Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Ấn Độ, Pakistan, Afghanistan và Malaysia nằm trong số các quốc gia nơi các Kitô hữu đang bị nhắm mục tiêu.
Báo cáo mới nhất từ tổ chức nhân quyền Kitô giáo có trụ sở tại Vương quốc Anh, Release International (RI), cho biết cuộc đàn áp Kitô giáo tại 7 quốc gia châu Á bao gồm cả Trung Quốc được dự đoán sẽ gia tăng vào năm 2023 do áp lực chính trị và quan điểm tôn giáo cấp tiến.
Báo cáo của RI có tiêu đề “Xu hướng đàn áp năm 2023” được phát hành vào ngày 28 tháng 12 năm 2022, nhấn mạnh Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Ấn Độ, Pakistan, Afghanistan, Malaysia và Iran trong danh sách các quốc gia mà các Kitô hữu phải đối mặt với sự đàn áp, Đài Á Châu Tự Do (RFA) đưa tin vào ngày 4 tháng 1.
Báo cáo của nhóm nhấn mạnh sự kiểm soát rộng rãi do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đặt ra đối với các Kitô hữu ở quốc gia gán cho họ là những công dân “không yêu nước” thông qua các thông điệp chính thức.
“Chính phủ dưới thời Tập Cận Bình muốn kiểm soát tất cả mọi thứ, và Kitô giáo hiện tại không hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của họ [như họ thấy]”, báo cáo trích dẫn một nguồn tin giấu tên.
“Kitô giáo đang được hình dung là không thể chấp nhận được đối với một quốc gia cộng sản vô thần, thay vì là một tín ngưỡng thiểu số nhưng có thể chấp nhận được”, báo cáo viết.
Báo cáo nhấn mạnh nhiều báo cáo về các nhà lãnh đạo và tín hữu Kitô giáo bị bắt giữ hoặc bị triệu tập để thẩm vấn liên quan đến các hoạt động của họ ở Trung Quốc.
Số lượng ngày càng tăng của các Kitô hữu phải đối mặt với các cáo buộc liên quan đến việc thờ phượng và hoạt động tài chính và tôn giáo bất hợp pháp cũng được chỉ ra như một dấu hiệu của cuộc đàn áp Kitô giáo ở quốc gia do Cộng sản cai trị.
Bắc Kinh đã gửi thông điệp rõ ràng và mạnh mẽ tới giới trẻ, giáo viên và phụ huynh rằng “tôn giáo sẽ gây tổn hại cho việc giáo dục của họ” yêu cầu họ báo cáo bất kỳ ai tham gia vào các hoạt động tôn giáo cho chính quyền, báo cáo cho biết.
Báo cáo cũng chỉ ra các trường hợp các công ty rút lại lời mời làm việc khi các ứng viên bày tỏ “niềm tin Kitô giáo”.
Tình hình của các Kitô hữu ở nước láng giềng Bắc Triều Tiên, một đồng minh thân cận của Trung Quốc cũng được nhấn mạnh trong báo cáo là ngày càng tồi tệ.
“Triều Tiên có lẽ là quốc gia đàn áp các Kitô hữu khắc nghiệt nhất trên thế giới hiện nay”, Andrew Boyd, Giám đốc Quan hệ Công chúng của Release International, RFA đưa tin.
Chế độ dưới thời Kim Jong-un xem Kitô giáo như một công cụ được các cường quốc phương Tây sử dụng để thực dân hóa các quốc gia khác và “tiếp tục giáo dục công chúng về ‘sự nguy hiểm’ của các giáo sĩ, các nhà truyền giáo và Kinh Thánh”, báo cáo viết.
Báo cáo cũng nhấn mạnh cuộc đàn áp mà Bắc Kinh đã bắt đầu đối với các Kitô hữu đào thoát khỏi Triều Tiên ở Trung Quốc với lý do Covid-19.
Chính quyền Trung Quốc đã chỉ ra ý định trục xuất những người đào thoát sang Bắc Triều Tiên, nơi họ có thể sẽ bị thẩm vấn về việc đi nhà thờ, tương tác với các nhà truyền giáo và nhận Kinh Thánh.
Trích dẫn áp lực của các nhóm cực đoan Ấn Độ giáo đối với các Kitô hữu ở Ấn Độ, vốn “ngày càng được khuyến khích bởi Chính phủ Ấn giáo cánh hữu của quốc gia”, báo cáo chỉ ra các vụ tấn công liên tục nhằm vào các Kitô hữu ở nước này.
Báo cáo cho rằng các vụ tấn công nhằm vào các nhà truyền giáo Kitô giáo từ các nhóm theo chủ nghĩa dân tộc theo Hindu đã gia tăng kể từ khi Đảng Bhartiya Janata (BJP) lên nắm quyền vào năm 2014.
Diễn đàn Liên đới Quốc gia và Hiệp hội Truyền giáo Ấn Độ đã ghi nhận khoảng 500 vụ tấn công được báo cáo nhằm vào các Kitô vào năm 2021, với khoảng 200 vụ được ghi nhận trong 5 tháng đầu năm 2022, báo cáo trích dẫn.
Quốc gia này đã chứng kiến việc thực thi nhiều luật chống cải đạo mà đảng BJP cầm quyền viện dẫn như một động thái nhằm hạn chế cưỡng bức cải đạo.
Mười tiểu bang — Chhattisgarh, Gujarat, Haryana, Himachal Pradesh, Jharkhand, Karnataka, Madhya Pradesh, Odisha, Uttarakhand, và Uttar Pradesh— đã ban hành luật chống cải đạo của họ, vốn đã bị phản đối tại tòa án ở nhiều nơi.
Tuy nhiên, các Kitô hữu và các nhóm thiểu số khác đã phản đối luật pháp vốn thường bị lạm dụng để chống lại các nhóm Kitô giáo có động cơ chính trị xấu xa.
Vào tháng 3 năm 2021, các nhà hoạt động theo đạo Hindu đã buộc phải tham gia một buổi cầu nguyện của đạo Tin lành bên trong Satprakashan Sanchar Kendra, một trung tâm truyền thông Công giáo do Dòng Ngôi Lời ở Madhya Pradesh, Ấn Độ sở hữu và quản lý.
Các nhà hoạt động theo đạo Hindu than phiền rằng những các Kitô hữu đã tham gia vào hoạt động cải đạo hàng loạt, vi phạm luật được ban hành tại bang vào tháng 1 năm 2021 nhằm hình sự hóa việc cải đạo thông qua việc dụ dỗ, ép buộc, cưỡng bức và kết hôn.
Dựa trên đơn khiếu nại, 11 Kitô hữu đã bị bắt giữ và bị buộc tội theo luật chống cải đạo nghiêm ngặt được ban hành tại bang này.
Trong một vụ việc tương tự, Sơ Bhagya, một Nữ tu hiện đang giữ chức vụ Hiệu trưởng tại một trường học ở Madhya Pradesh, đã bị bắt giữ khi một phụ nữ 45 tuổi theo đạo Hindu là Ruby Singh, một cựu giáo viên trong trường, khiếu nại với cảnh sát vào ngày 22 tháng 2 năm 2021, rằng vị Nữ tu đã dùng vũ lực nhằm buộc cô ấy cải đạo.
Tại Pakistan, các Kitô hữu phải đối mặt với “các vụ tấn công và đe dọa thường xuyên, bao gồm các cáo buộc báng bổ, giết người có chủ đích, bạo lực đám đông, cưỡng bức cải đạo và phá hủy các nơi thờ tự và mồ mả”, báo cáo viết.
“Nhiều Kitô hữu Afghanistan đã rời khỏi đất nước hoặc đang sống tạm thời ở các quốc gia láng giềng như Pakistan hoặc Iran, trong khi những người còn lại đã lẩn trốn”, báo cáo viết.
Các quốc gia có đa số người Hồi giáo như Malaysia và Iran cũng được coi là những địa điểm mà các Kitô hữu phải đối mặt với những hạn chế và khó khăn theo luật nghiêm ngặt cấm thực hành đức tin của họ.
“Cuộc đàn áp Kitô giáo đã gia tăng trong những năm gần đây. Năm 2023 có vẻ sẽ tiếp tục xu hướng đó”, Paul Robinson, Giám đốc điều hành của Release International, cho biết.
Minh Tuệ (theo UCA News)