Có một sự “lệch pha” không hề nhẹ giữa ông Nicôđêmô với Đức Giêsu, giữa một người ở dưới đất với Đấng đến từ trời, giữa một bậc thầy trong dân và bậc tôn sư được Thiên Chúa sai đến, giữa một người nói chuyện dưới đất và Đấng tỏ bày những sự “trên cao”, giữa sự sinh hạ vào thế gian theo lẽ tự nhiên với việc tái sinh bởi nước và Thánh Thần, để được vào nước Thiên Chúa.
Ngay cả mặc khải cũa Thiên Chúa trong Cựu ước, người ta cũng chẳng thể hiểu trọn vẹn lẽ khôn ngoan nhiệm mầu ẩn chứa trong đó, nếu không được chính Đấng là sự khôn ngoan của Thiên Chúa giảng giải cho. Vì thế Đức Giêsu đã dùng đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất số nhiều “chúng tôi”, để hé lộ cho Nicôđêmô hiểu rằng, luôn có sự nhất quán giữa Người trong tương quan với Thiên Chúa, về những gì Người đã thấy, đã biết và làm chứng.
Mối tương quan đặc biệt này sẽ được Đức Giêsu dần dần tỏ bày, khi Người bảo Chúa Cha là Đấng đã sai Người và Người đến thế gian chỉ để thi hành thánh ý Chúa Cha; chính Chúa Cha đã muốn Người phải nói gì, làm gì, hoặc Chúa Cha luôn ở trong Người và Người luôn ở trong Chúa Cha, hoặc ai thấy Người là thấy Chúa Cha, bất chấp sự hoài nghi, khó hiểu của con người.
Vậy, ơn tái sinh bằng nước và Thánh Thần mà Đức Giêsu nói đến, để người ta có thể tham dự nước Thiên Chúa, chính là hoa quả của ơn cứu thoát mà Người sẽ thực hiện cho nhân loại theo một cách thức rất lạ lùng. Viện dẫn hình ảnh con rắn đồng trong sa mạc mà ông Môsê đã vâng lời Thiên Chúa giương cao, để cứu người Do thái khỏi chết bởi nọc rắn độc cắn vì tội nghi ngờ, chống đối và bất phục tùng Thiên Chúa, Đức Giêsu ám chỉ mầu nhiệm cứu thoát nhân loại bằng thập giá mà Người sẽ thực hiện.
Đặt mầu nhiệm thập giá trong tương quan với hình ảnh “con rắn”, biểu tượng của tội và sự dữ, Đức Giêsu cho thấy chính Người sẽ được giương cao trên thập giá, như hiện thân của sự tội, như cho thấy sự phán xét công minh của Thiên Chúa đối với những kẻ nghịch phản.
Nếu Thiên Chúa bắt người Do thái nhận ra tội của mình và cầu mong tình thương ơn tha thứ của Thiên Chúa, khi nhìn lên con rắn độc trong sa mạc từng gây chết chóc, gieo kinh hãi cho dân Do thái thế nào, thì bấy giờ, ai nhìn lên Đấng chịu treo trên thập giá và tin vào Người, sẽ được cứu thoát và được sống muôn đời.
Vì thế, hình ảnh Đức Giêsu chịu đóng đinh, mãi mãi sẽ giúp cho mọi người có thể nhìn thấy mọi thứ tội đều có thể tìm thấy qua những vết thương tích trên thân thể của Người, nhưng qua đó, cũng cho thấy tình yêu và lòng thương xót cao cả của Thiên Chúa.
Nếu người Do thái phải nhìn lên con rắn được giương cao để được chữa lành, thì từ nay, mọi người “sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu” (Ga 19,37) để đón nhận ơn tha thứ và chữa lành, chữa lành những hình ảnh sai lầm về Thiên Chúa, sai lầm về thân phận con người, không phải là một hành trình dẫn đến đau khổ và chết chóc, nhưng vươn lên tới Thiên Chúa, nhờ tin vào Đức Giêsu.
Lm. Giuse Ngô Văn Kha, DCCT