Đức Maria trong Tân Ước (2): “Mừng vui lên!” – Ma-ri-a trong tư cách là thiếu nữ Xi-on (Lc 1,28)

Chỉ một từ thôi cũng có thể cho chúng ta biết rất nhiều điều về Ma-ri-a. Hãy xem xét lời đầu tiên được nói với Ma-ri-a trong Kinh thánh. Sứ thần Gáp-ri-en hiện ra với Ma-ri-a và chào người thiếu nữ này: “Mừng vui lên!” (Lc 1, 28).

Thoáng nghe, câu chào này không có gì đặc biệt. Rốt cuộc, có bao nhiêu ý nghĩa có thể được tìm thấy trong một câu chào không thể nào đơn giản hơn như thế? Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng lời chào ở đây trong tiếng Hy Lạp là χαίρω (chaire), theo nghĩa đen lại là một mệnh lệnh có nghĩa là “Hãy vui mừng.” Và, như chúng ta sẽ tìm hiểu, đây không đơn thuần là kiểu nói “xin chào” xã giao mà chúng ta vẫn dùng để chào nhau mỗi ngày. Việc sứ thần Gáp-ri-en chào Ma-ri-a theo cách này gợi nhớ đến một nhân vật bí ẩn là thiếu nữ Xi-on trong Cựu Ước, đồng thời báo hiệu rằng lời tiên tri, Đức Chúa Trời đang đến với Ít-ra-en với tư cách là Vua, sắp được ứng nghiệm.

Trong Cựu Ước, thiếu nữ Xi-on là một nhân vật biểu tượng, đại diện cho những người trung thành còn sót lại của Dân Chúa. Xi-on chính là cái tên được đặt cho thành Giê-ru-sa-lem mà Vua Đa-vít đã chiếm được từ người Giơ-vút (2 Sm 5: 6-9), và thuật ngữ này còn được dùng để mô tả toàn bộ thành phố (Tv 125: 1-2, 147: 12; Is 1:27). Trong các sách tiên tri, cụm từ “Thiếu nữ Xi-on” được dùng theo nghĩa bóng như một hiện thân của Giê-ru-sa-lem và những người trung thành của Ít-ra-en đang chờ đợi thời kỳ Mê-si-a (Xp 3: 14-15; Dcr 9: 9; hoặc “con cái Xi-on”trong Ge 2:23). Các lời tiên tri báo trước về việc một ngày mà Chúa sẽ mời gọi Xi-on vui mừng vì Chúa, Đức Vua, sẽ giải phóng dân Ít-ra-en khỏi kẻ thù của họ.

Chi tiết Gáp-ri-en nói với Ma-ri-a bằng câu mệnh lệnh hãy vui mừng (chaire) có ý nghĩa rất quan trọng. Trong bản dịch Cựu Ước sớm nhất bằng tiếng Hy Lạp (được gọi là Bản Bảy Mươi), chính câu mệnh lệnh này (chaire) được sử dụng trong sách ngôn sứ Xô-phô-ni-a 3:14 và Da-ca-ri-a 9: 9 để mời gọi thiếu nữ Xi-on vui mừng vì Đức Chúa sẽ đến với tư cách là Vua để giải cứu dân của mình. Hai nơi khác duy nhất tìm thấy từ chaire là trong Giô-en 2:21 và sách Ai ca 4:21, trong đó ở cả hai trường hợp, chủ đề về sự vui mừng của Xi-on cũng ở trong bối cảnh tương tự như vậy.

𝗡𝗼̛𝗶 𝗰𝘂𝗻𝗴 𝗹𝗼̀𝗻𝗴 𝗰𝘂̉𝗮 𝗠𝗮-𝗿𝗶-𝗮

Trước tiên, hãy xem xét lời tiên tri trong Xô-phô-ni-a 3: 14-15. Nhà tiên tri ra lệnh cho thiểu số Ít-ra-en còn sót lại, được đại diện bởi thiếu nữ Sion, hãy vui mừng (chaire) trong Chúa, vì Đức Chúa, Đức Vua của Ít-ra-en, “đang ngự giữa ngươi” (nghĩa đen, “trong những bức tường của ngươi”) và Ngài sẽ cất khỏi mọi tai họa và giải phóng họ khỏi kẻ thù:

Reo vui lên, hỡi thiếu nữ Xi-on,

hò vang dậy đi nào, nhà Ít-ra-en hỡi!

Hỡi thiếu nữ Giê-ru-sa-lem, hãy nức lòng phấn khởi.

Án lệnh phạt ngươi, ĐỨC CHÚA đã rút lại,

thù địch của ngươi, Người đã đẩy lùi xa.

Đức Vua của Ít-ra-en đang ngự giữa ngươi, chính là ĐỨC CHÚA.

Sẽ chẳng còn tai ương nào khiến ngươi phải sợ.

Hãy lưu ý nhiều điểm tương đồng nổi bật giữa những gì được nói với thiếu nữ Xi-on trong Xô-phô-ni-a và những gì sứ thần Gáp-ri-en nói với Ma-ri-a trong Lu-ca. Cũng như lời tiên tri của Xô-phô-ni-a muốn thiếu nữ Xi-on vui mừng, Gabriel mời gọi Ma-ri-a cũng hãy mừng vui(Lc 1:28). Giống như Xô-phô-ni-a mô tả sự hiện diện gần gũi của Thiên Chúa (“Chúa ở giữa các ngươi”), Gáp-ri-en nói với Ma-ri-a: “Đức Chúa ở cùng bà” (Lc 1, 28). Xô-phô-ni-a trấn an với thiếu nữ “đừng sợ, chớ kinh hãi rụng rời”, và tương tự như vậy, Gáp-ri-en cũng động viên Ma-ri-a rằng: “Đừng sợ” (Lc 1, 30). Cuối cùng, ngôn sứ Xô-phô-ni-a báo trước sự xuất hiện của Đức Vua của Ít-ra-en. Đây cũng chính là điều mà sứ thần Gáp-ri-en báo trước điều sẽ ứng nghiệm nơi Ma-ri-a: Đức Vua Ít-ra-en chính là người con mà Ma-ri-a sẽ cưu mang trong lòng (Lc 1: 31-33).

Những mối liên hệ mạnh mẽ này chứng to một điều hết sức rõ ràng: Lu-ca muốn chúng ta nhìn Ma-ri-a dưới khía cạnh lời tiên tri của Xô-phô-ni-a về thiếu nữ Xi-on. Giống như thiếu nữ Xi-on, Ma-ri-a được mời gọi hãy vui mừng vì Đức Chúa sắp đến và “ở giữa ngươi” một cách sâu sắc nhất trong lịch sử — Chúa đang ngự đến nơi cung lòng của Ma-ri-a!

Thật vậy, đây là một điểm quan trọng mà Lu-ca lấy lại từ Xô-phô-ni-a, bởi vì, trong khi từ tiếng Do Thái chữ “ở giữa ngươi” (beqirbek) có thể mang nghĩa là “bên trong các bức tường của ngươi” khi nó được sử dụng trong mối quan hệ với một thành phố, hoặc khi từ này được áp dụng cho người phụ nữ (như ở đây với Ma-ri-a) nó có nghĩa đen là “trong cung lòng của ngươi” (x. Gn 25:23). Do đó, Lu-ca tiết lộ lời tiên tri của Xô-phô-ni-a về việc Chúa sẽ đến ở giữa dân của mình đã được hoàn thành bởi việc Chúa ngự đến nơi cung lòng của Ma-ri-a.

Theo lời của Ignace de la Potterie, Thánh Lu-ca giới thiệu Ma-ri-a là “thành phố mới nơi Thiên Chúa hiện diện, và là đền thờ tạm cánh chung của sự hiện diện của Thiên Chúa giữa dân của Ngài.” Ma-ri-a, do đó, được miêu tả giống như thiếu nữ Xi-on từ các nhà tiên tri. Cũng giống như việc kì vọng Chúa sẽ ngữ đến trong các bức tường của Xi-on, Chúa sắp ngự trong cung lòng của Ma-ri-a.

“ Kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi:” (Dcr 9: 9)

Da-ca-ri-a là một nhà tiên tri khác, một người cũng từng sử dụng câu mệnh lệnh để mời gọi Dân Chúa vui mừng vì Đức Vua ngự đến Giê-ru-sa-lem. Ngài sẽ mang lại “hòa bình cho các quốc gia” và quyền thống trị của ngài sẽ trải dài “đến tận cùng trái đất”:

Nào thiếu nữ Xi-on, hãy vui mừng hoan hỷ!

Hỡi thiếu nữ Giê-ru-sa-lem, hãy vui sướng reo hò!

Vì kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi:

Người là Đấng Chính Trực,

Đấng Toàn Thắng, khiêm tốn ngồi trên lưng lừa,

một con lừa con vẫn còn theo mẹ.

Người sẽ quét sạch chiến xa khỏi Ép-ra-im

và chiến mã khỏi Giê-ru-sa-lem;

cung nỏ chiến tranh sẽ bị Người bẻ gãy,

và Người sẽ công bố hoà bình cho muôn dân.

Người thống trị từ biển này qua biển nọ,

từ sông Cả đến tận cùng cõi đất. (Da-ca-ri-a 9: 9-10)

Một lần nữa, chúng ta có thể thấy những điểm tương đồng với lời truyền tin của sứ thần Gáp-ri-en với Ma-ri-a ngay tại điểm này. Cũng như tiên tri Da-ca-ri-a kêu gọi thiếu nữ Xi-on vui mừng vì Đức Vua sẽ đến, thì sứ thần Gáp-ri-en bảo Ma-ri-a hãy vui mừng, vì Vua của Dân Ít-ra-en đang ngự đến với Ma-ri-a (Lc 1,31-33 ). Theo lệnh của Gáp-ri-en yêu cầu Ma-ri-a vui mừng, sứ thần tuyên bố rằng niềm hy vọng của những người trung thành của Đức Chúa trong suốt nhiều thế kỷ — những hy vọng được đúc kết trong những lời tiên tri về thiếu nữ Xi-on — giờ đây đã thành hiện thực.

Tóm lại, Xô-phô-ni-a và Da-ca-ri-a đã tiên tri rằng một ngày nào đó Chúa sẽ đến với dân của ngài trong tư cách là Vua. Vào ngày đó, những người trung thành của Đức Chúa – được tượng trưng bởi thiếu nữ Xi-on – sẽ được mời gọi hãy vui mừng (chaire). Trong hàng trăm năm, Người Do Thái mong mỏi những lời tiên tri này được ứng nghiệm. Họ khao khát thời điểm mà họ sẽ được nếm trải niềm vui của kỷ nguyên Mê-si-a. Giờ đây, trong cuộc Truyền Tin cho Ma-ri-a, giây phút mong đợi bấy lâu nay cuối cùng đã đến. Khi Gáp-ri-en nói với Ma-ri-a rằng Đức Chúa, Đức Vua, sẽ đến với dân của ngài để thiết lập Vương quốc của ngài, Gáp-ri-en mở đầu thông điệp của mình với Maria bằng chính lời mời hãy vui mừng được tìm thấy trong các lời tiên tri về thiếu nữ Xi-on của ngôn sứ Xô-phô-ni-a và Da-ca-ri-a. Lời đầu tiên của Gabriel trong Lu-ca 1: 28 — chaire — báo trước buổi bình minh của thời đại Mê-si-a.

Thật vậy, Ma-ri-a, giống như các tiên tri đã báo trước về thiếu nữ Xi-on, có nhiều điều để vui mừng. Theo ghi chép của de la Potterie, thiếu nữ Xi-on được lệnh vui mừng về công việc cứu rỗi trong tương lai của Đức Chúa; giờ đây, trong Lu-ca 1:28, Ma-ri-a cũng được ban cho mệnh lệnh này. “Niềm vui được các nhà tiên tri trong Cựu ước loan báo cho dân Israel — Người thiếu nữ Zion — tự lan tỏa và tập trung vào một người phụ nữ cụ thể là Ma-ri-a, người hợp nhất trong con người của cô tất cả ước muốn và hy vọng của hết thảy mọi người dân Ít-ra-en. ”

𝗖𝗵𝗮𝗶𝗿𝗲: 𝗛𝗼̛𝗻 𝗰𝗮̉ 𝗰𝗵𝗮̀𝗼 𝘅𝗮̃ 𝗴𝗶𝗮𝗼?

Tuy nhiên, không phải tất cả các học giả đều đồng ý với cách giải thích này. Một số người xem câu chuyện trong Lu-ca 1:28 không phải như một lời mời hãy vui mừng mà là một lời chào hết sức bình thường và không hề liên quan đến bản văn ngôn sứ nào. Người ta lí giải rằng, mặc dù nghĩa đen của chaire là “vui mừng”, từ ngữ này được sử dụng như một lời chào xã giao trong tiếng Hy Lạp cổ, trong ba sách Phúc âm còn lại, và nhiều chỗ khác trong Tân Ước. Các độc giả thời đầu của Phúc âm Lu-ca liệu có thấy được trong từ chaire, mang nghĩa chào hỏi, một điều gì đặc biệt hơn một lời chào thông thường? Đây là câu hỏi được đặt ra bởi một trong những học giả kinh thánh Công giáo hàng đầu vào cuối thế kỷ 20, Raymond Brown:

Độc giả của Lu-ca nghe từ chaire được sử dụng trong cuộc sống thường nhật của họ với nghĩa là “Kính mừng, xin chào.” Nếu một người viết biết tiếng Anh hiện đại và sử dụng “Goodbye” trong lời chào tạm biệt mà không có bất kỳ bình luận giải thích nào, liệu độc giả của người ấy có nhận ra rằng tác giả kia đang gán cho câu chào ấy ý nghĩa tôn giáo cổ xưa của nó là “Chúa ở cùng bạn” không?

Đây là một câu hỏi hay. Tuy nhiên, chúng ta sẽ thấy rằng có nhiều cơ sở để kết luận rằng Maria, trên thực tế, được chào đón với một lời kêu gọi hãy vui mừng về sự xuất hiện của Đức vua — gợi nhớ đến cách mà thiếu nữ Sion được kêu gọi hãy vui mừng. Chúng ta hãy xem xét bốn điểm chính.

Thứ nhất, đồng ý rằng chaire có nghĩa đơn giản là “xin chào” trong tiếng Hy Lạp cổ điển và phần còn lại của Tân Ước, cách mà Phúc âm Lu-ca sử dụng từ này lại rất khác lạ. Đối với Lu-ca, bối cảnh là chìa khóa để giải mã ý nghĩa: Từ chaire được sử dụng trong bối cảnh Hy Lạp hay Do Thái? Khi Lu-ca muốn bày tỏ một lời chào thông thường với một thính giả nói tiếng Hy Lạp, Lu-ca sử dụng từ Hy Lạp thường được sử dụng từ phổ thông: chaire. Trên thực tế, hai trường hợp duy nhất trong toàn bộ Tin Mừng Lu-ca và sách Công vụ tông đồ khi chaire được sử dụng như một lời chào thông thường là trong bối cảnh không phải của người Do Thái: phần mở đầu của những lá thư dành cho đọc giả nói tiếng Hy Lạp (Công vụ 15:23; 23:26).

Nhưng trong bối cảnh Do Thái, Phúc âm của Lu-ca không bao giờ sử dụng chaire để diễn đạt một lời chào thông thường. Đối với những lời chào đơn giản, thay vào đó, tác giả sử dụng tiếng Do Thái để phục vụ mục đích này (shalom), được dịch trong tiếng Hy Lạp là eirēnē (Lu-ca 10: 5; 24:36).

Vì vậy, khi Lu-ca muốn diễn đạt một lời chào thông thường, tác giả sử dụng từ chaire trong bối cảnh Hy Lạp và eirēnē (bình an) trong bối cảnh Do Thái. Đây là điều làm cho việc sử dụng từ chaire trong cảnh Truyền tin trở nên đặc biệt. Maria không phải là người Hy Lạp. Cô ấy là một phụ nữ Do Thái đến từ làng Nazareth, ngôi làng thuần Do Thái. Vì vậy, người ta mong đợi Lu-ca sẽ sử dụng từ mà tác giả thường sử dụng để chào hỏi trong bối cảnh Do Thái, eirēnē. Nhưng việc Lu-ca sử dụng câu chào bằng tiếng Hy Lạp trong khung cảnh Do Thái của Ma-ri-a là điều khá lạ lùng — trừ khi Lu-ca có ý gì khác hơn là một câu chào đơn giản. Cùng một ý như vậy, nhà thần học Joseph Paredes đặt câu hỏi, “Tại sao kiể chào Hy Lạp lại được sử dụng trong bối cảnh Do Thái? Sẽ bình thường hơn nếu gán cho sứ thần câu chào shalom (bình an) trong tiếng Do Thái. ”

Việc sử dụng từ chaire một cách bất thường này đã khiến Paredes và nhiều học giả khác kết luận rằng đây không đơn thuần là một lời chào thông thường trong Lu-ca 1:28. Thay vào đó, việc sử dụng câu chào chaire trong bối cảnh Do Thái này cho thấy rằng nó nên được hiểu theo nghĩa đen là lời mời hãy vui mừng — và chính câu nói này sẽ gợi lại lời kêu gọi của các ngôn sứ dành cho thiếu nữ Xi-on hãy vui mừng vì sự xuất hiện của Đức Vua.

𝗖𝗼̂𝗻𝗴 𝘁𝗵𝘂̛́𝗰 𝗯𝗮 𝗯𝘂̛𝗼̛́𝗰

Thứ hai, có nhiều mối liên hệ giữa lời chào của Gáp-ri-en và những lời tiên tri về thiếu nữ Xi-on hơn là chỉ một từ ngắn gọn, chaire. Như các nhà chú giải Tân Ước bên Tin lành là John Nolland và Joel Green đã chỉ ra, những từ ngữ mà sứ thần sử dụng để nói với Ma-ri-a tuân theo cùng một mẫu công thức ba bước được tìm thấy trong các bản văn về thiếu nữ Xi-on này: chaire + xưng hô + công việc thiêng thánh là nguyên nhân của niềm vui.

Mẫu công thức ba bước này có thể được tóm tắt như sau:

1. Đầu tiên là lời kêu gọi hãy vui mừng, chaire (câu mệnh lệnh).

2. Thứ hai, theo sau là đề cập đến tên của người tiếp nhận:

Lu-ca 1:28 “Đấng đầy ân sủng” (kecharitōmenē)

Xô-phô-ni-a 3:14 “thiếu nữ Xi-on”

Da-ca-ri-a 9: 9 “thiếu nữ Xi-on”

Giô-en 2:23 “các con trai của Xi-on”

Ai-ca 4:21 “thiếu nữ Ê-đôm”

3. Cuối cùng, một thái độ hoặc hành động thiêng liêng được đề cập đến như là lý do để vui mừng. Chúng ta có thể thấy điều này trong ba lời tiên tri về thiếu nữ Xi-on có liên quan chặt chẽ nhất đến câu chuyện truyền tin của Lu-ca:

Trong sách ngôn sứ Xô-phô-ni-a 3: 14-15, cơ sở để vui mừng là Đức Chúa, Đức Vua, đang ở giữa họ, ngài đến để xóa bỏ sự bản án của họ và xua đuổi kẻ thù của họ.

Trong sách ngôn sứ Da-ca-ri-a 9: 9-10, lý do để vui mừng là vì Đức Vua của họ đang đến với họ để mang lại hòa bình cho các quốc gia và thiết lập triều đại của ngài đến tận cùng trái đất.

Trong Giô-en 2: 23-24, lý do để vui mừng là vì Chúa đang minh oan cho dân Ngài, chấm dứt lời nguyền về hạn hán và nạn đói kém, và ban phúc lành cho dân có mưa và mùa màng bội thu.

Tương tự, sứ thần Gáp-ri-en kêu gọi Ma-ri-a hãy vui mừng vì “Chúa ở cùng [bà]” (Lu-ca 1:28).

Do đó, không chỉ có câu mệnh lệnh chaire liên kết Lu-ca 1:28 với các bản văn ngôn sứ trong Cựu Ước kêu gọi Xi-on hãy vui mừng. Công thức ba bước chaire + xưng hô + hành động thiêng liêng trong Lu-ca 1:28 cũng có vai trò như vậy. Công thức này chỉ được tìm thấy trong các đoạn Kinh thánh Cựu Ước mà ở nơi những đoạn này, chaire rõ ràng không thuần túy là một lời chào đơn giản, bởi lẽ những đoạn này đều mời gọi Dân Chúa vui mừng vì hành động cứu độ của Đức Chúa Trời.

𝗦𝘂̛̣ 𝘃𝘂𝗶 𝗺𝘂̛̀𝗻𝗴 𝗰𝘂̉𝗮 𝗛𝗼𝗮̀𝗻𝗴 𝘁𝗼̣̂𝗰

Lý do thứ ba để khẳng định lời chào chaire trong Lu-ca 1:28 gợi nhớ đến các lời tiên tri về thiếu nữ Xi-on là cách giải thích này phù hợp với nhiều chủ đề về Mê-si-a hoàng tộc trong cảnh Truyền tin. Chúng ta đã thấy cách những lời tiên tri về thiếu nữ Xi-on tập trung vào việc vui mừng trước sự xuất hiện của Đức Chúa với tư cách là Đức Vua. Chính chủ đề cũng được nhấn mạnh trong lời tường thuật của Lu-ca về việc sứ thần truyền tin cho Ma-ri-a. Lu-ca nhấn mạnh cách Ma-ri-a được kêu gọi hãy vui mừng không chỉ đơn giản vì cô ấy sắp sinh con, nhưng quan trọng hơn, là vì đứa con của cô sẽ là Đấng Mê-si-a, là Đức Vua được mong đợi từ lâu. Như sứ thần Gáp-ri-en tiếp tục tiên báo, người con này sẽ là người sẽ được trao “ngai vàng của tổ phụ Đa-vít” (1:32), người sẽ “trị vì nhà Gia-cóp đời đời” và “vương quốc” của người sẽ “không có hồi kết.”(1:33) —nói cách khác, là người sẽ thực hiện những lời Đức Chúa Trời đã hứa với Ít-ra-en về vương quốc vĩnh cửu. Quả thật, đây là lý do trên cả tuyệt vời để vui mừng! Vì thế, nếu một trong những thông điệp chính trong cảnh Truyền tin của Lu-ca là Ma-ri-a sẽ là mẹ của Đấng Mê-si-a, thì việc giải thích câu chuyện trong 1:28 như gợi lên những lời tiên tri về thiếu nữ Xi-on phù hợp với chủ đề này. Giống như thiếu nữ Xi-on ngày xưa, chính Ma-ri-a cũng được kêu gọi để vui mừng về sự xuất hiện của Đức Vua (Xp 3: 14-15; Dcr 9: 9), vị Vua sẽ ngự vào trong cung lòng của Ma-ri-a.

𝗖𝗵𝘂̉ đ𝗲̂̀ 𝘃𝗲̂̀ 𝗻𝗶𝗲̂̀𝗺 𝘃𝘂𝗶 𝗰𝘂̉𝗮 𝗟𝘂-𝗰𝗮

Lý do thứ tư để giải thích từ chaire trong Lu-ca 1:28 với nghĩa mệnh lệnh “hãy vui mừng” là nó phù hợp với chủ đề vui mừng trong suốt Phúc âm Lu-ca và đặc biệt là trong câu chuyện thời thơ ấu (1:14, 47, 58; 2:10). Trên thực tế, hai lời loan báo khác về sự sinh nở trong Tin Mừng Lu-ca — những lời loan báo cho Da-ca-ri-a và những người chăn cừu ở Bết-lê-hem — cũng bao hàm chủ đề vui mừng (1:14; 2:10). Nếu chaire trong Lu-ca 1:28 chỉ được xem như một lời chào thông thường chứ không phải là một lời kêu gọi vui mừng, thì việc Truyền tin cho Ma-ri sẽ là lời thông báo duy nhất về sự ra đời của đấng Mê-si-a. Điều này có vẻ không phù hợp vì Ma-ri-a có nhiều lý do để vui mừng hơn Da-cha-ri-a hoặc những người chăn chiên, vì Maria không những được kêu gọi hãy vui mừng về việc Đấng Mê-si-a đến với Ít-ra-en, nhưng Ngài thậm chí còn ngự đến trong cung lòng của Maria.

Tóm lại, Phúc âm Lu-ca rõ ràng liên kết với Ma-ri-a với hình ảnh “thiếu nữ Sion” được tán dương trong Cựu Ước. Niềm vui được các nhà ngôn sứ loan báo sẽ đến với thiếu nữ Sion giờ đây tập trung vào một người duy nhất, Maria. Theo cách nói của George Montague, thiếu nữ Xi-on “không còn là một hình ảnh tượng trưng, mà là một con người cụ thể”. Ma-ri-a là thiếu nữ Xi-on, đại diện cho dân trung tín của Đức Chúa Trời, được kêu gọi để vui mừng — vì Chúa ở cùng Ma-ri-a. Thật phù hợp biết bao khi Maria đại diện cho dân Chúa Trời để trở nên người sẽ đón nhận Đức Chúa, Đức Vua, sắp ngự trong cung lòng Ma-ri-a.

Duc Trung Vu, C.Ss.R

Chuyển dịch theo cuốn “Rethinking Mary in the New Testatement.”

……………..

Đọc Thêm: Đức Maria trong Tân Ước (1): Cuộc đời của Maria trước khi xảy ra biến cố Truyền tin (Lu-ca 1: 26-27)