Hàng ngàn người ký tuyên bố chung kêu gọi các ứng cử viên không dùng các cuộc vận động tranh cử gây chia rẽ
Khoảng 8.000 tín đồ tôn các giáo khác nhau tại Indonesia tập trung ở Jakarta ký tuyên bố chung về hòa bình hôm 21-10 và yêu cầu các chính trị gia và chính đảng tránh dùng trò gian lận và các bài phát biểu gây thù hận trước các cuộc bầu cử tổng thống và lập pháp vào năm tới.
Sự kiện liên tôn giáo, với sự tham dự của những người đến từ tất cả các tôn giáo được công nhận ở Indonesia gồm Ấn giáo, Công giáo, Khổng giáo, Hồi giáo, Phật giáo và Tin Lành, được tổ chức bởi nhóm Phật giáo Niciren Syosyu Indonesia (NSI).
Bộ trưởng Bộ Tôn giáo Lukman Hakim Saifuddin cùng với các lãnh đạo Hội đồng Ulema Indonesia và Hội đồng Giám mục Indonesia tham dự sự kiện này, với mục đích giáo dục người dân về tầm quan trọng của việc bầu cử diễn ra công bằng và hòa bình.
Vận động tranh cử tổng thống và lập pháp chính thức bắt đầu tháng trước. Indonesia sẽ tổ chức bầu lại tổng thống và cơ quan lập pháp vào ngày 17-4-2019.
Tuy nhiên, chưa đầy một tháng trước khi bắt đầu vận động tranh cử, đã có nhiều vụ phát biểu gây thù hận và ném bùn được phát tán trên mạng xã hội, khiến các lãnh đạo tôn giáo lo ngại có khả năng bùng nổ bạo lực.
“Chúng tôi hoàn toàn nhận thức được các nhóm sắc tộc, tôn giáo, chủng tộc khác nhau đã trở thành thực trạng của Indonesia, vốn là một đại gia đình”, theo tuyên bố liên tôn giáo.
“Do đó chúng tôi tích cực cổ võ cho thấy tầm quan trọng của hòa bình và đoàn kết dựa trên giáo huấn của mỗi tôn giáo”.
Cha Agustinus Ulayanan, thư ký điều hành ủy ban liên tôn giáo của các giám mục Indonesia, nói sự hiện diện của rất nhiều lãnh đạo tôn giáo tại sự kiện cho thấy tầm quan trọng của việc duy trì sự đoàn kết xã hội.
“Dù người dân có sự lựa chọn chính trị như thế nào đi nữa cũng sẽ không phương hại các mối quan hệ nơi những người theo các tôn giáo khác nhau”, cha Ulayanan phát biểu với ucanews.com.
Bộ trưởng Saifuddin kêu gọi các lãnh đạo tôn giáo ký tuyên bố chung về hòa bình hướng dẫn tín đồ cho phù hợp, và ngăn họ khỏi bị dễ dàng nghe theo những trò gian lận, phát biểu gây thù hận hay tuyên truyền mang tính bè phái vốn thường ảnh hưởng xấu đến các cuộc bầu cử ở Indonesia.
Mahapandita Utama Suhadi Sendjaya, nhóm tổ chức sự kiện, cho biết hòa hợp xã hội là nền tảng xây dựng đất nước vững mạnh, và giúp duy trì hòa hợp xã hội là vai trò của các cộng đồng tôn giáo.
Mahapandita Utama Suhadi Sendjaya, nhóm tổ chức sự kiện, cho biết hòa hợp xã hội là nền tảng xây dựng đất nước vững mạnh, và giúp duy trì hòa hợp xã hội là vai trò của các cộng đồng tôn giáo.
Khoan dung vẫn chưa đủ để giúp một dân tộc đoàn kết, ông nói.
“Mọi người cần phải chấp nhận nhau, bỏ qua những điểm khác biệt, và đó là chìa khóa dẫn đến cuộc sống hòa hợp”.
Nguồn: vietnam.ucanews.com