, từ sách lễ, bổng lễ, đến bản kinh … Đối với giáo dân, cũng như công đồng Kẻ Sặt, các vị muốn hết lòng yêu thương và “coi sóc đoàn chiên mình cách nhân từ êm ái và cách can đảm mạnh bạo”.
2. Tinh thần đạo đức và kỷ luật
Đọc lại bản văn công đồng Kẻ Sở, chúng ta thấy toát lên tinh thần đạo đức và kỷ luật trong mọi thành phần dân Chúa. Công đồng ước ao giúp các “đấng giảng đạo” tấn tới về phần linh hồn, chu toàn việc bổn phận, “mà nên đạo đức trọn lành”. Công đồng khuyên các linh mục, chủng sinh, thầy giảng và tu sĩ phải siêng năng học các nội dung trong đạo, suy niệm, tĩnh tâm và cầu nguyện; phải quan tâm cử hành phụng vụ cho sốt sáng, và phục vụ người tín hữu cách quảng đại.
Cụ thể, các tân linh mục trong mười năm đầu, vẫn phải “siêng năng việc học hành”, để “chịu khảo cho thành công” hàng năm “về sách lý đoán”, rồi các năm sau, cùng với các cố thừa sai, thực hiện bài giải đáp vấn nạn thần học (giải nố). Về việc bổn phận trao ban các bí tích, các linh mục phải sẵn sàng không ngại xa xôi vất vả, không đòi công cán, không được mắng mỏ, trách móc, phải mau mắn dễ dàng …
Trong nếp sống, các vị được kêu mời tránh xa dịp tội, cờ bạc, rượu chè, tiền bạc và những gì không phù hợp, để có thể sống thanh thoát và gương mẫu, hầu có thể nói với mọi người lời thánh Phaolô : “Anh em hãy bắt chước tôi, như tôi bắt chước đức Kitô” (1Cr 11,1).
Nếu các giám mục phải chu toàn nhiệm vụ kinh lý, quan tâm đến sổ sách bí tích, đôn đốc sinh hoạt tôn giáo, thì các linh mục phải siêng năng đến với các họ nhỏ, quan tâm đến tuổi thơ là “những con chiên non nớt” và các bổn đạo mới …, nhắc nhở tín hữu sống thuận hòa yêu thương.
Tại mỗi xứ họ, ngoài các trùm chánh trùm thứ đã được công đồng Kẻ Sặt đề cập đến, công đồng Kẻ Sở chỉ thị các linh mục phải đặt các ông quản, bà quản, những người lo dạy giáo lý cho trẻ em theo lứa tuổi, kể cả nơi đã có thầy giảng ở thường xuyên. Đó phải là những người được “kén chọn riêng, thông thuộc lẽ đạo, sốt sáng thương yêu các linh hồn, thơm danh tốt tiếng trước mặt người bản hương…”. Với chỉ thị này, từ nay tại hầu hết các xứ họ, đều có những “giáo lý viên” để ươm mầm đức tin cho các tín hữu ngay từ thời thơ ấu.
Người tín hữu được cổ võ sống đạo thực hành. Ngoài việc xa tránh các thói dị đoan, công đồng quan tâm việc nuôi dưỡng đức tin qua bí tích, chỉ thị mỗi nhà xứ phải xây giếng rửa tội, cổ võ cha mẹ lo cho con cái xưng tội, rước lễ, thêm sức khi đến tuổi khôn [8], và cổ võ việc rước lễ thường xuyên, là đặc ân mới được đức Pio X phổ biến trong Hội thánh. Với những người sống đời dâng hiến gồm thày giảng, chủng sinh, nữ tu, thì “chịu lễ mỗi tuần lễ năm ba ngày hay là chịu lễ hàng ngày” … Bên cạnh đó, các “thày cả phải chỉ một giờ nào tiện để hằng ngày những người nhà Đức Chúa Lời chầu Mình thánh chung vuối nhau cách sốt sắng.”
Đời sống đạo của giáo dân thời này còn được nuôi dưỡng bằng các hình thức đạo đức bình dân, các tuần làm phúc, chầu mình thánh, ngắm đàng thánh giá mỗi thứ sáu và lần hạt Rôsariô Đức Bà hàng ngày. Ngoài ra chúng ta cũng thoáng thấy lòng sùng kính đối với các “đấng phúc lộc” tử đạo là anh em, là mẫu gương và là các đấng chuyển cầu thần thế, như trong lời reo mừng ngày bế mạc công đồng :
“Ngượi khen các thánh Tử vì đạo Yghêrêgia Đàng Ngoài, là anh em chúng tôi, đã làm gương sáng mạnh sức cả thể cho chúng tôi soi, mà rày đang ngự tòa sáng láng cùng Đức Chúa Jêsu ở trên lời, phúc thanh nhàn vinh hiển cho các thánh ấy đời đời.
Lạy các thánh đầy tớ Đức Chúa Lời, xin bầu cử cho chúng tôi là kẻ đang giao trận ở giữa tràng chiến này, được vững vàng trung chính cho đến chết, mà được đáng lĩnh phần thưởng Chúa Kirixitô đã phán hứa.”
3. Đáp ứng nhu cầu thời đại
Thông qua công vụ công đồng Kẻ Sở, có thể thấy, Hội thánh Việt Nam vào đầu thế kỷ XX, đã có những quan tâm đến các tín hiệu mới của xã hội đương thời.
Trước tiên, đứng trước việc xuất hiện khắp nơi các loại sách báo, tạp chí được in ấn, công đồng cổ võ in tài liệu “bằng tiếng annam kể tích nọ điều kia trong đạo” để phổ biến cho các tín hữu. Điều này dẫn đến sự ra đời của các sách kinh, sách bổn và báo chí công giáo trong những năm sau, như Đaminh bán nguyệt san tại Bùi Chu năm 1919, Thánh thể báo tại Phát Diệm năm 1919, và nhật báo Trung Hòa tại Hà Nội năm 1923 …
Kế đến là lãnh vực văn hóa giáo dục là các trường học. Thực ra lúc này các sư huynh Lasan đã mở trường tại nhiều nơi. Nhưng đứng trước nhu cầu rộng lớn, công đồng cổ võ các địa phương “góp công hiệp lực vuối nhau mà lập ra một tràng học riêng”, và nhắc các cha xứ, “vâng theo ý công đồng Kẻ Sặt mà lo liệu dựng lập những tràng học mở lòng cho các trẻ em nam nữ…”. Các nữ tu dòng tây cũng được cổ võ học tiếng Việt để có thể dạy tại “nhà tràng ấu học bản cuốc”… Có lẽ nhờ thế mà sau này, ta thường thấy các trường, ít là tiểu học tại hầu hết các giáo xứ.
Ngoài ra, lúc này ở Việt Nam bắt đầu có các bệnh viện chữa trị theo y học tây phương. Các nữ tu Phaolô đã có bệnh viện tại Hà Nội và Hải Phòng, mở ra một sứ vụ mới cho Hội thánh. Công đồng dành riêng đoạn 6, phần IV, để nhấn mạnh tầm quan trọng của nhà thương và nhà cô nhi.
Công đồng ca ngợi các giám mục, linh mục và họ đạo đã xuất công giúp của để xây dựng cũng như duy trì các cơ sở này, và cổ võ các nơi khác cũng làm theo. Đó chính là chứng từ bác ái, để “mở đạo thánh Đức Chúa Jêsu cho rộng, lại lấy các việc lành về nhân đức Carita mà làm cho thiên hạ khong khen, mộ mến sự đạo”.
Một truyền thống đã có từ thế kỷ trước trong Hội thánh Việt Nam là “họ Tiểu Nhi”, tức phong trào Thánh Nhi hay Ấu Thánh (Sainte Enfance) nhằm giúp các trẻ em xứ truyền giáo, do đức cha Forbin Janson lập năm 1843, được cổ võ cách tích cực. Mọi người thi đua nhau, nhất là các y sĩ, các dì phước và các bà đỡ thăm nom, chăm sóc rửa tội và cho trẻ em bị bệnh hiểm nghèo, nuôi dưỡng các trẻ em cô nhi hoặc bị bỏ rơi tại các “nhà Thiên thần” hay nhà Tiểu nhi,
Công đồng cho biết : “Trong các địa phận miền Bắc Kì này, nhờ ơn họ Tiểu nhi, là thật mẹ rất nhân lành cứu giúp các trẻ con nhà ngoại đạo, thì hằng năm gặt được ở đất kẻ ngoại đạo một bó hơn bảy vạn linh hồn, để thu vào kho tàng trên thiên đàng” … Mỗi năm được 70 ngàn trẻ, một con số khá bất ngờ. Công đồng cổ võ mọi tín hữu cộng tác vào hoạt động này, gọi là “gửi nó về quê thật, để các trẻ ấy sau này cầu nguyện bầu cử cho cả và nước ta lở lại đạo cho chóng hơn”.
IV. Hướng đến tương lai
Như chúng ta biết, Hội đồng Giám mục các quốc gia chỉ xuất hiện từ công đồng Vatican II, qua sắc lệnh “Nhiệm vụ các giám mục”, số 37. “Các Giám Mục cùng một quốc gia hay cùng một giáo miền quy tụ thành một Hội đồng, nhóm họp trong những kỳ hạn nhất định để một khi trao đổi những sáng kiến khôn ngoan và kinh nghiệm, cũng như cùng góp ý kiến, các ngài thực hiện được sự hòa hiệp thánh giữa các năng lực và mưu cầu công ích cho các Giáo Hội”. [9]
Thế nhưng trước Vatican II một nửa thế kỷ, các giám mục tại Việt Nam, qua hai công đồng Kẻ Sặt và Kẻ Sở, đã thực hiện theo đúng hướng đi này, dù còn hạn chế về địa lý, khi chỉ quy tụ được đại diện các giáo phận phía miền Bắc. Hướng đi đó sẽ được các vị thực hiện trọn vẹn hơn qua những công đồng Đông Dương năm 1934 và 1951, khi Việt Nam đã có khâm sứ Tòa thánh, với sự tham dự của tất cả các giám mục tại Việt Nam, Ai Lao, Cao Miên, Thái Lan, cùng với các bề trên dòng và các chuyên viên.
Hội đồng Giám mục Việt Nam hiện nay vẫn tổ chức mỗi năm hai lần hội nghị, cũng là để “lo lắng ân cần lập ra lề luật và mẫu mực xứng hợp cho đạo thánh Đức Chúa Lời được mở mang nẩy nở, và được vững bền một ngày một hơn”.[10] Công đồng Vatican II xác định, các giám mục không những chịu trách nhiệm về giáo phận của mình, mà còn phải quan tâm đến Hội thánh toàn cầu và Hội thánh trong châu lục, trong giáo tỉnh, cũng như trong khu vực.
Bài học lớn chúng ta rút ra từ công đồng Kẻ Sở, chính là mẫu gương của các vị mục tử hăng say chu toàn sứ vụ Chúa trao phó, trong tinh thần hiệp nhất, và liên đới trách nhiệm. Ở những mức độ khác nhau, từ các giám mục, linh mục, thầy giảng, nữ tu đến giáo dân, đều nỗ lực sống đạo đức và kỷ luật. Tất cả góp phần tạo nên một nề nếp sống đạo tích cực, đáp ứng những nhu cầu của thời đại, và đặc biệt, qua chứng từ đời sống bác ái, loan báo Tin mừng và mở mang nước Chúa.
Lm Phanxicô X. Đào Trung Hiệu OP
——————————————————————————–
[1] Đức cha Gendreau Đông niên trưởng với 25 năm giám mục, ngài được tấn phong năm 1887.
[2] Xưa gọi là “Tòa áp việc giảng đạo”. Xin coi văn thư triệu tập công đồng Kẻ Sở.
[3] Năm 1924, các giáo phận Việt Nam mới được đổi tên theo địa danh. Chúng tôi ghi cả tên cũ và tên mới, nhưng từ đây xin ghi theo danh xưng hiện nay.
[4] Năm 1900, 13 vị tử đạo tại Trung Hoa được đức Lêo XIII suy tôn cùng với 64 vị tử đạo Việt Nam. Từ đó, ngày 24.11 là lễ nhớ chân phước Jean Gabriel Taurin Dufresse, MEP (1750-1815), và các bạn tử đạo tại Trung Hoa và Việt Nam.
[5] Năm 1951, đức Pio XII suy tôn 25 vị.
[6] Công đồng Kẻ Sặt được châu phê ngày 28.05.1905
[7] Vítvồ : theo ngôn ngữ nhà đạo bấy giờ chỉ Giám Mục. Phiên âm từ chữ Obispo (Bồ Đào Nha), và Episcopus (Latinh). Vicariô Apostolicô là Đại diện Tông tòa, Cardinalê là hồng y.
[8] Công đồng viết : “… cứ thói annam, khi lên độ tám tuổi”, nghĩa là bảy tuổi tính theo tây lịch.
[9] Xin coi thêm Giáo luật khoản 447
[10] Xin coi sắc lệnh châu phê công đồng Kẻ Sở