Thái Hà (23.01.2016) – Chúng tôi dược biết tin cha cố GB. Lê Đăng Niêm, chánh xứ Thủ Thiêm năm nay kỷ niệm 50 năm lãnh nhận sứ vụ Linh Mục. 89 Tuổi, bệnh tật nhiều năm nay, nhưng ngài vẫn kiên trì với sứ mạng, vẫn một tấm lòng sôi sục với Giáo Hội và với đàn chiên. Cha nhắn chúng tôi: “Năm nay con kỷ niệm 50 năm chịu chức Linh Mục, nhưng con xin sống như một Tu Sĩ, nghĩa là âm thầm cầu nguyện và tạ ơn Chúa, con sẽ không tổ chức gì hết !”
Tuổi già, sức yếu, bệnh tật cùng với hoàn cảnh éo le, chúng tôi bảo nhau đi thăm ngài. Những lúc cô đơn, chúng ta cần bạn bè và những người thân yêu nhất. Những lúc sóng gió tơi bời, chúng ta cần được nâng đỡ nhất. Trong một lần đi Đà Lạt, theo chân bạn bè đến Công Viên Đất Sét, khi viếng Vườn Thư Pháp, tôi đọc được một câu viết hờ hững trên mảnh gỗ treo trên một thân cây, câu viết lạc lõng giữa bao nhiêu hiện vật khác trong vườn: “Khi ta say, ta biết ta yêu ai. Khi ta đau, ta biết ai thương ta. Khi ta đứng lên, mọi người biết ta là ai. Khi ta nằm xuống, ta biết ai là bạn bè”. Có thể đúng cũng có thể chẳng đúng, nhưng câu thư pháp ấy cứ theo tôi nhiều ngày, nó giúp tôi suy nghĩ. Hôm nay, câu thư pháp đó đẩy tôi đến thăm cha cố Niêm, tôi đến vì tôi muốn đến, đơn giản vậy.
Một ông già mệt mỏi với gánh thời gian, tiều tụy vì căn bệnh bám đeo dai dẳng, nặng nề vì những lo toan cùng đàn chiên và Giáo Hội, nhưng bỗng như tràn sức sống, cha cố nói chuyện với chúng tôi như một người am tường thời sự, thâm thúy trong tu đức và vững mạnh trong mục vụ. Cụ kể rằng từ khi còn trong Đại Chủng Viện, quan sát những sinh hoạt của giới Giáo Sĩ, suy gẫm về tâm lý của cuộc đời, cụ đã quyết định sau này làm Linh Mục, cụ sẽ không bao giờ tổ chức các lễ của mình, kể cả lễ mừng Bổn Mạng, nhưng nguyện sẽ lo chu toàn việc tổ chức lễ của anh em. Đơn giản vì mình lo cho mình rồi lấy sức đâu mà còn lo thêm cho anh em ! Rồi cụ nói, càng về gìa càng thấy điều đó đúng, vì quyết định như vậy lòng thấy vui hơn, bình an hơn và hạnh phúc hơn.
Đi thăm một ông già, ngỡ tưởng mình nâng đỡ cụ, nhưng thật ra lại được chính cụ nâng đỡ thật nhiều, cha cố nói: “Con thường cầu nguyện cho các cha, cầu cụ thể cho từng cha mà con nhớ đến, bệnh tật đã làm cho con có nhiều thời gian để nhớ đến từng người. Cha là người con hay nhắc đến khi vào giờ cầu nguyện”. Tôi ứa nước mắt khi cụ cầm tay tôi mà nói những lời chân tình.
Tôi vừa trải qua một biến cố khá nặng nề. Khi đang làm việc ở Hà Nội, một buổi tối, tôi nhận được điện thoại của một người thân, vợ của người con tinh thần của tôi, cô N. báo tin anh ấy vừa đột ngột qua đời, có thể là do nhồi máu cơ tim. Trong giọng nói hoảng loạn và tiếng khóc nức nở, sau khi cố gắng bình tĩnh, cô N. đã nói với tôi: “Bố ơi, con không biết phải làm gì bây giờ, con cần bố”. Sau khi chỉ dẫn một vài việc, liên lạc những nơi cần thiết, tôi đặt vé về Sàigòn ngay sáng hôm sau. Sau tang lễ, cô N. nói với tôi khi gia đình ngồi lại với nhau để bàn soạn công việc: “Bây giờ con mới thấy cần người lớn tuổi, xưa nay chúng con không để ý chuyện này, thật sự có những tình huống chúng con cần người lớn tuổi có mặt bên cạnh chúng con”.
Tuổi già không chỉ đáng kính nhưng còn cần thiết cho cuộc đời, chỉ những ai khám phá ra điều này mới chân nhận được hạnh phúc của Chúa thương mình, bằng không họ coi nhau là gánh nặng hoặc chỉ là những ụ đất cản đường. Hãy có một ngôi nhà hưu tử tế dành cho người cao tuổi giữa cộng đoàn tu, nơi đó ý Chúa được thực hiện bằng những giờ cầu nguyện liên lỉ trong hy sinh đau đớn của bệnh tật và tuổi già. Đó cũng là một trong các công việc truyền giáo hữu hiệu nhất.
Lm. VĨNH SANG, DCCT, 22.1.2016
Tựa đề lấy từ câu hát “Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau”
trong bài Diễm Xưa của Trịnh Công Sơn